Trung Quốc phỏng vấn đường phố: 'Bạn có đồng ý ra tiền tuyến đánh trận không?'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần gây, nhiều nền tảng video ở Trung Quốc đăng tải một số video phỏng vấn người qua đường với câu hỏi: “Bạn sẵn sàng ra tiền tuyến đánh trận không?”. Các đối tượng được hỏi có cả người già, thanh niên và học sinh, hầu hết đều nói “Tôi đồng ý”, tuy nhiên trong mục bình luận dưới các video, câu trả lời lại hoàn toàn trái ngược.

Các đoạn phỏng vấn này được đăng tải trên các nền tảng video Douyin (Tiktok phiên bản nội địa), Kuaishou và Bilibili của Trung Quốc.

Câu hỏi chung là “Nếu tổ quốc cần thống nhất, bạn có sẵn sằng ra tiền tuyến không? Nếu biết rõ rằng sẽ tử trận, bạn có đi không? Bạn có nghĩ rằng trong quãng đời còn lại của mình có thể chứng kiến cảnh Đài Loan được trao trả không?”.

Từ video có thể thấy, đa số thanh thiếu niên được phỏng vấn đều nhắc đến lòng yêu nước và rất ít người từ chối ra trận:

  • “Đồng ý chứ, chỉ cần tổ quốc cần, lúc nào cũng sẵn sằng”.
  • “Tôi nghĩ sẽ có rất ít người Trung Quốc không sẵn sàng”.
  • "Đương nhiên là có sợ nhưng nên đặt lợi ích của quốc gia lên đầu".
  • “Nhất định đi, tập luyện thể thao là vì điều gì, vì bảo vệ tổ quốc”.
  • "Vì tôi là người Trung Quốc nên tôi nhất định sẽ chọn ra chiến trường, mỗi một người Trung Quốc nên có quan niệm, tư tưởng này".
  • "Tôi lựa chọn bảo vệ đất nước của tôi".
  • "Có thể, tôi tin là có thể chứng kiến thời khắc Đài Loan trở về”, v.v.

Trong một đoạn video khác do kênh Zhanjiang jiefang (Phỏng vấn đường phố Trạm Giang) thực hiện, một phụ nữ lớn tuổi cho hay: “Tôi đồng ý, đừng thấy tôi sắp 70 tuổi rồi mà nghĩ tôi không làm được gì, tôi có thể mang nước uống tới cho các chiến sĩ, họ bị thương tôi có thể giúp băng bó, tôi từng học y, tôi có thể làm công tác hậu cần. Nếu cần, tôi cũng có thể hết lòng ủng hộ giải phóng Đài Loan, tôi sẽ ủng hộ hết số tiền dưỡng lão của mình”.

Quý vị có thể xem video tại đây.

Tuy nhiên, trong mục bình luận dưới các video, rất nhiều cư dân mạng nói rằng “Không đồng ý” và chế giễu các đoạn phỏng vấn trên là “Vô nghĩa”, “Lần sau phỏng vấn hãy mang theo máy phát hiện nói dối!’.

Tài khoản “Ry Huluobo xuxu” (Ry Cà rốt ít ỏi) bình luận: “Cười chết mất, tôi nhớ từng xem một video hỏi người Nga có sẵn sàng tới chiến trường Ukraine không? Ai nấy đều sôi sục như mấy người trong video này. Sau đó người phỏng vấn nói, ở đây có sẵn một cuốn sổ ghi danh có thể trực tiếp điền tên ra trận, video đang phát sóng trên toàn quốc. Hahahahahaha, thế rồi ai nấy đều tìm cớ chuồn mất, có người còn khóc luôn!”.

“Zhenxi Pingjing Meijing” (Trân quý cảnh đẹp bình yên) nói: “Có phải nhân viên trong các đơn vị sự nghiệp và người có tiền nên lên [tiền tuyến] trước không, ăn lương bổng nhà nước thì lên trước đi, tôi đây dân lao động 996 (9 giờ sáng vào làm, 9h tối tan ca, tuần làm 6 ngày), lại còn phải tăng ca, cả ngày còn không có thời gian nghỉ ngơi, tôi có thể đi đánh trận nửa ngày không, công ty bên này không cho nghỉ”.

“Duo zai jiali chi xigua” (Trốn ở nhà ăn dưa hấu) viết: “Không đi đâu, một tháng làm được có 3.000 tệ (10 triệu VND), khoản nợ mua nhà còn đang ngập đầu, tôi không sẵn sàng đổ máu đâu!”.

“Duan duan duan duan” (Đoàn đứt đoạn) bình luận: “Tôi không đồng ý, khoản vay mua nhà của tôi còn 100 năm nữa là trả xong rồi, tôi còn muốn nỗ lực thêm chút nữa!”.

Hồi tháng Hai năm nay, truyền thông Trung Quốc cũng từng đăng một bài viết thảo luận về chủ đề “Nếu tổ quốc cần, bạn có ra tiền tuyến không?”. Bài viết cho hay, nếu xảy ra chiến tranh, các nước như Nhật, Đức… chỉ có khoảng 10% người bày tỏ “đồng ý”, còn ở Trung Quốc có tới 94% người “sẵn sàng xả thân”.

Nhưng trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc, phần lớn cư dân mạng đều phản hồi bài viết trên rằng “Sẽ không đi”, “Để lãnh đạo đi trước đi”, “Lúc ăn thịt thì chẳng nghĩ tới tôi, khi đánh nhau cũng đừng nghĩ tới tôi!”, “Nếu bị ép ra trận, tôi sẽ tạo phản”...

Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền, nó đã đánh tráo khái niệm và buộc người dân tin rằng: Không có ĐCSTQ thì không có Trung Quốc mới, yêu đảng chính là yêu nước, ĐCSTQ ngang bằng với đất nước Trung Quốc.

Tuy nhiên lịch sử đã chứng minh rằng không có triều đại nào là ‘vạn tuế’, triều đại này lên triều đại kia xuống, còn đất nước vẫn mãi là đất nước. Mà ĐCSTQ cũng chỉ như các triều đại trước, một khi đã bại hoại, gây họa cho nước cho dân thì sụp đổ là chuyện sớm muộn.

Dịch bệnh kéo dài 3 năm và chính sách cực đoan Zero Covid của ĐCSTQ đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc và làm tổn hại biết bao sinh mạng. Kể từ năm ngoái, tại Bắc Kinh đã xuất hiện "biểu ngữ chống ĐCSTQ", ngoài ra còn có "Phong trào Giấy trắng" của thanh niên chống lại chính sách phong tỏa và "Phong trào Tóc trắng" của những người cao tuổi phản đối cải cách bảo hiểm y tế… đây là những minh chứng rõ nét cho thấy sự bất mãn của người dân với chế độ độc tài Bắc Kinh.

Tất nhiên sẽ vẫn có người tin theo tuyên truyền của ĐCSTQ và “sẵn sàng xả thân” vì chế độ này, nhưng liệu những video phỏng vấn đường phố kể trên có mấy phần là lời thật lòng?

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc phỏng vấn đường phố: 'Bạn có đồng ý ra tiền tuyến đánh trận không?'