Chụp CT gây hại cho cơ thể đến mức nào? Bao nhiêu lần có thể gây ung thư?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dựa trên dữ liệu từ năm 2013 liên quan đến 680.000 trẻ em được chụp CT và 10 triệu trẻ em cùng độ tuổi không được chụp CT, người ta ước tính rằng liều bức xạ 1 mSv sẽ làm tăng nguy cơ ung thư lên 0,0017 ~ 0,002 %.

Chụp CT là gì?

Quá trình này sử dụng tia X xuyên qua cơ thể người theo từng lớp, tạo ra hình ảnh thứ cấp sau khi tính toán trên máy tính, tương đương với việc cắt bánh mì thành từng lát.

Chụp CT chủ yếu được sử dụng để phát hiện các khớp xương, hệ thần kinh trung ương và các tổn thương mô mềm có sự thay đổi mật độ, cũng có thể sử dụng để kiểm tra các bộ phận khác nhau của đầu, ngực, bụng, tứ chi, xương chậu... Đây vẫn là phương pháp quan trọng để phát hiện xuất huyết não cấp và bóc tách động mạch chủ.

Phương pháp này có thể chia thành hai loại: quét thông thường và quét nâng cao.

Loại đầu tiên chỉ cần nằm trên máy CT và việc kiểm tra hoàn thành trong vài giây; loại thứ hai dựa trên phương pháp quét thông thường, thuốc cản quang iot được tiêm vào tĩnh mạch để nó chạy theo các mạch máu khắp cơ thể, nhờ đó sẽ quan sát được tình trạng của mô bị bệnh và so sánh với các mô xung quanh.

Tại sao bác sĩ đôi khi yêu cầu bệnh nhân chụp CT nâng cao sau khi chụp CT?

Kiểm tra CT nâng cao có thể tăng cường độ tương phản giữa tổn thương và các mô xung quanh, hiển thị rõ ràng các tổn thương không thể tìm thấy trên CT thông thường, đồng thời làm rõ phạm vi và tính chất của tổn thương, điều này có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán định tính tổn thương.

Tuy nhiên, trước khi tiến hành kiểm tra CT nâng cao, bệnh nhân phải xác định xem mình có bị dị ứng với chất cản quang iot hay không và việc kiểm tra chỉ được tiến hành sau khi đã đánh giá.

Chụp CT có hại cho cơ thể không? Bao nhiêu lần thì có thể gây ung thư?

Dựa trên dữ liệu từ năm 2013 liên quan đến 680.000 trẻ em được chụp CT và 10 triệu trẻ em cùng độ tuổi không được chụp CT, người ta ước tính rằng liều bức xạ 1 mSv sẽ làm tăng nguy cơ ung thư lên 0,0017 ~ 0,002 %.

Về việc khám CT, vấn đề mà mọi người quan tâm nhất là liệu bức xạ phát ra trong quá trình khám có ảnh hưởng đến sức khỏe và việc khám nhiều lần có gây ung thư hay không?

Không thể phủ nhận rằng bức xạ ion hóa do sử dụng tia X trong quá trình chụp CT sẽ phá hủy một số cấu trúc đại phân tử trong cơ thể, từ đó gây tổn hại cho tế bào, đồng thời có nguy cơ gây ung thư nhất định.

Tuy nhiên, liều bức xạ để chụp CT dao động từ 2 mSv đến 10 mSv và lượng bức xạ là tối thiểu nên không cần phải hoảng sợ. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong một môi trường có khá nhiều bức xạ, chẳng hạn như:

  • Lượng bức xạ mà trạm kiểm tra an ninh tàu điện ngầm, sân bay
  • Liều bức xạ từ chuyến bay kéo dài 20 giờ là 0,1 mSv
  • Nếu bạn hút 20 điếu thuốc mỗi ngày thì liều bức xạ trong một năm là 0,5-2 mSv
  • Liều bức xạ của tia X ngực là khoảng 1,1 mSv.

Vào năm 1990, ICRP (Ủy ban Quốc tế về An toàn bức xạ) đã đưa ra khuyến cáo giới hạn mức phơi nhiễm bức xạ. Mặc dù nó không phải là giới hạn bắt buộc, nhưng đã được thông qua như là quy tắc luật pháp ở nhiều nước.

  • Đối với công nhân: Mức liều không nên vượt quá 50 mSv/năm và liều trung bình cho 5 năm không được vượt quá 20 mSv. Nếu một phụ nữ mang thai làm việc trong điều kiện bức xạ, thì giới hạn liều nghiêm ngặt hơn cần được áp dụng là 2 mSv.
  • Đối với công chúng: Giới hạn liều nói chung thấp hơn đối với công nhân. ICRP khuyến cáo rằng giới hạn liều đối với công chúng không nên vượt quá 1 mSv/1 năm.

Tính toán dựa trên thực tế liều tối đa cho một lần chụp CT là 10 mSv, nếu chụp CT hai lần một năm thì lượng bức xạ tối đa nhận được là 20 mSv.

Nhìn chung, bạn có thể an tâm miễn không thực hiện quá nhiều lần chụp CT trong một khoảng thời gian ngắn và giữ tổng liều bức xạ trong phạm vi an toàn.

Khám CT và MRI, phương pháp nào tốt hơn?

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại về bức xạ trong chụp CT và muốn lựa chọn phương pháp MRI, không có bức xạ trong quá trình khám.

Trên thực tế, cả chụp CT và MRI đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

Ưu điểm của việc kiểm tra CT là nhanh và có độ phân giải mật độ tốt, nhưng nhược điểm là nó chứa bức xạ. Ưu điểm của MRI là không cần tiêm chất cản quang iot và không liên quan đến bức xạ, nó có độ phân giải rất cao đối với các mô mềm và kết quả kiểm tra của nó ở não, dây thần kinh, tủy sống và các bộ phận khác của cơ thể tốt hơn chụp CT.

Tuy nhiên, MRI có nhược điểm là độ ồn cao, thời gian thu thập dữ liệu dài và không phù hợp với những bệnh nhân có kim loại hoặc máy điều hòa nhịp tim trong cơ thể.

So sánh, chụp MRI không gây ra bức xạ và an toàn hơn cho cơ thể, nhưng tại sao các bác sĩ hiếm khi yêu cầu chụp MRI trong thực hành lâm sàng? Chủ yếu có 4 lý do:

  • Thời gian khám lâu: Một lần chụp MRI mất trung bình từ 10 đến 15 phút, điều này không phù hợp với những bệnh nhân nặng, chụp CT mỗi lần chỉ mất từ ​​2 đến 5 phút.
  • Chi phí tương đối cao: Một lần khám CT thông thường tốn khoảng hơn 1 triệu đồng, trong khi chi phí chụp MRI cao hơn.
  • Không thể thực hiện được nếu có kim loại trong cơ thể: Những người có vật kim loại trong cơ thể không thể kiểm tra MRI, bao gồm vòng tránh thai kim loại, stent tim, v.v.
  • Một số cơ quan không thích hợp để kiểm tra: Kiểm tra MRI yêu cầu nguyên tử hydro trong nước làm cơ sở. Dạ dày và phổi chứa một lượng nhỏ nguyên tử hydro nên khó cộng hưởng với các xung tần số vô tuyến trong quá trình khám. Do đó, rất khó đưa ra kết quả chính xác với MRI. Ngoài ra, các cơ quan không chứa nước như tim, ruột cũng không phù hợp để chụp MRI.

Theo Wang He - Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chụp CT gây hại cho cơ thể đến mức nào? Bao nhiêu lần có thể gây ung thư?