Thị trường xe công nghệ Trung Quốc cung vượt cầu, 41 tài xế tranh nhau 1 khách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày càng có nhiều người thất nghiệp ở Trung Quốc đổ xô vào ngành gọi xe trực tuyến, cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt. Gần đây, nhiều thành phố đã đưa ra cảnh báo bão hòa và tuyên bố ngừng cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho xe công nghệ.

Theo dữ liệu mới nhất do Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc công bố, tính đến ngày 30/4, nước này đã cấp hơn 5,4 triệu giấy phép lái xe công nghệ và hơn 2,3 triệu giấy phép vận tải cho thị trường gọi xe trực tuyến.

Nhiều nơi cảnh báo: Mỗi ngày tài xế công nghệ thu nhập không tới 200 tệ

Trong bối cảnh thị trường gọi xe trực tuyến bão hòa, nhiều nơi đã đưa ra những cảnh báo rủi ro cho ngành này, thậm chí có thành phố đã nhấn nút “tạm dừng”.

Theo tài khoản WeChat chính thức của Cục Giao thông vận tải thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam, bắt đầu từ ngày 16/5, thành phố này đã tạm dừng cấp chứng chỉ vận tải cho xe công nghệ. Trước đó, nhiều thành phố khác như Đông Quan ở tỉnh Quảng Đông, Tam Á ở tỉnh Hải Nam, Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang và Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông đã liên tiếp đưa ra cảnh báo bão hòa trên thị trường gọi xe trực tuyến, và cho biết trung bình mỗi ngày mỗi tài xế có không tới 10 đơn đặt xe.

Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá liệu các tài xế gọi xe trực tuyến có thu nhập hay không. Dựa trên trung bình 10 đơn mỗi ngày và giá trung bình mỗi chuyến là khoảng 20 nhân dân tệ, thu nhập hàng ngày của họ là khoảng 200 nhân dân tệ (khoảng 650 nghìn VND), như vậy không có lợi nhuận.

Theo báo chí đưa tin, để đảm bảo mức sống bình thường thì trung bình mỗi tháng một tài xế phải chạy được 400 chuyến. Ít hơn 10 chuyến mỗi ngày có nghĩa là tài xế có thể đang trong cảnh bấp bênh và thực tế là tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi.

Thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam đã quyết định đình chỉ việc phê duyệt và cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ gọi xe trực tuyến. Các quan chức của Cục Giao thông vận tải Tam Á cho biết, nguyên nhân áp dụng các biện pháp kiểm soát như vậy chủ yếu là do số lượng nền tảng gọi xe trực tuyến và số tài xế xe công nghệ ngày càng tăng, thị trường đang trở nên bão hòa.

Tài xế Thượng Hải: Dù làm việc 24 giờ/ngày cũng chưa chắc kiếm được 1.000 tệ

Tờ Tin tức Hải báo (Poster News) của Trung Quốc đưa tin vào ngày 11/6 rằng, ông Trương (Zhang) đã lái xe gọi trực tuyến ở Thượng Hải được 3 - 4 năm. Lúc đầu, vì còn trẻ và sung sức, mỗi ngày ông chạy xe hơn chục tiếng và chỉ ngủ 5 - 6 tiếng. Sau đó, cơ thể ông không thể chịu được nên giờ làm việc đã giảm xuống còn 10 tiếng.

Kể từ đầu năm nay, ông Trương cảm thấy rõ ràng rằng số đơn gọi xe trực tuyến đã giảm. "Ngay cả khi bạn làm việc 24 giờ một ngày, chưa chắc bạn đã kiếm được 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,2 triệu VND)".

Ông Trần (Chen) cũng có cảm giác tương tự: "Tôi thực sự không hiểu tại sao bây giờ lại có nhiều xe [công nghệ] như vậy". Thời gian trước, ông chủ yếu chạy xe quanh thị trấn Chúc Kiều, nhưng do lượng xe nhiều mà đơn đặt lại ít nên ông đã phải đổi địa điểm nhiều lần.

Một người trong ngành không muốn nêu tên cho biết, ở Thượng Hải có hơn 100.000 tài xế được cấp phép chạy xe công nghệ và hơn 70.000 xe công nghệ được phép chở khách, “còn có rất nhiều xe không có giấy phép nhưng vẫn chạy, quy mô này thật khó nói”.

Tài xế Sơn Đông: 41 xe cùng tranh 1 khách

Một tài xế ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông than thở với kênh truyền thông cá nhân Tech Xingqiu rằng: “Tôi chỉ có thể nhận được 30 đơn mỗi ngày, doanh thu chưa đến 300 nhân dân tệ (gần 1 triệu VND)!". Anh cho biết, hiện anh làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày nhưng rất nhiều thời gian là đứng bên đường đợi ứng dụng ‘nổ đơn’: "Trời hơn 30 độ, cũng không dám bật điều hòa. Quét ứng dụng thì thấy xung quanh có 41 xe đang chờ đơn. Phải 5 phút mới thấy có một đơn mới, 41 tài xế cùng tranh!".

Dữ liệu chính thức cho thấy, từ tháng Một đến tháng Bốn năm nay, số đơn đặt xe công nghệ trên toàn Trung Quốc tăng trưởng ở mức lần lượt là 14,1%, 13,3%, 9,7% và -1,4%, có nghĩa là khối lượng đặt xe có thể đã đạt đến đỉnh điểm. Nhưng đồng thời, số lượng tài xế lại tăng lần lượt 22.000, 65.000, 52.000 và 177.000 người hàng tháng.

Theo báo cáo tài chính của Didi Chuxing – gã khổng lồ xe công nghệ Trung Quốc, từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, Didi có 13 triệu tài xế hoạt động thường xuyên; nhưng từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023, con số này đã tăng lên 19 triệu, tức là tăng thêm 6 triệu chỉ sau hai năm.

Chủ đề xoay quanh tài xế gọi xe trực tuyến đã lọt vào danh sách tìm kiếm xu hướng hôm 11/6, gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng Trung Quốc.

"Tại sao mọi người chọn lái xe trực tuyến? Lý do chủ yếu là họ không thể tìm được việc làm. Bây giờ thị trường đã bão hòa, đó là một vấn đề xã hội".

"Những ai muốn tham gia vào lĩnh vực gọi xe trực tuyến, hãy thức tỉnh. Bây giờ cung đã vượt cầu, xe nhiều hơn người".

"Cạnh tranh trong tất cả các ngành đều rất khốc liệt, lợi nhuận giảm".

"Mọi tầng lớp xã hội đang chết dần chết mòn... Vẫn còn rất nhiều ngành không kiếm được số tiền ít ỏi kia".

Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành gọi xe trực tuyến có thể sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề mới. Ví dụ, cường độ lao động của lái xe tăng lên gây ảnh hưởng tới sức khỏe, mức thu nhập giảm có thể làm gia tăng tranh chấp giữa các tài xế, từ đó gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thị trường xe công nghệ Trung Quốc cung vượt cầu, 41 tài xế tranh nhau 1 khách