Cuộc đời truyền kỳ đặc sắc của đệ tử đệ nhất trí tuệ của Đức Phật

Giúp NTDVN sửa lỗi

8 tuổi được vua phong đất, một mình biện luận hàng phục mấy vạn ngoại đạo, trước khi nhập Niết bàn khiến mẫu thân kinh sợ: "Lẽ nào con trai ta vĩ đại hơn các Thiên Thần?"

2500 năm trước, ở nước Ma Yết Đà ở miền Nam Ấn Độ, trong bữa tiệc mà 2 vị trưởng giả mời quốc vương và các quý tộc, một đứa trẻ ngồi lên bảo tọa, vị trí mà chỉ bậc luận sư đức cao vọng trọng mới được ngồi.

Khi mọi người đang kinh ngạc thì được biết, đứa trẻ này chính là Xá Lợi Phất, con trai của học giả nổi tiếng Đề Xá. Mọi người chỉ cho rằng, đứa trẻ này nhỏ tuổi không biết gì. Nhưng không ngờ, cậu bé tích cực phát ngôn, ngôn từ rõ ràng, nghĩa lý đầy đủ, khiến mọi người kinh ngạc. Quốc vương rất vui thích, lập tức ban thưởng cho cậu bé một thôn trang.

Xá Lợi Phất lúc đó chỉ mới 8 tuổi. Khi còn ở trong bụng mẹ, cậu đã bắt đầu khác thường rồi. Mẫu thân của cậu tên là Xá Lợi. Đó là tên một loài chim hét. Từ cái tên cho thấy ý nghĩa là, mẫu thân của cậu là người rất thông minh, giỏi biện luận, nhất là khi mang thai cậu, thì người em trai của bà là Câu Hi La, vốn nổi tiếng thông minh và có tài ăn nói, cũng không phải là đối thủ của bà, người em trai luôn bí từ thiếu lý và chịu thất bại.

Cuối cùng, Câu Hi La xấu hổ quá nên đã bỏ nhà ra đi, đi khắp nơi tìm các danh sư, nghiên cứu học vấn, đến mức móng tay móng chân cũng không có thời gian cắt. Thế nên người thời đó gọi ông là Phạm Chí Móng Dài. Cái tên Xá Lợi Phất nghĩa là “con trai của Xá Lợi”.

Người thầy chân chính

Khi Xá Lợi Phất 8 tuổi, cậu đã đọc hết sách thiên hạ mà cậu tìm được. Sau khi trưởng thành, không điều gì cậu không thông hiểu. Anh và người bạn thân là Mục Kiền Liên cùng nhau vui chơi, các trò vui nhất đều đã chơi chán rồi, cảm thấy vô cùng nhạt nhẽo, chỉ mất thời gian vô ích, cuối cùng thấy, chỉ có giải quyết vấn đề sống chết mới là quan trọng nhất.

Thế là hai người đi khắp nơi tầm sư học Đạo, nhưng chẳng vị thầy nào có thể dạy họ nổi 2, 3 ngày, vì các thầy đã cạn kiến thức rồi. Thế là Xá Lợi Phất cùng Mục Kiền Liên thành lập học đoàn, mỗi người có cả trăm đệ tử, họ giao ước với nhau rằng: “Hai chúng ta, nếu ai nghe được Chí Đạo trước thì phải nói cho người kia biết, không được che giấu”.

Một ngày, Xá Lợi Phất đang đi đường ở thành Vương Xá thì gặp tỳ kheo Mã Thắng, đệ tử của Phật Đà, đang đi khất thực. Chỉ thấy Mã Thắng khoác áo cà sa, tay nâng bình bát, nét mặt hòa ái từ từ cất bước, uy nghi trang nghiêm. Xá Lợi Phất ngây người ra nhìn, không nén nổi bèn hỏi: “Thưa vị tỳ kheo đáng kính, xin hỏi sư phụ của anh là ai? Ông ấy dạy pháp gì?”

Mã Thắng thong dong trả lời rằng: “Sư phụ của tôi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài giảng chân lý vũ trụ nhân sinh, tôi vẫn chưa hoàn toàn lĩnh hội được. Tuy nhiên, nói về những gì mà tôi ghi nhớ, Đức Phật thường dạy là: ‘Các pháp đều do nhân duyên mà sinh, các pháp đều do nhân duyên mà diệt’. Đức Phật, Đại Sa môn thường nói như thế”.

Chỉ vài lời, Xá Lợi Phất lại cảm thấy như trời long đất lở, lập tức khai ngộ, thành tựu Tu Đà Hoàn, quả đầu tiên trong 4 quả vị của sa môn.

Không nén nổi nỗi vui mừng, Xá Lợi Phất đem tất cả những điều này nói với Mục Kiền Liên. Ngày hôm sau, hai người dẫn theo các đệ tử đến Tịnh xá Trúc Lâm quy y Phật Đà, sau đó rất nhanh chóng, họ chứng được quả vị A La Hán cao nhất.

Xá Lợi Phất quy y Đức Phật. (Chụp video)

Đức Phật khen ngợi hai người trước các đệ tử rằng: “Xá Lợi Phất là đệ nhất trí tuệ, Mục Kiền Liên là đệ nhất thần thông, đây là 2 đệ tử cao nhất trong tứ đại chúng”.

Giám sát công trình Kỳ Viên

Xá Lợi Phất trì giới tinh nghiêm, trí tuệ mẫn tiệp, giỏi giảng Phật Pháp, được Đức Phật tín nhiệm. Lần đầu tiên, người phụng mệnh Đức Phật đến miền Bắc hoằng Pháp, và giám sát công trình Tịnh xá Kỳ Viên chính là Xá Lợi Phất.

Sau khi Đức Phật thành Đạo, ban đầu Ngài truyền Pháp ở miền Nam Ấn Độ, căn cứ chính là Tịnh xá Trúc Lâm ở nước Ma Yết Đà. Nhưng ở miền Bắc Ấn Độ vẫn chưa có căn cứ để thuyết Pháp. Nhân duyên hội tụ, trong thành Xá Vệ ở miền Bắc có vị trưởng giả Tu Đạt, khi đến miền Nam thăm bạn, Tu Đạt đã thành kính quy y Đức Phật, và phát tâm xây dựng Tinh xá ở miền Bắc để cúng dường Đức Phật.

Tu Đạt dùng vàng trải khắp vườn hoa của thái tử Kỳ Đà trong thành Vương Xá để mua khu vườn, dùng để làm đất xây dựng, đồng thời thỉnh Đức Phật phái người thiết kế và giám sát công trình.

Đức Phật biết rằng, miền Bắc, nơi mà Ngài chưa đi qua, đều là thiên hạ của ngoại đạo, do đó phái người đi không chỉ giám sát hướng dẫn công trình, mà còn phải có thể hàng phục ngoại đạo. Người có thể đảm đương trọng trách này, chỉ có Xá Lợi Phất.

Quả nhiên, Tịnh xá mới khai công chưa lâu, những người ngoại đạo đã tập hợp lại, muốn đấu Pháp, biện luận với Xá Lợi Phất. Họ nói rằng, nếu Xá Lợi Phất thắng thì sẽ để cho ông xây dựng Tịnh xá, nếu thua thì không được xây dựng.

Trưởng gia Tu Đạt nghe được tin này thì kinh sợ, trong tâm thầm nghĩ: “Một mình Xá Lợi Phất sao có thể biện luận nổi với nhiều người ngoại đạo như thế này được?”

Nhưng trái lại, Xá Lợi Phất lại vô cùng vui mừng, cảm thấy đây đúng là cơ hội tốt nhất để hoằng dương Phật Pháp.

Đến ngày ước hẹn, mọi người trong thành Xá Vệ đổ xô đến xem, các ngõ ngách không còn bóng người. Các tín đồ ngoại đạo đông đến mấy vạn người. Sau khi hai bên đã yên định chỗ ngồi, bắt đầu so tài. Bất kể là thần thông biến hóa, hay biện luận, những người ngoại đạo này hợp với nhau, đều không phải là đối thủ của một mình Xá Lợi Phất. Cuối cùng, người ngộ Đạo nhiều như cây rừng, mấy vạn người ngoại đạo đều theo Xá Lợi Phất xuất gia.

Công trình Tịnh xá được thực hiện rất nhanh, khi sắp hoàn thành, một ngày nọ, Xá Lợi Phất nói với trưởng giả Tu Đạt rằng: “Ngài xây dựng Tịnh xá cho Đức Phật vẫn chưa hoàn thành, nhưng với nhân thiện thế này, cung điện trên Thiên thượng tạo cho ngài lại hoàn thành trước rồi”.

Xá Lợi Phất đem thần thông Thiên nhãn của mình cho Tu Đạt mượn, để ông ấy nhìn thấy những cung điện trong các tầng Trời, đồng thời giải thích rằng: “Đâu Suất Thiên là tốt nhất, thọ mệnh của Thiên nhân cũng rất lâu dài, cần cù tu hành, sẽ không dễ bị rớt xuống. Thường có Bồ Tát đang chờ bổ sung Phật bị đến thuyết Pháp giáo hóa”.

Tu Đạt nói: “Vậy tôi phát nguyện tương lai nhất định sẽ sinh ở Đâu Suất Thiên”.

Khi Tu Đạt nói ra câu này, các cung điện khác dần dần biến mất, chỉ còn cung điện ở Đâu Suất Thiên vàng kim lấp lánh hiện ra giữa không trung.

Con mắt của Xá Lợi Phất

Xá Lợi Phất cho trưởng giả Tu Đạt mượn Thiên nhãn thông, khiến ông ấy nhìn thấy những cung điện trên Thiên thượng. Về con mắt của Xá Lợi Phất, trong một đời của ông trước đây từ rất xa xưa, còn có một câu chuyện như sau.

Khi đó, Xá Lợi Phất phát tâm tu Bồ Tát Đạo, hành đại bố thí, không những đem hết nhà cửa, vườn ruộng và tài sản của mình bố thí cho người khác, cuối cùng, thậm chí cả thân thể ông cũng không tiếc đem bố thí. Tâm nguyện chân thành thiết tha như vậy của ông đã kinh động đến một vị Thiên nhân. Thiên nhân muốn thử Đạo tâm của ông.

Một buổi tối, Thiên nhân hóa thành một người thanh niên, đứng chờ trên con đường mà Xá Lợi Phất sẽ đi qua. Thấy Xá Lợi Phất đến, người thanh niên kêu gào khóc lóc. Xá Lợi Phất bước đến hỏi: “Anh bạn trẻ, tại sao anh lại khóc thương tâm như thế này? Tô là Sa môn, phát nguyện cứu độ những khổ nạn của chúng sinh. Hễ tôi có thứ gì, có thể thỏa mãn tâm nguyện của anh, tôi đều sẵn lòng”.

Người thanh niên nói: “Mẫu thân tôi mắc bệnh nan y, thầy thuốc nói, phải có con mắt của người tu hành dùng làm thuốc thì mới chữa được. Mắt của người sống đã khó có được, thì mắt của người tu hành sao có thể có được đây?”

Xá Lợi Phất nói: “Việc này không thành vấn đề, tôi nguyện ý bố thí một con mắt cho anh”.

Xá Lợi Phất trong lòng thầm nghĩ: “Ta có 2 con mắt, cho người ta một con mắt, vẫn còn có một con mắt có thể nhìn được”.

Thế là ông bảo người thanh niên đến lấy con mắt của ông. Người thanh niên không chịu, nói rằng: “Làm sao tôi có thể cướp đoạt con mắt của ông được. Nếu ông nguyện ý, thì có thể tự móc mắt đưa cho tôi”.

Xá Lợi Phất cảm thấy anh ta nói có lý, ông lập tức lấy can đảm, chịu nỗi đau thấu tim gan, móc con mắt trái của mình ra rồi đặt vào tay chàng thanh niên.

Xá Lợi Phất móc con mắt cùa mình trao cho chàng thanh niên. (Chụp màn hình)

“Ôi chao, hỏng rồi” - người thanh niên nói lớn: “Ai bảo ông móc con mắt trái? Thầy thuốc nói, bệnh của mẫu thân tôi cần con mắt phải làm thuốc mới chữa khỏi được”.

Xá Lợi Phất nghe vậy, quả là hỏng rồi. Ông tự trách mình tại sao lại không hỏi người ta một tiếng, bây giờ làm thế nào? Xá Lợi Phất không oán trách người khác, ông nghĩ: “Phát tâm đến cùng, cứu người cũng phải cứu đến cùng”.

Xá Lợi Phất lại hạ quyết tâm, móc con mắt bên phải ra trao cho người thanh niên. Người thanh niên nhận lấy, không nói một lời cảm ơn, anh ta đưa con mắt đó lên mũi ngửi, sau đó ném mạnh xuống đất, dùng chân giẫm đạp lên và mắng rằng: “Ông là hạng Sa môn gì vậy? Con mắt hôi thối như thế này, sao có thể làm thuốc cho mẫu thân tôi được?”

Xá Lợi Phất nghe những lời người thanh niên mắng, nghe thấy tiếng anh ta giẫm đạp con mắt của mình, cuối cùng thở dài, trong lòng nghĩ: “Chúng sinh khó độ, tâm Bồ Tát khó phát tâm. Ta không nên vọng tưởng tu đại thừa nữa, trước tiên vẫn cứ chú trọng tu hành tự lợi thôi”.

Xá Lợi Phất vừa mới sinh ra cái tâm này thì trên trời xuất hiện rất nhiều Thiên nhân, họ nói với Xá Lợi Phất rằng: “Người tu hành, anh chớ nguội lòng. Người thanh niên đó là Thiên nhân đến để thử Đạo tâm Bồ Tát của anh. Anh càng nên dũng mãnh tinh tấn, tu hành theo tâm nguyện của mình”.

Xá Lợi Phất nghe vậy thì tâm Bồ Tát lại sinh ra, lập tức thành tựu Đạo tâm không suy chuyển. Trong 60 tiểu kiếp đến nay, Xá Lợi Phất không ngừng tu hành, đến đời này, gặp được Đức Phật, chứng được Thánh quả. Do đó, có được Thiên nhãn thông.

Khắc tinh của Đề bà Đạt Đa

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tín nhiệm với Xá Lợi Phất như vậy. Khi con trai La Hầu La của Đức Phật xuất gia thành Sa di, Đức Phật để cho Xá Lợi Phất dẫn dắt con trai Ngài. Tăng đoàn gặp vấn đề nan giải, cũng do ông giải quyết. Khi người em họ của Đức Phật là Đề Bà Đạt Đa phản bội Đức Phật, và xúi giục những tỳ kheo mới bỏ đi lập ra tăng đoàn khác, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên bèn đi thuyết phục những tỳ kheo này, khiến họ tỉnh ngộ, trở về với tăng đoàn của Đức Phật. Đức Phật từ đó càng khen ngợi Xá Lợi Phất.

Đề Bà Đạt Đa không sợ Đức Phật, người mà ông ta sợ nhất chính là Xá Lợi Phất.

Tại sao Xá Lợi Phất ra đi

Xá Lợi Phất tấm lòng rộng lớn, cần mẫn hoằng dương Phật Pháp. Khi Xá Lợi Phất gần 80 tuổi, một ngày nọ, sau khi trải qua 90 ngày an cư kiết hạ ở Tịnh xá Kỳ Viên, ông không quản vất vả thỉnh cầu Đức Phật cho phép ông đi vân du truyền Pháp. Đức Phật khen ngợi và đồng ý.

Sau khi Xá Lợi Phất đi khỏi Tịnh xá chưa lâu thì một tỳ kheo đến trước Đức Phật và nói: “Bạch Đức Phật, Xá Lợi Phất lần này ra đi vân du không phải là hoằng dương Phật Pháp. Ông ấy do đã làm nhục con, nên xấu hổ không dám gặp con nên mới ra đi”.

Đức Phật không thích hành vì nói xấu sau lưng người khác, lập tức cho người đuổi theo Xá Lợi Phất gọi về. Trước mặt mọi người, Đức Phật nghiêm khắc hỏi Xá Lợi Phất: “Này Xá Lợi Phất, con ra đi chưa lâu thì có một tỳ kheo nói, con đã làm nhục anh ta, điều này có đúng không?”

Xá Lợi Phất cung kính trả lời rằng:

“Bạch Thế Tôn, từ ngày con quy y Đức Phật đến nay, con chưa từng sát sinh, chưa từng có lời cuồng vọng, ngoài việc tuyên dương chân lý ra, con chưa từng so đo cao thấp, được mất cá nhân với người khác. Hôm nay là ngày an cư kiết hạ cuối cùng, trong 3 tháng qua, con ngày ngày sám hối, không mất chính niệm. Tâm của con trong như ngọc bích, không có chút bất bình, nào có coi thường người khác đâu?”

“Bạch Đức Phật, bùn đất trên trái đất là chịu nhẫn nhục nhất, bất kể những đồ bất tịnh nào, nó cũng không từ chối, phân, máu mủ, đờm, nó đều cam lòng nhận hết. Cái tâm của con hôm nay, có thể bày tỏ rõ cho Đức Phật thấy, cũng giống như trái đất vậy, nguyện ý nhẫn nhục chứ không trái ý người khác”.

“Bạch Thế Tôn, dòng suối thanh tịnh, bất kể là những thứ tốt hay xấu, tất cả đều gột rửa sạch. Con không có ý niệm yêu ghét, cái tâm của con hôm nay, giống như dòng suối vậy. Khi quét dọn bụi trần, không lựa chọn yêu ghét, cái tâm này của con hôm nay, thực sự không nảy sinh sự phân biệt yêu ghét”.

“Bạch Đức Phật, con ở trong chính niệm, quyết không khinh thường những tỳ kheo khác. Con nói với Đức Phật những lời này, là biết sự việc của con, vị tỳ kheo đó cũng biết sự việc của anh ấy. Nếu là lỗi lầm của con, con nguyện sám hối với vị tỳ kheo đó, để tiêu trừ những trách tội trong lương tâm con”.

Xá Lợi Phất bạch Đức Phật. (Chụp video)

Lúc này, đại chúng nghe những lời này, ai nấy đều cảm động. Đức Phật nói với vị tỳ kheo, người đã nói xấu về Xá Lợi Phất, rằng: “Con nói xấu trưởng lão, có ý khiến tăng đoàn gây chuyện tranh cãi, nếu như không thành thật hối lỗi, thì khổ báo sẽ lớn vô cùng”.

Vị tỳ kheo đó quỳ xuống trước mặt Xá Lợi Phất tạ tội. Xá Lợi Phất tấm lòng rộng lớn, dùng tay xoa nhẹ lên đầu vị tỳ kheo đó, từ bi và hòa ái nói: “Làm người thì ai mà chẳng mắc lỗi lầm. Biết lỗi mà sửa chữa, thì đó là việc thiện rất lớn. Ta chấp nhận sự sám hối của anh, sau này đừng tái phạm”.

Thái độ và lời nói của ông khiến ai nấy đều cảm động.

Quả đấm này ai chết?

Lần này, Xá Lợi Phật ngồi thiền trong hang Kỳ Xà. Trong núi có 2 quỷ vương là thiện quỷ Ưu Bà Ca La và ác quỷ Ca La trấn thủ. Từ xa, chúng nhìn thấy Xá Lợi Phất, ác quỷ Ca La nói với Ưu bà Ca La rằng: “Hôm nay tôi có thể dùng một đấm là đánh chết tên Sa môn này”.

Thiện quỷ Ưu Bà Ca La nói: “Anh chớ nói như thế, vị Sa môn này là đệ tử đệ nhất trí tuệ của Phật Đà, hơn nữa ông ta lại có uy lực thần đức. Nếu anh nảy sinh ý hại ông ta, thì tương lai sẽ vĩnh viễn trầm luân, khổ đau mãi mãi đó”.

Ác quỷ Ca La nói: “Anh sợ Sa môn à? Sa môn là những kẻ dễ bị ức hiếp nhất trên thế gian. Anh hãy chú ý xem quả đấm này của tôi đánh vào đầu tên Sa môn, đầu của hắn sẽ lập tức nát bét”.

Thiện quỷ Ưu Bà Ca La nói: “Đúng như anh nói, tôi rất sợ những Sa môn. Sa môn trông có vẻ nhẫn nhục dễ bị bắt nạt, nhưng đức lực vô cùng. Nếu anh đánh vị Sa môn này, tuy ông ta chịu khổ nhất thời, nhưng chúng ta sẽ mãi mãi không yên”.

Ác quỷ Ca La không nghe, giơ nắm tay đấm vào đầu Xá Lợi Phất. Ưu Bà Ca La không dám nhìn, bèn chạy đi.

Nắm đấm của Ca La vừa giáng lên đầu của Xá Lợi Phất thì Xá Lợi Phất cảm thấy dường như một chiếc lá rụng rơi xuống đầu. Ông mở mắt ra nhìn, chỉ thấy ác quỷ Ca La thất khiếu đổ máu, và rơi xuống địa ngục.

Nghi hoặc của mẫu thân

Ba anh em trai và 3 chị em gái nhà Xá Lợi Phất đều lần lượt xuất gia ở tăng đoàn của Đức Phật, và đều đắc được quả A La Hán. Duy chỉ có mẫu thân của ông vẫn luôn có ý thù hằn với Đức Phật và tín chúng của Ngài. Khi họ đi hóa duyên, đến nhà bà, bà vừa cho họ thức ăn, lại vừa nhục mạ họ.

Khi Đức Phật nói với mọi người rằng, Ngài sẽ sớm nhập Niết bàn, Xá Lợi Phất quyết định, là đệ tử đứng đầu, cần phải nhập Niết bàn trước Đức Phật. Tuy nhiên ông vẫn còn một tâm nguyện quan trọng chưa hoàn thành.

Được sự đồng ý của Đức Phật, ông trở về quê hương là làng Na La, nước Ma Yết Đà. Khi đó, ông hiển thị trạng thái bị bệnh kiết lỵ. Buổi tối, Tứ Đại Thiên Vương, Đế Thích - vương của chư Thiên, Đại Phạn Thiên, đều đến ngôi nhà nhỏ của ông để chăm sóc ông, nhưng đều bị ông từ chối.

Mẫu thân của ông thấy những Thiên Thần này tới tấp đến thăm con trai thì kinh hãi, thầm nghĩ: “Lẽ nào con trai mình còn vĩ đại hơn các Thiên Thần này?”

Bà hỏi con trai, câu trả lời của Xá Lợi Phất là khẳng định. Mẫu thân của ông nghĩ: “Nếu con trai ta tu hành đến mức như thế này, thế thì thầy của con trai ta (Phật Đà) tu hành cao đến mức như thế nào?”

Xá Lợi Phất thấy cơ duyên đã đầy đủ, bèn thuyết giảng Phật Pháp cho mẫu thân. Mẫu thân ông cũng lập tức chứng ngộ được sơ quả. Sau đó Xá Lợi Phất yên lành rời khỏi thế gian, khi nhập Niết bàn, ông 84 tuổi.

Trong các đệ tử của Đức Phật, Xá Lợi Phất là đệ nhất trí tuệ, có thần lực siêu quần, ông nhiều tuổi hơn Đức Phật 4 tuổi. Ông cung kính phụng sự Đức Phật mấy chục năm, thành kính tu hành, hoằng dương Phật Pháp, chưa từng có chút trễ nại ngạo mạn nào. Đối với những lời dạy bảo của Đức Phật, ông chưa từng làm trái. Ngày nay xem lại sự tích của bậc Thánh giả, vẫn có sức mạnh tịnh hóa tâm hồn.

Trung Hòa
Theo Vườn văn sử



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đời truyền kỳ đặc sắc của đệ tử đệ nhất trí tuệ của Đức Phật