Nấm dược liệu là gì? Công dụng tuyệt vời của các loại nấm dược liệu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Loài thực vật tuyệt vời - nấm dược liệu, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, một số trong số đó đã được công nhận từ những niên đại xa xưa.

Cây nấm có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau. Chủng loại nấm và sự phát triển của chúng phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên xung quanh, và mỗi một chủng loại mang các thành phần dinh dưỡng khác nhau. Nấm từ lâu đã trở thành một trong những thực phẩm được ưa chuộng hàng đầu.

Hiện khoa học vẫn chưa thống nhất rằng có bao nhiêu loài nấm trên thế giới, và cho đến nay chỉ có khoảng 120.000 loài được mô tả. Trong đó có 2% là nấm độc, các chủng loại còn lại được sử dụng vì các đặc tính chữa bệnh của chúng.

Dù hầu hết các loại nấm đều có thể ăn được, nhưng có rất ít loài thực sự được con người sử dụng, vì hầu hết chúng đều dai, có mùi gỗ hoặc sền sệt, có mùi vị khó chịu. Chỉ có khoảng 20 loài là thực sự có hương vị.

Lịch sử của nấm

Nấm đã được sử dụng hàng ngàn năm trong các nền văn hóa trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Đông, như một loại thuốc bổ có giá trị cao cho cuộc sống, giúp bổ sung năng lượng, tăng cường tuổi thọ và sử dụng cho các nghi lễ tâm linh khác nhau. Một số loại nấm này đã được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền Trung Quốc (Trung Y) và phương pháp y học Ayurvedic do dược tính của chúng.

Danh sách những cây thảo dược cổ xưa nhất trong Trung Y đến từ cuốn sách ‘Thần Nông bản thảo kinh’, đề cập đến 365 loại dược chất, và danh sách bao gồm một số loài nấm được sử dụng cho mục đích y học. Đặc biệt nổi tiếng nhất là nấm Linh Chi. Tính đến năm 2015, giới nghiên cứu đã phát hiện dược tính của hơn 850 loài nấm.

Thực hành y học truyền thống của Nhật Bản được gọi là Kampo đã tồn tại từ thế kỷ thứ năm và dựa trên Trung Y nhưng đã được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa Nhật Bản. Nấm dược liệu thường được kê đơn ở Nhật Bản, đặc biệt là cho bệnh nhân ung thư theo phương pháp ‘ung thư học tích hợp’.

Ngày nay, loại nấm được tiêu thụ phổ biến nhất là nấm mỡ (Agaricus bisporus), chiếm khoảng 40% các loại nấm được trồng trên khắp thế giới. Trong số các loại nấm dược liệu, ‘nấm hương’ hiện là loại nấm ăn được trồng hàng đầu trên thế giới, chiếm khoảng 22% nguồn cung trên thế giới. Loại nấm ăn ‘xịn’ nhất (và đắt nhất) có tên là nấm truffle, được ví là ‘viên kim cương của nhà bếp’.

Nấm cũng có một hương vị được gọi là umami, là một vị mặn có trong thịt. Hương vị umami này làm cho nấm trở thành một nguyên liệu thay thế thịt phù hợp. Nấm Portobello là một món thay thế thịt phổ biến ở châu Âu.

Nấm dược liệu là gì?

Trong vài năm gần đây, các dược tính của nấm nhận được rất nhiều quan tâm, khiến chúng trở thành một loại ‘thực phẩm kì diệu’.

Nấm nói chung chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi như vitamin B, chất chống oxy hóa và chất xơ, và bao gồm chủ yếu là nước, carbohydrate và protein. Nấm dược liệu có các đặc tính đặc biệt được biết đến là có lợi cho sự trao đổi chất và hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Ngoài ra, nấm cũng có thể giúp loại bỏ các gốc tự do trong quá trình giải độc cơ thể.

Nghiên cứu đã đặc biệt chú ý đến phân tử đường đa (polysaccharide) của nấm, là một loại carbohydrate góp phần vào quá trình chuyển hóa đường như glucose. Chất quan trọng nhất trong số này là beta-glucan, một polysaccharide hóa thực vật được tìm thấy trong thành tế bào của nấm dược liệu.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng beta-glucan giúp ngăn ngừa chứng viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách kích hoạt các tế bào T. Điều này kết hợp với nhiều khía cạnh của hệ miễn dịch thích ứng, bao gồm phản ứng với mầm bệnh nội bào, chất gây dị ứng và khối u.

Nấm dược liệu đã được nghiên cứu chuyên sâu trong các nghiên cứu lâm sàng phương Đông và nhiều lợi ích sức khỏe của chúng đã được chứng minh. Mỗi loại nấm mang lại những lợi ích sức khỏe riêng biệt.

Các nghiên cứu về nấm vẫn còn mới đối với y học phương Tây, và thử nghiệm lâm sàng vẫn cần được nghiên cứu thêm, vì phần lớn thử nghiệm đều được thực hiện trên chuột.

Các loại nấm dược liệu phổ biến

Linh chi: Nấm linh chi (Ganoderma lucidum) đã được Trung Y cổ truyền sử dụng trong hơn 2.000 năm để chữa bệnh, điển hình là béo phì và chống viêm.

Hầu Thủ: Hericium erinaceus giúp cải thiện tinh thần minh mẫn, chứa nhiều chất chống oxy hóa và tăng cường hệ thống miễn dịch. Nó có thể giúp làm chậm sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ, có đặc tính chống trầm cảm và chống lo âu, và cũng có thể giúp phục hồi tổn thương thần kinh.

Nấm chaga: Inonotus Obliquus có thể hạn chế các gốc tự do, chống oxy hóa và viêm. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy nó có thể hữu ích với bệnh tiểu đường, một số khối u và rối loạn tim.

Nấm hương (nấm đông cô): Lentinula edodes đã được trồng rộng rãi từ khoảng năm 1000 sau Công nguyên và đặc biệt tốt cho tim mạch. Nó đã được chứng minh là làm giảm cholesterol LDL ở chuột và chứa các hợp chất ức chế sự hấp thụ và sản xuất cholesterol trong gan.

Nấm Vân chi: Nấm Vân chi có chứa một hợp chất gọi là polysaccharide-k có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch.

Nấm khiêu vũ (nấm maitake): Grifola frondosa phổ biến trong y học Kampo của Nhật Bản. Một cây nấm có thể nặng đến 45 kg. Nấm maitake có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, điều hòa huyết áp và đường huyết, ngăn ngừa và ức chế khối u.

Nấm kim châm: Flammulina velutipes được yêu thích vì hương vị của nó, khả năng có trong mùa đông khi ít loại nấm khác ra quả và vì một loạt các lợi ích y học được cho là giúp chữa mọi thứ, từ khối u, mất trí nhớ đến viêm loét dạ dày.

Đông trùng hạ thảo: Cordyceps là một loại nấm ký sinh phát triển trên cơ thể ấu trùng của côn trùng. Đây là một trong những loại nấm được sử dụng phổ biến trong Trung Y cổ truyền để điều trị bệnh thận mãn tính và được nhiều người sử dụng để cải thiện sức khỏe.

Nấm: Chọn thực phẩm toàn phần hay thực phẩm bổ sung?

Một số loại nấm dược liệu, chẳng hạn như nấm hương, nấm kim châm, nấm hầu thủ và nấm maitake, có thể được ăn bằng cách nấu chín. Những loại khác, chẳng hạn như linh chi hoặc vân chi thì quá dai và đắng để ăn và cần được chế biến thành trà, súp, bột hoặc cồn thuốc có thể được thêm vào sinh tố, trà, cà phê hoặc rắc lên ngũ cốc.

Thị trường thực phẩm chức năng đã bổ sung nấm dược liệu vào các dòng sản phẩm mới chỉ từ vài năm nay, nhưng sự đa dạng ngày càng phát triển. Những chất bổ sung chế độ ăn uống này bao gồm nhiều sự kết hợp, tuyên bố cung cấp một loạt các hợp chất để cải thiện sức khỏe. Hãy tìm các sản phẩm được làm từ nấm 100% , được chứng nhận ‘sản phẩm hữu cơ’, đảm bảo rằng nó đã được kiểm chứng khoa học và không chứa chất độn.

Việc nâng cao nhận thức về các tác dụng phụ tiềm ẩn của các hóa chất điều trị tổng hợp đã dẫn đến việc tăng cường nỗ lực tìm kiếm các sản phẩm tự nhiên có tác dụng có lợi cho sức khỏe. Điều này đã làm cho số lượng các sản phẩm nấm dược liệu xuất hiện trên thị trường tăng lên rất nhiều. Cần có những nghiên cứu thêm về các thành phần hoạt tính sinh học trong nấm để xác định phản ứng sinh học của chúng ở người, cũng như vị trí của chúng trong các ứng dụng dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng trong tương lai.

Quang Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nấm dược liệu là gì? Công dụng tuyệt vời của các loại nấm dược liệu