Evergrande một lần nữa thoát vỡ nợ vào phút cuối thời gian ân hạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tập đoàn China Evergrande đã lần thứ 2 tránh được vỡ nợ bằng cách thanh toán lãi suất quá hạn cho một lô trái phiếu USD ngay trước khi kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày.

Wall Street Journal đưa tin, Evergrande đã thực hiện một khoản thanh toán lãi suất trái phiếu mà đáng lẽ đã đáo hạn vào ngày 29/9. Theo CreditSights, Evergrande đã trả khoảng 45 triệu USD tiền lãi cho lô trái phiếu trị giá 951 triệu USD, với mức lãi suất 9,5% và đáo hạn vào năm 2024.

Tuần trước, Evergrande đã bất ngờ thanh toán 83,5 triệu USD cho một lô trái phiếu khác.

Bằng cách thực hiện các khoản thanh toán vào phút cuối, Evergrande đang có thêm thời gian để sắp xếp lại tình hình tài chính và thương lượng với các chủ nợ. Nếu ông lớn bất động sản (BĐS) này không thể đáp ứng được cả 2 thời gian ân hạn thì đây đã có thể là vụ vỡ nợ lớn nhất của một tập đoàn châu Á.

Evergrande là nhà phát triển BĐS mắc nợ nhiều nhất của Trung Quốc, với tổng nợ tương đương hơn 300 tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2021, bao gồm khoảng 89 tỷ USD nợ phải trả cho lãi suất.

Các nhà phát triển BĐS của Trung Quốc đã có nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng dựa trên nợ, trong quá trình này, các nghĩa vụ của họ đã lên tới hơn 5 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn khi doanh số bán nhà chậm lại, trong khi các cơ quan quản lý lại hạn chế các công ty này tiếp cận tín dụng.

Cuộc khủng hoảng của Evergrande và một loạt các vụ vỡ nợ của các nhà phát triển nhỏ hơn, chẳng hạn như China Properties, Fantasia Holdings, Modern Land, và Sinic Holdings đã làm hạ giá trái phiếu phát hành bởi những doanh nghiệp có vị thế tài chính yếu hơn. Điều này làm cho lợi tức trái phiếu, vốn luôn nghịch biến với giá trái phiếu, tăng vọt.

Kết quả là tất cả các nhà phát triển BĐS Trung Quốc đều phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ cao hơn, vì họ có nhu cầu tái cấp vốn ngắn hạn rất lớn.

Một số công ty đã có thể huy động vốn thông qua việc bán tài sản. Hôm nay (29/10), Sunac China Holdings cho biết họ đã bán khoảng 554 triệu USD cổ phiếu của KE Holdings - công ty môi giới BĐS trực tuyến của Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ. Sunac tuyên bố họ sẽ sử dụng số tiền thu được từ việc bán hàng từ tháng 6 đến cuối tháng 10 làm vốn lưu động.

Về phần mình, Evergrande đang cố gắng huy động tiền mặt thông qua việc bán cổ phần và một khối văn phòng ở Hong Kong. Tập đoàn này đã bán một phần cổ phần của mình trong một ngân hàng Trung Quốc, nhưng lại hủy một thỏa thuận bán phần lớn cổ phần trong công ty con Evergrande Property Services trị giá 6 tỷ USD vào hồi tuần trước.

Theo Tradeweb, 4,7 tỷ USD trái phiếu có mức lãi suất 8,75% của Evergrande đến hạn năm 2025 - khoản nợ quốc tế lớn nhất còn tồn đọng của tập đoàn này - đã được đặt giá 22,75 cent trên một đô la vào cuối buổi sáng thứ 6 (29/10) tại Hong Kong. Mức giá đó phản ánh sự hoài nghi sâu sắc của các nhà đầu tư rằng liệu họ có được công ty thanh toán đầy đủ trong tương lai hay không, mặc dù mức đặt giá này đã cao hơn một chút so với mức thấp hồi đầu tháng là 19,25 cent.

Chi Anh

Theo Wall Street Journal



BÀI CHỌN LỌC

Evergrande một lần nữa thoát vỡ nợ vào phút cuối thời gian ân hạn