Bài học tài chính: Cân bằng rủi ro và phần thưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà đầu tư đưa ra quyết định bằng cách cân bằng rủi ro và phần thưởng tùy thuộc vào mục tiêu, mức độ chấp nhận rủi ro và thời hạn đầu tư. Chấp nhận quá ít rủi ro và bạn sẽ không kiếm được nhiều tiền; chấp nhận quá nhiều rủi ro và bạn có thể mất tất cả số tiền của mình.

Bạn sẽ lựa chọn loại hình đầu tư dựa vào mức độ rủi ro mà bạn sẵn sàng chấp nhận. Theo nguyên tắc chung trong đầu tư (và trong cuộc sống), bạn không thể mong đợi đạt được phần thưởng cao hơn mà không chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Biểu đồ dưới đây cung cấp một cái nhìn rất cơ bản về mối quan hệ này. Các khoản đầu tư ở phía dưới bên trái mang lại ít phần thưởng nhất nhưng lại là những khoản đầu tư an toàn nhất. Những khoản đầu tư ở trên cùng bên phải có tiềm năng thu được lợi nhuận cao hơn nhiều, nhưng lại đi cùng với rủi ro tăng cao.

Bài học tài chính: Cân bằng rủi ro và phần thưởng
Biểu đồ: Mối quan hệ giữa phần thưởng và rủi ro trong đầu tư của các loại hình. Cột nằm ngang: rủi ro. Cột thẳng đứng: phần thưởng. Từ thấp lên cao trên đường cong: tài khoản tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi; trái phiếu (rủi ro thấp, lợi nhuận thấp); cổ phiếu; bất động sản; đồ sưu tầm, cổ vật (rủi ro cao, lợi nhuận cao). (Ảnh: Rob Pivnick)

Ví dụ: tài khoản tiết kiệm ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi (CD) mang lại lợi nhuận rất, rất thấp, gần 0,1%, nhưng những phương tiện tiết kiệm này được chính phủ liên bang Mỹ bảo hiểm nếu chúng được phát hành bởi một trong nhiều ngân hàng mà bạn thường thấy trong vùng lân cận của mình. Nếu bạn đã nhìn thấy nhãn dán FDIC bên dưới trên cửa ngân hàng của mình, thì số tiền của bạn được chính phủ Mỹ đảm bảo tới mức 250.000 USD - có nghĩa là nếu ngân hàng của bạn ngừng hoạt động, chính phủ sẽ trả lại tiền cho bạn.

Bởi vì cổ phiếu là khoản đầu tư rủi ro hơn so với tiết kiệm tại ngân hàng thành viên FDIC, nếu bạn đầu tư vào cổ phiếu, bạn có thể kỳ vọng kiếm được lợi nhuận cao hơn. Và đây là thực tế - lợi nhuận cổ phiếu trong lịch sử đạt trung bình khoảng 8,5% mỗi năm. Và bởi vì đầu tư vào đồ sưu tầm, chẳng hạn như đồ trang sức, đồ cổ, tiền xu, thẻ bóng chày, ô tô hoặc thậm chí là rượu, rủi ro hơn nhiều, nên lợi nhuận tiềm năng cho những khoản đầu tư đó thậm chí phải cao hơn cổ phiếu - để bù đắp cho rủi ro cao hơn. Nhưng rủi ro mất tiền của bạn trong các khoản đầu tư này cũng lớn hơn nhiều.

Vì vậy, tất cả những điều này dẫn đến câu hỏi: đâu là khoản đầu tư “đúng”? Bạn phải xem xét tất cả mọi thứ khi xác định mức độ chấp nhận rủi ro của mình. Mức độ chấp nhận rủi ro của bạn xác định mức độ sẵn sàng hưởng lợi từ một khoản đầu tư đáng kinh ngạc trong khi đối mặt với khả năng mất tiền. Chấp nhận quá ít rủi ro và bạn sẽ không kiếm được nhiều tiền; chấp nhận quá nhiều rủi ro và bạn có thể mất tất cả số tiền của mình. Một số yếu tố ảnh hưởng đến quyết định này:

  1. Bạn có mạo hiểm mất phần lớn số tiền của mình trong thời gian ngắn để đổi lấy khả năng thu được lợi nhuận đáng kinh ngạc trong thời gian dài không?
  2. Khung thời gian đầu tư của bạn là gì - nghĩa là bạn có thể phải cần rút tiền trong bao lâu?
  3. Bạn sẽ cần quyền tiếp cận tiền của bạn một cách nhanh chóng trong tương lai?
  4. Bạn có thể thay đổi kế hoạch của bạn? Bạn có khả năng thay đổi cách sử dụng tiền nếu khoản đầu tư trở nên không hiệu quả không?

Loại hình đầu tư

Bạn đầu tư bằng cách cân bằng rủi ro và phần thưởng tùy thuộc vào mục tiêu của riêng bạn, mức độ chấp nhận rủi ro và thời hạn đầu tư. Ba loại tài sản chính được thảo luận ở đây là cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt. Chúng có mức độ rủi ro và lợi nhuận khác nhau, và sẽ tạo ra những kết quả tài chính khác nhau.

  • Cổ phiếu là quyền sở hữu (cổ phần) trong một công ty hoặc một tài sản. Những thứ này có khả năng khiến nhà đầu tư kiếm được hoặc mất rất nhiều tiền, vì vậy cả rủi ro và phần thưởng đều cao. Cổ phiếu là khoản đầu tư bạn nên nắm giữ trong khung thời gian đầu tư dài hạn. Bạn có thể mua cổ phiếu của các công ty như Nike, McDonald’s, AT&T và Coca-Cola, cùng với nhiều công ty nhỏ khác mà bạn chưa từng nghe đến.
  • Trái phiếu (công cụ thu nhập cố định hoặc công cụ nợ) là khoản đầu tư mà trong đó, bạn cho công ty vay tiền. Bạn là người cho vay (đôi khi được gọi là chủ nợ) chứ không phải là chủ sở hữu. Trái phiếu nói chung là khoản đầu tư an toàn hơn cổ phiếu, điều đó có nghĩa là lợi nhuận tiềm năng sẽ thấp hơn. Bạn có thể mua trái phiếu (hay nói cách khác là cho các công ty vay tiền) của các công ty như Nike, McDonald’s, AT&T và Coca-Cola. Trên thực tế, bạn cũng có thể cho chính phủ Mỹ (và nhiều quốc gia khác) cũng như các tiểu bang và thành phố của Mỹ vay tiền.
  • Tiền mặt đơn giản là số tiền bạn có trong tài khoản thanh toán hoặc tài khoản tiết kiệm (hoặc cất dưới đệm của bạn!) mà bạn có thể sử dụng ngay lập tức. Ngân hàng không trả cho bạn nhiều tiền lãi (nếu có), vì vậy giữ tiền trong ngân hàng không mang lại nhiều phần thưởng, nhưng đó là nơi an toàn nhất để gửi tiền nên bạn sẽ luôn biết tiền sẽ ở đó.

Quá trình xác định hỗn hợp danh mục tài sản nào phù hợp với bạn phụ thuộc vào các yếu tố được mô tả ở trên. Và khả năng chấp nhận rủi ro của bạn sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời của bạn.

Bài học: Đầu tư tiền của bạn vào các khoản đầu tư an toàn nếu bạn không có nhiều thời gian để tiền quay trở lại hoặc nếu bạn cần tiền mặt nhanh chóng. Chấp nhận rủi ro nhiều hơn (để nhận phần thưởng cao hơn) cho các mục tiêu tiết kiệm dài hạn hơn.

Lưu ý: Thời hạn đầu tư của bạn là khoảng thời gian bạn dự định cho khoản đầu tư của mình. Thời hạn càng dài, khả năng chấp nhận rủi ro nhiều hơn để nhận được phần thưởng cao hơn của bạn càng lớn. Các khoản đầu tư dài hạn cho phép bạn phục hồi sau một hoặc hai năm tồi tệ (hoặc ba năm trở lên) và hưởng lợi từ lợi nhuận tiềm năng cao hơn. Nhưng nếu thời hạn của bạn rất ngắn, và bạn phải quan tâm tới tính thanh khoản, hãy tập trung vào các khoản đầu tư an toàn để bạn không có nguy cơ mất bất kỳ khoản tiền nào trước khi cần.

Đoạn trích này được lấy từ cuốn sách “Hướng dẫn Đầu tư dành cho Thanh niên: Hướng dẫn Thực tế về Tài chính để Giúp Thanh niên Lập kế hoạch, Tiết kiệm và Tiến lên” của tác giả Rob Pivnick.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Rob Pivnick là một nhà đầu tư, doanh nhân, luật sư, nhà đầu tư bất động sản nhà ở và người ủng hộ truyền bá kiến thức tài chính. Tác giả Rob điều hành công ty luật của riêng mình và trước đây là Tổng Cố vấn cho một công ty đầu tư bất động sản tư nhân và đã làm việc tại một công ty luật trong danh sách AmLaw 200 cũng như một đơn vị nội bộ tại Goldman Sachs and Co.



BÀI CHỌN LỌC

Bài học tài chính: Cân bằng rủi ro và phần thưởng