Tại sao người xưa coi trọng lễ? Đắc lễ hưng thịnh, thất lễ diệt thân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào những năm đầu của triều đại Tây Chu, Bá Cầm là con trai của Chu Công, đến bái kiến phụ thân nhưng không hành lễ, ba lần tới thăm đều bị phụ thân đánh cả ba. Sau này Bá Cầm xin được Thương Tử chỉ giáo, lúc đến bái kiến phụ thân lần nữa, ngay khi bước vào cung Bá Cầm đã quỳ xuống, Chu Công khen ngợi Bá Cầm có được bậc thầy quân tử dạy dỗ.

Tại sao người xưa lại coi trọng lễ đến vậy? Khổng Tử nói: “Phù lễ, tiên vương dĩ thừa thiên chi đạo, dĩ trị nhân chi tình. Cố thất chi giả tử, đắc chi giả sinh”. Ý nghĩa là: Lễ, vốn là đạo do Tiên Vương thuận theo ý Trời, để sửa tâm tính tình cảm người dân. Do đó, kẻ thất lễ thì chết, kẻ có lễ thì sống.

Kinh viết: Tướng thử hữu thể, nhân nhi vô lễ. Nhân nhi vô lễ, hồ bất thuyên tử?”. Đại ý là đến con chuột còn có hình thể, nên làm người không thể không có lễ, nếu làm người không tuân theo lễ thì sẽ sớm chết.

Người có lễ thì sẽ bình an, vô lễ thì sẽ nguy hiểm. Nếu không có sự ước thúc của lễ chế thì đạo đức nhân nghĩa cũng không phát triển được. Vì vậy, tuân theo lễ nghĩa thì vua tôi, già trẻ mới có tôn ti, xã hội mới có trật tự, yên bình, quốc gia mới hưng thịnh; còn trái lại sẽ khiến kỷ cương bị phá bỏ, nhân luân rối loạn, hiện tượng xã hội hỗn loạn tràn lan.

Lễ trong các mối quan hệ giữa người với người còn được gọi là nhân nghĩa, tức là cha từ ái, con hiếu kính, em kính cẩn, trượng phu thủ nghĩa, thê tử phục tùng, bậc bề trên ban ân huệ cho người dưới, trẻ nghe lời người trên, quân chủ nhân từ, bề tôi trung thành.

Phụ từ: Chu Công dạy dỗ, răn bảo con cháu

Chu Công là con trai thứ tư của Chu Văn Vương Cơ Xương. Ông có họ là Cơ, tên là Đán. Ông đã giúp em trai mình là Chu Vũ Vương chinh phạt Trụ Vương, chế định lễ nhạc. Chu Công cũng chính là người tiên phong của Nho giáo và được tôn là “Nguyên Thánh”.

Những gia huấn của Chu Công đối với con cháu được ghi lại trong “Cơ Đán gia huấn”, gồm có “Giới tử Bá Cầm” và “Giới chất Thành Vương”. Tào Tháo đã từng ca ngợi khí phách của Chu Công rằng: “Chu Công thổ bộ, thiên hạ quy tâm”. Ý nghĩa là: Chu Công đang ăn, có người hiền tài đến, liền nhả miếng ăn, dừng ăn, ra tiếp đãi hiền tài, nên lòng thiên hạ đều hướng về.

Một lần, Chu Thành Vương cùng em trai đứng dưới gốc cây, ông lấy một chiếc lá ngô đồng nói với em rằng: “Ta sẽ phong tước cho đệ”.

Chu Công biết chuyện, liền đến yết kiến ​​Thành Vương và nói: “Đại vương phong tước cho em trai, thật là tốt”.

Thành Vương nói: “Ta chỉ nói đùa với cậu ấy thôi”.

Chu Công nghiêm túc nói: “Nhân chủ vô quá cử, bất đương hữu hí ngôn”. Ý nghĩa là lời nói và việc làm của nhà vua không nên có sơ suất, không nên nói lời đùa giỡn, đã nói thì phải làm. Do đó, Thành Vương đã phong tước cho em trai mình làm Ứng hầu. Điển cố “đồng diệp phong đệ” chính là xuất phát từ chuyện này.

undefined
Chân dung Chu Công. (Miền công cộng)

Thành Vương phong Bá Cầm là Lỗ Công. Trong “Giới Bá Cầm Thư”, Chu Công dặn dò con trai phải giữ lễ tiết: Đừng vì được thụ phong Lỗ quốc mà coi thường nhân tài, khi tắm gội, ăn cơm, ta đều tự kiểm điểm bản thân vì sơ suất mà mất đi nhân tài hay không. Người đức cao kính trọng người khác thì sẽ được vinh hiển. Người sở hữu của cải giàu có mà cần kiệm, sẽ không xuất hiện mối nguy. Người có địa vị cao, lộc nhiều mà khiêm tốn, sẽ luôn giữ được phú quý. Người nắm nhiều binh cường mà tâm luôn biết kính uý, sẽ đứng ở vị trí bất bại. Người thông minh, cơ trí mà không kiêu ngạo mới là minh triết. Người tinh thông mà không khoe khoang, mới là thông minh thực sự.

Bá Cầm luôn ghi nhớ lời dạy của cha, và nhanh chóng cai quản nước Lỗ trở thành một quốc gia có lễ nghi với các phong tục thuần phác và coi trọng việc học.

Con hiếu thảo, tuân theo ý cha, giữ tiết tháo

Vào những năm cuối của triều đại nhà Ân, Chu Thái Vương Cổ Công Đản Phụ có ba người con trai. Con trai cả là Cơ Thái Bá, con trai thứ là Trọng Ung và con trai thứ ba là Quý Lịch. Quý Lịch sinh một con trai là Cơ Xương, chính là Chu Văn Vương sau này. Khi Cơ Xương được sinh ra, có một con chim sẻ đỏ đậu trên cửa nhà, miệng ngậm đan thư. Thái Vương thấy điềm lành này, đã quyết định truyền ngôi cho con trai thứ ba là Quý Lịch, sau đó Quý Lịch lại truyền ngôi cho Cơ Xương.

Sau khi biết được suy nghĩ của cha mình, Cơ Thái Bá và em trai Trọng Ung lưu vong tới vùng Kinh Man, và cắt tóc xăm mình, thể hiện rằng họ sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, nhường ngôi cho Quý Lịch. Quý Lịch chính là người sau này truyền lại ngôi cho Cơ Xương - Chu Văn Vương.

Thái Bá chạy đến Kinh Man, và tự xưng là Câu Ngô. Hơn một nghìn gia đình người Kinh Man đã tự nguyện sát nhập với ông và ủng hộ ông lên làm quốc vương nước Ngô.

Dòng dõi Thái Bá làm quân chủ cai trị nước Ngô, kéo dài đến thế hệ thứ 19 là Thọ Mộng. Thọ Mộng dự định truyền ngôi cho con trai thứ tư của mình là Quý Trát. Quý Trát giữ vững tiết tháo của người quân tử, đã ba lần từ chối. Người dân nước Ngô một mực ủng hộ Quý Trát lên ngôi. Quý Trát rời gia thất, bỏ đi trồng ruộng.

Khổng Tử khen Thái Bá ba lần nhường thiên hạ, đạt đến cảnh giới đức hạnh tối cao, che giấu công lao của bản thân, bách tính tìm không tìm được lời nào thích hợp để ca ngợi ông.

Người anh thiện lương, nhân từ, hiếu thảo, không bao giờ oán hận, chỉ có Thuấn

Theo "Gia Phạm", cha mẹ và em trai Tượng của vua Thuấn luôn tìm cách mưu hại ông. Họ sai ông đi sửa kho thóc, khi ông trèo lên mái nhà, họ bèn rút thang đi, phóng hoả và đốt kho, Thuấn vẫn trèo xuống được. Họ lại để Thuấn đi vét giếng, khi ông xuống giếng, họ lấy đất lấp đầy miệng giếng, Thuấn lại thoát ra được từ một hang động gần đó. Nhưng ba người kia không biết, về nhà còn phân chia tài sản của Thuấn.

Tượng nói rằng việc mưu hại Thuấn đều là công lao của cậu ta, trâu bò sẽ cho cha mẹ, kho thóc sẽ cho cha mẹ, binh khí sẽ là của cậu ta, đàn cầm sẽ là của cậu ta, cung cũng thuộc về cậu ta, và cả hai người vợ của Thuấn nữa. Khi Tượng đến phòng của Thuấn đã thấy Thuấn ngồi chơi đàn cầm ở bên giường. Tượng bối rối nói với Thuấn rằng: “Em đang buồn nhớ anh!”.

Thuấn nói: "Ta nhớ những hạ thần này và dân chúng. Đệ thay ta trông nom bọn họ!”.

Tại sao khi biết Tượng muốn giết mình mà Thuấn vẫn vui vẻ? Mạnh Tử nói: Có thể lừa quân tử bằng thủ đoạn của kẻ tiểu nhân, nhưng không thể lừa quân tử bằng thủ đoạn đi ngược đạo đức. Mặc dù Tượng giả bộ kính yêu huynh trưởng, còn Thuấn vì thế mà thực sự tin tưởng Tượng và vui mừng thay cho em trai.

Mặc dù bị cha ruột và mẹ kế đối xử bất công, Thuấn vẫn không hề trách móc, luôn cố gắng làm vui lòng cha mẹ. Đức hiếu hạnh của Thuấn đã cảm động Trời đất, lòng người quy phục, vua Nghiêu hay tin cũng muốn tiến cử truyền ngôi. (Ảnh: Baidu.com)
Mặc dù bị cha ruột và mẹ kế đối xử bất công, Thuấn vẫn không hề trách móc, luôn cố gắng làm vui lòng cha mẹ. Đức hiếu hạnh của Thuấn đã cảm động Trời đất, lòng người quy phục, vua Nghiêu hay tin cũng muốn tiến cử truyền ngôi. (Ảnh: Baidu.com)

Từ xưa đến nay, các bậc Thánh nhân đều lấy hiếu thảo làm căn bản, cha mẹ yêu thương mà con hiếu thuận. Duy có cha mẹ của Thuấn không thương ông, nhưng cuối cùng cũng bị Thuấn cảm hoá. Vì vậy, người đời sau ca ngợi Thuấn là đại hiếu.

Em trai hiếu thuận: Vương Lãm tranh rượu độc

Vào thời nhà Tấn, có một người em trai nổi tiếng rất kính thương người anh trai cùng cha khác mẹ, cậu em đó tên là Vương Lãm. Khi Vương Lãm mới vài tuổi, nhìn thấy mẹ ruột là Chu thị dùng cành cây đánh anh trai Vương Tường, cậu đã khóc và ôm lấy Vương Tường. Khi lớn lên, Vương Lãm thường hay khuyên can mẹ, và mẹ cũng có chút kiềm chế. Mỗi lần mẹ giao rất nhiều việc cho vợ chồng Vương Tường, Vương Lãm cũng đều cùng làm giúp họ.

Sau khi cha qua đời, danh tiếng của Vương Tường ngày càng vang xa, người mẹ kế lại càng ghét Vương Tường hơn, nên đã âm mưu dùng rượu độc hãm hại Vương Tường. Khi Vương Lãm phát hiện ra, đã giành lấy rượu độc để chết thay cho anh trai. Chu thị lo lắng con trai ruột Vương Lãm bị đầu độc chết, nên đã hất chén rượu độc xuống đất. Từ đó trở đi, khi Chu thị đưa đồ ăn cho Vương Tường, Vương Lãm luôn nếm thử trước. Lúc này Chu thị mới không mưu hại Vương Tường nữa.

Không lâu sau, cả hai anh em Vương Tường và Vương Lãm đều ra làm quan. Khi đó, Lữ Kiền bội phục tài đức của Vương Tường, nên tặng cho Vương Tường một thanh kiếm, nói rằng chỉ những người đứng ở hàng Tam công (ba chức quan cao nhất thời xưa) mới xứng đáng đeo thanh kiếm này. Trước khi qua đời, Vương Tường đã trao thanh kiếm cho em trai Vương Lãm, nói rằng: Con cháu của em nhất định sẽ hưng thịnh, nên xứng đáng với thanh kiếm này.

Sau này, sáu người con trai của Vương Lãm lần lượt đảm đương các chức vụ thị ngự sử, phủ quân trường sử, trị thư ngự sử, thượng thư lang, trung hộ quân, quốc tử tế tửu.

Trượng phu trọng nghĩa: Trọng Liên khí tiết cao thượng

Vào những năm cuối cùng của nhà Chu, Tề Quốc có một người tài giỏi là Lỗ Trọng Liên, sở hữu khả năng thao lược xuất chúng, chí tiết bất phàm. Ông là người dẹp trừ chiến loạn mà không màng công trạng.

Năm thứ 6 đời vua Triệu Hiếu Thành (260 TCN), quân Tần bao vây Hàm Đan, nước Ngụy đem quân đến cứu nước Triệu. Quân Ngụy đóng ở Thang Âm nhưng không dám tiến binh vào, thế là nước Ngụy bèn sai Tân Viên Diễn thông qua Bình Nguyên Quân đi thuyết phục Triệu Vương quy phục Tần Vương. Bình Nguyên Quân do dự không quyết định được.

Đúng lúc đó, Lỗ Trọng Liên tình cờ đang đi du ngoạn ở nước Triệu, khi biết chuyện này, ông đã đến gặp Bình Nguyên Quân và xin được thay Bình Nguyên Quân đi gặp tướng quân Tân Viên Diễn của nước Ngụy.

Lỗ Trọng Liên nói với Tân Viên Diễn rằng: "Tần Vương vứt bỏ lễ nghĩa, dùng vũ lực bắt các nước khác quy phục, dùng quyền lực để dụ dỗ sĩ nhân, bắt nhân dân làm nô lệ, nếu Tần Vương xưng đế, trị vì thiên hạ, nước Ngụy sẽ trở thành tôi tớ, nô bộc của nước Tần, Tần Vương sẽ thay thế các đại thần chư hầu bằng những bề tôi ông ấy thích. Sau đó, ông ấy sẽ phái con gái của mình tới làm phi tần ở nước chư hầu, và sống trong cung điện của nước Ngụy. Ngụy Vương làm sao được bình yên? Tể tướng liệu có còn được sủng tín như trước không?".

Vì vậy, sau khi bái tạ Lỗ Trọng Liên, Tân Viên Diễn rời đi. Tướng Điệt Ly của nước Tần cũng rút quân năm mươi dặm. Bình Nguyên Quân rất biết ơn Lỗ Trọng Liên, và muốn gia phong ông, nhưng Lỗ Trọng Liên khiêm tốn từ chối. Bình Nguyên lại mở một bữa tiệc rượu và dùng một ngàn lượng vàng để chúc mừng sinh nhật của Lỗ Trọng Liên. Lỗ Trọng Liên đã cười và nói: “Điều đáng quý nhất đối với kẻ sĩ trong thiên hạ là giúp người khác hóa giải nguy nan, tranh chấp, mà không cần báo đáp. Nếu như nhận thưởng công, đó là hành vi của thương nhân”.

Nói xong, Lỗ Trọng Liên từ biệt Bình Nguyên Quân và rời đi, cả đời không gặp lại nhau.

Bậc bề trên ban ân huệ cho người dưới: Trịnh Liêm đập nát trái lê

Theo sử nhà Minh ghi chép, họ Trịnh là gia tộc bậc nhất thiên hạ, được phong là nghĩa môn. Nhiều thế hệ trong gia đình họ cùng sống chung với nhau, trải qua 300 năm như thế.

Điều này đều có ghi chép trong “Tống sử - Hiếu nghĩa truyện”, “Nguyên sử - Hiếu hữu truyện”. Cả gia đình họ Trịnh có hơn 1.000 người, một người đứng đầu, bảy đời chung sống, cha hiền con hiếu, anh em nhường nhịn nhau.

Một lần, Minh Thái Tổ hỏi Trịnh Liêm đạo trị gia lâu dài. Trịnh Liêm nói: “Cẩn thủ tổ huấn, bất thính phụ ngôn”. Ý nghĩa là tuân thủ nghiêm lời dạy của ông bà, không nghe những lời hời hợt trái với Thánh hiền.

Hoàng đế Minh Thái Tổ đã cảm thán: "Hơn một ngàn người cùng sống dưới một mái nhà, thực sự là hiếm có trên thế gian, quả là thiên hạ đệ nhất gia".

Hoàng đế Thái Tổ đã tặng Trịnh Liêm hai quả lê thơm. Trịnh Liêm bái tạ Hoàng đế rồi trở về nhà. Thái Tổ bí mật lệnh cho một viên quan giáo úy đi theo dõi Trịnh Liêm, để xem ông sẽ làm gì với hai quả lê.

Trịnh Liêm trở về nhà, bèn gọi hơn một ngàn người trong gia tộc tập trung ở sân đình, phân ra hai bên, lệnh mọi người cùng tạ ơn Hoàng đế. Sau đó Trịnh Liêm ra lệnh cho người mang hai thùng nước lớn ra, đổ đầy nước vào hai thùng rồi đập nát hai quả lê thơm rồi bỏ vào thùng nước. Mọi người chia nhau mỗi người một bát nước lê uống.

Sau khi Hoàng đế Thái Tổ biết chuyện, ông vừa mừng vừa cảm thán, muốn phong Trịnh Liêm làm quan, nhưng Trịnh Liêm lấy lý do tuổi cao, khước từ nhã ý của Thái Tổ.

Trẻ kính nghe bề trên: Cát Phân thay cha thụ hình

Trong “Hiếu kinh" có câu: “Thân thể da tóc, cha mẹ ban cho, không dám làm tổn hại. Đây là khởi đầu của hiếu”. Thời cổ đại, người con hiếu thảo trân quý thân thể của mình, không dám gây chút tổn hại, nhưng khi cứu cha mẹ trong lúc nguy nan, lại không hề ngần ngại.

Vào thời nhà Lương ở Tương Châu có một thiếu niên tên là Cát Phân. Cha anh bị kẻ gian vu hãm, bị tống giam và điều tra. Khi bị quan ngục thẩm vấn, vì xấu hổ, ông đã cố ý nhận tội và bị xử tội chém đầu. Cát Phân đã một mình đến nha môn đánh trống, xin được thay cha định tội.

Lương Vũ Đế kinh ngạc trước chàng trai trẻ này, nhưng cũng nghi ngờ rằng có ai đó đã bảo anh làm thế. Vì vậy, vua lệnh cho quan đình uý Thái Pháp Độ phải thẩm vấn một cách nghiêm ngặt. Thái Pháp Độ hỏi Cát Phân: “Ngươi xin được chết thay cha mình. Hoàng thượng đã đồng ý. Ngươi sẽ chịu tử hình! Nhưng đao rìu vô tình, ngươi còn trẻ như thế, nên suy nghĩ cẩn trọng. Nếu có ai đó bảo ngươi làm thế này, hãy nói ra chúng ta sẽ xem xét”.

Cát Phân trả lời: “Chỉ bởi vì các em ở nhà tôi còn nhỏ và tôi là anh cả, tôi không thể đành lòng để cha chịu cực hình, còn mình mình sống trên đời này. Vì vậy, tôi đã tự quyết định chết thay cho cha”.

Thái Pháp Độ thương xót Cát Phân, nên ra lệnh cho người đưa anh tới chỗ công cụ tra tấn nhẹ hơn. Nhưng Cát Phân yêu cầu cai ngục đặt mình vào công cụ cho tử tù. Lòng hiếu thảo của Cát Phân đã khiến Hoàng đế cảm động nên đã tha thứ cho hai cha con họ.

Vị quan doãn của thành phố Đan Dương là Vương Chí biết những việc làm tốt của Cát Phân, đã đề xuất nêu anh làm tấm gương hiếu thuận với cha mẹ. Cát Phân nói: “Khi phụ thân gặp nạn, làm con mà dùng cái chết để cứu giúp là lẽ thường tình, thay cha chịu tội để cầu thanh danh thì không phải là việc làm của một người con hiếu thảo”.

Vua nhân từ: Chiếu lệnh Luân Đài

Hán Vũ Đế là một vị Hoàng đế nhân từ, cùng với Tần Thủy Hoàng được gọi là “Tần Hoàng Hán Vũ”, là thiên cổ nhất đế, cùng với Đường Thái Tông, ông đã tạo nên một thời Hán Đường thịnh thế truyền kỳ.

Hán Vũ Đế cho ban hành “Luân đài chiếu” để công khai nhận lỗi với thần dân. (Tranh Dữu Tử - Epoch Times)

Hán Vũ Đế tại vị 54 năm, ông lập nên những thành tựu chưa từng có về cả chính trị và quân sự. Hán Vũ Đế binh chinh Hung Nô hơn 40 năm. Khi đó, những đại thần chuyên quản về ngân sách như Tang Hoằng Dương đã đề xuất thực hiện khai hoang, canh tác ở Luân Đài (nay là huyện Luân Đài, vùng Tân Cương), tức là chiêu mộ người đến nơi này làm nông và sản xuất, để đảm bảo thực lực cho quân Hán ở Tây Vực. Hán Vũ Đế cho rằng khai hoang ở Luân Đài sẽ gia tăng gánh nặng cho bách tính, bởi việc chinh phạt quanh năm đã làm cạn kiệt tài chính và sức dân. Theo ông, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện tại là cho dân chúng nghỉ ngơi, khôi phục việc chăn ngựa, miễn trừ lao dịch.

Do đó, Hán Vũ Đế đã phủ quyết đề xuất đó và ban hành chiếu thư thể hiện rõ ý chí của mình, đó chính là “Luân Đài tội kỷ chiếu” nổi tiếng. Đây là chiếu chỉ Hoàng đế tự luận tội bản thân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Sau đó, Hán Vũ Đế ngừng dụng binh, điều chỉnh quốc sách, phàm là việc làm tổn hại đến lợi ích của bách tính, tiêu hao tài nguyên trong thiên hạ đều bị chấm dứt.

Sử gia nổi tiếng Ban Cố đã ca ngợi Hán Vũ Đế: “Khi đó vào cuối năm, vua từ bỏ vùng đất Luân Đài, hạ chiếu dụ bi thương, chẳng phải là sự ăn năn của bậc Thánh nhân từ sao!”. Ban Cố cho rằng, Hán Vũ Đế thương xót dân mà tự trách bản thân, là tấm gương đạo đức cho dân, là bậc minh chủ Thánh nhân.

Bề tôi trung thành: Tỷ Can liều chết can gián

Tỷ Can là chú của Trụ Vương của nhà Thương. Khi Đế Ất - cha của Thương Trụ Vương tại vị, Tỷ Can đảm nhận chức phó Thừa tướng Thiếu sư. Đế Ất uỷ thác Đế Tân - chính là Thương Trụ Vương cho Tỷ Can phò tá.

Thương Trụ Vương hoang dâm vô đạo, chìm đắm vào tửu sắc và hưởng thụ vật chất, đã đặt ra hình thức tra tấn tàn khốc “bào cách” (dùng sắt nung đỏ đốt da người). Các đại thần lần lượt tránh xa Trụ Vương. Vi Tử bỏ trốn, Cơ Tử giả điên, Tỷ Can nói: “Vi nhân thần giả, bất đắc bất dĩ tử tranh”. “Chủ quá bất gián phi trung dã, quá tắc gián bất dụng tắc tử, trung chi chí dã”. Ý nghĩa là: quân vương có lỗi lầm, làm bề tôi mà không khuyên can là bất trung, sợ chết không nói là bất dũng. Nếu quân vương có sai lầm, là bề tôi nên khuyên nhủ, nếu vua không tiếp nhận, làm bề tôi sẽ lấy cái chết để chứng tỏ lòng trung thành, đây mới là biểu hiện chí cao của lòng trung thành.

Tỷ Can đến can gián Trụ Vương khiến ông ta rất tức giận, đã giết chết Tỷ Can và moi tim ông ra. Sau khi tiêu diệt nhà Thương, Chu Vũ Vương đã ra lệnh cho đại thần Hoằng Yểu xây dựng một ngôi mộ và hậu táng Tỷ Can.

Lý Hàn, một đại thần nổi tiếng của triều đại nhà Đường, đã nói trong “Thương Thiếu sư bi”: Tỷ Can địa vị cao mà không quên người đời trước, vì cứu vãn sự nghiệp của Thương Thang, cứu quốc khỏi diệt vong, kiên quyết xả thân can gián, nước mất còn thống khổ hơn bị moi tim, đây chính là thể hiện sự trung liệt của Tỷ Can.

Theo Lưu Nhất Thuần - Minghui

Minh Thanh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người xưa coi trọng lễ? Đắc lễ hưng thịnh, thất lễ diệt thân