Vì sao cựu Bí thư TP. HCM Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 8/5, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM bị cơ quan kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật.

Truyền thông trong nước chiều 8/5 đưa tin của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết "Ban cán sự đảng UBND TP. HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo".

Vì sao ông Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật?

Theo đó, UBND TP. HCM và nhiều tổ chức, cá nhân "vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự".

Thông cáo cho biết: "Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu,.., đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".

Theo đó, trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về:

  • Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015;
  • Ban cán sự đảng UBND thành phố các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021
  • Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố;
  • Các ông Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố và một số tổ chức đảng, đảng viên khác.

Cơ quan kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010-2015 và các ông: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong.

Vì sao ông Lê Thanh Hải chưa bị bắt?

Hiện tại, không có thông tin chính thức về việc ông Lê Thanh Hải có bị bắt hay không. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải đã bị đề nghị kỷ luật bởi cơ quan kiểm tra của Đảng liên quan đến những sai phạm trong vụ Vạn Thịnh Phát.

Theo thông cáo ở trên, ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, đã bị đề nghị kỷ luật do chịu trách nhiệm trong các vi phạm liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC).

Tuy nhiên, việc bị đề nghị kỷ luật không đồng nghĩa với việc bị bắt.

Quy trình xử lý vi phạm của Ủy viên Bộ chính trị

Một nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói với báo Dân Việt rằng, theo trình tự, việc xử lý vi phạm của ông Lê Thanh Hải sẽ theo các bước sau:

  1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình lên Bộ Chính trị để xem xét vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM nhiệm kỳ 2010-2015 và các cá nhân nêu trên.
  2. Sau khi xem xét vi phạm của tổ chức nêu trên, Bộ Chính trị sẽ thi hành kỷ luật (kỷ luật tổ chức đảng có 3 hình thức khiển trách, cảnh cáo và giải tán).
  3. Đối với các đảng viên là ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong, sau khi xem xét nếu thấy mức độ vi phạm của họ chỉ phải xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở xuống thì Bộ Chính trị sẽ thi hành kỷ luật.
  4. Trường hợp vi phạm của họ cần phải xử lý kỷ luật cao hơn mức cảnh cáo thì Bộ Chính trị sẽ trình ra Ban Chấp hành Trung ương quyết định (kỷ luật đảng viên có 4 hình thức: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức và Khai trừ).

Ông Lê Thanh Hải và dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm

Vào tháng 3/2020, Bộ Chính trị đã từng quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Lê Thanh Hải do sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

“Đối với ông Lê Thanh Hải, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm,” báo Thanh niên viết vào tháng 3/2020, thời điểm ông Hải bị kỷ luật.

Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. (Ảnh: Kiwipedia)
Phường Thủ Thiêm, TP. HCM, Việt Nam. (Ảnh: Kiwipedia)

Theo báo Tiền phong, ông Hải được xem là người “khởi nguồn” cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đặc biệt, ông Hải là người đã chỉ đạo “xé nát” 160 ha đất tại định cư của người dân bị giải tỏa.

Báo Thanh niên cho biết, qua thanh tra, kiểm toán Thanh Tra Chính Phủ đã phát giác vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỷ đồng (5,88 tỷ USD) và hơn 900 hécta đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 người…

Trong vụ bê bối này, ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư thường trực, cấp phó của ông Hải đã lãnh án tù.

Ông Lê Thanh Hải cũng được xác định đã trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của của HĐND thành phố và quy định của Luật Ngân sách năm 20025, Luật Xây dựng năm 2003.

Vụ án Vạn Thịnh Phát

Bên cạnh vụ dự án Thủ Thiêm, có những ý kiến cho rằng ông Lê Thanh Hải có thể phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã có những vi phạm trong nhiều năm ở TP. HCM, trong thời gian ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy.

Lê Thanh Hải và Trương Mỹ Lan
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị VKS đề nghị mức án tử hình (Ảnh: Cắt từ clip)

Ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, cho rằng bà Lan có lẽ được những nhân vật quyền lực bảo trợ, những người chi phối kinh tế và chính trị ở TP. HCM trong nhiều thập kỷ, theo BBC tiếng Việt.

Sự nghiệp của ông Lê Thanh Hải

Ông Lê Thanh Hải (tên gọi khác là Hai Nhựt) sinh ngày 20/2/1950 tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang.

Từ năm 1966 đến năm 2006, ông Hải kinh qua nhiều chức vụ trong Đoàn Thanh niên và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP. HCM, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. HCM.

Năm 2006, ông Lê Thanh Hải trở thành ủy viên Bộ Chính trị khóa 10. Sau đó, ông Hải tiếp tục là ủy viên Bộ Chính trị khóa 11.

Ông giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2005 – 2010 và nhiệm kỳ 2010-2015.

Sau Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Lê Thanh Hải nghỉ hưu.

Tới ngày 20/3/2020, ông bị Bộ Chính Trị kỷ luật với hình thức “cách chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015" do những vi phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

Dương Minh

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Vì sao cựu Bí thư TP. HCM Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật?