Đằng sau “bạch đầu giai lão” có bí quyết gì? Làm sao giữ hôn nhân dài lâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên tiếp các vụ ly hôn của những người nổi tiếng khiến chúng ta tự hỏi: Vì sao hôn nhân hiện đại lại đoản mệnh đến thế?

Nếu nhìn lại, ông bà ta chưa từng quen biết trước khi kết hôn nhưng họ vẫn hạnh phúc bên nhau đến bạc đầu. Còn chúng ta đã hẹn hò tìm hiểu, đã lựa chọn kỹ càng, vậy vì sao vẫn không thể tiếp tục đi đến cuối con đường?

Suy cho cùng, vấn đề ấy xuất phát từ đâu?

Ân (tình cảm)

“Kết phát vi phu thê, ân ái lưỡng bất nghi” (vợ chồng kết tóc xe tơ, ái ân thắm thiết chẳng ngờ lẫn nhau). Rất nhiều người cho rằng bí quyết của hạnh phúc là vợ chồng tâm đầu ý hợp, chỉ cần phu thê ân ái thì hôn nhân sẽ có thể lâu dài.

Ân ân ái ái, hai chữ này đã chỉ rõ rằng: Tình cảm vợ chồng trước là Ân, sau là Ái.

Ái tình vốn không bền vững, có thể hôm nay nhất kiến chung tình nhưng ngày mai rất có thể lại đổi dạ thay lòng. Đã từng rung động, đã từng say đắm, nhưng một ngày kia lại quay lưng rời gót, phũ phàng dứt áo ra đi. Yêu hận tình thù chỉ trong chớp mắt, ai dám chắc sẽ một dạ sắt son cho đến cuối cuộc đời?

“Yến Tử Xuân Thu” ghi chép rằng, quân chủ của nước Tề là Tề Cảnh Công muốn gả con gái cho Yến Tử, bèn đến nhà Yến Tử làm khách. Nhân lúc cả hai đang vui vẻ uống rượu, Tề Cảnh Công bèưn hỏi Yến Tử: “Người vừa rồi có phải là thê tử của khanh không?”.

Yến Tử đáp: “Không sai, đó là vợ của thần”.

Cảnh Công cảm khái một hồi rồi nói: “Ôi chao, ta thấy bà ấy vừa già lại vừa xấu, thật không xứng với khanh! Thế này đi, ta có người con gái trẻ trung xinh đẹp, chẳng thà gả cho khanh, ý khanh thế nào?”.

Được vua sủng ái gả công chúa cho, đối với một người bình thường đó quả là diễm phúc, nào còn ai dám cự tuyệt đây? Nhưng Yến Tử lại khẳng khái trả lời Tề Cảnh Công: “Tuy vợ thần đã có tuổi, nhưng thần và nàng đã chung sống rất lâu rồi. Nàng cũng có những năm tháng thanh xuân tươi đẹp. Khi còn trẻ đẹp nàng đã gửi gắm cả cuộc đời cho thần, thần cũng vì sự phó thác ấy mà kết hôn với nàng. Đại vương ban thưởng như thế quả là vinh hạnh cho thần lắm, nhưng thần sao có thể cô phụ sự phó thác của người vợ kết tóc xe tơ đối mình cho được?”.

Đó quả là chính kiến của một bậc chính nhân quân tử, chẳng trách vì sao Tề Cảnh Công lại muốn gả công chúa cho ông.

Yến Tử đã nói ra một điểm rất quan trọng để duy trì hôn nhân, đó chính là trách nhiệm của người đàn ông.

Có người con gái nào kết hôn mà không mong sẽ hạnh phúc đến bạch đầu giai lão? Cô gái ấy đem cả thanh xuân của mình giao phó cho một người đàn ông, vậy anh ta nên gánh vác trách nhiệm, trở thành chỗ dựa cả đời cho nàng.

Một thi nhân thời nhà Nguyên là Phó Nhược Kim viết trong bài “Điệu vong tứ thủ”: “Tân hôn thệ giai lão, ân nghĩa vĩnh thả thâm”, nghĩa là: Tân hôn thề giai lão, ân nghĩa mãi sâu dày.

Nhưng làm được điểm này lại không hề dễ dàng, bởi vì cuộc đời luôn có đủ mọi khảo nghiệm dụ dỗ mê hoặc, trong hoàn cảnh ấy mới có thể nhìn ra phẩm hạnh đích thực của một người.

“Hậu Hán Thư” chép rằng, chị của Quang Vũ Đế là Hồ Dương công chúa. Sau khi chồng của công chúa qua đời, Quang Vũ Đế đã cùng nàng bàn luận về quần thần. Công chúa nói: “Tống Hoằng dung mạo đường đường, tài đức song toàn, các đại thần khắp trong triều đều không ai bì được với chàng”.

Quang Vũ Đế biết công chúa chỉ ưng mỗi Tống Hoằng và nguyện ý được kết hôn cùng chàng. Thế là, ông bèn sắp xếp cho Hồ Dương công chúa ngồi sau bức bình phong, sau đó triệu kiến Tống Hoằng đến trò chuyện. Quang Vũ Đế hỏi: “Tục ngữ có câu: ‘Giàu đổi bạn, sang đổi vợ’, đây có phải chuyện thường tình hay không?”.

Tống Hoằng đáp: “Thần nghe nói: Bạn bè kết giao lúc nghèo hèn thì chẳng nên quên, người vợ cùng chịu cảnh cơ hàn với mình thì không thể bỏ được”.

Quang Vũ Đế thấy lời lẽ dứt khoát của Tống Hoằng thì biết rằng việc mai mối sẽ không thành.

Tục ngữ có câu: “Nhất nhật phu thê bách nhật ân, bách nhật phu thê tự hải thâm”, nghĩa là: Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa, trăm ngày chồng vợ tựa biển sâu. Chỉ một ngày làm vợ làm chồng nhưng nghĩa trọng tình thâm, bên nhau càng lâu thì ân tình lại càng sâu đậm, giống như đại hải không thể đo lường.

Do đó ân ái không phải là thứ dễ dàng đem ra khoe khoang trước mặt người khác, mà là thể hiện cho lời hứa, là trách nhiệm, cũng là nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa. (Trang Angie - Epoch Times)

Nghĩa (lý tính)

“Nữ luận ngữ” viết: “Phu thê kết phát, nghĩa trọng thiên kim” (vợ chồng kết tóc, nghĩa nặng ngàn vàng). “Nữ giới” cũng có câu: “Phu vi phu phụ giả, nghĩa dĩ hòa thân, ân dĩ hảo hợp” (Đạo vợ chồng dùng lễ nghĩa mà chung sống hòa thuận, dùng ân tình mà hòa hợp thân ái.)

Chữ “Nghĩa” có nội hàm rất lớn, nếu như ân tình chỉ là tình cảm, vậy thì hai người chưa từng gặp mặt chỉ có thể dựa vào đạo nghĩa và tín nghĩa để tuân thủ thệ ước.

“Hậu sơn đàm tùng” ghi chép một câu chuyện xảy ra vào thời Bắc Tống.

Chuyện kể rằng, ở Hoa Âm có một thí sinh họ Lữ đỗ tiến sĩ, được ghi tên trên bảng vàng. Nhưng không may, vợ chưa cưới của anh ta mắc bệnh nặng dẫn đến cả hai mắt đều mù lòa. Gia đình cô gái biết mình không xứng nên đã chủ động rút lại hôn ước. Nhưng Lữ tiến sĩ không bằng lòng, anh nói rằng cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì anh vẫn không thể vi phạm hôn ước, vậy nên anh vẫn quyết định lấy nàng làm vợ.

Sau này nhà họ Lữ sinh được năm người con trai đều đỗ tiến sĩ, trở thành câu chuyện truyền kỳ lúc đương thời. Trong đó bốn người con trai có thành tựu đặc biệt vẻ vang, được gọi chung là “Tứ Lữ” ở Lam Điền, một vị trong số họ sau này làm đến tể tướng.

Những câu chuyện như trên vô cùng phổ biến thời cổ đại, và phụ nữ cũng không ngoại lệ.

“Liệt nữ truyện” chép rằng, ở đất Thái có một người vừa mới cưới vợ xong liền đổ bệnh. Vì chồng mang bệnh, người vợ đã mất đi nguồn kinh tế, cũng không còn bờ vai nương tựa. Mẹ cô gái vì thương con liền khuyên cô tái giá.

Cô gái đáp: “Bất hạnh của chồng cũng chính là bất hạnh của con, con sao có thể bỏ rơi chàng được? Con đã kết hôn rồi, quyết suốt đời không thay lòng đổi dạ, sao có thể vì chàng mắc bệnh nặng mà tái giá được?”.

Nhưng các cuộc hôn nhân hiện đại vì không có ân nghĩa và đạo nghĩa ước thúc, do đó rất dễ tan vỡ trước sóng gió.

Kính (biểu tượng)

Hôn nhân khó tránh khỏi mâu thuẫn, vậy làm thế nào mới có thể duy trì quan hệ hòa hợp giữa vợ và chồng?

Cổ nhân cho rằng vợ chồng chung sống thì cần tôn kính lẫn nhau, làm chồng hay làm vợ thì đều nên tôn kính đối phương.

Khổng Tử từng nói với Lỗ Ai Công: “Xưa kia trong ba thời Hạ, Thương, Chu, khi bậc quân vương thánh minh trị vì xã hội, người ta nhất định sẽ tôn trọng, yêu thương bảo vệ vợ con mình. Bởi vì vợ là người quan trọng nhất trong nhà, còn con cái là người nối dõi tông đường, đối với hai người này sao có thể bất kính đây?”.

Trong “Nữ giới”, Ban Chiêu cũng nhắn nhủ: Tu thân thì điều quan trọng nhất chính là cung kính, tị cương thì điều cần thiết nhất chính là nhu thuận. Do đó, cung kính và nhu thuận là lễ nghĩa lớn nhất đối với nữ nhi.

Khổng Tử từ góc độ của nam giới, Ban Chiêu từ góc độ của nữ giới đều khuyên vợ chồng tôn kính lẫn nhau, đây cũng là lễ tiết cơ bản trong đạo phu thê.

“Tả Truyện” ghi chép rằng, một lần Tấn Văn Công phái đại thần Cữu Quý đi sứ đến nước Tần. Khi Cữu Quý đi qua đất Ký, ông nhìn thấy một người tên là Khích Khuyết đang cấy cày ở ruộng, còn vợ anh ta thì mang cơm cho chồng. Vợ của Khích Khuyết cung kính dâng cơm, hai tay Khích Khuyết cẩn thận đón lấy rồi cảm tạ thê tử. Hai người cùng tôn trọng lẫn nhau, coi nhau như khách quý.

Cữu Quý vô cùng cảm động, bèn dẫn Khích Khuyết về triều và tiến cử lên Tấn Văn Công. Cữu Quý nói: “Kính là biểu hiện của phẩm đức cao thượng, người cung kính lễ độ nhất định là người có phẩm hạnh. Việc trị lý quốc gia cần người có đức, xin đại vương hãy tin dùng anh ta”.

Quả nhiên, sau này Khích Khuyết làm đến chức đại phu ở nước Tấn. Đây chính là nguồn gốc câu thành ngữ “tương kính như tân” (vợ chồng kính nhau như khách).

Tương kính như tân là biểu hiện khi hai người trân quý và tôn trọng lẫn nhau. Chính vì trân trọng, cho nên mỗi ngày đều nở nụ cười tươi tắn nhất để chào đón, dùng thái độ khoan dung hòa nhã nhất để đối đãi, dùng ngữ khí thiện nhất để trò chuyện với đối phương. Nếu làm được như vậy, chẳng phải sẽ không còn mâu thuẫn nữa sao?

“Tính lý hội thông” viết rằng, làm chồng thì nên kính thân để dẫn dắt vợ, làm vợ thì nên kính thân để chăm lo cho chồng. Do đó cha mẹ khi tiễn con xuất giá thường hay căn dặn rằng con nhất định phải kính, đây chính là ý nghĩa của đạo chung sống giữa vợ và chồng.

Tương kính như tân. (Miền công cộng)

Nhẫn (nội tại)

Nhân sinh khó tránh khỏi phong ba, giữa người với người cũng khó tránh khỏi xích mích, lúc này điều cần thiết nhất chính là Nhẫn.

“Tứ lễ dực”, thiên “Hôn tiền dực” chép rằng, con gái sinh ra đều được cha mẹ nâng niu từ bé, nhưng cho dù được cha mẹ yêu mến bao nhiêu thì một khi xuất giá, thân phận và địa vị sẽ khác, ở nhà chồng không thể giống như khi ở nhà mình.

Nếu lúc ấy tâm lý suy sụp, nội tâm bất bình, sau thời gian lâu họ dễ trở nên trầm cảm, uất ức mà sinh bệnh.

Kỳ thực, các cậu ấm cô chiêu là con một trong xã hội hiện đại, ai ai cũng là tiểu hoàng đế, là tiểu công chúa của cha mẹ, hễ gặp mâu thuẫn họ đều không muốn phải chịu thiệt.

Nếu như chỉ để mắt đến việc người khác đã làm sai chỗ nào, mắc lỗi ra sao thì sẽ ngày càng bất bình, nói không chừng sẽ làm hại thân thể của chính mình. Khi ấy, đều cần nhất luôn là nhẫn nhịn, bao dung và đồng cảm.

Tục ngữ có câu: “Lùi một bước biển rộng trời cao”, nếu hai người đều suy nghĩ cho đối phương, thì con đường sẽ bước được lâu dài.

Trong “Nam sử” có câu chuyện về Lưu Ngưng Chi, vốn là người phẩm đức rất cao thượng, anh từng từ chối làm quan và không tham luyến vinh hoa phú quý. Vợ anh tuy là con gái Thứ sử, nhưng nàng lại an phận cùng anh sống cuộc sống cần kiệm và thanh bần. Tiền tài mà hai vợ chồng kiếm được chỉ dành cho các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, phần còn lại đều đem bố thí cho người nghèo.

Lưu Ngưng Chi yêu thích sơn thủy, anh dẫn vợ con đi thuyền dạo chơi trên sông hồ, lên núi Hành Sơn, sống những tháng ngày ẩn cư nhàn nhã, trong tâm không màng chuyện thế sự, mỗi ngày đều du sơn ngoạn thủy, sống cuộc sống thần tiên.

Âm dương

Học thuyết Âm Dương cho rằng, nam là dương - nữ là âm, nam là thiên - nữ là địa, thiên địa, âm dương đều tồn tại song hành và bổ trợ cho nhau.

“Nữ giới” viết, âm dương có những đặc tính bất đồng, nam nữ đương nhiên cũng không giống nhau, nam nhân quý ở kiện tráng cương cường, nữ nhân lại lấy nhu thuận yếu mềm làm nét đẹp.

Con người chúng ta đều muốn nam nữ bình đẳng, nhưng lại quên mất rằng nam nữ khác biệt, mỗi người đều có ưu khuyết của riêng mình.

“Kinh Dịch” viết: Vị trí của nữ nhân nên là chủ nội, vị trí của nam nhân nên là chủ ngoại. Nam nữ mỗi người đều có chức vụ của mình, đây là đại nghĩa trong trời đất. Làm cha con, anh em, và vợ chồng thì đều có thể ở trong gia đình mà thực hiện tốt vai trò của mình, như thế gia đạo sẽ chính. Nếu như nhà nhà đều như vậy, vậy thì thiên hạ tự nhiên cũng sẽ an định.

Cũng giống như xã hội có phân công lao động, không thể ai ai cũng làm việc giống hệt như nhau. Xã hội cổ đại là “nam canh nữ chức” (nam làm việc ngoài đồng, nữ dệt vải thêu thùa ở nhà), nam và nữ ở hoàn cảnh khác nhau mà phát huy sở trường của mình, điều này phù hợp với quy luật âm dương.

Trong “Tố nhân kính” có đoạn: Vợ chồng tình ý tương hợp, thân mật không có gián cách, nhưng hai người lại có những phẩm chất khác biệt, giống như mặt trời và mặt trăng. Chồng giống như thái dương, vợ giống như vầng nguyệt, nhật nguyệt luân phiên chiếu sáng đại địa.

Chính vì nữ giới nhu thuận yếu mềm, do đó nam giới mới gắng hết sức chở che và bảo vệ họ. Khi con tàu Titanic đang dần dần chìm xuống đáy biển, các quý ông đều nhường cơ hội sống cho phụ nữ và trẻ em. Không ai cho rằng đó là bất công, bởi đây là nghĩa vụ của nam giới.

Trong gia đình, người đàn ông là trụ cột, có trách nhiệm gánh vác gia đình và yêu vợ thương con, còn phụ nữ thì chăm lo việc nhà, nuôi dạy con và chăm sóc chồng. Vì vậy, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ bổ sung cho nhau, không phải là cạnh tranh hay áp bức.

Vào thời cổ đại, các cặp vợ chồng tôn trọng nhau như khách, bao dung nhau khi gặp mâu thuẫn, cùng nhau vượt qua khó khăn và giữ mình khỏi cám dỗ. Giữa họ có sự ràng buộc của ái tình, đạo nghĩa và tín nghĩa, vì vậy hôn nhân luôn vững vàng trước gió táp phong ba.

Theo Ally - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đằng sau “bạch đầu giai lão” có bí quyết gì? Làm sao giữ hôn nhân dài lâu?