Thị trường việc làm Trung Quốc ảm đạm, gần một nửa cử nhân đại học đành bỏ phố về quê

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do không tìm được việc làm và chi phí nhà ở tăng cao, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc từ bỏ ý định ở lại các thành phố lớn và trở về quê hương.

Tờ China News Service - hãng thông tấn nhà nước lớn thứ hai ở Trung Quốc - ngày 8/8 trích dẫn cuộc khảo sát ở khu vực tư nhân cho biết, trong vòng sáu tháng sau khi tốt nghiệp, khoảng 47% cử nhân ra trường năm 2022 đã trở về quê hương, cao hơn con số 43% của năm 2018.

Dữ liệu cử nhân bỏ phố về quê giữa các vùng cũng có sự khác nhau. Ở khu vực phía Đông tương đối phát triển, tỷ lệ này là 59%. Trong khi ở khu vực phía Tây là 44% và ở vùng Đông Bắc là 24%.

Từ trước tới nay, những sinh viên đại học đến từ vùng nông thôn hoặc các thành phố vừa và nhỏ ở Trung Quốc luôn mong muốn có thể ở lại các đô thị loại 1 sau khi tốt nghiệp. Nhưng trước áp lực kinh tế hiện nay, nhiều người đã từ bỏ ý định này.

Thậm chí, để có thể ở lại các thành phố lớn và tiết kiệm tiền, một bộ phận người trẻ đã chấp nhận ngủ chung giường với người lạ. Các bài đăng "Tìm bạn cùng giường" (dùng chung một chiếc giường) ngày càng trở nên phổ biến trên các nhóm WeChat và nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu (Instagram phiên bản Trung Quốc).

Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 21,3%. Nguyên nhân là vì cơ hội việc làm có hạn, nền kinh tế gặp khó khăn, cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc trong các lĩnh vực bất động sản, công nghệ và giáo dục đã tước đi một lượng lớn công việc. Theo các quan chức từ cục thống kê của Trung Quốc, trong tháng Sáu nước này có hơn 6 triệu thanh niên thất nghiệp.

Giá thuê nhà tăng cũng buộc giới trẻ phải trở về quê. Theo Tân Hoa Xã, từ tháng Mười Hai năm ngoái đến tháng Sáu năm nay, giá thuê nhà ở Bắc Kinh đã tăng 5%, Quảng Châu và Thâm Quyến tăng 2,8%.

Tuy nhiên, vẫn có những người không muốn từ bỏ các thành phố lớn.

Reuters đưa tin vào ngày 9/8 rằng cô Joyce Zhang, tốt nghiệp năm 2022 chuyên ngành kỹ sư tài chính, mỗi tháng đều gửi 10 hồ sơ xin việc cho các công ty tài chính. Nhưng cô nói rằng ngay cả khi không tìm được việc làm ở Bắc Kinh, cô cũng sẽ không về quê.

Zhang nói với Reuters: “Vì sự suy thoái gần đây trong ngành tài chính, tôi đã cân nhắc đến việc quay về làm ở Nội Mông, nhưng tôi vẫn muốn thử thêm chút nữa”.

Mỗi tháng, cha mẹ của Zhang đều trả 2.600 nhân dân tệ (khoảng 8,5 triệu VND) tiền thuê nhà cho cô. Căn phòng này rộng 12 mét vuông, cô phải dùng chung nhà bếp và phòng tắm với người khác.

Một số chính quyền địa phương Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ thanh niên tìm việc và thuê nhà, nhưng lại kèm theo điều kiện. Ví dụ, một quận ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cho phép những thanh niên đủ điều kiện được thuê nhà miễn phí nhưng đổi lại mỗi tháng họ phải chăm sóc người già hơn 10 tiếng và nộp phí quản lý 300 nhân dân tệ (gần 1 triệu VND).

Hồi tháng 4, Quảng Đông cho biết họ sẽ giúp sinh viên đại học và các nhà khởi nghiệp trẻ tìm việc làm ở nông thôn, họ cũng khuyến khích những thanh niên xuất thân từ nông thôn trở về nông thôn tìm việc làm. Kế hoạch này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và bị cư dân mạng “ném đá”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thị trường việc làm Trung Quốc ảm đạm, gần một nửa cử nhân đại học đành bỏ phố về quê