Cách Trung Quốc trì hoãn 'Khoảnh khắc Lehman Brothers' của mình: Thúc đẩy nợ khổng lồ và Đại sụp đổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù liên tiếp đạt tới giới hạn đổ vỡ, giới hạn khủng hoảng theo tính toán của phương Tây, nhưng Trung Quốc lại không đổ vỡ. Lý do rất đơn giản, đó là Trung Quốc hoàn toàn khác với phương Tây. Chính quyền Trung Quốc sở hữu và kiểm soát tất cả. Tất cả rủi ro nhỏ đều có thể giấu đi. Tuy nhiên, khi không để đổ vỡ một cách tự nhiên, rủi ro mà Trung Quốc tích tụ sẽ là khôn lường, là ẩn số trong lần sụp đổ này, với cả Bắc Kinh cũng như thế giới.

Gần đây, tạp chí New York Times đã đăng một bài viết của chuyên gia kinh tế Trung Quốc Zhiwu Chen. Ông Chen là giám đốc Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Hồng Kông và là giáo sư chủ tịch về tài chính tại Đại học Hồng Kông. Ông là giáo sư tài chính tại Đại học Yale từ năm 1999 đến 2017.

Bài viết của ông lý giải tại sao hết lần này đến khác, nếu theo đúng nguyên tắc kinh tế thị trường thì hệ thống kinh tế - tài chính của Trung Quốc buộc phải sụp đổ, nhưng Trung Quốc vẫn có thể vượt qua. Tuy nhiên, khả năng vượt qua những trấn động như vậy có thực sự là thứ mà phương Tây cần phải học không? Câu trả lời là không. Vì bằng các công cụ hành chính, bằng quyền lực tuyệt đối với tài sản, truyền thông và phi pháp luật, Trung Quốc chỉ đang tích tụ rủi ro lớn đến mức không thể tưởng tượng. Một khi rủi ro đó không thể chống đỡ, Trung Quốc sẽ đối mặt với "Đại sụp đổ", từ kinh tế - chính trị - xã hội tới thể chế; không gì có thể cứu vãn.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (GFC2008) diễn ra sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 10/2008. Sự sụp đổ của một tổ hợp tài chính có tầm ảnh hưởng trọng yếu tới tài chính của Mỹ và toàn cầu đã khiến hàng loạt các quỹ đầu tư, các tổ hợp ngân hàng đổ vỡ domino sau đó.

Vì vậy, thuật ngữ "khoảnh khắc Lehman Brothers" được sử dụng trong suốt 15 năm qua để ám chỉ khoảnh khắc mà một định chế tài chính hoặc một sự kiện đổ vỡ lớn xảy ra có thể gây ra sự đổ vỡ hệ thống, tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tốn kém ở Mỹ cũng như khắp toàn cầu năm 2008.

Các sự kiện ở Trung Quốc đáng lẽ phải là 'khoảnh khắc Lehman Brothers'

Tác giả bài viết, ông Chen, đã nhắc lại các khoảnh khắc đáng lẽ phải là "Khoảnh khắc Lehman Brothers" ở Trung Quốc nếu đây là nơi tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Cách đây hơn một năm, Tập đoàn Evergrande, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, sắp sụp đổ với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Đã có những cảnh báo về một vụ vỡ nợ thảm khốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí có thể gây ra suy thoái toàn cầu. Người ta nói rằng Trung Quốc đã phải đối mặt với “thời điểm Lehman” của mình - khi một thất bại của công ty giống như sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Phố Wall một thời đáng kính vào năm 2008 cuối cùng đã buộc các nhà hoạch định chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tính đến sự yếu kém về tài chính có hệ thống.

Cuộc nổi dậy thế chấp của Trung Quốc
Các tòa nhà chung cư chưa hoàn thành tại khu phát triển Thung lũng Y tế của Tập đoàn Evergrande ở ngoại ô Nam Kinh, Trung Quốc, vào ngày 22/10/2021. (Qilai Shen / Bloomberg qua Getty Images)

Nhưng không như dự đoán của phương Tây. Evergrande đã không tạo ra "khoảnh khắc Lehman Brothers". Có thể, các nước phương Tây đã đánh giá nhầm về mức độ rủi ro và ảnh hưởng trọng yếu của Tập đoàn phát triển BĐS này với hệ thống tài chính của Bắc Kinh?

Theo chuyên gia Chen, ông cho là không hẳn như vậy. Evergrande không nằm ngoài vòng nguy hiểm, nhưng đã tránh được một vụ nổ thảm khốc sau khi chính phủ Trung Quốc can thiệp để giúp sắp xếp tái cơ cấu phần lớn các khoản nợ của công ty này. Và cho tới nay, khi hệ thống ngân hàng toàn cầu rung lắc mạnh mẽ sau vụ đổ vỡ của Ngân hàng Thung lũng Silicon ở Mỹ, Evergrande gần như không còn xuất hiện trên các tiêu đề báo chí nữa.

Evergrande không phải là trường hợp đầu tiên mà truyền thông phương Tây và các nhà kinh tế bên ngoài Trung Quốc lặp lại sai lầm cơ bản: áp dụng logics nền kinh tế thị trường đầy đủ vào nền kinh tế Trung Quốc; vốn vận hành không theo cách đó.

Trung Quốc vẫn chưa phải là một nền kinh tế thị trường hoàn toàn, mặc dù nước này đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Trung Quốc hưởng tất cả lợi ích của WTO với cam kết sẽ chuyển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, can thiệp sâu sắc của chính quyền sang nền kinh tế thị trường; từ đó hướng tới thể chế kinh tế - xã hội dân chủ như phương Tây hình dung.

Nhưng cho tới nay, Trung Quốc không thực hiện hầu hết các cam kết đã ký với WTO. Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất từ WTO. Kinh ngạc nhất là WTO lờ đi tất cả các vi phạm của Trung Quốc. Bằng chứng lịch sử chỉ rằng Trung Quốc đã thành công tham nhũng hoá tổ chức này, triệt để sử dụng WTO để dịch chuyển đầu tư vào Trung Quốc, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, chiếm lĩnh thị phần toàn cầu, dùng tiền tham nhũng hoá các tổ chức quốc tế, từ đó mặc cả với cả thế giới và che đậy tội các chống lại loài người: mổ cướp tạng tù nhân lương tâm.

Xem thêm:
Phần 1: WTO và Trung Quốc lợi dụng nhau như thế nào?
Phần 2: “Não bộ” của WTO chính thức bị Trump vô hiệu hóa vào ngày 11/12/2019
Phần 3: Báo cáo của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ “vạch tội” Cơ quan Phúc thẩm - não bộ của WTO

Không có ngoại lệ: Trung Quốc chỉ đang rủi ro hơn và liều lĩnh hơn

Việc che đậy, cưỡng chế không để "khoảnh khắc Lehman Brothers" như vậy xảy ra, chỉ đang thúc đẩy cả nền kinh tế này trở nên rủi ro hơn, nợ lớn hơn, và cá giá phải trả cho sự đổ vỡ là đắt đỏ hơn.

Dưới góc nhìn và phân tích chuyên gia, ông Chen khẳng định rằng việc Trung Quốc có thể che đậy các khoảnh khắc đáng lẽ xứng tầm Lehman Brothers đã đẩy nền kinh tế - tài chính này vào vị thế rủi ro hơn.

Ông viết, "điều đó không có nghĩa là Trung Quốc có thể bất chấp vô thời hạn nền kinh tế chính thống và mức nợ trong hệ thống tài chính của nước này đang ở mức cao đáng báo động. Nhưng sự diệt vong và u ám thường bị thổi phồng quá mức bởi vì chính phủ hầu như có quyền lực vô hạn để chống lại khủng hoảng bằng cách chỉ đạo các nguồn lực — và phân bổ thiệt hại — khi chính phủ thấy phù hợp, thường bằng cách ra lệnh cho các ngân hàng và các chủ nợ khác chấp nhận thua lỗ vì lợi ích lớn hơn trước khi mọi việc thành trở tay không kịp", theo New York Times.

Evergrande là một ví dụ điển hình. Nó là một tập đoàn phát triển BĐS đã bị tố cáo là lừa đảo, hoạt động theo mô hình Ponzi tài chính từ năm 2012. Các bạn có thể xem chi tiết về báo cáo tài chính chứng minh Evergrande là lừa đảo tài chính và thái độ của chính quyền Bắc Kinh trong việc vùi lấp câu chuyện này, đàn áp các nạn nhân của Evergrande ở đây.

Xem thêm: Gia tộc Giang Trạch Dân thao túng TTTC Hong Kong nhờ câu kết với các tỷ phú Mỹ? Minh hoạ từ mô hình Ponzi của Evergrande

Như câu chuyện về Evergrande đề cập ở trên, tập đoàn này trở nên rủi ro hơn, nợ khổng lồ hơn và không thể không đổ vỡ sau khi được che đậy sự thất bại và hành vi lừa đảo tài chính của họ năm 2012 bằng quyền lực chính trị. Đáng tiếc, vụ che đậy thô thiển như vậy lại diễn ra trên sàn giao dịch Hong Kong, nơi mà Trung Quốc vẫn rao giảng về "một đất nước hai chế độ", nơi mà phương tây cố gắng tin rằng Hong Kong giống họ. Câu chuyện bị tố là mô hình Ponzi năm 2012 của Evergrande cho thấy mặt trái này, Hong Kong từ lâu đã không còn là thể chế khác biệt với đại lục; nó chỉ nguỵ trang để trở thành nơi hút tiền đầu tư, nơi mua bán công nghệ, nơi rửa tiền cho quan chức đại lục mà thôi. Khi được chính quyền chống lưng, khi tội ác của một tập đoàn như vậy được chính quyền bảo vệ, Evergrande đã nhanh chóng tích luỹ khoản nợ khổng lồ; bất chấp hậu quả, không lo Nhân - Quả, không sợ đổ vỡ.

Các nạn nhân người Trung Quốc của Evergrande từ năm 2012 bị đánh đập trước sự thờ ơ của quan chức chính quyền địa phương (Ảnh chụp màn hình Báo cáo về Evergrande của Citron Research)

Nhưng khi bệ đỡ của Evergrande là tập đoàn chính trị Giang Trạch Dân - Tăng Khánh Hồng suy yếu trước đòn đánh đả hổ, diệt ruồi của phe Tập Cận Bình, rủi ro mà tập đoàn này tích tụ đã lớn bằng GDP của Việt Nam khi đó. Rủi ro vỡ nợ và ảnh hưởng của nó tới hệ thống tài chính đã không thể vãn hồi.

Khi chính quyền của ông Tập Cận Bình bắt đầu áp đặt các hạn chế tài chính đối với các công ty bất động sản vào năm 2020 do lo ngại về nợ nần và giá nhà leo thang, Evergrande đã bị ngừng huy động thêm vốn và chính thức vỡ nợ vào tháng 12/2021. Các cảnh báo “Lehman” đã đạt đến đỉnh điểm.

Ông Chen viết: "Nhưng các quan chức Trung Quốc đã làm việc để thuyết phục các giám đốc điều hành, chủ nợ và người mua tài sản tiềm năng của Evergrande bắt đầu tái cơ cấu các nghĩa vụ của công ty. Những người cho vay trong nước cuối cùng đã đồng ý cho Evergrande thêm thời gian để trả nợ. Một thỏa thuận để giải quyết khoản nợ nước ngoài của Evergrande cũng được cho là sắp xảy ra", theo New York Times.

Rõ ràng, việc Trung Quốc có thể can thiệp sâu sắc vào cả chủ nợ và con nợ, có thể dùng các quyền lực chính trị buộc cả con nợ phải im lặng, buộc tội ác phải vùi lấp, buộc sai phạm được che đậy là điều mà Mỹ và phương Tây không thể làm khi rủi ro xảy ra.

Năm 2008, Cục Dự trữ và Kho bạc Liên bang Hoa Kỳ cũng đã can thiệp trong cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn để phối hợp tái cơ cấu các tổ chức gặp khó khăn. Nhưng quyền của chủ nợ và nhà đầu tư cũng như những rủi ro chính trị của việc giải cứu các ngân hàng đã hạn chế những gì các cơ quan quản lý của Mỹ có thể làm; các thỏa thuận chỉ đạt được sau khi thương lượng cứng rắn với các ngân hàng và nhà đầu tư. Ở Trung Quốc, các tổ chức tài chính phải làm theo những gì chính phủ yêu cầu.

Khác với Mỹ, bàn tay của chính phủ ở khắp mọi nơi. Tài sản cơ bản nhất ở Trung Quốc — đất đai — do nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát. Giá trị đồng tiền của Trung Quốc, đồng nhân dân tệ, do chính phủ quản lý và các cơ quan quản lý được cho là sẽ can thiệp vào giao dịch trên thị trường chứng khoán của nước này.

Quyền lực tuyệt đối

Ông Chen phân tích: "Hầu hết các công ty lớn nhất và quyền lực nhất của Trung Quốc, bao gồm tất cả các ngân hàng lớn của họ, đều thuộc sở hữu nhà nước và các giám đốc điều hành thường là đảng viên của Đảng Cộng sản, đảng kiểm soát các cuộc hẹn cấp cao nhất của công ty. Các ủy ban đảng trong các tập đoàn sẽ đảm bảo hơn nữa rằng nhiều quyết định kinh doanh quan trọng phải phù hợp với chính sách của chính phủ. Ngay cả các công ty tư nhân khỏe mạnh và có ảnh hưởng cũng có thể bị buộc phải tái cấu trúc một cách đau đớn hoặc cắt giảm một số hoạt động kinh doanh nhất định, như cuộc đàn áp của chính phủ đối với công ty dẫn đầu về thương mại điện tử Alibaba và những gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2020 đã cho thấy rõ".

Và ĐCSTQ đã phát huy ưu điểm tuyệt đối duy nhất của nó trong các lần đổ vỡ này, khiến nó không thể tạo ra một cuộc đổ vỡ hệ thống. Dưới danh nghĩa duy trì ổn định trật tự xã hội, ĐCSTQ không ngần ngại cảnh báo, trừng phạt các nạn nhân của Evergrande, buộc họ phải tuân thủ theo trật tự mà chính quyền Bắc Kinh muốn thiết lập. Không có các cuộc biểu tình trên phố.

Sau vụ Evergrande, ĐCSTQ đã tăng cường sự hiện diện và kiểm soát của họ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ lớn đến bé, từ doanh nghiệp có nguồn vốn trong nước cũng như ngoài nước.

Càng che đậy bằng quyền lực độc tài, nợ càng khó gỡ

Ngay cả việc trang điểm cho mức nợ cao của Trung Quốc cũng có một lớp lót bạc cho các cơ quan quản lý. Tổng tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc là gần 300% (tương đương khoảng 52 nghìn tỷ USD) vào tháng 9/2022, so với 257% của Hoa Kỳ. Nhưng chưa đến 5% nợ của Trung Quốc là nợ nước ngoài, lên tới 2,5 nghìn tỷ đô-la, bằng 1/10 nợ của Hoa Kỳ. Khi gần như mọi đồng nhân dân tệ được vay là trong nước — được một chủ nợ Trung Quốc cho người Trung Quốc vay — nó mang lại cho các cơ quan quản lý một mức độ kiểm soát đối với các vấn đề nợ mà các đối tác phương Tây của họ chỉ có thể mơ ước.

Trung Quốc đã phải đối mặt với khó khăn tài chính trong quá trình chuyển đổi kéo dài hàng thập kỷ sang nền kinh tế công nghiệp hiện đại, nhưng các cơ quan quản lý đã sử dụng quyền hạn đáng kể của mình để liên tục ngăn chặn thảm họa. Khi tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại quốc doanh Trung Quốc lên tới mức đáng báo động 30% vào năm 1999 (so với Trung Quốc, tỷ lệ nợ xấu của Hoa Kỳ vẫn ở mức một con số trong nhiều thập kỷ), chính quyền đã thành lập các công ty quản lý tài sản để tiếp quản các khoản nợ khó đòi đó. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã thực hiện một gói kích thích khổng lồ để bảo vệ nền kinh tế của mình.

Đứng đầu danh sách này là cựu Chủ tịch Lại Tiểu Dân của Công ty Quản lý Tài sản Hoa Dung Trung Quốc (China Huarong Asset Management). Ông này đã bị kết án tử hình hôm 5/1. (STR/AFP / Getty Images)
Cựu Chủ tịch Lại Tiểu Dân của Công ty Quản lý Tài sản China Huarong. Ông này đã bị kết án tử hình. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, những cảnh báo về sự nợ nần tài chính của Trung Quốc thỉnh thoảng lại xuất hiện. Vào năm 2014, khi một nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu, một số người cho rằng đây có thể là “thời điểm Bear Stearns” của Trung Quốc, ám chỉ một ngân hàng đầu tư khác của Hoa Kỳ đã sụp đổ vào năm 2008. Nhưng liệu có ai còn nhớ tên của công ty Trung Quốc đó nữa không? ( Công ty đó có tên Khoa học và Công nghệ Năng lượng Mặt trời Chaori Thượng Hải - để ghi nhớ).

Nhưng thay vì đưa ra các cải cách để thiết lập một nền kinh tế dựa trên thị trường lành mạnh, trong đó các doanh nghiệp kém hiệu quả được phép phá sản, các sửa chữa kiểu Evergrande của Trung Quốc — trong khi xoa dịu các cuộc khủng hoảng ngắn hạn — lại tưởng thưởng cho hành vi vô trách nhiệm và kéo dài việc vay mượn quá mức và sử dụng tài trợ một cách lãng phí dẫn đến đến kiệt quệ tài chính đang tái diễn.

Hạ cánh mềm có thể trở nên khó đạt được hơn. Trung Quốc có lẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế lớn nhất kể từ khi bắt đầu mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài vào cuối những năm 1970: nợ cao , lĩnh vực bất động sản ốm yếu, suy thoái kinh tế dài hạn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, dân số già và thu hẹp, thương mại và quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ ngày càng tồi tệ.

Có một rủi ro rất thực tế là Trung Quốc có thể chịu chung số phận với Nhật Bản, quốc gia vẫn đang vật lộn để thoát ra khỏi thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài bắt đầu từ những năm 1990. Những rắc rối của Nhật Bản một phần là do vỡ bong bóng bất động sản và các vấn đề trong lĩnh vực tài chính tương tự như những gì Trung Quốc hiện đang phải đối mặt.

Các chuyên gia khắc phục sự cố theo quy định của Trung Quốc đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng những người tiên tri tài chính đã sai. Nhưng không phải là các chuyên gia tài chính sai, họ chỉ đơn giản là không hiểu hết thể chế của Trung Quốc. Vấn đề của Trung Quốc còn ở phía trước; Trung Quốc khó có thể xử lý khối nợ khổng lồ này bằng các phương pháp như trước kia, thách thức lớn nhất, điều tồi tệ nhất còn đang ở phía trước.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thuỷ Tiên - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Cách Trung Quốc trì hoãn 'Khoảnh khắc Lehman Brothers' của mình: Thúc đẩy nợ khổng lồ và Đại sụp đổ