Gần 1 tỷ người Trung Quốc ‘không có quyền tiêu dùng’ - Kế hoạch của Chủ tịch Tập phá sản?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự thiếu hụt sức mua của người dân đại lục đang cản trở nghiêm trọng kế hoạch “tăng trưởng kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa” của Bắc Kinh, nhằm tạo ra một thị trường nội địa khổng lồ để hạn chế sự phụ thuộc của quốc gia vào xuất khẩu. Có vẻ như kế hoạch của chủ tịch Tập Cận Bình đã đến hồi… phá sản!

Hệ thống phân phối của cải của Trung Quốc vốn được xác lập dựa trên tuyên truyền là vì “giai cấp vô sản”, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Đó chính là hệ thống phân phối rất bất công của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) tại Trung Quốc.

Trên thực tế, sau khi giành được chính quyền và tư hữu hoá tài sản quốc gia, hệ thống này đặc biệt “thiên vị” tầng lớp lãnh đạo, thân cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Nhà nước Trung Quốc.

Đặc biệt sau giai đoạn “mở cửa”, các đặc quyền, đặc lợi kinh tế chỉ dành cho nhóm này, đây là lý do khoảng cách giàu - nghèo tại Trung Quốc ngày một lớn. Sức tiêu dùng của người dân cùng với sự thịnh vượng của cả Trung Hoa thực tế đang tuột dốc, nhưng khối tài sản của giới tinh hoa lại ngày một lớn hơn.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc (so sánh cùng kỳ năm trước) giảm đều trong 10 năm qua, đặc biệt giảm âm trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Nguồn: Trading Economics)

'Gậy ông đập lưng ông'

Vấn đề là, nền kinh tế Trung Quốc trước đây tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, do đó, mọi người không mấy quan tâm tới sức tiêu thụ ngày một yếu đi của người dân Trung Quốc. Và hiển nhiên, chẳng ai thực sự biết rằng “một Trung Quốc hào nhoáng” lại có thể mục ruỗng đến thế…

Giờ đây, khi phong trào thoát Trung được khởi xướng bởi Tổng thống Trump lan rộng toàn cầu, chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị gãy đổ và nhiều thị trường xuất khẩu của Trung Quốc bị co hẹp lại, dòng tiền nước ngoài đổ vào Trung Quốc tìm kiếm lợi nhuận đã "quay đầu", hoặc trở nên e dè, cẩn trọng.

Trung Quốc chẳng có con đường tăng trưởng nào khác ngoài hy vọng vào thị trường tiêu dùng khổng lồ 1,4 tỷ dân của chính mình. Đây vẫn luôn là thế mạnh mà Trung Quốc mang ra mặc cả với các tập đoàn, các quốc gia trên khắp thế giới để tước đoạt tư bản, công nghệ và tri thức của họ.

Đáng tiếc, sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc, sau nhiều thập kỷ bị mất sạch tư liệu sản xuất và tư bản tích lũy (do bị bóc lột bởi tầng lớp lãnh đạo của ĐCSTQ, bởi các doanh nhân thân hữu của ĐCSTQ) đã cạn kiệt và không thể nào "hỗ trợ" được ông Tập trong chiến lược "tăng trưởng dựa vào tiêu dùng".

'Tôi đã đánh giá quá cao sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc'

Jack Wang, một cựu quản lý ở nước ngoài của Huawei, đã quyết định nghỉ việc vào năm 2019 sau nhiều năm xa cách với gia đình ở tỉnh Hà Nam. Ông đã có kế hoạch lớn để xây dựng một doanh nghiệp trực tuyến ở đó, bán các sản phẩm nông nghiệp địa phương như mật ong và mè cho người tiêu dùng thành thị, vốn sẵn sàng trả nhiều hơn một chút để có hàng hóa chất lượng tốt hơn.

Một năm sau, khi đã tiêu hết 300.000 nhân dân tệ (NDT) (tương đương 44.000 USD), Wang nói rằng ông đã mắc sai lầm khi đánh giá cao nhu cầu và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc.

“Tôi đã đánh giá quá cao nhu cầu trong nước”, ông than thở. “Trên thực tế, thị trường trong nước rất cạnh tranh, và sức tiêu dùng của dân thường không tốt hay cao như tôi tưởng tượng”.

Để tiết kiệm tiền, ông đã chuyển văn phòng của mình từ một tòa nhà sang trọng ở Trịnh Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh, đến một tòa nhà tồi tàn ở một quận nông thôn với giá thuê hàng năm chỉ hơn 10.000 NDT (1.500 USD) mỗi năm.

Wang thậm chí đã cố gắng mở rộng sang các sản phẩm khác. Một người bạn giới thiệu anh với một nhà sản xuất đồ xuất khẩu ở thành phố công nghiệp phía nam Đông Quan, người có một lượng lớn "tất" trong kho không bán được vì đơn hàng xuất khẩu đã hết. Wang cho rằng việc bán tất cũng khó như vậy.

“Mọi việc không tiến triển chút nào. Tất xuất khẩu có chất lượng tốt, nhưng nhà sản xuất muốn ít nhất từ ​​5 đến 10 NDT cho mỗi đôi. Người dân địa phương thường mua bốn hoặc năm đôi với giá 10 NDT", Wang cho biết và nói thêm rằng sẽ có rất ít người mua những đôi tất cao hơn mức giá này.

Các dự án kinh doanh không thành công buộc Wang phải cắt giảm chi tiêu không cần thiết của mình. Wang nói rằng một số bạn bè và người thân của anh ấy đang cắt giảm chi tiêu của họ, vì đại dịch đã làm giảm thu nhập và triển vọng tài chính trở nên tối tăm trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Kế hoạch 'lưu thông kép' bên bờ phá sản

Câu chuyện của Wang phản ánh một vấn đề lớn hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - chi tiêu tiêu dùng yếu vì kết quả của mô hình tăng trưởng do nhà nước lãnh đạo. Và sự thiếu hụt sức mua của người tiêu dùng cản trở nghiêm trọng kế hoạch kinh tế mới nhằm tạo ra một thị trường nội địa rộng lớn để giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào xuất khẩu.

Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 5/2020 đã tuyên bố rằng một kế hoạch “lưu thông kép” mới, tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, sẽ là cách tiếp cận chiến lược của Trung Quốc để tồn tại và phát triển trong một thế giới ngày càng bất ổn và thù địch.

Nhưng liệu chiến lược này có thành công hay không vẫn là một câu hỏi mở cho các nhà nghiên cứu và cho nền kinh tế Trung Quốc.

Một báo cáo được đưa ra trong tháng này bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Trung Quốc thuộc Quốc vụ viện, nội các chính phủ, dự đoán rằng tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người sẽ đạt 14.000 USD vào năm 2024, và thị trường của Trung Quốc sẽ lớn hơn thị trường của Hoa Kỳ vào năm 2025, với ít nhất 560 triệu người tiêu dùng “thu nhập trung bình”.

Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngờ liệu Trung Quốc có thể thực sự chuyển động lực tăng trưởng của mình từ đầu tư và xuất khẩu (do nhà nước lãnh đạo) sang chi tiêu tiêu dùng, mà không có những cải cách "đau đớn" về mô hình tăng trưởng và hệ thống phân phối của cải.

Michael Pettis, một giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh và là một nhà quan sát lâu năm về kinh tế Trung Quốc, cho biết vào cuối tháng trước rằng "chiến lược mới thực sự chỉ là một kế hoạch cũ nhằm tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng, nhưng kế hoạch này sẽ đòi hỏi sự chuyển dịch tài sản lớn từ nhà nước cho các hộ gia đình - một quá trình sẽ không được thực hiện dễ dàng".

Sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc đang suy yếu

Xu Fa, người quản lý một cửa hàng vàng bạc đá quý ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, cho biết chi tiêu tại các cửa hàng của chuỗi trên toàn quốc đã giảm đáng kể trong năm nay.

“Nhu cầu trong quý II/2020 đã phục hồi từ mức thấp trong quý đầu tiên, đặc biệt là đối với vàng, nhờ giá vàng tăng”, Xu nói. “Nhưng doanh số bán các sản phẩm không phải vàng như kim cương rất ảm đạm”.

Xu cho biết công ty của ông đã chọn giảm giá sâu để giảm lượng hàng tồn kho và tạo ra đủ dòng tiền. “Các mặt hàng có giá 9.000 NDT vào năm ngoái hiện được bán với giá khoảng 5.000 NDT. Và chúng tôi không đơn độc - bạn có thể thấy rằng [tất cả các nhà bán lẻ] tại các trung tâm mua sắm trên toàn quốc đang làm điều tương tự”.

Trong khi Xu nhận thấy khó khăn khi bán hàng xa xỉ vì người tiêu dùng thành thị thắt lưng buộc bụng, Luo Zhaoliu, người sản xuất sữa đông đậu lên men ở một ngôi làng nông thôn ở tỉnh Giang Tây, cũng lo lắng về triển vọng kinh doanh của mình.

Luo cho biết ông đã bán được 160.000 hũ đậu, giá 12 NDT mỗi hũ, trong 8 tháng đầu năm ngoái, nhưng cùng kỳ năm nay chỉ có 100.000 hũ.

Ông Luo nói: “Có ít nhất 4.000 nhà máy trên khắp đất nước đã bắt đầu sản xuất sữa đông lên men và tương ớt trong năm nay, và sự cạnh tranh là rất khốc liệt".

Doanh số bán hàng đến các tỉnh nội địa đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay - một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng tương đối nghèo ở Trung Quốc đang cắt giảm chi phí sinh hoạt đến tận xương tủy.

“Nếu bạn đến bất kỳ cửa hàng ngũ cốc và dầu nào ở vùng nông thôn, bạn sẽ thấy doanh thu của tất cả các mặt hàng đều giảm trừ gạo và dầu ăn. Đó là những mặt hàng thiết yếu", ông nói.

Do đó, Luo cho biết hiện ông đang cố gắng bán sữa đông đậu lên men của mình thành các phần nhỏ hơn với giá khoảng 1 NDT (0,15 USD) mỗi phần. “Bằng cách này, có thể một số người sẽ muốn mua một gói, nếu họ không muốn mua một lọ với giá 12 NDT”, ông nói.

Các số liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ hàng hóa của Trung Quốc, thường được dùng làm thước đo cho chi tiêu tổng thể của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ, đã giảm khoảng 10% trong 7 tháng đầu năm nay so với một năm trước đó. Tuy nhiên, sự sụt giảm thực sự trong chi tiêu của người tiêu dùng có thể còn sâu hơn, vì số liệu bán lẻ bao gồm chi tiêu của chính phủ tại các cửa hàng và nhà hàng.

Gần 1 tỷ người Trung Quốc 'không có quyền tiêu dùng' vì sống ở mức nghèo khó

Bên dưới bề mặt chi tiêu tiêu dùng yếu kém của Trung Quốc là hệ thống phân phối của cải quốc gia ủng hộ nhà nước và người giàu thay vì các hộ gia đình trung bình, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trong một cuộc họp báo tháng trước rằng 600 triệu trong số 1,4 tỷ cư dân Trung Quốc sống với thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 NDT (tương đương 146 USD).

Cao Dewang, một doanh nhân và là chủ tịch của một trong những nhà sản xuất kính lớn nhất trên thế giới. Ông đã trở nên nổi tiếng quốc tế sau khi xuất hiện trong bộ phim tài liệu American Factory và nói rằng từ 900 triệu đến 1 tỷ người Trung Quốc “không có quyền tiêu dùng”. Đoạn clip đã được lan truyền rộng rãi trên mạng ở Trung Quốc.

Nếu nhu cầu trong nước của Trung Quốc không đủ, quốc gia này sẽ phải phụ thuộc vào nhu cầu từ nước ngoài để khiến các nhà máy của mình hoạt động. Teng Tai, giám đốc một tổ chức tư vấn tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh nghiên cứu các cải cách cung ứng, đã được Thời báo Chứng khoán dẫn lời gần đây rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào thị trường nội địa để duy trì bộ máy sản xuất khổng lồ của mình.

Có một số liệu để tham khảo: Trung Quốc sản xuất 10 tỷ chiếc mũ, 10 tỷ đôi giày, 30 tỷ chiếc quần áo và 200 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay mỗi năm. Ông Teng cho biết không thể bán tất cả chúng ở thị trường nội địa.

Trở lại Hà Nam, doanh nhân họ Vương đang tận mắt chứng kiến ​​khoảng cách giữa mục tiêu của Bắc Kinh và kết quả thực tế lớn như thế nào.

Ông đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể thực sự dựa vào tiêu dùng nội địa để tiêu thụ phần lớn sản lượng từ năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc? Thành thật mà nói, tôi rất bối rối".

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Gần 1 tỷ người Trung Quốc ‘không có quyền tiêu dùng’ - Kế hoạch của Chủ tịch Tập phá sản?