Trái đất có thể chứa bao nhiêu người - ai sẽ là công dân thứ 8 tỷ vào ngày mai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lịch sử nhân loại đang hồi hộp chờ đợi một cột mốc mới, đó là con số 8 tỷ người vào ngày mai (15/11); và dự kiến đạt mốc 10,4 tỷ người vào năm 2080.

Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), tốc độ tăng trưởng dân số của con người đang thực sự chậm lại, để tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người mất 12 năm, nhưng để tăng từ 8 tỷ lên 9 tỷ thì dự kiến cần đến 15 năm.

Dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, giảm xuống dưới 1% vào năm 2020. Dự báo dân số thế giới sẽ tăng lên khoảng 8,5 tỷ vào năm 2030; 9,7 tỷ vào năm 2050 và 10,4 tỷ vào năm 2080.

Mức tăng trưởng này không trải đều mà tập trung cao độ ở một số quốc gia. Hơn một nửa mức tăng cho đến năm 2050 sẽ chỉ đến từ 8 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Tanzania. Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.

Tổ chức LHQ cho biết dân số tăng là do tuổi thọ con người được cải thiện đáng kể nhờ tiến bộ về mặt sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và y học. LHQ cũng bổ sung thêm tỷ lệ sinh cao và ổn định ở một số quốc gia cũng đóng góp vào sự gia tăng dân số.

Trái đất có thể chứa được bao nhiêu người

“8 tỷ người là một cột mốc quan trọng đối với toàn nhân loại. Tuy nhiên, tôi nhận ra khoảnh khắc này không được hoan nghênh bởi tất cả. Một vài người bày tỏ lo ngại khi thế giới trở nên chật chội hơn, và tôi muốn khẳng định rằng số lượng người trên Trái đất không phải thứ để đáng sợ hãi”, Giám đốc Điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Natalia Kanem nói.

Giáo dục, kế hoạch gia đình và biện pháp tránh thai đều là công cụ giảm tỷ lệ sinh, nhưng người dân ở các nước nghèo hơn thường khó tiếp cận chúng. (Ảnh: UN)

Kanem lên án mạnh mẽ “chủ nghĩa báo động dân số”, trong đó các chính phủ luôn tôn thờ vào con số trong quá khứ, từ đó dẫn đến “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền”, nổi bật là chiến dịch ép buộc triệt sản, các hạn chế về kế hoạch hóa gia đình và tránh thai tại Trung Quốc trước đây.

Thói quen tiêu xài hoang phí mới là vấn đề

Có ý kiến cho rằng một Trái Đất chật chội hơn sẽ gây thêm căng thẳng cho các nguồn tài nguyên, ngược lại các chuyên gia lại chỉ trích thói quen mua xài hoang phí của giới nhà giàu mới là vấn đề.

Nếu mọi người trên hành tinh này đều có lối sống giống người Mỹ, thì phải cần thêm 5 Trái Đất nữa mới đáp ứng được nhu cầu về tài nguyên. Còn nếu sống theo người Ấn Độ, quốc gia được dự đoán sẽ chiếm ngôi vương về dân số của Trung Quốc vào năm tới, con số sẽ giảm xuống chỉ là 0,8 Trái Đất.

Tác động của chúng ta lên hành tinh mẹ được thúc đẩy phần nhiều bởi hành vi chứ không phải số lượng người”, Jennifer Sciubba, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư tưởng phi đảng phái, nói. “Thật tồi tệ và tai hại khi cứ tập trung mãi vào quá tải dân số. Việc cứ chăm chăm nhìn vào số lượng người tổng thể sẽ tạo điều kiện cho những quốc gia giàu có quay sang đổ lỗi cho các quốc gia đang phát triển, nơi dân số tăng nhanh nhất”.

Tăng cường hỗ trợ giảm dân số cho các nước nghèo

Tuy nhiên, theo William Ryerson, chủ tịch của Trung tâm Truyền thông Dân số và Kathleen Mogelgaard, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Dân số, viết trong bài báo chung rằng con số 8 tỷ người là một lời “cảnh báo”. Họ nhấn mạnh rằng giáo dục, kế hoạch gia đình và biện pháp tránh thai đều là công cụ giảm tỷ lệ sinh, nhưng người dân ở các nước nghèo hơn thường khó tiếp cận chúng.

Nếu chúng ta trùn vai trước tốc độ gia tăng dân số và không nỗ lực phối hợp để dỡ bỏ các rào cản đối với kế hoạch hóa gia đình, giúp mở rộng cơ hội lựa chọn cho người dân ở các nước nghèo đang đối mặt với tỷ lệ sinh cao, thì nó cũng đồng nghĩa chúng ta ngó lơ trước tình trạng bất bình đẳng gia tăng cũng như suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng hơn”, trích từ bài báo.

Một báo cáo của LHQ vào đầu năm nay ước tính rằng gần một nửa số ca mang thai trên toàn thế giới là ngoài ý muốn.

“Các hành động tiếp theo của Chính phủ nhằm giảm mức sinh sẽ có ít tác động đến tốc độ gia tăng dân số từ nay đến giữa thế kỷ, do cấu trúc tuổi trẻ của dân số toàn cầu ngày nay. Tuy nhiên, tác động tích lũy của mức sinh thấp hơn, nếu được duy trì trong vài thập kỷ, có thể làm giảm tốc độ gia tăng dân số toàn cầu đáng kể hơn trong nửa sau của thế kỷ này”, John Wilmoth, Giám đốc Bộ phận Dân số của Bộ Kinh tế Liên Hợp Quốc nói.

Chúng ta cùng chờ xem em bé nào sẽ được công bố là công dân thứ 8 tỷ vào ngày mai?

Theo LHQ/Vnreview/vtv



BÀI CHỌN LỌC

Trái đất có thể chứa bao nhiêu người - ai sẽ là công dân thứ 8 tỷ vào ngày mai?