Nước và thuyền – linh hồn và nhục thân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong "Liệt Tử - Hoàng Đế thiên”, Nhan Hồi đã xin lời chỉ dạy của Đức Khổng Tử về kỹ thuật chèo thuyền, điều này rất đáng để suy ngẫm, nó gợi mở mối quan hệ giữa linh hồn và nhục thân, đưa con người trở về với Đạo.

Nhan Hồi hỏi Khổng Tử:

"Con từng đi qua một đầm sâu tên là Thương Thâm, người lái thuyền chèo rất điêu luyện. Con hỏi ông ấy: 'Có thể học kỹ thuật chèo thuyền không?'.

Ông ấy đáp: 'Được. Nếu là người biết bơi thì tôi có thể dạy, người nào mà bơi giỏi thì có thể học thành thục rất nhanh. Còn nếu là người biết lặn, dù chưa từng nhìn thấy thuyền thì cũng có thể chèo lái được ngay’.

Con lại hỏi tiếp, thì ông ấy không lên tiếng nữa.

Thưa thầy, điều ông ấy nói có nghĩa là gì?".

Khổng Tử cảm thán đáp:

"Ta đã dạy con nghiên cứu học tập những kiến ​​thức sách vở đó từ rất lâu rồi. Nhưng con không nắm được những kinh nghiệm thực tiễn, thì làm sao có thể nói đến việc nắm rõ Đạo đây?

Có thể dạy cho người biết bơi là bởi vì họ không sợ nước. Người bơi giỏi có thể học [chèo thuyền] rất nhanh là vì họ quen nước. Còn người biết lặn mà chưa từng thấy thuyền nhưng lại có thể chèo được ngay, là bởi vì họ coi đầm sâu như ngọn núi, coi việc lật thuyền như lùi xe. Vạn vật lật ngược đảo lộn trước mắt họ nhưng nội tâm người ấy không hề bị dao động. Người như vậy gặp phải việc gì cũng có thể ung dung bình tĩnh”.

Nếu dùng viên ngói đặt cược, kỹ thuật chơi nhất định sẽ tài tình. Nếu dùng đồ trang sức bằng đồng bằng bạc đặt cược, trong lòng sẽ lo sợ [bị mất]. Nếu dùng vàng đặt cược, đầu não sẽ hỗn loạn hồ đồ. Kỹ xảo đánh bạc vốn là vậy. Phàm là người quá yêu thích những vật ngoại thân và quá coi trọng chúng, thì tâm trí thường trở nên kém cỏi, nông cạn”.

Nếu con người bẩm sinh đã biết bơi và quen thuộc với nước, thì con thuyền chỉ là vật bên ngoài, nó chỉ có tác dụng chở sinh mệnh, còn chủ tể của sinh mệnh vẫn là bản thân con người chứ không phải vật bên ngoài, bởi tự bản thân con người đã có bản năng tiềm ẩn (có thể bơi lội). Nhưng khi con người bắt đầu lệ thuộc quá nhiều vào vật bên ngoài và để chúng quyết định thay bản thân mình, bản năng của con người sẽ dần dần thoái hóa.

Trong tiếng Hán, chữ “lãn” (懒, lười) là do chữ “lại” (赖, trong từ ‘ỷ lại’) ghép thêm chữ “tâm” (忄) mà thành. Rất rõ ràng, khi con người sinh tâm ỷ lại vào vật bên ngoài thì sẽ trở nên lười biếng. Con người ngày nay theo đuổi tiện nghi vật chất một cách thái quá, thậm chí còn ảo tưởng rằng “người lười có cái phúc của người lười”, coi cái lười biếng là một trạng thái theo đuổi sự nhàn hạ, thoải mái. Đó là một trạng thái cực đoan. Nhưng lại không biết rằng chúng ta đang dần đánh mất đi bản năng trời sinh quý giá nhất. Nếu đánh mất khả năng chế ngự con thuyền cuộc đời mình, sẽ chẳng khác gì tự mình đặt ra những nguy hiểm tiềm ẩn cho hành trình cuộc đời.

Chữ "hoạt” (活, sống) cũng diễn giải một cách rất sinh động về mối quan hệ giữa chân ngã của bản tính và cảm quan của cơ thể người. Cuốn "Thuyết văn Giải tự” viết rằng, chữ "hoạt" là chỉ tiếng nước chảy, chỉ dòng nước đang di động; hình dạng, trạng thái của nước chính là đặc tính của nước. Trong suy nghĩ của con người, một sinh mệnh là phải có sự sống, phải được sinh ra thì mới có thể sống trên cõi đời này, vậy con người sinh ra trên đời chỉ để bôn ba cực nhọc hay sao? Vậy đâu mới là ý nghĩa chân thực của việc “sống”?

Nhân chi sơ, tính bản thiện. Con người từ khi sinh ra đã mang bản tính thiện lương. “Thượng thiện nhược thủy” – tức là nước là thiện nhất, hoặc người có đức hạnh thiện lương thì giống như nước – câu nói trong “Đạo Đức Kinh” đã chỉ rõ nội hàm của chữ “hoạt”. Đặc tính của nước là thiện, vậy con người sống trên đời này cũng phải duy trì thiện lương, bởi đó mới là bản tính Trời ban.

Nhục thân con người chỉ như một chiếc thuyền con, đang lênh đênh giữa biển khổ nơi phàm trần để tìm đường trở về, phản bổn quy chân. Sinh mệnh thực sự của con người là chủ nguyên thần, cũng có thể gọi là linh hồn. Chính phần hồn ấy mới là người chèo lái có thể đưa con thuyền tới bến bờ kia.

Nhưng nếu không hiểu đạo lý trên, lý trí sẽ bị những ham muốn, dục vọng của nhục thân nuốt chửng, chân ngã cũng vì vậy mà vĩnh viễn mê mờ trong danh lợi nơi trần thế. Khi ấy, sinh mệnh đúng là đang trong nguy hiểm, hậu quả thật khó lường.

Có vẻ như Nhan Hồi đang hỏi Khổng Tử về "Đạo", đang thỉnh lời chỉ dạy của Thánh nhân về “Pháp” để tự độ sinh mệnh bản thân và cứu độ chúng sinh!

Theo Nguyên Hinh - Zhengjian

Nam Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nước và thuyền – linh hồn và nhục thân