Hiệu ứng FLC: Đa số cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư lo ngại ‘mất Tết’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu, cổ phiếu họ FLC liên tục bị bán tháo. Lượng người mua nhỏ giọt khiến thanh khoản của nhóm này luôn ở mức thấp. Diễn biến cổ phiếu FLC đã ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư, khiến các nhà đầu tư chịu nhiều thiệt hại, đặc biệt là với những giao dịch ký quỹ.

Diễn biến cổ phiếu FLC từ ngày 10-18/01

Thông tin tiêu cực từ việc ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu đã khiến cổ phiếu họ FLC bị ảnh hưởng mạnh. Từ phiên 11/01, FLC liên tục chất dư sàn hàng chục triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu họ FLC đều xanh lơ (giảm hết biên độ).

Trong tuần 10 - 14/01, các mã ROS, KLF, HAI, ART, AMD và FLC có mức giảm từ 25-38%. Trong đó, FLC giảm 28,6%. 3 phiên cuối tuần, giá cổ phiếu này liên tục nằm sàn với tình trạng trắng bên mua. ROS giảm 29,69%, xuống còn 11.250 VND/ cổ phiếu. Ngoài ra, 4 cổ phiếu AMD, FLC, HAI, ROS chiếm 71% tổng lượng dư bán trên sàn HOSE.

Qua 1 tuần, vốn hóa FLC giảm từ hơn 16.000 tỷ VND xuống 11.430 tỷ VND, bốc hơi hơn 4.500 tỷ VND. Vốn hóa ROS sụt giảm 2.800 tỷ VND. HAI, AMD, KLF, ART cũng trong tình trạng tương tự. Tổng cộng vốn hóa thị trường của họ FLC đã bốc hơi khoảng 28.000 tỷ VND.

Phiên 17/01 và 18/01 tình trạng này vẫn tiếp diễn. Các mã họ FLC vẫn giảm hết biên độ và có lượng dư bán lớn. Kết thúc phiên 18/01, cổ phiếu FLC giảm còn 13.950 VND/cổ phiếu. Dư bán đạt 48 triệu cổ phiếu, không có dư mua. Có thể thấy, xu hướng thị trường là bán tháo cổ phiếu họ FLC nhưng không có người mua.

Tình trạng bán tháo không có người mua của FLC đến từ tính chất FOMO, mua cổ phiếu theo xu hướng của nhà đầu tư trên thị trường. Khi cổ phiếu FLC đạt vùng đỉnh lịch sử 2x, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành bán chốt lãi. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không có kỷ luật và kinh nghiệm, cùng với tác động của lòng tham, đã phải trả giá quá đắt trước cổ phiếu có tính đầu cơ cao như họ FLC.

Đã có nhiều lời khuyên bán cổ phiếu FLC ngay từ thứ 3 hoặc thứ 4 tuần trước của tuần 10/01, tuy nhiên 2 phiên cuối tăng trần của FLC khiến nhiều nhà đầu tư lao vào mua lại ở vùng đỉnh cao. Nhiều nhà đầu tư mới tham gia không chịu đựng nổi diễn biến tăng nóng của cổ phiếu bất động sản đã quyết định bán sạch cổ phiếu tốt, để mua hầu như toàn mã đầu cơ như LDG, FLC, ROS. Giờ thì các nhà đầu tư đang thắt ruột nhìn tài khoản bốc hơi với lô mua vùng đỉnh phiên 10/01.

Hiệu ứng tuyết lở khi cổ phiếu FLC lao dốc

Phiên giao dịch hôm qua (17/01) được gọi là phiên "thứ 2 đen tối". VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại 1.452,84 điểm, ghi nhận thiệt hại 43,18 điểm - tương ứng 2,89% (mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng. VN30-Index còn 1.478,61 điểm, giảm 44,96 điểm - tương ứng 2,95%. HNX-Index đánh mất 21,52 điểm - tương ứng 4,61%, còn 445,34 điểm. UPCoM-Index giảm 2,86 điểm - tương ứng 2,55%. còn 109,36 điểm. Thống kê đến hết phiên giao dịch 17/1/2022, toàn thị trường ghi nhận 95 cổ phiếu có mức giảm từ 20% trở lên so với thời điểm bắt đầu năm, tương ứng giá trị vốn hóa doanh nghiệp bị "thổi bay" tối thiểu 20% chỉ sau 10 phiên giao dịch.

Phiên giao dịch hôm nay (18/01), VN-Index mất 13,9 điểm - tương ứng 0,96%, xuống 1.438,94 điểm. VN30-Index còn 1.477,06 điểm giảm 1,55 điểm - tương đương 0,10%. HNX-Index giảm 24,13 điểm xuống 421,21 điểm. UPCoM-Index giảm 1,89 điểm xuống 107,47 điểm. Thị trường được chống đỡ bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng vẫn ghi nhận đà bán khủng ở các cổ phiếu vừa và nhỏ. Số mã giảm sàn lớn với 176 mã, trong đó chủ yếu là bất động sản, xây dựng và chứng khoán. Thanh khoản giảm đáng kể trong phiên, với giá trị giao dịch toàn thị trường là 27,3 nghìn tỷ VND.

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục giảm điểm sốc đúng là sóng gió trước Tết đối với các nhà đầu tư. Đang đạt mức lãi lớn trong bối cảnh thị trường sôi động và được kỳ vọng cao, tài khoản của các nhà đầu tư bỗng âm nặng chỉ trong vài ngày ngắn ngủi khi ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếuông chủ Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng rút khỏi đất Thủ Thiêm.

Một phần nguyên nhân của việc chứng khoán ‘đỏ lửa’ là do hiệu ứng tuyết lở khi cổ phiếu FLC lao dốc.

Trước sự sụt giảm mạnh của họ cổ phiếu FLC, nhiều công ty chứng khoán có động thái cắt hoặc giảm margin đối với cổ phiếu họ FLC, tức là giảm tỷ lệ vay trên giá trị chứng khoán. Margin được dùng khi nhà đầu tư vay tiền của công ty chứng khoán để mua chứng khoán. Tỷ lệ vay (room margin) là mức tỷ lệ công ty chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư phải duy trì. Vốn dĩ cổ phiếu họ FLC không được cấp margin hoặc được cấp không nhiều.

Đối với các nhà đầu tư dùng margin với họ cổ phiếu FLC, thị trường lao dốc khiến họ phải nạp thêm tiền mặt hoặc bán cổ phiếu để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ. Không những thế, một loạt các công ty chứng khoán đã cắt margin (tỷ lệ ký quỹ) đối với cổ phiếu họ FLC như SHS, Phú Hưng, Yuanta, VPS, qua đó càng làm tình hình khó khăn hơn. Thị trường lao dốc, tỷ lệ ký quỹ thắt chặt, trong khi cổ phiếu FLC lại không bán được, những nhà đầu tư dùng margin với cổ phiếu họ FLC buộc phải bán cổ phiếu khác để đảm bảo yêu cầu về ký quỹ của công ty chứng khoán, dù đó là những cổ phiếu tốt hơn FLC. Điều này đã làm gia tăng thiệt hại cho các nhà đầu tư và làm thiệt hại từ FLC lan sang các cổ phiếu khác của thị trường. Đặc biệt, một bộ phận lớn nhà đầu tư mua cổ phiếu theo nhóm, họ thường mua các mã bất động sản khác cùng với FLC. Do đó, các cổ phiếu bất động sản cũng bị ảnh hưởng từ FLC.

Một điểm tích cực là, do cổ phiếu FLC có tỷ lệ vay thấp nên số tiền nhà đầu tư phải bù vào không quá nặng. Khi các nhà đầu tư thực hiện bán xong cổ phiếu để trả nợ, hiện tượng tuyết lở có thể sẽ chấm dứt.

Hiện tại, dư nợ nằm phần nhiều ở nhóm cổ phiếu trụ và blue-chips. Hai nhóm này vẫn ổn. Trong khi đó, margin ở nhóm cổ phiếu đầu cơ như FLC khá thấp và thường bị khống chế.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Hiệu ứng FLC: Đa số cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư lo ngại ‘mất Tết’