50 triệu căn hộ trống có nguy cơ đẩy thị trường bất động sản của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tỷ lệ bỏ trống bình quân tại thị trường bất động sản Trung Quốc đại lục là 12,1%, đồng nghĩa nước này đang ngập trong hàng chục triệu căn hộ không có người ở...

Cô Liu Hong và cha mẹ cô sở hữu bốn ngôi nhà ở các thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc đại lục. Có thời điểm, có tới ba trong số chúng không có người sử dụng.

Cô gái 36 tuổi làm kiểm toán viên ở Thượng Hải đã mua một căn hộ ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân, phía bắc tỉnh Hắc Long Giang cách đây 13 năm với giá 320.000 nhân dân tệ (47.500 USD). Căn hộ chỉ cách nơi ở của cha mẹ cô 2 dãy nhà, được phân cho cha cô khi ông là giáo viên tại một trường học - một thông lệ phổ biến ở Trung Quốc đại lục vào thời điểm đó.

“Bố và mẹ tôi khẳng định tôi nên có nhà riêng vì họ tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ quay lại và sống ở Cáp Nhĩ Tân, hoặc tôi có thể dùng nó để tiết kiệm một khoản tiền trước khi kết hôn", cô Liu nói.

“Cả hai điều đó đều không xảy ra, và bây giờ đã được nửa năm bố mẹ ở lại Thượng Hải với tôi sau khi cả hai đều nghỉ hưu”.

Cô Liu đã mua cho mình một căn hộ hai phòng ngủ ở Thượng Hải với giá 2,6 triệu nhân dân tệ khi thị trường đang sôi sục vào năm 2015, sau khi quyết định lập nghiệp tại thành phố này.

Khi cả Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải bị bao trùm bởi cái lạnh vào giữa tháng 10 và tháng 4, bố mẹ cô đi du lịch đến Hải Khẩu, ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, nơi họ sở hữu một ngôi nhà nghỉ mát nhỏ.

“Không dễ dàng để tìm được người thuê hay mua nhà ở Cáp Nhĩ Tân nên chúng tôi đành để lại những căn hộ cũ ở đó, dù không có người ở. Như vậy, gia đình tôi hiện sở hữu đến 3 căn hộ không có người ở trong nhiều năm”, cô Liu Hong nói.

Hoàn cảnh của gia đình không phải là duy nhất. Theo các ước tính, có hàng chục triệu căn hộ đang bị bỏ không ở khắp Trung Quốc đại lục.

Điều này chứng tỏ là có vấn đề đối với thị trường nhà ở vốn đã gặp khó khăn vì nguồn nhà trống tiềm ẩn đe dọa làm giảm giá hơn nữa.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Viện Nghiên cứu Beike (BRI), một tổ chức tư vấn bất động sản của Trung Quốc, cảnh báo trong nghiên cứu mới nhất của mình: “Thực tế Trung Quốc không thiếu nhà và tỷ lệ nhà trống như vậy là rất rủi ro".

Những ngôi nhà bỏ không đại diện cho một nguồn cung tiềm năng lớn. Khi những kỳ vọng về thị trường nhà đất trở nên chua chát, một lượng lớn nhà trống sẽ được tung ra thị trường và có thể đè nặng thêm áp lực giảm giá nhà”.

Theo báo cáo của BRI được công bố vào đầu tháng này, tỷ lệ bất động sản trống trung bình ở Trung Quốc là 12,1%. Tỷ lệ này đang cao hơn Mỹ (11,1%), Úc (9,8%) và cao hơn nhiều so với Anh (0,9%). (Ảnh: South China Morning Post)

Tỷ lệ này tương đương với khoảng 50 triệu căn hộ trống, nếu áp dụng theo một nghiên cứu năm ngoái của nhà kinh tế học Ren Zeping, trước đây thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển. Bằng cách cộng ước tính của ông năm 2020 vào số liệu chính thức về số lượng ngôi nhà được xây dựng đến khi hoàn thành kể từ đó, có khoảng 400 triệu ngôi nhà ở Trung Quốc đại lục.

Con số hấp dẫn đó gần gấp 16 lần tổng số ngôi nhà - cả có người ở và những căn nhaf bỏ không - ở Hồng Kông.

Tờ Capital Economics đã đưa ra con số cao hơn nhiều. Ước tính năm ngoái, Trung Quốc đại lục có khoảng 30 triệu bất động sản chưa bán được, trong khi khoảng 100 triệu khác có khả năng đã được mua nhưng không bị chiếm dụng.

Tất cả những điều này là một tin xấu đối với cô Liu và những người khác giống như cô. Các chủ sở hữu nhà trên khắp Trung Quốc có thể gặp khó khăn khi tìm người mua để tiếp nhận các căn nhà bỏ không của họ khi thời đại bùng nổ của thị trường nhà ở đã cạn kiệt.

Khoảng 1/5 số nhà ở Nam Xương không có người ở, xếp nó vào vị trí đầu tiên trong số 28 thành phố có nhiều bất động sản trống, theo danh sách của BRI.

Báo cáo, và đặc biệt là xếp hạng các thành phố, đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Cư dân Nam Xương phản ứng giận dữ trên Weibo (mạng xã hội giống như Twitter tại Trung Quốc), tuyên bố rằng họ chắc chắn không có nhiều ngôi nhà bỏ không đến thế.

Phản ứng dữ dội này khiến cho BRI phải đưa ra lời xin lỗi trên tài khoản WeChat của mình vào nửa đêm ngày 11/8, nói rằng các quy trình nghiên cứu của họ có thể chưa "đủ nghiêm ngặt" và hứa sẽ kiểm tra lại các số liệu của mình với chính quyền địa phương để đưa ra một báo cáo chính xác hơn.

Bất kể sự độ chính xác của báo cáo đến đâu thì việc hiện có hàng triệu ngôi nhà bỏ không trên khắp đất nước là điều không thể bàn cãi.

Cô Feng He, 26 tuổi, một giáo viên cấp hai, cho biết gia đình cô sở hữu một ngôi nhà ba tầng liền kề ở Kunshan, một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô ven biển, đã không còn hoạt động từ năm 2017. Nó đang được dùng làm một khoản tiết kiệm khi nghỉ hưu cho bố mẹ của cô, cũng là một khoản đầu tư cho bản thân cô.

Cô Feng nói: “Thật an tâm khi sở hữu chúng, và nếu có bất trắc về [tài chính] xảy ra trong tương lai thì tôi có thể đổi tài sản lấy tiền".

Là con một, cô tin rằng cuối cùng mình sẽ tiếp quản cả 4 tài sản do gia đình đứng tên, bao gồm cả ngôi nhà sang trọng trị giá 4 triệu nhân dân tệ đang bỏ không ở Côn Sơn.

Trong thời kỳ bùng nổ đầu tư bất động sản, gia đình của Liu Hong và Feng He cho rằng, việc mua thêm một căn nhà ở thành phố khác cũng không quá ảnh hưởng, dù phần đông đều không có nhu cầu ở cấp thiết.

Họ tin rằng việc mua thêm một căn nhà bất cứ lúc nào ở bất kỳ nơi nào cũng không có hại gì, ngay cả khi họ không yêu cầu gấp. Tuy nhiên, khi thời kỳ bùng nổ đi qua, những ngôi nhà không sử dụng bắt đầu ít "may mắn".

Giờ đây, khi thời kỳ hoàng kim qua đi, nhiều người lại gặp khó khăn trong việc bán lại các tài sản này.

Gia đình cô Liu đang gặp khó khăn trong việc bán một trong những căn hộ bỏ trống của họ.

“Căn hộ cũ của chúng tôi ở Cáp Nhĩ Tân vẫn chưa bán được trong năm nay", cô nói.

Khoảng 21 nhà phát triển lớn đã vỡ nợ trong năm ngoái, đáng chú ý nhất là Tập đoàn China Evergrande Group (Hằng Đại). Hàng ngàn người mua nhà đã tổ chức một cuộc tẩy chay thế chấp bất động sản vào tháng trước, làm tăng thêm tình cảnh khốn khổ.

Niềm tin vào lĩnh vực này đang mỏng dần vì chính quyền trung ương chưa đưa ra các biện pháp cứu trợ rõ ràng và chi tiết, mặc dù những lời hứa nhiệt tình nhằm ổn định thị trường nhà ở đang được đưa ra hết lần này đến lần khác.

Tờ S&P Global Ratings dự đoán doanh số bán bất động sản quốc gia sẽ giảm 1/3 so với năm ngoái xuống từ 12 nghìn tỷ đến 13 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, trong khi giá nhà trung bình có thể giảm 7%.

“Tôi hơi lo lắng rằng một ngày nào đó những căn hộ bỏ không có thể trở thành gánh nặng nếu chúng tôi mắc kẹt với chúng trong nhiều năm và phải trả phí bảo trì và thuế", cô Liu nói.

Huyền Anh

Theo SCMP

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

50 triệu căn hộ trống có nguy cơ đẩy thị trường bất động sản của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng