Đề xuất đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng xây cao tốc ở miền Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dự án cao tốc ở miền Tây sẽ được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa đề nghị Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường bộ cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1.

Theo đó, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh dài gần 27km, trong đó điểm đầu nối với cầu Kênh Giữa 1 của tuyến N2, thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Đến giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc sẽ được đầu tư đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh, phạm vi GPMB của tuyến dao động phụ thuộc vào từng đoạn tuyến không có đường dân sinh hoặc có đường dân sinh 1 bên hoặc 2 bên.

Theo tính toán, tổng mức đầu tư Dự án là hơn 6.209 tỷ đồng, gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (gồm dự phòng) là hơn 969 tỷ đồng; Chi phí xây dựng, thiết bị là hơn 3.894 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là hơn 581 tỷ đồng; phí dịch vụ là 4,462 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 759 tỷ đồng.

Dự án sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc hơn 4.462 tỷ đồng (tương đương 188,115 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT); dự phòng phần vốn ODA,...

Thời gian thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 là 5 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được đầu tư kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Cà Mau, cao tốc Chơn Thành - Rạch Giá (Rạch Sỏi - Kiên Giang), góp phần giảm tải cho quốc lộ 1, kết nối giao thông với các trục dọc - ngang, nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án đã và đang triển khai. Đồng thời cùng với các tuyến N1, cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, QL1A và các tuyến Quốc lộ giáp biển Đông tạo thành 5 trục giao thông quan trọng của khu vực.

Dự án cao tốc nói trên được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2021 với tổng kinh phí gần 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên công trình đi qua khu vực địa chất phức tạp, đất yếu dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng 353 tỷ đồng, chi phí xây dựng tăng gần 800 tỷ đồng, phí quản lý dự án, tư vấn tăng 80 tỷ đồng.

Cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh khi hoàn thành kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành (Bình Phước) – Cà Mau góp phần giảm tải cho quốc lộ 1, đồng thời liên thông với các cao tốc trục dọc, ngang ở miền Tây.

Việt Nam Xã hội

Đề xuất đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng xây cao tốc ở miền Tây