Ai mới là nhà khoa học đầu tiên?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây là câu chuyện của thời gian nhiều thế kỷ, kéo dài từ thời Khai sáng và Phục hưng đến Hy Lạp cổ đại.

Trong 2.500 năm qua, vô số nhà khoa học đã đóng góp những công trình nghiên cứu của mình vào kho tri thức của nhân loại. Theo ước tính của UNESCO, có khoảng 8 triệu nhà nghiên cứu toàn thời gian trong năm 2013. Họ là thế hệ mới trong một dòng chảy lâu đời của những người tìm kiếm tri thức - nhưng liệu có “tổ phụ” của lĩnh vực nghiên cứu khoa học không? Nói cách khác, ai mới là nhà khoa học đầu tiên?

Khái niệm "nhà khoa học" được sử dụng lần đầu tiên bằng tiếng Anh vào năm 1834 khi triết học gia William Whewell đặt ra như một thuật ngữ chung dành cho những người có chuyên môn của nhiều lĩnh vực khoa học. Và kể từ đó, con người luôn cố gắng tìm ra ai là nhà khoa học đầu tiên của nhân loại.

Theo nghĩa mà triết học gia William Whewell muốn nói và nghĩa mà chúng ta hiểu về "nhà khoa học" ngày nay, danh hiệu nhà khoa học đầu tiên có thể được cho là thuộc về một số tổ phụ hiện đại của ngành. Hai trong số những ứng cử viên đáng chú ý là Roger Bacon (1214 / 1220–1292), ông là nhà triết học người Anh thời Trung cổ và một trong những Bậc thầy đầu tiên dạy các tác phẩm của Aristotle về triết học tự nhiên và siêu hình.

Và người thứ hai là Francis Bacon (1561–1626), ông là người hệ thống hóa phương pháp khoa học 300 năm sau và được biết đến là một nhân vật quan trọng của cách mạng khoa học, ông còn được xem là cha đẻ của chủ nghĩa duy nghiệm và phương pháp khoa học.

Đối với nhiều người, những nghiên cứu nổi tiếng của Galileo Galilei về chuyển động học và vũ trụ, cùng với sự sẵn sàng chống lại giáo điều tôn giáo, khiến ông trở thành nhà khoa học nguyên mẫu. Ông đã chế tạo kính thiên văn mạnh nhất và sử dụng để xác định mô hình nhật tâm của hệ mặt trời, đây có lẽ là cuộc cách mạng khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại. Albert Einstein đã từng gọi Galilei là “cha đẻ của vật lý hiện đại, thực sự là cha đẻ của khoa học hiện đại nói chung”.

Những người khác lại cảm thấy rằng vinh dự “nhà khoa học đầu tiên” thuộc về các nhân vật lịch sử trước đó. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Ibn al-Hay (965-1440), là người Hồi giáo sinh ra ở Iraq ngày nay, ông đã phát minh ra hộp tối (camera obscura), một thiết bị quang học dẫn đến nhiếp ảnh và máy ảnh chụp ảnh, và như tác giả Bradley Steffens viết trong cuốn “Ibn al-Haytham: First Scientist” rằng: “Ông là người đầu tiên kiểm tra các giả thuyết bằng các thí nghiệm có thể kiểm chứng”. Ông cũng là người có ảnh hưởng khá rõ đến triết gia người Anh Roger Bacon.

Tuy nhiên, không ai trong số những nhân vật nổi tiếng này từng nhận mình là nhà khoa học. Đúng hơn, họ là những nhà triết học tự nhiên, không phải là những người tiên phong trong một số lĩnh vực mới về cơ bản, họ là hiện thân của một truyền thống có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại.

Mở rộng hơn chút nữa, Aristotle (384-322 TCN) là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, một số người coi ông là "Cha đẻ của Khoa học chính trị". Ông không phải là một nhà thí nghiệm, và nhiều kết luận của ông có kết quả là sai - ông tin rằng phụ nữ có ít răng hơn nam giới và Aristotle tin rằng toàn bộ vật chất trong vũ trụ được tạo thành từ bốn yếu tố cơ bản, đó là: “Đất”; “Khí”, “ Nước” và “Lửa”. Các yếu tố này được tác động bởi hai lực, hút và đẩy. Lực hút có xu hướng làm chìm xuống, đặc trưng bởi “Nước” và “Đất”. Lực đẩy có xu hướng làm nâng lên, đặc trưng bởi “ Khí” và “Lửa”.

Trong cuốn “The Lagoon: How Aristotle Invented Science” (tạm dịch: “Đầm phá: Cách Aristotle phát minh ra khoa học”) của tác giả và cũng là nhà sinh vật học Armand Marie Leroi, cho rằng Aristotle là một điển hình cho chủ nghĩa kinh nghiệm, Aristotle đã tạo ra rất nhiều khám phá kỳ diệu. Nhà sinh vật học nổi tiếng Armand Marie Leroi đã khám phá những quan sát của Aristotle, phục hồi khoa học về thế giới tự nhiên của ông.

Bản thân Aristotle thậm chí còn chỉ ra những người thầy Hy Lạp của ông. Một trong số họ là Anaximander (610-546 TCN), là nhà triết học Hy Lạp cổ đại thời kỳ Tiền Socrates. Nhà vật lý lý thuyết người Ý Carlo Rovelli cho rằng Anaximander là nhà khoa học đầu tiên trong lịch sử.

Trong cuốn “The First Scientist: Anaximander and His Legacy” (tạm dịch: “Nhà khoa học đầu tiên: Anaximander và Di sản của ông”), tác giả Rovelli cho rằng Anaximander là người đầu tiên đưa ra các đề xuất cho rằng Trái đất lơ lửng trong không gian, không được hỗ trợ bởi các cột vũ trụ, tầng trời còn tiếp những tầng trời cao hơn bên trên.

Đối với Rovelli, thành tựu của Anaximander không kém phần quan trọng so với cuộc cách mạng Copernic diễn ra hai thiên niên kỷ tiếp sau và xứng đáng với cái tên mà cuốn sách của ông dành cho Anaximander. Rovelli viết: “Nếu hồi tưởng thế giới này là một khía cạnh trọng tâm của ngành khoa học, thì khởi đầu của cuộc phiêu lưu này không tìm thấy trong các định luật chuyển động của Newton, trong các thí nghiệm của Galileo hay các phê phán của Francis Bacon”.

Quay ngược thời gian lại một chút để tìm hiểu về người thầy của chính Anaximander, Thales of Miletus (620-546 TCN), là một trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp cổ đại. Ông thường được biết đến với tư cách là cha đẻ và là tổ phụ của triết học. Nhưng, một lần nữa, triết học và khoa học đều được sinh ra từ cùng một đức tính ham học hỏi.

Thales quan tâm đến mọi lĩnh vực, từ địa lý, toán học đến chính trị và lịch sử. Theo Aristotle, ông là người đầu tiên tìm hiểu nguyên lý cơ bản của vật chất, sử gia Herodotus viết rằng ông đã tiên đoán về nhật thực vào năm 585 trước Công nguyên (dù không ai biết bằng cách nào). Nhưng ông cũng có thể sử dụng trí tuệ của mình cho những mục đích gần với đời sống thực tế hơn, như Aristotle đã kể lại trong một giai thoại thú vị.

Thales sống trong cảnh nghèo khó, và người dân Miletus coi cuộc sống của ông là bằng chứng cho thấy sự vô dụng của triết học. Để thay đổi nhận thức của người dân, ông đã sử dụng “kỹ năng chiêm tinh của mình” và thấy trước một vụ thu hoạch ô liu tuyệt vời trong năm tới. Ông liền mua tất cả các máy ép ô liu trong vùng. Khi đến mùa thu hoạch, “ông có thể bán với bất cứ giá nào mà ông thích và kiếm được một khoản tiền lớn.” Vì vậy, Aristotle viết: "ông ấy đã cho thế giới thấy rằng các triết gia có thể dễ dàng trở nên giàu có nếu họ thích, nhưng hoài bão của họ thuộc về thứ khác".

Thales tin rằng nguyên tố chính và cuối cùng trong vũ trụ là nước. Kết luận này dựa trên những quan sát của ông về tự nhiên. Nhưng trên hết, ông là người đầu tiên biết giải thích các hiện tượng tự nhiên thay cho siêu nhiên.

Thales là người đầu tiên đưa ra lý thuyết về cách thế giới hoạt động dựa trên quan sát và lý trí - tương tự như các nhà khoa học ngày nay. Điều này dẫn hướng cho chúng ta truy tìm di sản trí tuệ đỉnh cao cho nền khoa học hiện đại.

May May

Theo Discovermagazine



BÀI CHỌN LỌC

Ai mới là nhà khoa học đầu tiên?