Đệ  tử đệ nhất thần thông của Phật Đà rốt cuộc có thần thông gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có 10 đại đệ tử, mỗi người đều có sự xuất chúng và bản sự riêng. Trong đó có hai vị đệ tử cùng ngày tháng năm sinh, họ đều xuất sinh trong gia đình tôn quý dòng Bà La Môn khi ấy, sinh trưởng trong điều kiện vật chất đủ đầy, cùng các gia đình giàu có xung quanh làm bạn. Đó chính là “Thần thông đệ nhất” - Mục Kiền Liên và “Trí huệ đệ nhất” - Xá Lợi Phất.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Để đơn giản, chúng ta trực tiếp dùng tên của họ sau khi đã trở thành đệ tử Phật Đà, tìm hiểu sinh mệnh và con đường tầm Đạo của họ.

Tuổi trẻ bồng bột Mục Kiền Liên và Xá lợi Phất sống trong hai làng kề nhau gần thủ đô Vương Xá thành của Ma Yết Đà quốc, hai gia đình thường xuyên giao hảo.

Vào một ngày, cả hai tham dự lễ hội hàng năm ở Vương Xá thành, sau lễ hội kết thúc, họ có cùng một cảm xúc, đó là: lần này không có được sự vui vẻ, thỏa mãn như những lần trước, không những chẳng vui lên, mà trái lại đều có cảm giác buồn rầu.

Hai người đàm luận về hiện tượng này, cùng cảm thấy sự vô thường của sinh mệnh. Thế là họ quyết định xả bỏ gia đình cùng tài phú, đi vào đường Sa Môn (Chỉ người xuất gia tu hành, xin ăn để sống), trở thành tăng nhân cầm bát, tìm cầu Pháp giải thoát sinh tử. Khi hai vị nói với những người đi theo về quyết định của mình, hầu hết thanh niên trẻ đều đồng ý đi theo, cùng nhau tìm kiếm ý nghĩa đích thực của sinh mệnh.

Mục kiền liên cùng Xá Lợi Phất đã học qua nhiều thầy, đàm đạo cùng nhiều vị Sa Môn, Bà La Môn có danh tiếng, nhưng đi khắp Ấn Độ vẫn không tìm ra Pháp dạy bất tử. Thế là họ quay về quê khi tuổi khoảng 40, ở nhờ nhà thầy học cũ, rồi chia hai ngả đi tìm Chân Pháp, hẹn ước rằng, ai tìm thấy trước thì quay lại báo cho người kia.

Trở thành đệ tử cả của Phật Đà, chứng đắc quả vị A La Hán

Trước khi hai vị hồi hương không lâu, Phật Thích Ca Mâu Ni đã phái một đoàn đệ tử ra ngoài truyền Pháp, còn bản thân Phật Đà thì quay về Ma Yết Đà quốc, quốc vương nhanh chóng trở thành tín đồ, đồng thời hiến tặng Trúc Lâm Tinh Xá cho Phật Đà.

Một lần, Xá Lợi Phất ra ngoài, gặp một vị Tỳ Kheo của Phật Đà, hai người nói chuyện xong, Xá Lợi Phất lập tức cảm thấy đây chính là thứ mình tìm kiếm bấy lâu, nên quay lại ngay để bảo Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên nghe người ta nói Phật Đà đang ở trong Trúc Lâm Tinh Xá các đó không xa, không kìm lòng được, lập tức đi bái kiến Phật Đà, Xá Lợi Phất muốn bảo cho thầy dạy trước, rồi cùng nhau đi tìm Thế Tôn. Nhưng vị thầy dạy này lại không buông bỏ được danh lợi đang có, còn muốn cả hai vị hợp tác cùng ông ta. Tất nhiên Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất biết rõ thứ mình cần tìm là gì, nên không vì danh lợi mà động tâm.

Vậy là, trong 500 đệ tử của vị thầy dạy này, có khoảng một nửa theo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đi tìm Phật Đà. Kết quả là vị thầy dạy này thấy mất nhiều đệ tử quá, tức khí đến nỗi thổ huyết.

Đoàn người đến yết kiến Phật Đà, được thụ giới, nghe giảng Pháp, khai thị xong, đều lần lượt trở thành A La Hán (cũng gọi là La Hán).

Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất đã chứng đắc quả vị A La Hán. Phật Thích Ca tuyên bố hai vị là đệ tử đứng đầu, hỗ trợ Phật Đà quản lý tăng đoàn, đồng thời chỉ đạo các tăng nhân và tín chúng, giúp đỡ Phật Đà các việc khác. Vào những năm cuối, khi thân thể mỏi mệt, Phật Đà đều giao cho Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất và A Nan (anh họ của Phật Đà, là đệ tử đầu tiên của Phật Đà), ba vị thay Phật truyền Pháp cho chúng nhân.

Trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, Xá Lợi Phất được gọi là đại A La Hán “Trí huệ đệ nhất”, Mục Kiền Liên là “Thần thông đệ nhất”, A Nan là “Đa văn đệ nhất” (nghe nhiều biết rộng).

Nói đến thần thông, có lẽ một số người cho là kỳ quái, sao những đệ tử khác của Phật Đà lại không có thần thông? Kỳ thực không như vậy, các đệ tử khác cũng có thần thông, chỉ là trên phương diện thần thông thì Mục Kiền Liên là có biểu hiện toàn diện hơn cả.

Thần thông của Mục Kiền Liên

Mục Kiền Liên có 6 đại thần thông: Thần túc thông, Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mệnh thông, Lậu tận thông. 5 loại thần thông đầu có thể xuất hiện trong tu luyện tại thế gian pháp, nhưng Lậu tận thông là chứng ngộ ở xuất thế gian pháp - vĩnh viễn đoạn tuyệt phiền não. Xuất khỏi Tam Giới (A La Hán là quả vị thấp nhất khi xuất Tam Giới) là có Lậu tận thông. Những thần thông này có thể triển hiện ra những công năng khác nhau.

Tha tâm thông là có thể biết được ý nghĩ của người khác. Có lần, một vị tôn giả đang tọa thiền, đang lúc nghĩ về pháp tu viên mãn, Mục Kiền Liên biết được, dùng thần thông hiện ra trước mặt vị ấy, thỉnh cầu ông nói giảng chi tiết về pháp tu.

Mục Kiền Liên dùng Thiên nhĩ thông, Thiên nhãn thông, không chỉ nghe thấy, nhìn thấy những sự việc phát sinh trong thời không của chúng ta, mà còn nghe, thấy cả những sự việc phát sinh ở các thời không khác,ví dụ như Thiên giới, Địa ngục…

Mục Kiền Liên
Mặc dù Mục Kiền Liên là "Thần thông đệ nhất" trong các đệ tử của Phật Đà cũng không cứu được mẹ mình. (Ảnh: Wikipedia)

Vào một buổi tối, Xá Lợi Phất đi tìm Mục Kiền Liên, chỉ thấy Mục Kiền Liên ngồi đó nét mặt an hòa, liền đến hỏi. Mục Kiền Liên trả lời là đang cùng đàm đạo với Thế Tôn. Khi ấy Phật Đà ở cách rất xa hai vị, Xá Lợi Phất hiểu rằng Mục Kiền Liên lấy Thiên nhĩ thông, Thiên nhãn thông cùng Phật Đà dùng năng lượng tâm linh giao đàm.

Mục Kiền Liên dùng công năng Túc mệnh thông có thể thấy vận mệnh của các cá nhân cụ thể: Bởi làm người thiện lương chính trực chốn nhân gian, nên sau ly thế được chuyển sinh sống nơi Thiên giới mà hưởng phúc; hoặc làm ác tạo nghiệp, chết xong bị đày Địa ngục chịu ác báo, cực hình v.v..

Mục Kiền Liên vận dùng Thần túc thông khiến nguyên thần ly thể, trực tiếp đến các cảnh giới khác nhau. Ví như khi Phật Đà giảng pháp 3 tháng ở Thiên giới, Mục Kiền Liên từng trực tiếp lên Thiên giới, báo cáo các việc nơi tăng đoàn, thỉnh mời Phật Đà chỉ bảo.

Một ngày, các Tỳ Kheo trong “Lộc mẫu giảng đường” chỉ bận việc vặt mà buông lỏng việc tu hành tự thân. Phật Đà sau khi biết chuyện, liền bảo Mục Kiền Liên dùng thần thông cảnh tỉnh họ, để họ chăm chỉ thực tu. Thế là, Mục Kiền Liên dùng ngón chân lay động Lộc Mẫu giảng đường, lắc đến mức như là động đất, làm các tỳ kheo kinh hãi, buông ngay tục niệm, quay đầu tiếp thụ chỉ bảo của Phật Đà.

Mục Kiền Liên cũng có công năng Ban vận. Ông từng vận dụng công này, lấy liên hoa từ núi Himalaya về cho Xá Lợi Phất trị bệnh. Ông cũng từng mang về cho Độc Cô trưởng giả một cây Bồ Đề lớn, trồng trong vườn của tinh xá.

Ngoài ra, Mục Kiền Liên còn có thể biến hóa như Tôn Ngộ Không vậy.

Có một lần, Phật Đà dẫn 500 tỳ kheo đi thăm Đao Lợi Thiên (một tầng trong Thiên giới của Tam Giới), khi ấy đã bay lên qua địa phận của một Long vương, làm vị Long vương này tức giận, quyết tâm báo thù. Khi Long vương thi triển pháp thuật làm thế giới lâm cảnh tối tăm mù mịt, có vài tỳ kheo xin đi hàng phục Long vương, Phật Đà không cho, vì Ngài biết Long vương rất hung mãnh. Đến khi Mục Kiền Liên xin đi một phen, Phật Đà mới đồng ý.

Khi ấy Mục Kiền Liên biến thành một đại Long (Rồng lớn), kịch chiến phun khói phóng hỏa với Long vương; sau đó lại liên tiếp biến hóa thành các hình thể lớn nhỏ, làm Long vương chỉ còn cách chống đỡ mà không thể ra tay phản công; cuối cùng Mục Kiền Liên biến thành Đại Bằng Kim Sí Điểu (Đại Bằng điểu cánh vàng) là thiên địch của loài Rồng, làm Long vương vội vàng đầu hàng, bị Mục Kiền Liên mang tới trước Phật Đà cầu xin tha tội.

Có rất nhiều câu chuyện về Mục Kiền Liên vận dụng thần thông, bài này chỉ nêu vài ví dụ cùng mọi người tìm hiểu.

Chú dẫn: Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp 2500 năm trước, không có văn tự ghi chép lại, đều qua hình thức truyền khẩu của đệ tử các đời mà lưu truyền, người về sau mới căn cứ vào ký ức của tự mình mà chỉnh soạn thành ghi chép văn tự, do vậy trong truyền thuyết ở cùng một sự kiện, có thể xuất hiện các bản ghi khác nhau.

Thái Bình
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Đệ  tử đệ nhất thần thông của Phật Đà rốt cuộc có thần thông gì?