Nợ chính phủ của Trung Quốc tồi tệ, nhưng còn nợ trong khu vực thị trường thì sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nợ trong khu vực thị trường của Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn nợ chính phủ. Không những thế, ngay cả sự phân biệt nợ khu vực thị trường và nợ khu vực nhà nước cũng là nông cạn và gây hiểu nhầm.

LGFV (Phương tiện tài chính của chính quyền địa phương), tồn tại từ năm 1991, là những con lai tài chính lai của Trung Quốc được quản lý lỏng lẻo đóng vai trò trung gian trong hệ thống thông đồng giữa thị trường và nhà nước của Trung Quốc. Trên danh nghĩa, họ là các công ty hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng lại thuộc sở hữu của chính quyền địa phương. Ban đầu được thành lập với mục đích đáng ca ngợi là tạo điều kiện cho phát triển cơ sở hạ tầng địa phương, chúng đã trở nên tai tiếng trong việc giúp các lãnh đạo đảng địa phương tăng cường tài chính ngoại bảng cân đối cho các dự án hoành tráng phục vụ cho sự thăng tiến của chính họ trong khi che giấu tham nhũng trong các dự án mà họ xử lý. Ở Trung Quốc, họ được biết đến nhiều hơn với cái tên chengtou, viết tắt của Công ty Đầu tư Phát triển Thành phố.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lần đầu trở nên nguy hiểm trên trường quốc tế vào khoảng năm 2018 khi ông ấy đón nhận nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ, phần lớn phương Tây đã than phiền về sự thiên vị về ý thức hệ của ông Tập chống lại lĩnh vực thị trường, như thể thị trường là liều thuốc chữa bách bệnh cho mọi căn bệnh kinh tế của Trung Quốc. Vì vậy, giờ đây, hầu hết sự chú ý của các phương tiện truyền thông phương Tây đều đổ dồn vào việc khu vực nhà nước của Trung Quốc đã sa sút như thế nào, và mọi sự thông cảm đều dành cho những tập đoàn khổng lồ như Alibaba và Tencent, vốn đang bị ông Tập bắt nạt. Tuy nhiên, bức tranh thực sự về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không đơn giản như vậy.

Nợ chính phủ của Trung Quốc tồi tệ, nhưng còn nợ trong khu vực thị trường thì sao?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 21/03/2023. (Ảnh: ALEXEY MAISHEV/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)

Nhiều chuyên gia về Trung Quốc không nhận thấy rằng “khu vực thị trường” của Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề (và cũng bóc lột và tham nhũng) khi so với khu vực chính phủ. Và điều đó hoàn toàn đúng trong cuộc thảo luận về vấn đề nợ nần, hiện đang là vấn đề thời sự.

Nợ chính phủ sôi sục

Thật vậy, vấn đề nợ chính phủ của Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng và đang thực sự sôi sục, như đã thấy qua thông tin báo động được ban hành bởi một số chính quyền cấp tỉnh đang lâm vào cảnh nợ nần như Quý Châu. Đây là nơi các lãnh đạo đảng địa phương đầy tham vọng đã trở nên nổi tiếng khi xây dựng ba sân bay thành phố, tất cả đều cách trung tâm thành phố Zuni trong vòng 15 phút, trong giai đoạn 2014-2019.

Dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, tính đến cuối năm 2022, tổng nợ chính phủ (trung ương cộng với địa phương) của Trung Quốc ở mức tương đối ổn định là 78% GDP, nhưng điều đó không bao gồm các khoản nợ ngoài bảng cân đối của chính quyền địa phương. Theo các cơ quan quốc tế lớn cũng như các tổ chức nghiên cứu kinh doanh bản địa của Trung Quốc, nó chiếm khoảng 55% GDP.

Con số đó sẽ cho thấy tổng tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP thực tế của quốc gia này ở mức khoảng 133%, cao hơn đáng kể so với con số 112% của Mỹ được thể hiện trong dữ liệu BIS. Trên thực tế, tổng số nợ chính phủ của Trung Quốc lên tới 23,3 nghìn tỷ USD, tính đến cuối năm 2022 sử dụng tỷ giá hối đoái 6,9 CNY (nhân dân tệ) trên 1 USD. Điều đó khá tệ nếu người ta lưu ý rằng khoản nợ Kho bạc Mỹ tai tiếng khổng lồ có giá trị tương đương 24,9 nghìn tỷ USD.

Nợ khu vực thị trường còn tệ hơn nhiều

Nhưng còn các khoản nợ khu vực thị trường của Trung Quốc thì sao? Chà, chúng còn tệ hơn rất, rất nhiều. Dữ liệu của BIS về các khoản nợ lõi phi chính phủ (không bao gồm các khoản nợ dễ biến động của khu vực tài chính, giống như lạm phát lõi không bao gồm các thành phần nhiên liệu và lương thực dễ biến động) kể một câu chuyện thậm chí còn rõ ràng hơn. Tổng số nợ lõi của khu vực thị trường vào cuối năm 2022 của Trung Quốc ở mức khổng lồ 220% GDP, cao hơn nhiều so với con số tương ứng của Mỹ là 153%. Đối với phương Tây, trong một kịch bản khủng hoảng - thứ được báo trước bởi sự sụp đổ của công ty bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc là Evergrande - các khoản nợ khu vực thị trường của Trung Quốc sẽ giáng một đòn mạnh hơn nhiều so với các khoản nợ chính phủ của nước này, bởi vì phương Tây sẽ bị tác động nhiều hơn bởi khu vực thị trường của Trung Quốc, và cũng bởi vì ĐCSTQ dưới thời ông Tập Cận Bình sẽ làm nhiều hơn để cứu các doanh nghiệp nhà nước của mình vì những doanh nghiệp này tạo thành cơ sở quyền lực kinh tế của ông ta.

Nợ chính phủ của Trung Quốc tồi tệ, nhưng còn nợ trong khu vực thị trường thì sao?
Khu dân cư Royal Peak của Tập đoàn bất động sản Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 29/07/2022. (Ảnh: Bloomberg/Getty Images)

Vì vậy, cộng các khoản nợ của chính phủ và khu vực thị trường lại với nhau, tổng nợ của Trung Quốc là 353% GDP, so với Mỹ là 264%. Nếu chúng ta loại bỏ tất cả các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương của Trung Quốc, thì tổng số nợ lớn của nó vẫn sẽ cao hơn con số của Mỹ 33%! Nói cách khác, nền kinh tế Trung Quốc có đòn bẩy cực kỳ cao, cao hơn nhiều so với nền kinh tế Mỹ, và thủ phạm chính không phải là khu vực nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế đáng báo động này thậm chí còn hầu như không được đề cập đến trong câu chuyện nợ của Trung Quốc hiện đang được đưa lên trên các phương tiện truyền thông lớn của Mỹ. Truyền thông Mỹ vốn vẫn chủ yếu hoạt động theo tư tưởng lỗi thời về Trung Quốc, thứ được củng cố bởi sự phân biệt nông cạn là “khu vực nhà nước tồi, khu vực thị trường tốt”. Trên thực tế, có rất ít khoảng cách giữa khu vực nhà nước và khu vực thị trường của Trung Quốc, ngoại trừ ở cấp cao nhất của ĐCSTQ. Đây là nơi ông Tập Cận Bình đang sử dụng quyền kiểm soát trực tiếp của mình đối với các doanh nghiệp nhà nước để giành lấy quyền lực kinh tế từ kẻ thù chính trị của mình trong phe phái Hồ Cẩm Đào-Giang Trạch Dân cũ. Ảnh hưởng của phe phái cũ này vẫn còn ăn sâu vào khu vực thị trường Trung Quốc vì các thành viên của nó là những con chim đầu đàn cho làn sóng “cải cách” những năm 1980 của ông Đặng Tiểu Bình.

LGFV thổi phồng bong bóng tín dụng khu vực thị trường

Trên thực tế, các LGFV được coi là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ chính quyền địa phương hiện nay cũng chịu trách nhiệm tương tự trong việc thổi phồng bong bóng tín dụng khu vực thị trường. Nó diễn ra như thế nào? Các công ty thuộc khu vực thị trường muốn hưởng lợi từ làn sóng kích thích sau năm 2008 nhưng bị phân biệt đối xử bởi các ngân hàng nhà nước vốn ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước hơn nhanh chóng chuyển sang nguồn vốn từ LGFV. Điều này trên danh nghĩa là bất hợp pháp đối với họ nhưng có thể dễ dàng được thực hiện. Một cách điển hình để vượt qua các hạn chế pháp lý sẽ được trình bày dưới đây.

Với mục đích hỗ trợ một sáng kiến nào đó của chính quyền trung ương, công ty thị trường A vay tiền từ LGFV để mua đất từ chính quyền để thực hiện một dự án cơ sở hạ tầng kiêm bất động sản chẳng hạn như đường thu phí, sau đó bán lại 60-80% cổ phần cho LGFV. Điều này về cơ bản khiến nó trở thành đối tác của chính quyền địa phương, từ đó hợp pháp hóa việc vay nợ theo chính sách khuyến khích hợp tác công tư của ông Tập Cận Bình.

Các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương, mong muốn bán đất công để trang trải các khoản thâm hụt ngân sách phát sinh phần lớn từ việc chi tiêu cho các dự án hoành tráng nhằm củng cố sự nghiệp của họ, sẵn sàng cung cấp bảo lãnh khoản vay (“ngầm”) không thế chấp cho công ty A, thứ mà LGFV vui vẻ chấp nhận; số tiền cho vay sau đó được chia nhỏ ra, hối lộ cho tất cả các bên liên quan. LGFV có thể huy động vốn cho A bằng cách bán trái phiếu ngoại bảng cân đối hoặc vay trực tiếp từ các ngân hàng nhà nước. Những ngân hàng lúc này cảm thấy thoải mái vì họ chỉ đang cho một tổ chức chính phủ khác vay.

Việc tách rời nợ chính phủ và nợ phi chính phủ là nông cạn

Nhưng giờ đây đã có một truyền thống kể từ ngày đầu tiên trong những cuộc cải cách của Đặng rằng cái gọi là các công ty thuộc khu vực thị trường (công ty A trong ví dụ giả định ở trên) thường được điều hành bởi các cựu quan chức chính phủ hoặc người thân của các quan chức, những người thông đồng với các đối tác của họ bên trong chính phủ - thiếu điều đó, họ hầu như không thể tồn tại. Do đó, sự khác biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực thị trường, một điều rất quan trọng và rõ ràng trong tư duy phương Tây, chỉ đơn giản là sự phân công lao động trong các vòng lợi ích mở rộng mờ ảo trong một hệ thống độc đáo của Trung Quốc.

Vì vậy, hoàn toàn tự nhiên khi chính phủ Mỹ mất hai mươi năm để nhận ra rằng Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường sau khi mời nước này gia nhập WTO vào năm 2001, chưa nói đến việc Mỹ không biết phải làm gì với “các công ty thuộc khu vực thị trường” như Zoom và TikTok, những công ty đang kiểm soát các đường dây liên lạc vào phòng họp và phòng ngủ của người Mỹ.

Để khởi động lại toàn bộ suy nghĩ về Trung Quốc, người ta có thể ngừng coi các khoản nợ LGFV của Trung Quốc như một vấn đề riêng của chính phủ; và chấp nhận rằng trong dữ liệu liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn như dữ liệu từ BIS, việc tách các khoản nợ của Trung Quốc thành nợ chính phủ và nợ phi chính phủ là điều nông cạn khó tránh khỏi. Ngay cả việc sử dụng thuật ngữ “các khoản nợ của khu vực chính phủ” hoặc “các khoản nợ của khu vực thị trường” cũng thực sự gây hiểu nhầm. Bài học rút ra hữu ích ở đây chỉ đơn giản là: Trung Quốc hiện là một nền kinh tế có đòn bẩy tài chính cao, và các nhà đầu tư phương Tây nên cẩn thận.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Giáo sư Lian sinh ra và lớn lên ở Hong Kong. Giáo sư đã lấy bằng B.A. về toán học tại Đại học Carleton và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Minnesota. Giáo sư Lian đã công bố nhiều tác phẩm trên các ấn phẩm học thuật và chuyên nghiệp, và trong số nhiều cuốn sách xuất bản có một cuốn sách về chuyến đi xe đạp vòng quanh Đài Loan của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Nợ chính phủ của Trung Quốc tồi tệ, nhưng còn nợ trong khu vực thị trường thì sao?