Truyền thuyết Bạch Xà: Biển dục thiêu đốt sinh mệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi cao tăng Pháp Hải trừ yêu, câu chuyện xà tinh hại người đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận và được lưu truyền rộng rãi. Một phiên bản khác của câu chuyện này được ghi chép trong “Tây Hồ tam tháp ký”, được coi là nguyên mẫu của truyền thuyết Bạch Xà.

Đối với người Nam Tống thì Tây Hồ ở Hàng Châu xứng danh là thắng cảnh đệ nhất thiên hạ. Một năm bốn mùa, đâu đâu cũng là địa điểm du ngoạn tuyệt vời: Nào là đón bình minh trên đê Tô, nghe oanh hót trong bụi liễu, nào là xem hai ngọn núi vút mây xanh, ngắm tháp Lôi Phong dưới ráng chiều… Khi gió thổi sóng nước lăn tăn, lúc mưa rơi sông hồ cuồn cuộn. Cho dù mưa lớn kéo dài cả tháng trời cũng không làm nước tràn bờ, và cho dù hạn hán hơn ba tuần trăng cũng không khiến hồ khô cạn. Thật đúng là chốn sơn thủy hữu tình, danh thắng mỹ lệ khó nơi nào bì.

Nhưng bạn biết chăng, Tây Hồ không chỉ có non xanh nước biếc khiến người ta say đắm, mà ngay cả xà yêu cũng gửi thân tại chốn này.

Thanh minh dạo gót Tây Hồ

Trong những năm Thuần Hy đời Tống Hiếu Tông, tại Dũng Kim Môn, phủ Lâm An (nay là Hàng Châu, Trung Quốc) có vị quan Thống chế họ Hề. Hề Thống chế có một người con trai tên là Hề Tuyên Tán.

Năm ấy vào tiết thanh minh, trời xanh nắng vàng, mây bay nhè nhẹ, gió thổi hiu hiu, Hề Tuyên Tán đến Tây Hồ du ngoạn. Hề Tuyên Tán vốn thích rong chơi nhàn nhã, thấy tài tử giai nhân đến ngắm cảnh Tây Hồ vào tiết Thanh minh, chàng cũng tới đây thưởng ngoạn. Lúc này chàng mới hơn 20 tuổi, cha đã qua đời, trong nhà chỉ còn lại mẹ già và người vợ trẻ, ngoài ra còn có một người chú đã xuất gia đang tu Đạo trên núi Long Hổ.

Cảnh Tây Hồ, Hàng Châu (Ảnh: Pixabay)

Khi đi qua cầu Đoạn Kiều trước quán Tứ Thánh, chàng thấy phía trước có nhóm người huyên náo, trong đó có một thiếu nữ mặc áo lụa trắng. Hề Tuyên Tán lách vào giữa đám đông, bước đến trước hỏi thiếu nữ: “Nàng là con gái nhà ai, sống ở nơi nào?”.

Thiếu nữ đáp: “Tiểu nữ họ Bạch, tên là Mão Nô, sống ở vùng này. Hôm nay tiểu nữ cùng bà ra ngoài đi dạo, nhưng giờ không thấy bà đâu mới biết mình đã bị lạc đường rồi”.

Thiếu nữ nói rồi chạy đến níu chặt lấy áo Hề Tuyên Tán, vừa nói vừa khóc thút thít không chịu buông tay.

Tuyên Tán đành dẫn cô gái ấy về nhà gặp mẹ và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Bà mẹ nói: “Con đã làm việc tốt, vậy hãy cứ để cô bé ấy ở đây, đợi dăm hôm vài bữa tất sẽ tìm được người nhà cô ấy”.

Hơn 10 ngày trôi qua, một hôm có lão bà bà ngồi trên chiếc kiệu lớn đến nhà họ Hề. Dáng vẻ bà bà trông thật kỳ quái: Tóc bạc như mây vờn đỉnh núi, làn da thô ráp như mào gà, ánh mắt như nước sông vẩn đục, dáng hình như hoa cuối tháng Ba, vẻ già nua như bông cúc trong sương giá mùa thu… Thì ra, đây chính là bà của Mão Nô.

Lão bà bà kể rằng bà đã gõ cửa hết nhà này tới nhà khác cuối cùng mới tìm được đến đây, và rằng Hề công tử đã ra ơn cứu Mão Nô, xin mời công tử đến nhà uống chén rượu thay cho lời cảm tạ. Hề Tuyên Tán liền lên chiếc kiệu của hai bà cháu, khi bước xuống kiệu chàng thấy một tòa nhà bằng vàng đính hạt châu lấp lánh, cổng vào có mái hiên bằng đất nung màu ngọc bích, tráng lệ như động phủ Thần Tiên, nguy nga như cung điện của bậc vương giả.

Hề Tuyên Tán theo nhóm người tiến vào trong, thấy một cô nương khoác bạch y, làn da trắng muốt như tuyết đọng, tóc búi bồng bềnh như mây xanh, tay sen gót ngọc nhẹ nhàng bước ra nghênh đón chàng. Bạch y cô nương mắt phượng mày ngài, quả đúng là “làn thu thủy, nét xuân sơn”, môi thắm điểm anh đào, gò má phơn phớt sắc hồng. Bạch y cô nương giới thiệu mình là thân nhân của Mão Nô và lão bà bà, hôm nay muốn mở tiệc rượu để cảm tạ ân nhân đã cứu mạng tiểu nữ nhà mình.

Lầu ngọc, người say, hạnh hoa tiên

Uống đến chén rượu thứ ba, Hề Tuyên Tán men say chếch choáng, mắt không rời khỏi cô nương xinh đẹp như hoa như ngọc trước mặt mình. Trong lúc xiêu lòng, chàng liền hỏi họ tên của cô nương ấy.

Một tỳ nữ ở bên cạnh nói: “Bạch nương nương, người mới đã đến đây rồi, có thể thay cho người cũ không?”.

Bạch nương nương đáp: “Được, mau mau làm chút đồ nhắm cho Hề công tử”.

Từ phía sau, hai lực sĩ bước đến áp giải một thanh niên trẻ tuổi và trói anh ta vào cây cột trụ trong đại sảnh. Một lực sĩ xé chiếc khăn trên đầu người trẻ tuổi ấy khiến tóc anh ta xõa xuống, sau đó cầm cây đao nhọn vung lên, chỉ một loáng đã lấy được tim gan ném vào trong chiếc đĩa bạc, dâng lên cho Bạch nương nương.

Hề Tuyên Tán kinh hãi đến mức hồn bay phách tán, nhưng Bạch nương nương thì vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, vừa rót rượu nóng vào chiếc đĩa bạc vừa mời chàng thưởng thức. Chàng run sợ không dám uống, trong khi nương nương và bà bà đều vui vẻ ăn tiệc.

Bạch nương nương nói: “Thật hiếm có dịp được Hề công tử cứu tiểu nữ nhà tôi. Tôi là gái chưa chồng, tình nguyện lấy thân mình nâng khăn sửa túi cho chàng”.

Lời nói của Bạch cô nương như chiếc thòng lọng treo trên đầu, khiến Hề Tuyên Tán khước từ không được mà nhận lời cũng chẳng yên. Đêm ấy, hai người nắm tay nhau bước vào lan phòng...

Hề Tuyên Tán ở trong động phủ hơn nửa tháng, mỗi ngày trôi qua cơ thể lại thêm xanh xao vàng vọt. Chàng nhớ nhà da diết, sau hồi lâu suy nghĩ đắn đo cuối cùng chàng cũng mạo muội lên tiếng: “Tiểu thư, xin nàng cho ta về nhà vài ngày rồi lại đến đây!”.

Lời chưa dứt thì đã có một người hầu đến bẩm báo: “Nương nương, hôm nay có người mới đến, có thể thay cho người cũ không?”.

Nương nương đáp: “Được!”.

Hề Tuyên Tán thấy vài lực sĩ dẫn đến trước mặt một người thanh niên mi thanh mục tú, khí sảng thần thanh, dũng mãnh như Mã Siêu, đẹp trai như Hoa Quan Sách, khí chất như Bỉnh Linh Công trên núi Nhạc.

Bạch nương nương mời chàng thanh niên cùng ngồi xuống uống rượu và sai đám nô tỳ đi lấy tim gan của Hề Tuyên Tán.

Hề Tuyên Tán chân tay rụng rời, hồn vía lên mây, chàng không còn cách nào khác đành quay sang van xin Mão Nô: “Tiểu cô nương, ta đã cứu mạng nàng, giờ xin nàng hãy cứu ta!”.

Mão Nô đến trước mặt Bạch nương nương thưa rằng: “Nương nương, anh ta từng cứu Mão Nô, có thể tha cho anh ta được không?”.

Nương nương nói với giọng dứt khoát: “Hãy lấy thứ đó ra cho ta!”.

Một lực sĩ mang ra chiếc lồng sắt chụp vào Hề Tuyên Tán, còn Bạch nương nương thì kết nghĩa phu thê với chàng trai trẻ kia.

Lúc ấy Mão Nô lén đến bên chiếc lồng và nói: “Tôi sẽ cứu huynh”. Rồi nâng chiếc lồng sắt lên dặn rằng: “Huynh hãy nhắm mắt lại, nếu mở mắt sẽ chết”.

Hề Tuyên Tán ngoan ngoãn nhắm mắt, Mão Nô liền cõng anh lên lưng và trốn đi. Bên tai tiếng mưa gió vù vù, khi chàng đưa tay lên thì vô tình sờ thấy trên cổ Mão Nô có thứ gì như chiếc áo lông. Chàng cảm thấy có chút kỳ quái nhưng không dám hỏi. Đang suy nghĩ mông lung thì đột nhiên nghe thấy Mão Nô nói: “Hạ xuống!”.

Hề Tuyên Tán mở mắt. Lúc này mặt trời vẫn chưa mọc, bốn bề tĩnh mịch, chàng nhìn kỹ thì nhận ra mình vừa rơi xuống trước cổng thành Tiền Đường, còn Mão Nô thì không rõ đã đi đâu.

Hề Tuyên Tán chầm chậm lần theo con đường đã biết đi về phía Dũng Kim Môn, trở về trước cửa nhà. Đúng lúc ấy vợ anh ra mở cổng, cô vừa nhìn thấy chồng liền kinh ngạc nói: “Tuyên Tán, chàng chỉ đưa cô bé ấy về, mà sao nửa tháng rồi mới quay trở lại? Chàng có biết mẹ lo lắng và nhớ thương chàng suốt bao ngày qua không?”.

Bà mẹ ở trong nhà nghe có tiếng nói liền bước ra, nhìn thấy con trai bủng beo vàng vọt, bà thất sắc hỏi: “Con trai, con sao vậy? Làm sao mà bao ngày rồi không về nhà?”.

Hề Tuyên Tán đáp: “Mẹ, mẹ ơi, suýt chút nữa con không được gặp lại mẹ rồi!”. Sau đó chàng kể lại rành rọt những gì đã trải qua cho mẹ nghe.

Bà mẹ sững sờ nói: “Mẹ hiểu rồi, thôi con đừng quá lo lắng, mẹ sẽ đi tìm một căn phòng trống để chúng ta chuyển nhà. Con trai à, giờ con hãy nghỉ ngơi đi vậy”.

Vài ngày sau, bà mẹ tìm được một căn nhà trống tại khúc quanh chùa Chiêu Khánh, sau đó chọn ngày lành tháng tốt và chuyển đến sống ở đó.


Tây Hồ có “Tam đàm ấn nguyệt” (ba hồ nước phản chiếu ánh trăng), một trong số đó có liên quan đến xà yêu (Ảnh: Pixabay)

Từ đó Hề Tuyên Tán không đến Tây Hồ thưởng ngoạn nữa, nhưng những lúc có nhã hứng chàng lại cầm cung tên đến bên cây liễu tìm chim. Hôm nay thấy trên cành đậu một con quạ đen mà ai thấy cũng đều xa lánh, chàng bèn giương cung lên bắn một mũi tên. Con quạ rơi xuống đất liền nhảy ra xa vài bước, sau đó biến thành lão bà bà mặc áo đen. Hề Tuyên Tán vừa nhìn thấy liền rùng mình sợ hãi, chính là bà của Mão Nô mà anh đã gặp một năm về trước! Hề Tuyên liền kêu lên một tiếng “Có quỷ!”, rồi quay người chạy đi.

Lão bà bà nói: “Tuyên Tán, ngươi cũng nhanh chân lắm, mới đó mà đã trốn đến đây rồi”.

Rồi lão bà bà ngước lên trời ra lệnh: “Xuống đi!”. Lập tức từ không trung rơi xuống một chiếc kiệu và vài tên tiểu quỷ, đám tiểu quỷ bắt lấy Hề Tuyên Tán đưa trở về động phủ.

Bạch nương nương đứng trong đại sảnh nói: “Tuyên Tán, ngươi chạy trốn nhanh thật!”, rồi giữ Tuyên Tán lại kết giao làm phu thê.

Lại qua nửa tháng, Hề Tuyên Tán ngập ngừng xin Bạch nương nương cho anh được về thăm nhà một chuyến. Bạch nương nương vừa nghe thấy chữ “về” đã bừng bừng lửa giận, đôi lông mày lá liễu dựng ngược lên, hai mắt mở tròn nhìn chằm chằm nói: “Ngươi còn nhớ nhà sao!”, rồi lập tức gọi tiểu quỷ đến lấy tim và gan của Tuyên Tán.

Hề Tuyên Tán lại cầu cứu Mão Nô, và như lần trước, Mão Nô cũng rộng lòng cứu anh ra. Tuyên Tán trở về nhà thì lòng vui khôn xiết, cũng kể từ đó anh không còn rong chơi đây đó, thậm chí cũng không bước chân ra khỏi cửa nữa.

Tửu là xuyên trường dược, sắc là dao cạo xương

Vài ngày sau, ngoài cổng có tiếng gõ cửa, thì ra là một vị khách từ Tam Thanh thượng giới đến thăm nhà. Người này thân mặc áo bào màu vàng sẫm, đầu hai búi tóc, phong thái đường hoàng đạo mạo, lẫm liệt uy nghi.

Bà mẹ trông thấy vội chạy ra chào: “Chú à, bao nhiêu năm không gặp, hôm nay sao lại hạ cố đến đây?”.

Vị khách mới đến chính là chú ruột của Hề Tuyên Tán, ông đã nhiều năm tu Đạo trên núi Long Hổ.

Hề Chân nhân hỏi: “Chị dâu, sao chị lại ở đây?”.

Hề Tuyên Tán nghe tiếng liền ra ngoài cùng mẹ nghênh đón chú.

Hề Chân nhân nói: “Tôi thấy Thành Tây có khí đen bốc lên, biết có yêu quái hại người nên mới hữu ý đến đây, thì ra chính là nhà của chị”.

Bà mẹ kể lại một lượt những chuyện đã xảy ra cho Chân nhân nghe. Hề Chân nhân nói: “Cháu ta, trên người cháu có yêu khí, ta thấy ba con yêu quái này đang quấn cháu rất chặt, ta sẽ tìm cách trừ bỏ chúng đi”.

Bà mẹ nghe nói vô cùng kinh hãi, nhưng vẫn không quên dặn người nhà chuẩn bị cơm chay và mời Chân nhân dùng bữa.

Hề chân nhân nói: “Ngày mai ta sẽ lập Đạo bùa, cháu hãy viết sớ mang đến Tứ Thánh Quán, ta sẽ diệt con quái này”.

Hôm sau, bà mẹ cùng với Tuyên Tán sắp xếp giấy và hương, rồi viết sớ đi thẳng đến Tứ Thánh Quán gặp Hề Chân nhân. Chân nhân nhận lấy tờ sớ rồi nói: “Chờ đến khi trời tối, ta sẽ trị nó”.

Sau đó, ông đốt Đạo bùa và hòa với nước cho Tuyên Tán uống, rất nhanh chóng anh nôn ra thứ nước dãi của yêu quái còn lưu lại trong người. Đến khi trời tối, Chân nhân thắp nến, đốt hương, miệng lầm rầm niệm chú, rồi đốt một chiếc bùa trên ngọn nến. Trong phút chốc, một trận gió nổi lên, có lúc gió thổi theo hướng nam bắc, có lúc lại theo hướng đông tây. Từ trong làn gió hiện ra một viên Thần tướng, sắc mặt đỏ sẫm như quả táo, ánh mắt sáng quắc như sao băng, trên trán có ấn hình con hổ màu vàng, trên tay cầm bảo kiếm, bụng đeo đai lưng màu xanh ngọc bích.

Viên Thần tướng nói: “Xin lĩnh pháp chỉ của sư phụ”.

Hề Chân nhân nói: “Hãy bắt ba con yêu quái trong hồ lại đây cho ta!”.

Thần tướng tuân lệnh, chẳng bao lâu sau đã đưa lão bà bà, Mão Nô và Bạch nương nương đến trước điện thờ.

Từ trong làn gió hiện ra một viên Thần tướng. (Phạm vi công cộng)

Hề chân nhân quát: “Lũ yêu quái các ngươi sao dám lộng hành hại người vô tội?”.

Ba con yêu đáp: “Thưa Đạo nhân, chúng tôi vẫn chưa làm hại đến tính mệnh anh ta, xin hãy tha cho chúng tôi”.

Hề chân nhân hét lên: “Hãy hiện lại nguyên hình!”.

Chỉ trong phút chốc, Hề Tuyên Tán thấy trước mắt mình là một con gà đen, một con rái cá và một con rắn trắng.

Hề Chân nhân nói: “Mang chiếc bình thiếc đến đây và nhốt ba con yêu quái này cho ta”. Sau đó, ông dán Đạo bùa lên chiếc bình và đặt xuống giữa lòng hồ.

Sau chuyện này, Hề Chân nhân đi khắp nơi hóa duyên, dùng tài vật được bố thí để xây thành ba tòa tháp bằng đá trấn giữ ba con yêu quái giữa lòng hồ. Đến nay trong Tây Hồ vẫn còn di tích, có bài thơ rằng:

Chỉ nhân hồ nội sinh tam quái
Chỉ sử chân nhân đáo thử gian
Kim nhật tróc lai tàng khiếp nội
Vạn niên thiên tái đắc bình an

Tạm dịch:

Chỉ vì trong hồ sinh tam quái
Khiến vị chân nhân đến nơi này
Hôm nay bắt giữ trong bình thiếc
Vạn năm thiên hạ lại an bình

Hề Tuyên Tán trải qua hai lần suýt mất mạng, cuối cùng mới thấm thía câu nói của người xưa: “Tửu là xuyên trường dược, sắc là dao cạo xương”, lòng người dâm đãng thì yêu ma quỷ quái có thể thừa cơ thâm nhập, người và yêu không thể chung sống, càng không thể giao hoan, nếu không, chỉ một phút đắc ý trong biển dục sẽ phải đánh đổi bằng cả sinh mệnh của bản thân mình. Cuối cùng, anh theo Hề chân nhân tu Đạo, bà mẹ cũng xuất gia, trăm năm mới thác.

Minh Hạnh
Theo Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thuyết Bạch Xà: Biển dục thiêu đốt sinh mệnh