Giáo viên ngôn ngữ chưa bao giờ sở hữu điện thoại thông minh cho rằng chúng là một 'bệnh dịch'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một giáo viên ngôn ngữ chưa bao giờ sở hữu điện thoại thông minh tin rằng điện thoại thông minh là một “bệnh dịch” và là một “sự tha hóa khủng khiếp trong cuộc sống”. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình sẽ sớm bị khuất phục trước thời đại kỹ thuật số và có lẽ ông sẽ cân nhắc mua một chiếc điện thoại thông minh.

Trong nhiều năm, ông Yves Lombardo, 70 tuổi, sợ để lại thông tin về mình trên mạng và ông không muốn bị những người lạ ngẫu nhiên tìm thấy. Tuy nhiên, quyết định không mua điện thoại thông minh của ông đã được đưa ra từ lâu, khi ông dự đoán những tác động tiêu cực mà điện thoại thông minh sẽ gây ra cho cuộc sống của chúng ta.

Ông Lombardo, đến từ Godalming ở Surrey, Vương quốc Anh, thích các phương thức liên lạc truyền thống như điện thoại cố định và email để giữ liên lạc với người thân. Ông đặc biệt quan ngại về tác động của điện thoại di động đối với trẻ em, ông cho rằng cuộc sống của những trẻ đang “bị tước đoạt” và bị “xâm nhập quá mức” bởi công nghệ.

Ông nói: "Điện thoại thông minh biến nhân viên thành nô lệ, trẻ em thành con mồi và thanh thiếu niên thành kẻ ngốc. Tôi nghĩ đây là một bệnh dịch và một sự tha hóa khủng khiếp trong cuộc sống".

Lombardo cho biết có những lúc ông không muốn kết nối với mọi người.

Ông nói: "Tôi không muốn về nhà vào ban đêm và có hàng loạt cuộc gọi nhỡ và tin nhắn. Khi ở cùng người khác, tôi không muốn nhận cuộc gọi của người khác vì điều đó là thô lỗ".

Ngoài nỗi sợ để lại thông tin về bản thân ở khắp mọi nơi, ông còn sợ bị mất, thất lạc hoặc làm vỡ một thứ gì đó đắt tiền luôn ở bên mình.

Nhưng Lombardo cho biết việc không sử dụng điện thoại thông minh cũng gây ra một số vấn đề cho ông, đặc biệt là khi ông ra ngoài.

Ông nói: "Không có điện thoại thông minh đồng nghĩa với việc bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, đặc biệt là không thể sử dụng mã QR. Việc đi du lịch, đi xem biểu diễn hay đến sân vận động còn rắc rối hơn nhiều".

Ông Lombardo kể lại một trải nghiệm gần đây. Lần đó, ông đến đón người thân ở sân bay Gatwick nhưng ở sân bay không có quầy thông tin nên ông phải nhờ đến một thanh niên tốt bụng để tìm kiếm thông tin mình cần bằng điện thoại thông minh.

Đáng ngạc nhiên là việc không sử dụng điện thoại thông minh không hề gây khó khăn cho gia đình trong việc kết nối với ông và ông không cảm thấy mình "bỏ lỡ" những dịp giao lưu xã hội.

Ông nói: "Thế hệ của chúng tôi mơ ước được sống một cuộc sống của 'con người' trên Trái đất. Chúng tôi đã chiến đấu vì điều đó. Chúng tôi đã thất bại. Nhưng chúng tôi đã cố gắng và quá trình đó thật thú vị".

Mặc dù không nhảy vào trào lưu điện thoại thông minh, Lombardo không cảm thấy mình đang bỏ lỡ điều gì vì ông có “tác phẩm văn học hay nhất từng được viết ra, bản nhạc hay nhất từng được viết ra, một khu vườn xinh đẹp và một con mèo tuyệt vời" ở nhà.

Ngoài ra, ông ấy còn nói được bốn thứ tiếng và đọc tin tức trực tuyến bằng những ngôn ngữ này mỗi ngày.

Ông nói: "Tôi xem rất nhiều phim tài liệu trên YouTube và chọn ra những phần mà tôi cho là hữu ích với mình. Tôi không phản đối sự tiến bộ nhưng tôi phản đối việc công nghệ đang xóa bỏ mọi thứ khác".

Lombardo tin rằng một ngày nào đó ông sẽ phải mua một chiếc điện thoại thông minh vì ông không muốn chết trong căn bếp trống rỗng vì không thể gọi đồ ăn hay liên hệ với các cửa hàng.

Hiện tại, ông chỉ có một chiếc điện thoại di động rất cơ bản đề phòng trường hợp có chuyện bất ngờ xảy ra.

Ông nói: “Nếu tôi có điện thoại thông minh, tôi sẽ sử dụng nó ít nhất có thể. Nhưng tôi thực sự cảm thấy bản thân hiện diện hơn trong cuộc sống nếu như không có nó”.

Theo Hàn Ngọc - Epochtimes

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giáo viên ngôn ngữ chưa bao giờ sở hữu điện thoại thông minh cho rằng chúng là một 'bệnh dịch'