Diễn biến lạ giữa thời đại dịch: Các doanh nghiệp bất động sản, tài chính lãi khủng. Nguyên nhân là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết thúc quý I/2021, hàng loạt doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, tài chính... báo lãi tăng đột biến và dự báo triển vọng tích cực cho cả năm ngay trong thời kỳ đại dịch. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong các ngành nghề còn lại, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đang vô cùng điêu đứng. Nguyên nhân của “diễn biến lạ” này là gì?

Doanh nghiệp cả nước điêu đứng, các “ông lớn” lãi khủng

Làn sóng Covid-19 thứ tư khiến hơn 100,000 người Việt Nam phải cách ly tại nhà, đóng cửa ít nhất 4 khu công nghiệp lớn với doanh số hàng năm lên đến hàng tỷ USD và ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của hàng trăm ngàn lao động.

Thực trạng này sẽ khiến cầu tiêu dùng tiếp tục giảm sâu, sản xuất tiếp tục đình đốn và hầu hết doanh nghiệp Việt cần được tiếp sức để tồn tại trong 2021, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực kinh tế thực.

Một cuộc khảo sát 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành mới đây cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% nghiệp tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng cho biết: Mọi năm vào thời điểm này, doanh số bán hàng của công ty thường tăng đến 30% do nhu cầu mua sắm đồ dùng cho mùa hè, thậm chí cao hơn, nhưng từ năm ngoái đến nay, tình hình vô cùng khó khăn. Trong đại dịch, người tiêu dùng chi tiêu rất ít, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thực sự thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên thì vẫn phải duy trì.

Doanh nghiệp đang rất khó khăn trừ một số ông lớn trong ngành kinh doanh bất động sản (BĐS), nguyên vật liệu xây dựng và tài chính. Các ông lớn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại 3 ngành này đã báo cáo mức lãi khủng trong mùa đại dịch.

Theo VVFC, trong mảng bất động sản, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với lợi nhuận ròng gần 2.100 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ. Trong đó, CTCP Vinhomes (VHM) ghi nhận doanh thu quý I/2021 tăng vọt gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 13 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận ở mức cao: 7.050 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) vừa báo cáo lãi ròng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Thai Holdings (THD) của tỷ phú mới nổi Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) báo lãi quý I gấp 40 lần cùng kỳ lên 368 tỷ đồng.

Mảng bất động sản công nghiệp ghi nhận Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) báo lãi quý I gấp 4 lần cùng kỳ lên hơn 208 tỷ đồng. Tập đoàn Tân Tạo (ITA) báo lãi tăng 2,3 lần lên 58 tỷ đồng.

Trong mảng bán lẻ, FPT Retail (FRT) ghi nhận lãi suất thuế đạt 31 tỷ đồng, thực hiện 1/3 kế hoạch lãi cả năm.

Trong mảng vật liệu xây dựng, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ tăng gấp 5 lần cùng kỳ, lên 1.035 tỷ đồng; doanh thu thuần quý vừa rồi tăng 88%, lên hơn 10,8 nghìn tỷ đồng.

Thép Tiến Lên (TLH) thậm chí báo lợi nhuận sau thuế quý I cao gấp 30 lần so với cùng kỳ, lên 120 tỷ đồng. Thép SMC ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gấp 15 lần lên 216 tỷ đồng. Tổng công ty Thép Việt Nam - VnSteel (TVN) báo lợi nhuân tăng gấp 13,5 lần lên 394 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, hàng loạt tổ chức báo cáo lợi nhuận tăng vọt. MBBank (MBB) ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt trên 4.570 tỷ đồng, cao gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2020. Vietcombank ước lãi quý I đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ…

Ở mảng tài chính chứng khoán, SAM Holdings (SAM) báo lãi quý I tăng gấp 4,5 lần cùng kỳ nhờ nguồn thu tài chính; Bamboo Capital (BCG) lãi gấp 20 lần lên 163 tỷ đồng; Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 528 tỷ đồng, tăng gấp 34 lần so với cùng kỳ năm 2020,...

Diễn biến lạ nhưng không bất ngờ

Hiện tượng các doanh nghiệp lớn, chủ yếu ở các lĩnh vực liên quan đến đầu cơ (tài chính, bất động sản, tài chính,...) đồng loạt công bố lợi nhuận tăng mạnh là diễn biến lạ nhưng không bất ngờ.

Trong khi các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ điêu đứng vì đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản, hoặc tạm thời đóng cửa, cắt giảm nhân viên,... thì các “ông lớn” kể trên vẫn “sống khỏe”, thậm chí thu được lợi nhuận khủng. Tại sao vậy?

Công ty Pouyuen Việt Nam là doanh nghiệp lớn ngành da giày, đã phải sa thải gần 3.000 lao động do khó khăn của dịch Covid-19. (Ảnh: Fanpage công ty Pouyuen)
Công ty Pouyuen Việt Nam là doanh nghiệp lớn ngành da giày, đã phải sa thải gần 3.000 lao động do khó khăn của dịch Covid-19. (Ảnh: Fanpage công ty Pouyuen)

Đó là vì các “ông lớn” này hoạt động trong các ngành được coi là điểm đến của dòng tiền giá rẻ.

Dòng tiền giá rẻ này đến từ đâu? Khi đại dịch xảy đến, để hỗ trợ người dân, các chính phủ đều tung ra các gói cứu trợ, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng với diễn biến dịch bệnh khó lường như hiện nay, hầu hết các quốc gia đều áp dụng lệnh phong tỏa. Trong điều kiện như vậy, nguồn tiền sẽ không thấm được vào nền kinh tế, không thể đi vào sản xuất, nó chảy sang đầu cơ hoặc chảy sang các nước ít bị ảnh hưởng vì dịch bệnh để tìm cơ hội đầu tư.

Việt Nam là một điểm đến như thế. Nguồn vốn ngoại đã ồ ạt tìm đến Việt Nam trong thời gian đại dịch, cộng với các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ đã khiến nguồn tiền giá rẻ tăng vọt. Chưa kể, các nguồn tiền ban đầu là để đầu tư cho các ngành sản xuất, thì nay do cầu tiêu dùng trong nước rất yếu, nhiều ngành sản xuất điêu đứng nên không thể tiếp tục đầu tư, và theo lẽ thường, nó sẽ phải tìm một ngành nghề khác để kiếm lời. Đây là những lý do tại sao trong thời kỳ đại dịch, dòng vốn giá rẻ lại dồi dào như vậy.

Khi dòng vốn đã quá dư thừa, nhưng do cầu yếu, nó cũng không thể hấp thụ vào sản xuất và tiêu dùng một cách hiệu quả, vì vậy nó phải chảy sang khu vực đầu cơ. Điều này lý giải cho hiện tượng thị trường chứng khoán, thị trường nợ và bất động sản lại phát triển mạnh trong thời gian vừa qua như vậy.

Hiển nhiên, khi cầu bất động sản tăng thì xây dựng cũng phát triển theo, nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng vọt.

Nhu cầu nguyên vật liệu tăng mạnh nhưng lại không thể được đáp ứng kịp thời vì vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch. Hiện tượng này đẩy giá vật liệu xây dựng không ngừng tăng cao. Chưa kể đến nghi vấn các doanh nghiệp sắt thép “bắt tay” đẩy giá tăng cao hơn nữa. Thời gian qua, giá thép tăng nóng làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép đều tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép đã tăng khoảng gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ lãi chuyển nhượng các dự án đầu tư và đầu tư tài chính trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Lãi suất huy động thấp giúp các ngân hàng lãi lớn. Trong khi đó, giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng đột biến giúp các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư,... lãi lớn. Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục, thậm chí tính bằng lần so với cùng 2020.

Sau tất cả, những con số lãi khủng của các doanh nghiệp đầu cơ này có nghĩa là gì? Nền kinh tế phát triển về thực chất không? Hẳn nhiên là không phải, một nền kinh tế mà tiền không đi vào sản xuất có nghĩa là nó không tạo ra của cải mới cho xã hội. Khi chảy vào đầu cơ, nguồn tiền đó sẽ chỉ khiến bong bóng tài sản, bong bóng bất động sản tăng cao, làm cho giá cả hàng hóa bị đẩy quá cao so với giá trị thực sự của nó. Một khi bong bóng vỡ, thị trường sẽ sụp đổ kéo theo một loạt các hệ lụy đối với nền kinh tế, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động. Đó chắc chắn không phải là điều mà các nhà đầu tư mong muốn khi họ bỏ tiền ra thu lợi trong thời kỳ đại dịch đang hoành hành này.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Diễn biến lạ giữa thời đại dịch: Các doanh nghiệp bất động sản, tài chính lãi khủng. Nguyên nhân là gì?