Điểm danh các doanh nghiệp nước ngoài rời Trung Quốc kể từ khi ông Tập chấp chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong hơn 10 năm qua, đặc biệt là kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều. Việc này khiến một lượng lớn các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc phải đóng cửa, ngừng hoạt động và ngừng tuyển dụng công nhân, từ đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và tình hình việc làm của Trung Quốc.

Tờ Hong Kong 01 ngày 21/4 đưa tin, nhìn lại năm 2009, NIKE đã đóng cửa nhà máy duy nhất do tổng công ty trực tiếp đầu tư và vận hành tại Trung Quốc, điều này từng làm dấy lên lo ngại. Trong 15 năm qua, hầu như năm nào cũng có các công ty nước ngoài tuyên bố rời khỏi Trung Quốc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, bài báo trên đã điểm lại các doanh nghiệp vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012:

Năm 2012, Lufthansa đóng cửa công ty liên doanh Jade Cargo International - một hãng vận chuyển hàng không tại Trung Quốc; Adidas đóng cửa nhà máy trực thuộc cuối cùng tại Trung Quốc.

Năm 2013, Panasonic đóng cửa nhà máy ở Thượng Hải; Toshiba đóng cửa nhà máy TV ở Đại Liên.

Năm 2014, nhà sản xuất thuốc Generic lớn thứ 3 thế giới Actavis rút khỏi thị trường Trung Quốc; Panasonic chuyển sản xuất máy giặt lồng đứng và lò vi sóng từ Trung Quốc sang Nhật Bản.

Năm 2015, Microsoft đóng cửa nhà máy Nokia tại Trung Quốc; Tập đoàn Samsung chuyển một số nhà máy tại Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Năm 2016, nhà cung ứng của Samsung là Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Aidisi Thâm Quyến ngừng sản xuất;

Công ty TNHH Chế tạo Philips Lighting tại Thâm Quyến, Trung Quốc - công ty con do tập đoàn điện tử Philips Hà Lan đầu tư 100% vốn - thông báo sa thải toàn bộ nhân viên và chính thức ngừng hoạt động;

Yum! - tập đoàn đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, công ty sở hữu các thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng như KFC, Pizza Hut và Taco Bell - đã bán Yum China cho công ty đầu tư Trung Quốc Primavera Capital và Ant Financial Services Group với giá 460 triệu USD.

Vào năm 2017, gã khổng lồ sản xuất máy ảnh Nikon của Nhật Bản đã ngừng hoạt động của công ty con tại Trung Quốc, nhà máy chịu trách nhiệm sản xuất máy ảnh kỹ thuật số và phụ kiện máy ảnh kỹ thuật số của Nikon cũng ngừng sản xuất.

Cũng trong năm 2017, Microsemi, công ty sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ, đã chính thức thông báo tại NASDAQ rằng họ sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất tại Thượng Hải;

Seagate, nhà sản xuất ổ cứng lớn nhất thế giới, cũng đóng cửa nhà máy ở Tô Châu.

Năm 2018, Suzuki rút toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con là Changhe Suzuki và Changan Suzuki; Nitto Denko của Nhật Bản thông báo đóng cửa nhà máy Tô Châu và rút khỏi Trung Quốc;

Nhà máy lắp ráp Pegatron - đối tác của Apple - lên kế hoạch ​​rút dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc đại lục về Đài Loan hoặc chuyển sang Đông Nam Á.

Năm 2019, Samsung Electronics đóng cửa nhà máy tại Huệ Châu, đánh dấu việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động sản xuất điện thoại Samsung tại Trung Quốc, và dây chuyền sản xuất được chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ;

Ricoh, nhà sản xuất thiết bị văn phòng Nhật Bản, thông báo chuyển dây chuyền sản xuất máy photocopy từ Trung Quốc sang Thái Lan;

Mảng kinh doanh tại Trung Quốc của Carrefour - tập đoàn bán buôn và bán lẻ đa quốc gia của Pháp - được bán cho nhà bán lẻ Trung Quốc Suning.com.

Năm 2020, chuỗi siêu thị TESCO của Anh tuyên bố rút hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc;

Công ty Philips Hà Lan thông báo bán mảng kinh doanh thiết bị gia dụng cho Hillhouse Investment - một công ty đầu tư nổi tiếng, và rút khỏi thị trường thiết bị gia dụng Trung Quốc;

Old Navy, một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ chuyên bán lẻ quần áo, đã tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc và đóng cửa tất cả các cửa hàng ngoại tuyến và trực tuyến tại nước này.

Năm 2021, Toshiba đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Đại Liên, chuyển giao năng lực sản xuất trong tương lai sang Việt Nam và Nhật Bản;

Yahoo Trung Quốc ngừng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của Yahoo cho Trung Quốc đại lục;

OKI, nhà sản xuất thiết bị điện của Nhật Bản, ngừng sản xuất máy in và máy cán mỏng ở Trung Quốc, chuyển dây chuyền sản xuất máy in sang Thái Lan và đưa một số dây chuyền sản xuất bộ phận bảo trì trở về nhà máy Fukushima ở Nhật Bản.

Năm 2022, Apple cho ra mắt iPhone 14 được lắp ráp và sản xuất tại nhà máy ở Ấn Độ;

Công ty Canon của Nhật đóng cửa nhà máy Chu Hải, rút ​​khỏi Trung Quốc và chuyển dây chuyền sản xuất về nước;

Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc quyết định giải tán trụ sở chính tại Trung Quốc, tăng cường mở rộng và đầu tư vào thị trường Đông Nam Á.

Năm 2023, Sony đã hoàn tất chuyển giao dây chuyền sản xuất máy ảnh tại Trung Quốc, chuyển nhà máy chính sang Thái Lan.

Vào ngày 3/4, nhà kinh tế học người Mỹ Milton Ezrati đã viết một bài báo trên tạp chí Forbes và chỉ ra rằng, việc ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nóng lòng bành trướng quyền lực trong những năm gần đây đã khiến nền kinh tế Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Điểm danh các doanh nghiệp nước ngoài rời Trung Quốc kể từ khi ông Tập chấp chính