A Tu La nào có thể chống Thiên đình khiến Thiên Thần cũng e sợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

A Tu La có thể giao chiến được với Thiên Thần thì về năng lực là cũng tương đương với Thiên Thần rồi. A Tu La là sinh mệnh có thần lực, nhưng cũng là một trong lục đạo luân hồi được giảng trong Phật giáo, nên chắc chắn họ không giống như Thiên Thần.

Bí ẩn A Tu La

Về hình tượng, thì giữa các đạo trong Lục đạo luân hồi đều có sự khác biệt rất lớn. Thiên Thần trông như thế nào thì mọi người cũng đã có khái niệm. Về cơ bản, mọi người hình dung những thanh niên nam nữ tuấn tú, xinh đẹp lại đoan chính, thuần thiện, thì cũng gần giống với Thiên Thần rồi. Trong lịch sử cũng có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thể hiện những sinh mệnh ở Thiên giới.

Bức phù điêu A Tu La ở Angkor. (Wikipedia)

Tuy nhiên, A Tu La trông như thế nào thì vẫn là một bí ẩn. Trong di tích Angkor ở Campuchia có một bức phù điêu A Tu La, nhưng cũng không rõ lắm, trông có vẻ cũng không khác nhiều với những nhân vật khác. Chùa Kōfuku-ji ở thành phố Nara Nhật Bản cũng có bức tượng A Tu La 3 đầu 6 tay, 2 bàn tay phía trước hợp thật trước ngực. Đây là tạo hình A Tu La thường thấy trong Phật giáo và Ấn Độ giáo. Gương mặt trông như thiếu niên mười mấy tuổi, xem ra cũng rất bình thường. Thế thì A Tu La có đặc điểm độc đáo gì? Bí ẩn này phải đến cuối thế kỷ 20 mới được tiết lộ.

Tượng A Tu La ở Nhật. (Miền công cộng)

Đôn Hoàng nằm ở vùng tây bắc của tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Giữa sa mạc cát mênh mông có một ốc đảo nỏ mọc đầy cây du lên đến cả trăm tuổi. Nơi đây chính là địa danh có hang Mạc Cao, Đôn Hoàng nổi tiếng.

Một ngày tháng 5 năm 1941, một người đàn ông râu rậm dẫn theo một nhóm người ngựa phong trần đến hang Mạc Cao. Nhóm người vừa mới yên chỗ thì người râu rậm đã vội vàng đến từng chiếc hang trong hệ thống các hang Mạc Cao và quan sát cẩn thận. Người râu rậm này chính là Trương Đại Thiên, mục đích chuyến đi của ông là trú lại ở hang Mạc Cao một thời gian và vẽ lại tất cả những hình tượng trên đỉnh hang.

Nhưng đến khi vẽ đến hang số 249, Trương Đại Thiên thầm thắc mắc. Ở chính giữa hang 249 có một bức tượng Phật ngồi trang nghiêm, thần thái an hòa. Trên đỉnh hang hình phễu ngược có vẽ đầy các Thần linh và Thần thú. Điều khiến ông kinh ngạc nhất là ở phía trên tượng Phật có một bức tranh, vẽ một ngọn núi lớn ở giữa biển cả, hai bên sườn núi có 2 con rồng cuộn, phía trước núi có một người khổng lồ đang đứng, nước biển chưa tới đầu gối của người khổng lồ. Người khổng lồ quấn một cái váy đỏ, nhưng tướng mạo người khổng lồ lại rất quái đản: 4 mắt, 4 tay.

Nếu nói đây là yêu quái thì cũng lại không giống, vì 2 tay của người khổng lồ này đang nâng mặt trời và mặt trăng, không có yêu quái nào có pháp lực lớn như thế này. Nhưng nếu nói đó là Thần linh thì cũng không giống, vì mắt mũi người khổng lồ này trông rất hung dữ, hoàn toàn không có sự từ bi, trang nghiêm của Thần.

Người khổng lồ quấn một cái váy đỏ, nhưng tướng mạo lại rất quái đản: 4 mắt, 4 tay. (Chụp video)

Họa sĩ do dự rất lâu, cuối cùng ông từ bỏ đề tài này.

Vậy người khổng lồ trong bức họa này có lai lịch thế nào? Mãi đến năm 1970 mới coi như là có câu trả lời.

Chuyên gia Đôn Hoàng Hạ Thế Triết tìm hết các kinh điển Phật giáo, cuối cùng cũng đã tìm ra câu trả lời. Hình vẽ trong hang đó chính là cảnh tượng được miêu tả trong kinh điển Phật giáo Đại thừa “Duy Ma Cật kinh”. Khi Phật Đà thuyết Pháp ở Tỳ Da Ly Am La Thụ Viên, các đại chúng hộ Pháp như chư Bồ Tát, Thiên Thần, A Tu La… đều vui mừng tụ hợp đến nghe Pháp. Người khổng lồ 4 mắt này chính là A Tu La.

A Tu La là tiếng Hán phiên dịch từ Asura trong tiếng Phạn, nghĩa là “phi Thiên” - không phải Thiên Thần, nhưng họ lại là sinh mệnh có Thần lực. Họ dễ nổi giận và hiếu chiến, gặp phải chút việc cỏn con liền chiến đấu một mất một còn. Hơn nữa A Tu La có vũ lực lớn, cực giỏi đánh nhau, nếu đọ sức thì xem ra Thiên Thần cũng không địch nổi. Do đó có thể hiểu đơn giản A Tu La chính là ma. Trong tiếng Hán, A Tu La còn được gọi tắt là Tu La.

Trong kinh điển Phật giáo thời kỳ đầu - “Trường a hàm kinh”, có ghi chép một câu chuyện về cuộc chiến giữa tộc A Tu La và Thiên nhân. Cuộc chiến này được mọi người gọi là Tu La trường.

Cuộc chiến giữa A Tu La và Thiên nhân lần thứ 1

Có một A Tu La Vương tên là La Hầu, ông ta có thân hình khổng lồ, tướng mạo cực kỳ xấu xí. Ông ta cầm đầu bộ chúng A Tu La cư trú ở mặt bắc của núi Tu Di, ở dưới đáy biển.

Dưới đáy biển này không giống như đáy biển mà chúng ta lý giải, cũng không phải lạch biển hoặc thung lũng đáy biển, mà là ở bên dưới đáy biển, không có nước. Nước biển là ở phía trên đỉnh kinh thành của Tu La Vương. Kinh thành của Tu La Vương rất rộng lớn, từ trong ra ngoài có 7 tầng thành quách, cấu tạo hình vuông, dài 8 vạn do tuần, cao 3 ngàn do tuần. Do tuần là đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ cổ, 1 do tuần tương đương với khoảng cách mà một con bò được đi được trong một ngày. Với điều kiện đường xá thời Ấn Độ cổ và tốc độ đi của bò khá chậm, thì một ngày con bò đực đi cũng chẳng được la bao, khoảng 11.2 km.

Như vậy kinh thành của Tu La Vương rộng khoảng 80 triệu km vuông, cao 30.000 km. Đây chỉ là kích thước của một tòa thành. Trong thành rất hào hoa, chất đầy vàng bạc, còn có những vườn rừng và những dòng suối trong vắt, còn có chim muông bay lượn… có thể nói là giống như Tiên cảnh vậy. Những A Tu La sinh sống trong thành đều cảm thấy rất hài lòng, La Hầu Vương cũng rất hài lòng, cảm thấy nơi ở của mình là nơi tốt đẹp nhất trong vũ trụ.

Một ngày nọ, La Hầu Vương cùng các đại thần đứng trên đỉnh hoàng thành ngắm cảnh núi Tu Di và biển cả, quả là rất đẹp. Bỗng nhiên giữa trời đất không biết vì sao xuất hiện một luồng gió mạnh, thổi bung cổng Trời của Thiên cung Đao Lợi.

Trong mô hình vũ trụ của Phật giáo, Đao Lợi Thiên ở trên đỉnh núi Tu Di. Vì là cõi Trời Đao Lợi, nên dân cư ở đây cũng đều là Thiên Thần, nhưng họ vẫn còn dục vọng, chỉ có điều thanh đạm và cao thượng hơn nhân loại. Họ cũng ở trong Dục Giới. Dục Giới không chỉ có bao gồm con người và những sinh mệnh thấp hơn con người, mà còn bao gồm 6 tầng Trời. Các tầng Trời càng lên cao thì dục niệm của những sinh mệnh ở đó càng đạm bạc. Đao Lợi Thiên là tầng thứ 2 trong 6 tầng Trời của Dục Giới.

Khi cơn gió lớn thổi mở toang cánh cổng của Thiên cung Đao Lợi, thì Tu La Vương La Hầu thầm nghĩ: “Ta xem xem nhà hàng xóm như thế nào”. Tu La Vương chăm chú nhìn, thấy trong Thiên cung nào là nhà đẹp hoa đẹp. Ông ta quay đầu nhìn lại Tu La Thành của mình, rồi so sánh với Thiên cung Đao Lợi, thì giống như so thôn làng của bộ lạc bản địa châu Phi với Quảng trường Thời đại New York vậy. Điều này khiến dây thần kinh của Tu La Vương La Hầu đau nhói.

Tộc A Tu La tuy có thiện niệm, nhưng bản chất lại dễ nổi nóng tức giận, hơn nữa tâm tật đố cực nặng. Lúc này, trong lòng La Hầu Vương đau đớn chua xót, ông ta không chấp nhận hiện thực, trong tâm thầm nghĩ: “Đại quốc Tu La của ta phải là quốc gia số 1 trong vũ trụ, vậy mà có nơi còn cao cấp hơn nơi của ta. Không thể nào, để ta xem lại xem”.

La hầu Vương dụi mắt, rồi nhìn kỹ xem, và nhìn thấy càng nhiều chi tiết hơn, so với lần xem thứ nhất thì thấy ở đó còn phát triển hơn, tiên tiến hơn nữa. La Hầu Vương bị hiện thực này giáng cho một đòn nặng, ông ta không còn phủ nhận nữa, mà ngây đơ ra như tượng gỗ, trái tim thủy tinh mong manh kia bỗng nhiên vỡ tan tành: “Thì ra người ta hơn mình nhiều quá”.

Phản ứng tiếp theo của ông ta là, sau khi định thần lại, ông ta nhảy dựng lên, gầm thét như sấm: “La Hầu Vương ta sức mạnh vô song, thần thông đệ nhất thiên hạ, vậy mà Hoàng cung của ta lại không bằng nhà xí của Thiên cung Đao Lợi. Điều này mà nhẫn được thì còn điều gì không thể nhẫn được đây? Vương quốc của ta phải là số 1, ắt phải vùng lên. Ta phải phá hủy Đao Lợi Thiên, lấy mặt trời mặt trăng xuống làm vòng tai của ta”

Thế là La Hầu Vương liên hợp với một vị A Tu La Vương khác và A Tu La Vương Tỳ Ma Chất Đa La. Ba vị Ma Vương này liên kết với nhau thành tập đoàn phe trục A Tu La tấn công Đao Lợi Thiên. Đầu tiên là quân đội Long tộc thuộc tộc A Tu La, lần tấn công thứ nhất gọi là Đại lực xuất kỳ tích. Những con rồng dùng thân mình quấn quanh núi Tu Di 7 vòng, sau đó dùng đuôi quật mạnh xuống biển, khiến sóng biển khổng lồ dâng lên, đất trời rung chuyển.

Ming dynasty statue of Sakra (帝釋天 or 帝釋天; Dìshìtiān) in Zhihua Temple (智化寺) in Beijing, China.jpg
Tượng Đế Thích Thiên thời Minh ở chùa Trí Hóa, Trung Quốc. (Wikipedia)

Chúa tể của Đao Lợi Thiên là Thích Đề Hoàn Nhân, cũng gọi là Đế Thích Thiên, hoặc Đế Thích, nhìn thấy tình hình này, lập tức hiểu rõ vấn đề: Đây chính là tộc A Tu La muốn dùng bạo lực nổi dậy, muốn “phục hưng vĩ đại”, thách thức trật tự của Thiên giới. Đế Thích Thiên lập tức thông báo cho các Thiên Vương của các cõi Trời trong Dục Giới khởi động cơ chế phòng ngự tập thể. Các vị Thiên Vương phái Thiên binh Thiên tướng của các Thiên quốc tập hợp ở Đao Lợi Thiên, đồng thời điều các Long Vương các biển đến để đối phó với Long tộc của phe A Tu La.

Ở bên kia, A Tu La Vương La Hầu trông thấy tình hình như vậy thì càng tức giận: “Tất cả mưu đồ ngăn cản sự phục hưng vĩ đại của Vương quốc A Tu La của ta đều vô ích, ta phải bắt sống Đế Thích Thiên”.

Ở bên này, Đế Thích Thiên cũng hạ lệnh: “Thiên giới chúng ta cần phải đoàn kết lại, phải đánh bại phe trục tà ác do La Hầu Vương cầm đầu, hơn nữa cần phải bắt sống tên A Tu La Vương La Hầu phá hoại này”.

Hai bên không bên nào chịu bên nào, thế là mây đen giăng kín, tiếng trống Trời nổi lên vang rền. Quân đội 2 bên - Thiên quân và Ma quân, mỗi bên tập kết ở một bên của núi Tu Di. Đội quân Tu La nổi tù và tấn công trước. Lần tấn công này gọi là: chiến thuật biển người, quyết tâm không sợ hi sinh, khắc phục mọi khó khăn giành thắng lợi.

Đại quân Tu La đông đúc đen kịt liều mình xả thân xông lên hết lớp này đến lớp khác. Tu La Vương La Hầu cũng không tầm thường, thét lớn: “Hãy theo ta xung phong”.

La Hầu Vương thân hình cao lớn dẫn đầu đoàn quân, trên đầu ông ta phun ra ngọn lửa vạn trượng. Đội quân A Tu La thấy thế thì sĩ khí hừng hực, tất cả xông lên. Những Thiên binh thấy thế thì kinh ngạc ngây đơ ra: “Chưa từng thấy những sinh mệnh nào liều mạng như thế này”, khí thế cũng bị mất đi khá nhiều, nhưng cũng phải gắng gượng tinh thần dốc sức chống cự.

Điểm đặc biệt của chiến tranh trên Thiên giới là, người bị đánh trúng thực tế sẽ không chết. Tuy nhiên khi vũ khí xuyên qua thân thể, thì sẽ có cảm giác đau đớn.

Chiến thuật biển người của A Tu La Vương có hiệu quả, các chiến binh A Tu La càng đánh càng dũng mãnh, Thiên binh Thiên tướng không địch nổi, đại quân A Tu La sắp xông vào Thiên cung Đạo Lợi Thiên rồi. Lúc này Đế Thích Thiên cuối cùng đã sử dụng bản lĩnh của mình, ông rút ra chiếc chày kim cương hàng ma, niệm chú ngữ, trong chớp mắt, trên đỉnh đầu ông bốc lên ngọn lửa, chày kim cương bay vút lên không giáng thẳng vào Tu La Vương La Hầu, khiến ông ta ngã lăn ra đất, và gãy mấy cánh tay.

Đế Thích Thiên hơi nhếch miệng mỉm cười, trong tâm thầm nói: “Ngươi nổi giận lôi đình, dùng chiến thuật biển người, ta có chày kim cương hàng ma, thằng nhóc kia, ta không trị nổi mi sao?”

Vì đại vương đã trúng đòn, tình hình chiến sự đột nhiên đảo ngược, A Tu La đại bại, La Hầu Vương đành phải cun cút chạy về Hoàng thành bên dưới đáy biển để tĩnh dưỡng.

A Tu La có nguồn gốc thế nào?

A Tu La là một đạo trong lục đạo luân hồi mà Phật giáo giảng. Phật giáo coi phạm vi xảy ra hiện tượng luân hồi là Tam giới, từ dưới lên trên là: Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới. Lục đạo này từ cao xuống thấp là: Thiên đạo, Nhân đạo, Tu La đạo, Súc sinh đạo, Ác quỷ đạo và Ngục đạo. Chúng sinh của Sắc giới và Vô sắc giới đều thuộc về Thiên đạo, còn lại 5 đạo đều ở Dục giới, nhưng trong Dục giới cũng có Thiên nhân. Cảnh giới càng cao thì tuổi thọ càng lớn, phúc báo càng lớn.

A Tu la tuy có năng lực cao hơn loài người, họ có phúc báo và tuổi thọ lớn hơn loài người, nhưng trong tầng thứ luân hồi, thì sinh mệnh của họ thấp hơn con người một cấp, nguyên nhân là A Tu La muốn tu chính Pháp thì rất khó.

Vậy con người có thể dễ dàng chuyển sinh sang Tu La đạo không? Cũng không dễ, con người cần phải kết thiện duyên mới được chuyển sinh sang Tu La đạo. Ví dụ như “Tạp thí dụ kinh” có viết về câu chuyện A Tu La như sau:

undefined
Tượng Bích Chi Phật thời Bắc Tề, Trung Quốc. (Wikipedia)

Vào thời đại Bích Chi Phật, tức thời đại chưa có Phật Pháp lưu truyền, mọi người chỉ dựa vào huệ căn của mình để giác ngộ, có một người nghèo sống dưới chân núi, bên cạnh là một con sông. Người nghèo này ngày ngày đều phải lội qua con sông để lên núi chặt củi, sau đó đem ra chợ bán mới kiếm được chút tiền nuôi miệng.

Công việc của anh ngày ngày phải lội qua sông, vào mùa cạn thì còn dễ, nước chỉ đến đầu gối, nhưng đến mùa mưa thì nguy hiểm, khi cơ mưa lớn là nước lũ đổ về, nước sông ngập đến ngực, và chảy xiết, chỉ sơ ý là bị nước cuốn đi. Đã nhiều lần người nghèo này suýt chết đuối.

Một ngày nọ, trước cửa nhà anh bỗng xuất hiện một người tu hành, tay cầm bát hóa duyên. Người nghèo này không hề do dự, lập tức đem tất cả thức ăn trong nhà ra cúng dường người tu hành. Ăn cơm xong, người tu hành cầm cái bát không ném lên không trung, chiếc bát bay vút lên mây bay đi mất. Thì ra người tu hành này là một vị Bích Chi Phật biến hóa ra. Người nghèo này thấy vậy, biết là đã gặp được Thần Tiên sống, liền quỳ xuống cầu xin đời sau được chuyển sinh thành người có thân hình cao lớn, dù nước sâu đến đâu cũng không ngập quá đầu gối.

Đúng là anh chàng nghèo khổ, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện lội sông kiếm củi, khi gặp Thần Tiên sống thế này vẫn chỉ nghĩ đến chuyện đó mà thôi. Quả nhiên, người nghèo này sau này được chuyển sinh thành A Tu La Vương cao lớn dị thường, ngay cả nước biển dưới chân núi Tu Di cũng chỉ ngập đến đầu gối của ông ta mà thôi.

Nguyên nhân chủ yếu khiến người nghèo này chuyển sinh thành A Tu La Vương là do anh ta đã khởi thiện tâm, đại bố thí cho Thánh nhân, đó là duyên khởi của A Tu La Vương.

Vậy duyên khởi của cả tộc A Tu La là gì?

Trong “Phật thuyết quan Phật tam muội hải kinh” và “Trường A hàm kinh” có kể câu chuyện như sau:

Khi vũ trụ bị đại kiếp nạn, phải trải qua 4 kiếp nạn của Hỏa, Vũ, Phong, Địa luân phiên nhau một vòng trong Tam giới. Khi trải qua Địa kiếp thì chính là động đất lớn, các khối lục địa biến động, sau đó thế giới mới yên ổn trở lại. Trong bùn đất dưới đáy biển sinh ra một quả trứng Linh noãn. Trải qua 8000 năm, Linh noãn vỡ ra sinh ra một cô gái. Tướng mạo cô gái này khong thể dùng từ “xấu” để miêu tả được, mà phải dùng từ “đáng sợ”, da đen như bùn, có hơn 900 cái đầu, 20 đôi tay, thân thể khổng lồ. Đó chính là mẹ của tộc A Tu La.

Khi cô gái này du ngoạn dưới đáy biển, Thủy Tinh chui vào thân thể cô, từ đó có thai. Lại trải qua 8000 năm, cô sinh ra một bé trai. Bé trai này tướng mạo cũng rất đáng sợ, có 9 đầu, nghìn mắt, 999 đôi tay, 8 đôi chân. Đó chính là A Tu La Vương Tỳ Ma Chất Đa La (Vimalacitra), người liên thủ cùng La Hầu Vương tấn công Đạo Lợi Thiên.

Tỳ Ma Chất Đa La trong tiếng Phạn có nghĩa là Hoa Hoàn (vòng hoa), nên tên của ông ta có nghĩa là Hoa Hoàn Phi Thiên Vương. Sau khi trưởng thành, thân thể Hoa Hoàn Phi Thiên Vương to lớn gấp 4 lần mẫu thân, nước biến chưa ngập đến đầu gối của ông ta.

Hình tượng A Tu La Vương ở hang Mạc Cao số 249 có chút khác biệt với Hoa Hoàn Phi Thiên Vương. Hình trong bức tranh chỉ có 1 đầu 4 con mắt và 2 chân, vậy dựa vào đâu mà nói đó chính là A Tu La Vương?

Trong sáng tác văn học nghệ thuật có một quá trình gia công. Hình tượng 9 đầu nghìn mắt nghìn tay và 8 chân thì quá khó vẽ, hơn nữa có vẽ được ra thì cũng không đẹp, do đó họa sĩ dùng thủ pháp truyền thống đối xứng, nên chỉ vẽ 1 đầu 4 mắt và 2 chân 4 tay, đối ứng với hình tượng của A Tu La Vương một cách hoàn mỹ.

Trong “Lăng nghiêm kinh” của Phật giáo cũng chia A Tu La thành 4 loại là hóa sinh, noãn sinh, thai sinh và thấp sinh. Trong đó, A Tu La hóa sinh chính là A Tu La Vương Tỳ Ma Chất Đa La và mẹ của ông ta. Loại A Tu La này có hình thể to lớn nhất, đồng thời cũng có năng lực lớn nhất, mạnh nhất trong tất cả các loại A Tu La, thậm chí ngay cả Thiên Thần cũng e sợ họ vài phần.

Xả Chi - Con gái của A Tu La Vương. (Chụp video)

Rất nhiều năm sau cuộc chiến với Đao Lợi Thiên, con gái của Tỳ Ma Chất Đa La Vương là Xả Chi đã trưởng thành. Xả Chi có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Nói chung đàn ông A Tu La đều rất xấu xí, nhưng phụ nữ A Tu La thì xinh đẹp vô cùng, nói chính xác là đẹp yêu mị vô cùng, chứ không phải vẻ đẹp đoan trang của Thiên nữ. Đó là vẻ đẹp hút hồn khiến người ta khó cưỡng lại.

Một lần tình cờ, Đế Thích Thiên nhìn thấy Công chúa Xả Chi, ông bỗng chốc ngây người không cất bước nổi, đôi mắt ông bị hút chặt. Đế Thích Thiên lập tức tìm Tỳ Ma Chất Đa La Vương để cầu hôn, muốn lấy con gái của ông ta làm vương phi, và hứa hẹn lễ vật hậu hĩnh. Để có được cô gái này, Đế Thích Thiên đã hy sinh rất nhiều, thậm chí vương miện trên đầu ông cũng bị tháo ra và ném xuống biển, lập tức vương miện biến thành cung điện thất bảo của Tu La Vương.

A Tu La Vương thấy cung điện đẹp thì vui mừng lắm, tìm đâu để có được người con rể như thế này! Thế là Tu La Vương lập tức đồng ý. Đế Thích Thiên vui mừng cưới được vương phi. Khi các Thiên Thần trông thấy Công chúa A Tu La này, họ đều nhìn ngây người, họ chưa bao giờ thấy cô gái xinh đẹp như thế này. Đế Thích Thiên vui sướng đặt tên cho vương phi mới của mình là Duyệt Ý, tức là vui mắt vui lòng. Từ đó cặp đôi sống những ngày ngọt ngào hơn cả mật.

Cuộc chiến giữa A Tu La và Thiên nhân lần thứ 2

Nhưng dù mỹ nhân có đẹp thế nào thì cũng có ngày khiếu thẩm mỹ của người chồng mệt mỏi. Một ngày nọ, Vương phi Duyệt Ý đột nhiên trông thấy Đế Thích Thiên đang chơi đùa vui vẻ với một Thiên nữ trong vườn hoa. Thế là cái gien A Tu La trong xương cốt vương phi bỗng nhiên phát tác, lửa đố kỵ thiêu đốt trong lòng không thể nào kiềm chế được, cô mắng lớn: “Đồ cặn bã”, rồi quay người chạy về nhà ngoại, kể lể với phụ thân, xin phụ thân lấy lại công bằng cho mình, đâm chết đồ cặn bã đó đi: “Đồ phản bội ắt phải chết”.

Thấy con gái yêu của mình bị ức hiếp, Tỳ Ma Chất Đa La Vương lập tức dẫn quân bao vây núi Tu Di. Tu La Vương sử dụng thần thông “Pháp thiên tượng địa”, thân hình ông ta cao bằng núi Tu Di. Ông ta thò 999 cánh tay khổng lồ ra ôm chặt núi Tu Di và rung lắc mạnh, khiến nước biển tung lên những con sóng khổng lồ. Phía sau ông ta là quân lính Tu La khí thế hùng hổ tấn công, khiến các Thiên Thần của Đao Lợi Thiên sợ hãi bỏ chạy tán loạn.

Đế Thích Thiên cũng vô cùng kinh sợ. Tỳ Ma Chất Đa La Vương tuy không có những sở trường gì khác, nhưng lại có sức lực ghê gớm, sức mạnh lớn hơn La Hầu Vương khá nhiều. Hơn nữa lại bất ngờ, Đế Thích Thiên không kịp triệu tập các Thiên Thần, chỉ biết chạy vòng vòng. Đúng lúc A Tu La Vương sắp vào được Đao Lợi Thiên thì có một vị Thiên Thần nói với Đế Thích Thiên rằng: “Thiên Vương chớ kinh sợ, trước kia Phật Đà có truyền thụ cho Ngài Bát Nhã Ba La Mật Chú Kinh, chỉ cần Thiên Vương tĩnh tâm tụng niệm chú này thì tin rằng ắt sẽ hàng phục được đội quân của A Tu La Vương".

Đế Thích Thiên nghe thế thì vỗ đùi: “Đúng rồi, sao ta lại cuống đến nỗi quên mất nhỉ”.

Đế Thích Thiên lập tức trở về Pháp Đường cung kính thắp hương, sau đó bắt đầu niệm chú. Trong khi ông đang niệm chú thì trên không trung xuất hiện những bánh xe dao lớn, tức là ở vành ngoài bánh xe thò ra những lưỡi dao sắc. Đây là một loại binh khí lợi hại nhất thường thấy trong Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Hàng ngàn bánh xe dao từ trên trời bay xuống chém lên thân A Tu La Vương, chặt đứt hàng trăm tay của ông ta. Tu La Vương thân đầy thương tích rơi xuống biển, trong chớp mắt, nước biển nhuốm đỏ. A Tu La Vương vô cùng kinh hoàng, không có đường thoát, đành phải thu mình lại thật nhỏ, rồi chui vào một cái lỗ của ngó sen để ẩn tránh. Trận đại chiến này lại một lần nữa A Tu la thất bại thảm hại.

Những câu chuyện trên đều được ghi chép trong Kinh Phật, về loại Hóa sinh A Tu La. Hóa sinh tức là được sinh ra theo phương thức thần thông biến hóa, không có quá trình mang thai và sinh nở. Trong đạo A Tu La, loại hóa sinh thuộc giai cấp cao cấp, là cùng tầng thứ với các cõi Trời ở Dục Giới, đều là A Tu La có năng lực và phúc báo lớn.

Các loại A Tu La khác là noãn sinh, thai sinh và thấp sinh, nhưng trong kinh Phật không có nhiều ghi chép về chúng, chỉ nói A Tu La noãn sinh thuộc về quỷ đạo, tương tự như loại Dạ Xoa; A Tu La thai sinh thuộc về nhân đạo, tức là những người cực kỳ tàn bạo trong loài người; còn A Tu La thấp sinh thuộc về súc sinh đạo. Bởi vì ở Ấn Độ cổ nóng nực ẩm thấp, mọi người cho rằng loài côn trùng là tự nhiên sinh ra trong không khí ẩm thấp, nên gọi là thấp sinh. Loại A Tu La này là những động vật cực kỳ hung dữ.

Nói tóm lại, A Tu La có 4 loại lớn, bất kể là A Tu La ở Thiên đạo, cõi người, hay loài vật, thì đặc điểm chung của họ là hiếu chiến thích đấu đá, tâm sân hận nặng, tâm tật đố nặng.

Wenzhao
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

A Tu La nào có thể chống Thiên đình khiến Thiên Thần cũng e sợ