Đau thần kinh toạ là gì? Các bài thuốc trị bệnh thần kinh toạ bằng dược liệu tự nhiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đau thần kinh tọa là kết quả của sự chèn ép các rễ thần kinh thắt lưng ở lưng dưới gây ra đau dọc theo dây thần kinh tọa. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm thoát vị đĩa đệm, gai xương, thu hẹp ống tủy sống, bất thường về xương như u xương cột sống, thoái hóa đốt sống, hẹp ống sống, hoặc ít thường xuyên hơn là khối u trong tủy sống hoặc áp xe trong tủy sống.

Chèn ép có thể xảy ra bên trong ống tủy hoặc ở lỗ liên hợp. Các rễ thần kinh cũng có thể bị chèn ép bên ngoài cột sống, trong khung chậu hoặc mông. Rễ thần kinh L5-S1, L4-L5, và L3-L4 thường bị ảnh hưởng nhất.

Cột sống con người được cấu tạo bởi 33 đốt sống, được chia thành:

    • 7 đốt sống cổ (C1 – C7)
    • 12 đốt sống vùng lưng trên, ngang ngực (D1 – D12)
    • 5 đốt sống thắt lưng (L1 – L5)
    • 5 đốt xương cùng tại vùng chậu (S1 đến S5)
    • 4 đốt xương cụt

Tổng quan:

    • Đau thần kinh tọa điển hình thường là do thoát vị đĩa đệm, gai xương do thoái hóa, hẹp ống tủy sống, hoặc hở eo đốt sống.
    • Triệu chứng cố điển là đau rát, xé, dao dâm lan dọc đường đi thần kinh tọa, thường xuống mông và mặt sau đùi tới dưới gối.
    • Có thể mất cảm giác, yếu cơ, kém phản xạ.
    • Nếu có thiếu sót thần kinh hoặc các triệu chứng vẫn còn trên 6 tuần, cần làm MRI và điện chẩn đoán học.
    • Thường chỉ điều trị bảo tồn nhưng có thể cân nhắc phẫu thuật nếu thoát vị đĩa đệm có tổn thương thần kinh tiến triển hoặc đau dai dẳng không đáp ứng.

Triệu chứng và dấu hiệu của đau thần kinh tọa

Biểu hiện ở những bệnh nhân đau thần kinh tọa lan dọc theo đường dây thần kinh tọa liên quan đến rễ dây thần kinh L4, L5 và S1. Đau thường lan xuống mông và dọc mặt sau chân đến dưới đầu gối, cảm giác rát, kim châm… các cơn đau ở vùng thắt lưng, đau buốt từng cơn hoặc âm ỉ, cảm giác tê bì, hay yếu ở chân bị bệnh. Cơn đau biểu hiện rõ khi đi lại, đứng hoặc ngồi lâu, ho, hắt hơi, rặn đại tiện. Cơn đau thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

Bệnh nhân có thể thấy đau lan dọc xuống dưới khi chân từ từ nâng lên trên góc 60°, hoặc ít hơn.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm xuất phát từ quá trình thoái hóa cột sống. Bắt đầu từ tuổi 30, cấu trúc của sụn khớp có dấu hiệu hư tổn, đĩa đệm mất nước, nhân nhầy bị khô, vòng sụn bên ngoài bị thoái hóa gây rách vỡ. Khi có các vận động đột ngột liên quan đến vùng cột sống thắt lưng sẽ gây áp lực lên đĩa đệm, khiến chúng bị thoát vị.

Một số vận động hàng ngày trong sinh hoạt và lao động như: cúi cong lưng và nhấc vật lên đột ngột, cố gắng kiễng chân để lấy vật trên cao, ngồi nhiều, ngồi cong vẹo cột sống, tập luyện thể thao quá sức (đặc biệt các bộ môn bóng đá, bóng rổ, tennis, cử tạ, leo cầu thang…) cũng gây tổn thương đĩa đệm và vùng cột sống thắt lưng.

Ngoài ra còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5 S1 như:

    • Chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc một cú ngã từ trên cao, va đập mạnh.
    • Các bệnh lý cột sống bẩm sinh: gai đôi cột sống, gù vẹo, viêm xương khớp ở vùng thắt lưng…
    • Thừa cân, béo phì, tình trạng này cứ lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm sẽ gây áp lực lên sụn khớp và đĩa đệm, khiến đĩa đệm mất đi độ đàn hồi và tính linh hoạt, dễ dẫn đến phình hoặc thoát vị.

Điều trị đau thần kinh tọa

    • Vận động trong khả năng dung nạp, giảm đau, đôi khi cần dùng thuốc giảm đau thần kinh.
    • Vật lý trị liệu.
    • Có thể dùng corticosteroid đường uống hoặc tiêm ngoài màng cứng.
    • Phẫu thuật cho các trường hợp nặng.

Đau cấp do đau thần kinh tọa có thể giảm sau 24 đến 48 giờ nghỉ ngơi ở tư thế nằm nghiêng với đầu giường nâng cao khoảng 30°. Các biện pháp điều trị đau thắt lưng, bao gồm thuốc giảm đau không opioid (ví dụ, NSAID, acetaminophen) có thể dùng kéo dài đến 6 tuần và phác đồ điều trị thích hợp sau khi đã là các xét nghiệm.

Dây thần kinh tọa kéo dài từ dưới thắt lưng xuống chân. (Ảnh: bvnguyentriphuong.com.vn)

Phẫu thuật chỉ được chỉ định cho hội chứng đuôi ngựa hoặc thoát vị đĩa đệm rõ kèm theo một trong những yếu tố sau đây:

    • Yếu cơ trở nên tồi tệ hơn hoặc không phục hồi.
    • Tổn thương thần kinh tiến triển.
    • Đau không thể chữa khỏi, khó chữa, ảnh hưởng đến công việc hoặc chức năng cá nhân ở một bệnh nhân ổn định về cảm xúc và không giảm sau 6 tuần điều trị bảo tồn.

Bài thuốc trị bệnh Thần kinh tọa bằng dược liệu tự nhiên

Sử dụng các cây thuốc tự nhiên để trị bệnh là một phương pháp được lưu truyền từ cổ xưa, trong đó cũng có những bài thuốc điều trị bệnh thần kinh tọa.

Những dược liệu tự nhiên này có tác dụng kháng viêm, cải thiện triệu chứng đau cho bệnh nhân tương đối hiệu quả nên được nhiều người áp dụng. Cụ thể, trị bệnh lý bằng bài thuốc dân gian được đánh giá có ưu - nhược điểm sau:

Ưu điểm

    • Sử dụng dược liệu tự nhiên nên khá lành tính, sử dụng được cho nhiều người khác nhau.
    • Tiết kiệm bớt chi phí vì nhiều loại dược liệu có thể có sẵn tại nhà.
    • Có thể dùng thuốc trong thời gian dài mà không lo tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe.
    • Cải thiện cơn đau, giảm viêm hiệu quả.
    • Giúp kiện cốt, cường gân, tác động trực tiếp vào căn nguyên dẫn đến đau thần kinh tọa.

Nhược điểm

    • Tác dụng chậm và tính hiệu quả chưa cao.
    • Không phải bài thuốc trị bệnh thần kinh tọa nào bằng dược liệu dân gian cũng được nhìn nhận dưới góc độ khoa học nên tính an toàn vẫn chưa chắc chắn.
    • Mất thời gian trong việc chuẩn bị nguyên liệu và sắc thuốc để uống.

Một số bài thuốc trị bệnh thần kinh tọa dân gian thường dùng

1. Bài thuốc từ cây cỏ xước

Dược liệu: cỏ xước 20g, ý dĩ 20g, lá lốt 16g, đỗ trọng 16g, lá thông 12g, thiên niên kiện 12g, tô mộc 12g, củ ráy khô 12g, ngải cứu 12g, cẩu tích 12g.

Cách dùng: sắc tất cả dược liệu với 1 lít nước rồi nấu đến khi nước chỉ còn khoảng 300ml thì tắt bếp, chắt lấy nước uống thành 2 lần/ngày. Duy trì bài thuốc trị bệnh thần kinh tọa này trong 10 ngày sẽ cải thiện rõ các triệu chứng bệnh.

2. Bài thuốc từ cây đinh lăng

Hoạt chất saponin trong cây đinh lăng có khả năng phục hồi tổn thương do xương khớp, giảm đau. Đặc biệt, rễ của loài dược liệu này còn được ví quý không kém nhân sâm nên rất tốt với người bị bệnh thần kinh tọa.

Dược liệu: 20- 30g rễ đinh lăng.

Cách dùng: rửa sạch dược liệu, tẩm cùng chút gừng và mật ong rồi sao vàng hạ thổ, đem sắc lấy nước uống trong ngày.

(Ảnh: tytxadongthanh.medinet.gov.vn)
  1. Bài thuốc từ lá lốt

Có thể trị bệnh thần kinh tọa bằng lá lốt theo một trong các bài thuốc sau:

Bài thuốc thứ nhất:

Dược liệu: 1 củ gừng, 30g muối hạt, 100g lá lốt.

Cách thực hiện: rửa sạch gừng và lá lốt, để ráo nước rồi đem cả hai loại này đi giã nát, đổ ra chậu và thêm vào thìa canh muối cùng với ít nước ấm sau đó đem ngâm chân, vừa ngâm vừa xoa bóp các huyệt ở chân để cải thiện triệu chứng bệnh thần kinh tọa.

Bài thuốc thứ hai:

Dược liệu: 200g lá lốt tươi.

Cách thực hiện: rửa sạch lá lốt rồi để ráo nước, cho vào nồi nấu cùng 1 lít nước cho sôi rồi tắt bếp, chắt lấy nước uống 2 - 3 lần/ngày, duy trì trong 1 tháng.

4. Bài thuốc từ cây chìa vôi

Cây chìa vôi có chứa các hợp chất như: acid hữu cơ, acid amin, saponin, phenolic... với khả năng kháng viêm và giảm đau nên tác động vào nguyên nhân để cải thiện triệu chứng bệnh thần kinh tọa.

Dược liệu: 1 thìa cà phê muối hạt, 1 nắm dây và lá chìa vôi.

Cách thực hiện: lá và dây chìa vôi đem rửa sạch, để ráo nước rồi đem giã dập sau đó cho vào chảo, thêm muối hạt và sao lên cho vàng. Lấy phần dược liệu đó cho vào 1 cái khăn hay miếng vải sạch và chườm lên vùng bị đau thần kinh tọa, mỗi ngày 2 lần cho đến khi các triệu chứng giảm rõ rệt.

5. Bài thuốc từ ngải cứu

Sở hữu tính ấm, hương thơm nồng nên ngải cứu trở thành dược liệu rất tốt trong việc giảm đau nhức. Bên cạnh đó, các thành phần dược tính cao như cinelo, dehydro matricaria este... trong cây ngải cứu còn thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu nên sẽ giảm áp lực và giải phóng cho rễ dây thần kinh bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm.

Bài thuốc trị bệnh thần kinh tọa từ cây ngải cứu theo các cách sau:

Bài thuốc thứ nhất:

Thành phần: giấm ăn 200ml, ngải cứu 300g.

Cách thực hiện: ngải cứu rửa sạch đợi cho ráo rồi giã nhuyễn sau đó cho vào chảo cùng giấm ăn, sao nóng lên. Cuối cùng, bọc hỗn hợp vừa sao vào khăn sạch và chườm khắp vùng bị đau dây thần kinh tọa, mỗi ngày 1 lần/20 phút.

Bài thuốc thứ hai:

Thành phần: một nắm lá ngải cứu và một chút muối ăn.

Cách thực hiện: ngải cứu đã được rửa sạch và ngâm muối loãng trong 15 phút thì vớt để ráo sau đó cho vào máy xay cùng 50ml nước lọc cho nhuyễn. Cuối cùng vắt bỏ bã, lấy nước để uống mỗi tuần 2 - 3 lần.

Bài thuốc thứ ba:

Thành phần: 2 thìa cà phê muối, 1 nắm lá ngải cứu.

Cách thực hiện: lá ngải cứu đem rửa sạch rồi cho vào ấm cùng 2 lít nước, đun sôi và đổ ra chậu đợi đến lúc còn ấm thì cho chân vào ngâm trong 20 phút, mỗi tuần 2 - 3 lần. Tốt nhất nên áp dụng bài thuốc trị bệnh thần kinh tọa này vào buổi tối trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon hơn.

Ngải cứu. (Ảnh: Flickr)
Ngải cứu. (Ảnh: Flickr)

Mặc dù các dược liệu trong bài thuốc trị bệnh thần kinh tọa trên đây tương đối dễ tìm và dễ thực hiện, nhưng hiệu quả đạt được gần như ở trường hợp mắc bệnh nhẹ với các triệu chứng ít và không nghiêm trọng. Vì thế, trước khi áp dụng những bài thuốc này, bạn nên thăm khám từ chuyên khoa xương khớp và xin tư vấn của bác sĩ để hiểu đúng về tình trạng bệnh của mình và có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Khuyến cáo: Nội dung bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa, không khuyến khích tự điều trị. Người bệnh cần đến bác sĩ thăm khám và nhận đơn thuốc.

Tư Hạ (Tổng hợp)

Từ các nguồn: msdmanuals.com - medlatec.vn - acc.vn

THÔNG TIN ĐẶC BIỆT - HƯỚNG ĐI MỞ RA KỶ NGUYÊN MỚI:

    • ‘Ganjing World’ (Thế Giới Kiền Tịnh) - Một Công ty Công nghệ cao có trụ sở chính tại Middle Town, New York, ra mắt nền tảng tích hợp thông tin nghe nhìn trực tuyến thế hệ mới nhiều tính năng phong phú với công nghệ đám mây mới nhất.
    • ‘Ganjing World’ cam kết trải nghiệm thoải mái và bảo mật, phục vụ tất cả những nhà sáng tạo nội dung, có thể trình chiếu đồng thời hàng triệu video và phục vụ hàng trăm triệu lượt xem. ‘Ganjing World’ đảm bảo an toàn và lợi nhuận cao.
    • Nền tảng này không liên quan tới chính trị, không thiên vị và trung lập. ‘Ganjing World’ kiên quyết tránh xa các nội dung không phù hợp dựa trên bốn tiêu chí: “không bạo lực, không nội dung khiêu dâm, không tội phạm và không ma túy hoặc gây hại”.
    • Sứ mệnh của ‘Ganjing World’ hướng đến “Truyền thông xã hội” và “Truyền thông cá nhân” thân thiện với mọi gia đình. Một nền tảng số rộng lớn cho phép mọi lứa tuổi tự do chia sẻ kiến thức, ý tưởng, quan điểm và giải trí về nhiều chủ đề… mà không sợ bị kiểm duyệt. ‘Ganjing World’ mang đến trải nghiệm phong phú và trong sạch.



BÀI CHỌN LỌC

Đau thần kinh toạ là gì? Các bài thuốc trị bệnh thần kinh toạ bằng dược liệu tự nhiên