Có phải chính quyền Biden đã ngừng bán tên lửa chống hạm mới cho Đài Loan - phá vỡ cam kết của ông Trump?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một bài báo của Naval Post vào ngày 9/3, việc Mỹ bán tên lửa chống hạm cho Đài Loan “khó có thể xảy ra” cho đến năm 2025. Chính quyền Biden giải thích rằng các vấn đề kỹ thuật và vận hành sẽ khiến việc triển khai của họ bị trì hoãn. Nhưng liệu sự chậm trễ có phải do sức ép, sự đe dọa từ Bắc Kinh?

Trung Quốc ngày càng nói rõ ràng xâm lược Đài Loan là vấn đề chắc chắn. Do đó, Đài Loan cần tất cả các phương tiện phòng thủ sẵn sàng càng sớm càng tốt.

Sự ‘chần chừ’ của chính quyền Joe Biden

Thỏa thuận ban đầu (dưới thời cựu Tổng thống Trump) trị giá 2,37 tỷ USD đã được ký kết vào năm ngoái - để mua 400 tên lửa chống hạm RGM-84L-4 Harpoon Block II, cùng với các container và 100 bệ phóng của chúng vào năm 2024.

Scott Harold, một nhà phân tích tại RAND, nói với Forbes: “Các loại phương tiện phòng thủ này đơn giản và có mạng lưới có thể tồn tại sau một cuộc tấn công ban đầu của Trung Quốc, có khả năng duy trì bền vững và gây nguy hiểm cho đối phương trong vài tuần hay vài tháng”.

Các tên lửa này có thể đánh chìm tàu chiến của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và vận chuyển qua eo biển Đài Loan.

Các quan chức của Bộ Ngoại giao thời cựu Tổng thống Trump đã chấp thuận việc chuyển giao vũ khí vào tháng 10/2020, trước khi có sự thay đổi về chính quyền.

Tháng trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà thầu quốc phòng bao gồm Boeing, công ty sản xuất Harpoons - thông qua đơn vị McDonnell Douglas. Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất của Boeing. Một đại diện của Boeing nói rằng các câu hỏi về thương vụ mua bán này nên được chuyển đến chính phủ Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc vừa là thị trường lớn nhất của Boeing, vừa là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong tương lai của Boeing (Ảnh: Keith Tsuji/Getty Images)
Chính quyền Trung Quốc vừa là thị trường lớn nhất của Boeing, vừa là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong tương lai của Boeing (Ảnh: Keith Tsuji/Getty Images)

Bộ Quốc phòng Đài Loan đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp Harpoons, vì chúng có tính cơ động hơn so với tên lửa chống hạm siêu âm Hsuing Feng II và siêu thanh Hsuing Feng III được sản xuất trong nước Đài Loan.

Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, thì “khả năng cơ động” tương đương với “khả năng sống sót”, vì các mục tiêu di động có thể khó bị đối phương phát hiện và vô hiệu hóa hơn các mục tiêu tĩnh.

Loạt tên lửa Hsuing Feng có thể được phóng từ các xe sơ mi rơ moóc - là cách mà Bộ Quốc phòng Đài Loan cho là không cơ động. Tên lửa siêu thanh có thể tấn công mục tiêu nhanh hơn tên lửa cận âm như Harpoon, chúng cũng có chi phí thấp hơn và có thể được triển khai với số lượng lớn hơn.

Theo một nghiên cứu được tiến hành vào mùa hè năm ngoái, cho thấy rằng Lực lượng Vũ trang Trung Hoa Dân Quốc cần phải vô hiệu hóa 50% số tàu của PLA, trong trường hợp có một cuộc xâm lược - dựa trên một mô phỏng máy tính.

Mùa xuân năm ngoái, Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chang Che-ping nói rằng kho dự trữ hiện tại của họ sẽ đánh chìm nhiều tàu của PLA trong trường hợp có một cuộc xâm lược. Hiện tại, PLA có 19 tàu tấn công đổ bộ thuộc nhiều loại khác nhau, theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội.

Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ không thể cung cấp các khả năng cần thiết cho một đối tác quan trọng như Đài Loan “sẽ làm suy yếu bất kỳ chiến lược nào đang được chính quyền này phát triển, đặc biệt là chiến lược với mục tiêu răn đe tối cao”, Vic Mercado, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách của chính quyền Trump, và là một đô đốc hậu phương đã nghỉ hưu, nói với Trung tâm Chính sách Bảo mật.

Chiến lược ‘con nhím khó tiêu’ của Đài Loan bị đe dọa

“Nhà Trắng, Quốc hội, Bộ Quốc phòng (đặc biệt là Hải quân) và ngành công nghiệp (Boeing) cần hiểu chi tiết những gì đã xảy ra, sửa chữa nó và cung cấp khả năng này theo đúng thời hạn đã thỏa thuận. Dù hơi trễ, nhưng đó là một sự khởi đầu. Với tư cách là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trước đây, tôi đã được giao trách nhiệm sửa đổi chính sách hợp tác an ninh của Bộ Quốc phòng - để phù hợp với Chiến lược Quốc phòng và cạnh tranh quyền lực lớn”, ông Mercado nói.

Hai binh sĩ hải quân Đài Loan giương cao quốc kỳ trên chiếc tàu cao tốc đặt mìn bản địa đầu tiên trong một buổi lễ chính thức tại xưởng đóng tàu ở Suao, thuộc huyện Yilan, Đài Loan vào ngày 15/12/2020. (Sam Yeh / AFP qua Getty Images)
Hai binh sĩ hải quân Đài Loan giương cao quốc kỳ trên chiếc tàu cao tốc đặt mìn bản địa đầu tiên trong một buổi lễ chính thức tại xưởng đóng tàu ở Suao, thuộc huyện Yilan, Đài Loan vào ngày 15/12/2020. (Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Các nhà lập kế hoạch phải đẩy nhanh việc cung cấp hệ thống này và các hệ thống khác mà Đài Loan chưa yêu cầu, như Tên lửa chống tàu tầm xa có thể tiêu diệt tàu ở tầm xa - để giúp nước này đạt được mục tiêu trở thành “con nhím khó tiêu”.

Tin tức về sự chậm trễ trong việc bàn giao Harpoons được đưa ra ngay khi Thượng nghị sĩ Phil Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cảnh báo Quốc hội rằng PLA có thể cố gắng chiếm lấy Đài Loan trong vòng sáu năm tới, điều này càng làm tăng tính cấp thiết của việc chuyển giao tên lửa Harpoon.

Sự chậm trễ này có nghĩa là mục tiêu tuyên bố của ông Che-ping về việc “có thể tiêu diệt một nửa lực lượng của bất kỳ kẻ thù nào vào năm 2025” - sẽ không xảy ra, và nó trùng hợp với cuộc chiến dài lâu của PLA - nhằm có đủ tàu đổ bộ, máy bay và tên lửa để khuất phục Đài Loan - nơi mà Bắc Kinh xem là một tỉnh nổi dậy của mình trong vòng một thập kỷ nay.

Nếu Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc, Mỹ sẽ mất danh hiệu cường quốc

Các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu sẽ mất niềm tin vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ. Bắc Kinh sẽ được khuyến khích mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng, và tăng cường đe dọa các nước láng giềng, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Sự lãnh đạo của Mỹ liên quan đến việc chịu trách nhiệm gìn giữ hòa bình ở Đông Á và Châu Âu, kể từ khi Thế chiến lần thứ II kết thúc - sẽ là vô nghĩa.

Việc có thể giữ chân Bắc Kinh ở bên kia eo biển Đài Loan hay không, phụ thuộc vào việc chính quyền Biden đẩy nhanh việc chuyển giao các tên lửa này.

Tác giả: John Rossomando là Nhà phân tích cấp cao về Chính sách Quốc phòng và từng là Nhà phân tích cấp cao về Chống khủng bố tại Dự án Điều tra về Khủng bố trong 8 năm. Ông cũng từng là biên tập viên quản lý cấp cao của The Bulletin, và đã nhận được giải thưởng vị trí thứ nhất của Ban biên tập báo chí quản lý Pennsylvania Associated Press vào năm 2008 cho bài báo cáo của mình.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Có phải chính quyền Biden đã ngừng bán tên lửa chống hạm mới cho Đài Loan - phá vỡ cam kết của ông Trump?