Chuyên gia: ĐCSTQ bắt đầu tích trữ đồ bảo hộ từ rất lâu trước khi bùng phát đại dịch COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo dữ liệu mới nhất, vài tháng trước khi bùng phát COVID-19 trên thế giới, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu áo choàng phẫu thuật và khẩu trang, đồng thời thu mua một số lượng lớn thiết bị bảo hộ từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Úc. Phát hiện này một lần nữa thách thức giả thuyết rằng dịch bệnh bắt nguồn từ Chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán.

Kể từ khi bùng phát đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, hơn 600 triệu người trên toàn thế giới đã bị nhiễm. Tuy nhiên các cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục cản trở việc điều tra nguồn gốc dịch bệnh.

Chuyên gia: Trung Quốc tích trữ áo choàng phẫu thuật và khẩu trang vào tháng 8/2019

Dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc bắt đầu hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu áo choàng phẫu thuật và khẩu trang vài tháng trước khi công bố với thế giới về sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán, đồng thời mua một số lượng lớn thiết bị bảo hộ từ châu Âu, Hoa Kỳ và Úc, ngoại trừ đợt dịch bùng phát vào tháng 1 và tháng 2/2020.

Tờ The Telegraph của Anh ngày 8/10 đưa tin, xuất khẩu thiết bị bảo hộ (PPE, thiết bị bảo vệ cá nhân) của Trung Quốc sang Hoa Kỳ sụt giảm khoảng 50% từ tháng 8 đến tháng 9/2019. Việc giảm xuất khẩu của Trung Quốc, nhà sản xuất đồ bảo hộ lớn nhất thế giới, một lần nữa đặt ra câu hỏi về thời gian xuất hiện của loại virus coronavirus mới (SARS-CoV-2).

Sự bất thường đã được các cựu quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ, bao gồm ông Tom McGinn và John Hoffman. Ông McGinn là cố vấn y tế cấp cao tại Bộ An ninh Nội địa (DHS); ông Hoffman có nhiều thập kỷ phục vụ trong chính phủ và quân đội Hoa Kỳ.

Ông McGinn và Hoffman không tin rằng virus có nguồn gốc từ chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán vào tháng 12/2019 và đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Sau khi xem xét dữ liệu nhập khẩu trong cơ sở dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), họ phát hiện ra rằng Trung Quốc đã bắt đầu tích trữ đồ bảo hộ trước khi đại dịch bùng phát.

Ông Hoffman nói: “Quay ngược về khoảng ba năm về trước, đó không phải là một giai đoạn thăng trầm bình thường".

Hai chuyên gia đã gửi thông tin cho Văn phòng Chống vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Bộ An ninh Nội địa, nhưng họ từ chối điều tra, nói rằng số liệu này chỉ phản ánh những biến động nguồn cung bình thường.

Tuy nhiên, sau khi ông Hoffman liên hệ với một trong những chuỗi bệnh viện lớn nhất nước Mỹ - HCA Healthcare, cơ quan này xác nhận rằng dữ liệu rất bất thường.

Đại diện của HCA Healthcare, đơn vị vận hành khoảng 200 bệnh viện và 2.000 phòng khám, chỉ ra rằng vào cuối tháng 9/2019, việc giao áo choàng phẫu thuật và ga trải giường bị chậm trễ, gây ra tình trạng hỗn loạn tại các bệnh viện.

Ông David Asher, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết sự thiếu hụt còn bao gồm việc chính phủ Trung Quốc mua ồ ạt các kho dự trữ thiết bị y tế từ Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc. Ông Ashel, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, Hoa Kỳ.

Ông nói rằng vào thời điểm đó, số lượng mua hàng của Trung Quốc tiếp tục tăng, "rõ ràng các đồng nghiệp của tôi tại Bộ An ninh Nội địa đã nghe báo cáo từ ngành vật tư y tế của Mỹ và quan trọng nhất là các bệnh viện Mỹ, rằng họ không thể mua được khẩu trang, găng tay, áo choàng phẫu thuật, kính bảo hộ từ nguồn cung cấp bình thường”.

Khi dịch bùng phát vào tháng 1 và tháng 2/2020, Trung Quốc đã dốc hết sức để thu mua vật tư y tế trên toàn cầu và chuyển về Trung Quốc. Nhưng thương vụ thu mua số lượng lớn này của Trung Quốc vào tháng 8 và tháng 9/2019 đã đặt ra câu hỏi về việc liệu nước này có biết về đợt bùng phát đại dịch sớm hơn hay không.

Dịch "không thể bắt nguồn từ Chợ Hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán"

Phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Shi Zhengli tại Viện Virus học Vũ Hán nghiên cứu coronavirus ở dơi, cùng nhiều chuyên gia hiện tin rằng COVID-19 có thể đã phát tán từ các thí nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm này.

Cùng thời điểm với việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đồ bảo hộ, Viện Virus học Vũ Hán đã xóa cơ sở dữ liệu về trình tự gen của virus dơi và cơ sở dữ liệu này đến nay vẫn chưa được khôi phục.

Ông McGinn và Hoffman cũng tham khảo ý kiến ​​của các nhà khoa học cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance, được biết đến nhiều nhất với việc cung cấp tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ cho phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán.

Theo một nguồn tin giấu tên vì lý do bảo mật, các nhà khoa học tại EcoHealth Alliance xác nhận rằng đợt bùng phát "không thể bắt đầu ở chợ hải sản Vũ Hán".

Một số nghiên cứu cũng ủng hộ ý kiến ​​cho rằng COVID-19 có thể xuất hiện sớm hơn.

Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) năm ngoái cho thấy một cậu bé người Ý đã nhiễm virus COVID-19 vào đầu tháng 11/2019; một nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học ở Milan cho thấy một phụ nữ nhiễm COVID-19 trong cùng tháng này; nghiên cứu của Vương quốc Anh chỉ ra rằng đợt bùng phát bắt đầu sớm nhất là vào tháng 10/2019.

Ý: Virus Corona có thể đã lây lan trong nước sớm nhất là vào tháng 9/2019

Theo tờ Anadolu Agency, một nghiên cứu khoa học ở Ý cho thấy một phụ nữ ở miền Bắc nước này đã bị nhiễm loại coronavirus mới vào đầu tháng 11/2019. Người phụ nữ 25 tuổi bị viêm da không điển hình vào thời điểm đó. Các nhà khoa học sau đó đã tìm thấy chuỗi gen coronavirus mới trong vùng tổn thương của cô. Vào ngày 7/1 năm nay, vụ việc xuất hiện trên Tạp chí Da liễu Anh.

Điều này được hiểu rằng trường hợp chính thức đầu tiên ở Ý xảy ra vào cuối tháng 2/2020. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cung cấp thêm bằng chứng: coronavirus mới có thể lây lan sớm hơn nhiều và nó đã đến Châu Âu muộn nhất là vào mùa thu năm 2019.

Nghiên cứu do ông Raffaele Gianotti, một nhà nghiên cứu tại Đại học Milan, đưa ra, dựa trên phân tích các phần bệnh lý da được thực hiện vào mùa thu năm 2019, và các tổn thương liên quan đến da được tìm thấy ở 5% đến 10% tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Trước đó, hãng truyền thông Ý La Repubblica đưa tin vào tháng 12/2020 rằng các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm ngoáy mũi họng trên một cậu bé 4 tuổi vào đầu tháng 12/2019 và tìm thấy dấu hiệu nhiễm COVID-19 trong dịch tiết đường hô hấp. Cậu bé xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh và cúm vào tháng 11 cùng năm, sau đó là phát ban giống bệnh sởi vào đầu tháng 12.

Trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 được tiết lộ ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019 và mặc dù chính quyền Trung Quốc đã thừa nhận các trường hợp trước đó vào tháng 11 cùng năm, vẫn còn nhiều nghi ngờ về tính minh bạch của dữ liệu chính thức. Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Ý vào năm 2020 trực tiếp hơn, cho thấy rằng loại coronavirus mới có thể đã lưu hành ở nước này vào đầu tháng 9/2019.

Thanh Hải

Theo Visiontimes

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: ĐCSTQ bắt đầu tích trữ đồ bảo hộ từ rất lâu trước khi bùng phát đại dịch COVID-19