Hãy ngừng 'bơm máu' cho ĐCSTQ!

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với Mỹ là kết quả của hệ thống thù địch của họ và bao gồm các khía cạnh kinh tế, công nghệ và quân sự . Chỉ những biện pháp đáp trả mang tính hệ thống chứ không phải từng phần, mới có thể bảo vệ các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ".

"Tôi muốn nói rõ về điều này, mục tiêu của chúng tôi không phải là kìm hãm Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 25/6 với Anne Claire Coudray của TF1. "Chúng tôi không thiết lập một chính sách chống lại Trung Quốc".

Có thật thế không? Chế độ Trung Quốc đã lây lan một dịch bệnh mà tính đến nay đã giết chết 604.000 người Mỹ; năm ngoái chính phủ nước này đã thúc giục bạo động lật đổ chính phủ Mỹ; nó cũng đang giết chết hàng chục nghìn người Mỹ hàng năm với fentanyl và các ma túy opioid liên quan; nó đánh cắp hàng nghìn tỷ USD tài sản trí tuệ của Mỹ mỗi năm. Nước này thậm chí đã tuyên bố một "cuộc chiến tranh nhân dân" với Mỹ.

Để tự vệ, Mỹ nên tuyên bố rằng chính sách của họ là chấm dứt sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

ĐCSTQ đang ở thời điểm đặc biệt dễ bị tổn thương

Hiện tại, ĐCSTQ đặc biệt dễ bị tổn thương vì nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn so với báo cáo và vẫn phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Cục Thống kê Quốc gia Bắc Kinh báo cáo tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng 18,3% trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng quý năm 2020. Fortune mô tả kết quả là "mãn nhãn".

Tuy nhiên, kết quả quý 1 của Trung Quốc có thể đã bị thổi phồng vì trong những báo cáo liên quan, kết quả này đều không tương xứng. Đáng chú ý là, GDP quý 1 của Trung Quốc chỉ tăng 0,6% so với quý trước. Con số này kéo theo mức tăng trưởng 2,6% giữa quý 3 và quý 4 năm ngoái.

Vấn đề thực sự đối với Bắc Kinh là tiêu dùng, bộ phận bền vững duy nhất của nền kinh tế Trung Quốc, theo cuộc khảo sát China Beige Book. Chi tiêu sẽ không hồi phục hoàn toàn cho đến khi đại dịch coronavirus qua đi, và điều đó khó có thể xảy ra khi các loại vaccine của Trung Quốc hầu như đều không hiệu quả.

Trong khi chờ tiêu dùng phục hồi, Trung Quốc sẽ phải dựa vào xuất khẩu. Tăng trưởng của Trung Quốc trong những quý gần đây chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nhưng như ông Bo Zhuang của TS Lombard nói: "Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã chậm lại từ mức rất cao", và khẳng định một cách chính xác rằng tăng trưởng xuất khẩu "đang kiệt sức". Điều đó đặc biệt đúng khi dịch COVID-19 đang làm cho việc vận chuyển hàng hóa ra khỏi các cảng tỉnh Quảng Đông chậm lại đáng kể.

Một Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu là một Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ

Năm ngoái, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ là 58,0% tổng thặng dư thương mại hàng hóa của nước này. Do đó, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán hàng cho Mỹ, một tình huống tạo ra đòn bẩy phi thường cho Washington.

Ngay bây giờ, Washington cần bắt đầu thực thi các luật, đặc biệt là các luật cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức hoặc nô lệ. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) vào tháng 1 đã bắt giữ một lô áo sơ mi mang nhãn hiệu Uniqlo tại Los Angeles do nghi ngờ chúng được sản xuất bằng các lao động ở Khu tự trị Tân Cương.

Từ năm 2020 và tiếp tục đến năm nay, CBP đã tăng cường đáng kể việc giám sát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 10, Mỹ đã bắt giữ 1.255 chuyến hàng , tăng so với chỉ 324 chuyến hàng trong năm tài chính trước đó.

Tuy vậy, cho đến nay CBP mới chỉ chạm được phần nổi của tảng băng. Uniqlo của Nhật Bản không phải là thương hiệu duy nhất bị liên lụy. Nike và Apple, thông qua các nhà thầu phụ, dường như đang tiếp tay cho việc sử dụng lao động nô lệ. Bên cạnh đó, việc thực thi đã bị cản trở bởi thiếu nhân sự và sự thất bại trong ý chí chính trị của chính quyền mới.

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe Jonathan Bass nói với Gatestone: Thái độ dễ dãi đối với chế độ nô lệ không chỉ "đáng xấu hổ về mặt đạo đức mà còn trừng phạt các công ty Mỹ bằng cách khiến họ không thể cạnh tranh". "Ai có thể cạnh tranh với một công ty hầu như không trả tiền cho lao động được thực hiện trong các cơ sở giống như trại tập trung?".

Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), từ năm 2017 đến năm 2019, ít nhất 80.000 công nhân Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa đi khỏi Tân Cương, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Các nhóm nhân quyền cảnh báo rằng, đây có thể là dấu hiệu của việc ĐCSTQ cưỡng bức lao động đối với người dân Tân Cương. (Ảnh Getty)
Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), từ năm 2017 đến năm 2019, ít nhất 80.000 công nhân Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa đi khỏi Tân Cương, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Các nhóm nhân quyền cảnh báo rằng, đây có thể là dấu hiệu của việc ĐCSTQ cưỡng bức lao động đối với người dân Tân Cương. (Ảnh Getty)

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang được hưởng lợi từ việc Hải quan Mỹ không truy vết quốc gia xuất xứ một cách hiệu quả. Các nhà sản xuất đồ nội thất ở Trung Quốc, bao gồm cả các công ty đại chúng của Mỹ, đang chuyển hàng qua Việt Nam để trốn tránh việc Mỹ tăng thuế. Sự trốn tránh này là điều hiển nhiên. Theo Furniture Today , xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam sang Mỹ năm ngoái đã tăng đáng kinh ngạc 31% so với năm 2019. Còn các lô hàng của Trung Quốc cũng giảm ở một tỷ lệ tương ứng là 25%.

“Những thay đổi như vậy không xảy ra nếu không có gian lận thuế quan”, ông Bass, người đang kinh doanh đồ nội thất và trang trí nội thất, lập luận. Hải quan có thể ngăn chặn mưu kế quen thuộc này của Trung Quốc, họ chỉ cần thôi làm ngơ!

Chính những đơn hàng từ Mỹ đã ‘bơm máu’ cho một Trung Quốc thù địch

Một cuộc khảo sát của Deutsche Bank năm 2020 báo cáo rằng 41% người Mỹ không muốn mua các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. "Các nhà bán lẻ trực tuyến cố tình gây khó khăn cho việc biết sản phẩm được sản xuất ở đâu", bà Cleo Paskal của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ nói với tờ Gatestone. "Cần có một cổng thông tin bán lẻ trực tuyến có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Trang web này sẽ cung cấp cho người tiêu dùng sự lựa chọn để tham gia cuộc chiến giành lấy điều gì là đúng, mỗi thời điểm mua một thứ".

Quốc hội có đề xuất yêu cầu các nhà bán lẻ trực tuyến phải bao gồm thông tin COOL, viết tắt của nhãn hiệu quốc gia xuất xứ. Những dự luật này đang được nhiều người ủng hộ.

Hiện tại, Trung Quốc không còn là nhà sản xuất nhiều sản phẩm giá rẻ trên thế giới, vì vậy ngay cả những người tiêu dùng bị ám ảnh về giá cũng có thể dễ dàng tìm được những lựa chọn thay thế từ các nơi khác trên thế giới.

Mà trên hết, mục tiêu lớn hơn - và lâu dài hơn - là chấm dứt quan hệ thương mại với Trung Quốc.

"Bởi vì mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với Mỹ là kết quả của hệ thống thù địch của họ và bao gồm các khía cạnh kinh tế, công nghệ và quân sự . Chỉ những biện pháp đáp trả mang tính hệ thống chứ không phải từng phần, mới có thể bảo vệ các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ", chuyên gia thương mại Alan Tonelson tại Washington DC nói với tờ Gatestone. "Các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hoặc công ty chắc chắn sẽ chỉ tạo ra hiệu ứng châm kim, và thậm chí những biện pháp này dễ dàng bị vô hiệu hóa với việc đổi tên công ty và thay đổi nhân sự như trong trò chơi ảo thuật tráo 3 ly nước".

ĐCSTQ điều hành một hệ thống mà tất cả các thực thể đều phục vụ cho nhà nước-đảng. Điều đó có nghĩa là tất cả các thực thể Trung Quốc phải được coi là một và các sản phẩm của họ bị cấm.

“Đối với tất cả các quốc gia của chúng ta, đó là một mối quan hệ rất phức tạp không thể đơn giản hóa bằng một từ hay một câu”, ông Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với TF1, đề cập đến quan hệ Trung-Mỹ.

Nhưng theo tác giả Gordon G. Chang, thì tuyên bố này của ông Blinken là hoàn toàn sai lầm. Điều nước Mỹ cần ngay bây giờ là cắt đứt các quan hệ với Trung Quốc.

Như ông Bass, chuyên gia thương mại, nói, "đã đến lúc cắt nguồn cung cấp máu cho ĐCSTQ".

Tác giả Gordon G. Chang là tác giả của cuốn sách Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc , một thành viên cấp cao xuất sắc của Viện Gatestone.

Quan điểm trong bài viết là quan điểm của cá nhân tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hãy ngừng 'bơm máu' cho ĐCSTQ!