Hòa thượng Tế Công áo rách quạt nát lại hiển đại thần thông

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Hòa thượng Tế Công thời Nam Tống, Trung Quốc là nhân vật tiếng tăm lẫy lừng, những câu chuyện ông hành hiệp trượng nghĩa, cứu người giúp đời được lưu truyền rất rộng. Hình tượng ông mặc áo rách đội mũ nát, không kiêng rượu thịt, thú vị phóng khoáng đi sâu vào lòng người.

Tế Công là người Đài Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, sinh năm 1148, tục danh là Lý Tu Duyên, pháp hiệu là Đạo Tế. Ông là sư tổ đời thứ 50 của Thiền tông, và là sư tổ đời thứ 6 của phái Dương Kỳ. Ông xuất gia ở chùa Quốc Thanh, sau trú ở chùa Linh Ẩn, bái Huệ Viễn (hiệu Hạt Đường, cũng có tên hiệu Phật Hải) làm thầy. Sau khi Huệ Viễn viên tịch, Tế Công chuyển đến chùa Tịnh Từ.

Tế Công có y thuật tinh sâu, ông không chỉ chữa bệnh cho bách tính mà còn giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế, trừ ác hoằng dương thiện, vì vậy ông được tôn là Phật sống Tế Công. Theo truyền thuyết trong dân gian, ông là Hàng Long La Hán chuyển thế.

Năm 1209, Tế Công viên tịch ở chùa Tịnh Từ, hưởng dương 61 tuổi. Trước khi lâm chung, ông làm một bài kệ rằng:

Lục thập niên lai lang tịch
Đông bích đả đáo tây bích
Như kim thu thập quy lai
Y cựu thủy liên thiên bích

Tạm dịch:

Sáu chục năm qua phóng khoáng
Tường đông đánh đến tường tây
Hôm nay thu gom trở về
Nước liền trời xanh như cũ

Năm 2009 và 2012, Đoàn Nghệ thuật Shen Yun đã chế tác hai vở vũ kịch “Tế Công cướp dâu”, và “Tế Công trừng trị ác”, đã triển hiện trí huệ và thần thông của cao tăng Tế Công. Cả hai vở vũ kịch đều ngắn nhưng tinh tế, khôi hài lại sinh động. Tình tiết câu chuyện, diễn dịch vũ đạo, âm nhạc nguyên tác và phông nền động đều là những đặc điểm đặc sắc.

Một hôm, Tế Công đến một thôn trang, vừa vặn gặp một đôi cô dâu chú rể đang cử hành hôn lễ. Cô dâu trông thấy Tế Công, biết ông là người tu hành, nên cung kính tiến đến hành lễ. Nào ngờ, Tế Công nắm chặt tay cô dâu, chẳng nói chẳng rằng cõng cô dâu rồi bỏ chạy. Chú rể và dân làng vội vàng đuổi theo sau, cho đến khi chạy ra ngoài thôn… Tại sao lại như vậy?

Ngày xuân, những thiếu nữ tuổi thanh xuân du chơi hái hoa, cùng nhau múa thướt tha. Một thanh niên ác ôn háo sắc muốn hành sự bất chính. Lúc này, Tế Công trên đường đi qua, ông không dùng quyền cũng chẳng dùng cước, chỉ cầm cái quạt rách phe phẩy một cái là chế phục được kẻ xấu. Điều kỳ diệu gì ở trong đó?

Cao tăng Cư Giản (tự Kính Tẩu), trụ trì đời thứ 37 của chùa Tịnh Từ có viết sách “Hồ ẩn phương viên tẩu xá lợi tháp”, trong đó có thuật lại cuộc đời Tế Công vân du tứ hải, trị bệnh cứu người. Trong đó có viết rằng: “Ông là người Lâm Hải, là cháu xa của Đô đốc Lý Văn Hòa. Ông được Thiền sư Phật Hải chùa Linh Ẩn truyền thụ Phật Pháp. Ông điên điên nhưng trang nghiêm, rách rưới nhưng sạch sẽ, câu chữ của ông không thể thay đổi, không hoàn toàn hợp với phép tắc, luôn có ý nghĩa siêu việt, có ẩn ý phong cách giống Tống Danh Tri thời Tấn. Bước chân ông đi khắp nửa thiên hạ, khốn đốn 40 năm. Ông đề thơ hay ở Thiên Thai, Nhạn Đãng, Khang Lô, Tiềm Hoàn. Bất kể mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng nực, ông cũng không có chiếc áo nào lành lặn. Người ta tặng quần áo cho ông thì ông cho tửu bảo. Ông ăn uống, nghỉ ngơi không cố định, ông thường kiếm cơm cho người già, người bệnh và tăng nhân. Ông thường đến những nhà danh gia thế tộc, nhưng nếu cưỡng ép thì ông không đến”.

杭州西湖四大寺院之一的净慈寺。
Chùa Tịnh Từ - một trong 4 ngôi chùa lớn nhất ở Tây Hồ, Hàng Châu. (Wikipedia)

Khi tại thế, Tế Công đã để lại rất nhiều Thần tích, trong đó nổi tiếng nhất là “chuyển gỗ từ giếng cổ”. Câu chuyện xảy ra vào năm Gia Thái thứ 4 (năm 1204), chùa Tịnh Từ bị lửa thiêu hủy, thiền sư trụ trì Đức Huy bị thiêu trong hỏa hoạn. Quận thú tấu xin triều đình ban tiền để xây dựng lại. Tế Công tham gia công tác quyên góp, xây dựng lại chùa. Ông thi triển thần thông, vận chuyển rất nhiều cây gỗ lớn từ Tứ Xuyên đến. Những cây gỗ này được vận chuyển từ Trường Giang ra Đông Hải, rồi đến sông Tiền Đường, cuối cùng xuất hiện trong cái giếng tỉnh tâm của chùa Tịnh Từ. Mọi người bắc giáo ở bên giếng, treo từng cây gỗ trong giếng kéo ra ngoài. Chiếc giếng cổ này đến nay vẫn còn, đã thu hút vô số du khách tới thăm.

Ở chùa Linh Ẩn, Hàng Châu, người đời sau xây dựng điện Tế Công, trong điện bày 1 bức tranh bích họa giới thiệu những sự tích của Tế Công, trong đó bức tranh thứ 13 chính là “Chuyển gỗ từ giếng cổ”. Trong bức tranh, từng cây gỗ lớn từ trong giếng bắn ra ngoài, các tăng nhân tròn mắt ngây người ra nhìn.

Trong “Linh Ẩn tự chí” có ghi chép rằng: “Tổ sư Tế Điên pháp danh Đạo Tế, là con trai của họ Lý ở Đài Châu. Ban đầu theo học thiền sư Hạt Đường, Hạt Đường biết ông là bậc tài năng phi phàm, nhưng ông lại uống rượu ăn thịt, dường như kẻ điên. Sư giám tự thấy không thể chứa được, trình lên Hạt Đường. Hạt Đường phê rằng: “Pháp môn rộng lớn, sao lại không thể chứa được một vị sư điên?”. Thế là không ai dám nói năng gì nữa. Đến khi Huệ Viễn viên tịch, Tế Công ra đi, đến cư trú ở chùa Tịnh Từ, nhiều lần triển hiện thần thông, kỳ lạ vô cùng…”

Do đó có thể thấy, thứ nhất, Thiền sư Huệ Viễn khi mới gặp Tế Công đã biết ông là bậc kỳ tài phi thường. Thứ hai, Huệ Viễn viết “Pháp môn rộng lớn, sao lại không thể chứa được một vị sư điên?”, câu này đã thể hiện sự rộng lớn và bao dung của Phật môn. Thứ 3, Tế Công thực sự có nhiều thần thông, sử sách ghi chép đã chứng thực điều này.

(Chú thích: “Linh Ẩn tự chí” là bộ sách chuyên chép những sự tình liên quan đến chùa Linh Ẩn, do Bạch Hành biên soạn vào những năm Vạn Lịch triều Minh, sau này các học giả đời Thanh có viết thêm và lược bớt)

Cao Thiên Vận - Epoch Times
Hoàng Mai biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hòa thượng Tế Công áo rách quạt nát lại hiển đại thần thông