Đức Phật đối đãi với kẻ nịnh bợ như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay trong xã hội chạy theo sùng bái kim tiền, đối với nhiều người tiền đã trở thành tất cả. Thấy người gặp họa nguy, thừa cơ hãm hại hay a dua nịnh hót đã là hiện tượng thường thấy giữa những người bạn học, đồng nghiệp và thậm chí cả người thân. Vậy Phật Đà và các đệ tử của Ngài đối diện với thế nhân và tất cả chúng sinh đó như thế nào?

Bồ tát Mã Minh kể một câu chuyện ông từng nghe trong quá khứ: Tại làng Bác La Hu La thuộc vương quốc Trúc Xoa Thi Loa, có một thương nhân tên là Già Bạt Trá. Ông vốn là con của một trưởng lão trong gia đình giàu có, sau này gia cảnh sa sút, lâm vào cảnh túng quẫn, họ hàng, dòng tộc vì thế khinh thường, không thèm ngó ngàng tới ông.

Trong lòng ông đầy lo âu và buồn bực, rồi ông theo một nhóm bạn rời bỏ quê hương đến nước Đại Tần. Trải qua nhiều năm bôn ba, ông kiếm được rất nhiều của cải và quyết định trở về cố hương. Sau khi người nhà của ông ở quê biết tin, họ đã dọn đồ ăn, hoa thơm, mở nhạc ca hát dọc bên đường để nghênh đón ông.

Già Bạt Trá cải trang đi ở phía trước nhóm bạn. Bởi vì ông rời quê lúc còn trẻ và bần hàn, giờ đây dù ông có của cải nhưng tuổi tác cũng đã cao. Những người thân đến chào đón không thể nhận ra ông, và họ hỏi ông: “Già Bạt Trá đâu rồi?” Già Bạt Trá liền trả lời: “Ông ấy ở phía sau”.

Thế là những người họ hàng đến giữa đoàn và hỏi: “Già Bạt Trá đâu?”

Người trong đoàn đáp: “Người đi phía đầu là Già Bạt Trá”.

Vậy là họ quay lại phía hàng đầu nói với ông: “Ông là Già Bạt Trá, tại sao lại bảo chúng tôi là ông đang đi phía sau?”

Già Bạt Trá nói với những người họ hàng: “Mọi người gọi Già Bạt Trá không phải là tôi, mà là của cải trên lưng con lạc đà ở trong đoàn này. Sao lại nói vậy? Lúc trước mọi người coi thường tôi, không thèm nói chuyện với tôi, bây giờ nghe nói tôi có của cải thì tới nghênh đón tôi, vì vậy tôi mới nói rằng Già Bạt Trá là tài sản trên lưng các gia súc mang vác theo kia”.

Những người họ hàng hỏi: “Ý của ông là gì? Chúng tôi không hiểu.”

Già Bạt Trá trả lời: “Khi tôi bần hàn, các anh không thèm nói chuyện với tôi, bây giờ thấy tôi có rất nhiều của cải nên đến để chào đón tôi. Vì vậy, các anh ở đây vì tiền chứ không phải vì tôi”.

Nói tới ví dụ này chính là ẩn dụ về Đức Phật Thích Ca. Khi nghe tin Già Bạt Trá trở nên giàu có, những người trong dòng tộc đã sắp xếp để chào đón ông, điều này cũng từng xảy ra tương tự với Đức Phật. Sau khi Đức Phật thành Đạo, từ người, Trời, quỷ Thần cùng Long Vương, tất cả đều đến cúng dường. Tuy nhiên, họ không cúng dường cho Đức Phật vốn đang ngồi nơi kia mà là cúng dường cho công đức thành Phật. Đức Phật có thể dễ dàng quan sát thấy và biết rằng những gì chúng sinh cung dường là cho công đức thành Phật, chứ không phải Phật thân; do đó, mặc dù Đức Phật được mọi người, Trời… cúng dưỡng nhưng tâm không hề động.

Như lời kệ trong kinh Phật viết: “Nhân Thiên A Tu La, dạ xoa Kiền Thát Bà, chúng sinh, chính là tất cả cũng cúng dường. Đức Phật không có tâm hoan hỷ, dùng thiện mà quan sát, là cúng tất cả vì công đức, không phải cúng dường ta. Giống như Già Bạt Trá, chỉ cho người nhà rằng bản thân mình ở phía sau, ẩn ý là như thế.” Câu chuyện được trích từ ‘Đại trang nghiêm luật, quyển 15 (90)’.

Trong ‘Đạt Ma nhị nhập tứ hành quan’ nói: “Được và mất theo duyên, tâm không thêm bớt, vui chẳng động, lặng lẽ thuận theo Đạo.” Điều này nhắc nhở mọi người rằng những thiện quả có được ngày hôm nay thực sự là xuất phát từ những nhân lành đã gieo trồng trong quá khứ, nếu có thể phù hợp với Đạo, sẽ không bị những tán thưởng, cúng dưỡng bên ngoài mê hoặc mà sinh tâm ngạo mạn... Học Đức Phật cách dùng thiện mà quan sát, tâm không động, mọi thời khắc đều tự chủ, tâm thanh tĩnh, ấy mới là cúng dưỡng thật sự.

Minh An
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Đức Phật đối đãi với kẻ nịnh bợ như thế nào?