Kinh tế Nhật Bản hồi sinh sau 30 năm say ngủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật Bản đón nhiều tín hiệu kinh tế tích cực thời gian gần đây. Sau 30 năm say ngủ, nước Nhật đang hồi sinh, rất có thể là nhờ vào lập trường chống Trung Quốc.

Các nhà sản xuất chip toàn cầu đang mở rộng hoạt động tại Nhật Bản khi nền kinh tế của quốc gia Đông Á này phục hồi từ giai đoạn khó khăn kéo dài 30 năm.

Theo trang web Nikkei Trung Quốc, thị trường chứng khoán Nhật Bản đang liên tục tăng điểm, đóng cửa ở mức 31.086,82 vào ngày 22/05 - lần đầu tiên nó vượt quá 31.000 điểm kể từ ngày 26/07/1990 (31.369,75). Đó là mức cao nhất trong khoảng 33 năm. Sau đó, nó đã giảm nhẹ trở lại trong hai ngày kế tiếp.

Kể từ năm 2022, chỉ số Nikkei thường giao dịch trong khoảng từ 25.000 đến 29.000. Vào tháng 05/2023, xu hướng tăng điểm trở nên rõ ràng. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu Nhật Bản trong 7 tuần liên tiếp, với tổng giá trị hơn 2,8 nghìn tỷ JPY (yên Nhật) (20,3 tỷ USD).

Với việc các nhà đầu tư thất vọng vì thị trường toàn cầu, chứng khoán Nhật Bản lại tỏ ra nổi bật. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, giá trị thị trường của Nhật Bản đã tăng khoảng 518 tỷ USD kể từ mức đáy vào ngày 05/01.

Các nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới và các ngân hàng lớn nhất ở Phố Wall đang lạc quan về Nhật Bản. Các báo cáo gần đây từ JPMorgan Chase & Co. và Goldman Sachs kỳ vọng chứng khoán Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội tăng giá hơn.

Kinh tế Nhật hồi sinh sau 30 năm say ngủ
Người dân đi qua một bảng điện tử hiển thị các con số tại thời điểm đóng cửa từ Sở giao dịch chứng khoán Tokyo dọc theo một con phố ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 22/05/2023. (Ảnh: Kazuhiro Nogi / AFP qua Getty Images)

Đầu tư về chip tăng mạnh

Các nhà sản xuất chip toàn cầu cũng đã quyết định mở rộng hoạt động tại Nhật Bản khi thị trường chứng khoán tăng điểm.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp gỡ những người đứng đầu 7 công ty bán dẫn lớn nhất thế giới tại Tokyo vào ngày 18/05. 7 công ty bao gồm TSMC, Samsung Electronics, Intel, Micron, IBM, AMAT và IMEC, một nhà phát triển chất bán dẫn của Bỉ. Rất hiếm khi những người đứng đầu 7 gã khổng lồ bán dẫn của thế giới gặp nhau tại cùng một nơi.

Trong cuộc họp, ông Kishida bày tỏ hy vọng rằng, các công ty sẽ mở rộng đầu tư trực tiếp vào Nhật Bản và ông nói rằng chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo thông tin của Nikkei, Micron đã công bố khoản đầu tư 500 tỷ JPY (3,6 tỷ USD) vào Nhật Bản nhằm mang tới các thiết bị sản xuất các sản phẩm hiện đại tại nhà máy ở Hiroshima; Samsung sẽ mở cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Yokohama; TSMC cho biết, họ đang xem xét mở rộng đầu tư vào Nhật Bản, nơi họ đã chi 8,6 tỷ USD cho một nhà máy bán dẫn mới ở tỉnh Kumamoto ở phía đông nam; Về phần mình, Intel cho biết sẽ tăng cường hợp tác với các công ty và tổ chức nghiên cứu của Nhật Bản để phát triển công nghệ và vật liệu cho sản xuất chất bán dẫn. AMAT, công ty của Mỹ, sẽ thuê 800 kỹ sư tại Nhật Bản trong vài năm tới và tăng số lượng nhân viên lên 1,6 lần.

Trước cuộc họp, IMEC cho biết, họ sẽ thành lập một cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Hokkaido và hợp tác với nhà sản xuất tấm wafer Rapidus của Nhật Bản về công nghệ in thạch bản tiên tiến sử dụng công nghệ siêu cực tím (EUV). IBM vốn đã hợp tác với Rapidus trong việc phát triển công nghệ 2nm.

Bộ trưởng Thương mại Yasutoshi Nishimura cho biết, chính phủ sẽ sử dụng 1,3 nghìn tỷ JPY (9,63 tỷ USD) từ ngân sách bổ sung năm ngoái để hỗ trợ các cam kết với các nhà sản xuất chip nước ngoài.

Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tăng gấp ba lần doanh thu liên quan đến chất bán dẫn của đất nước lên 15 nghìn tỷ JPY (108,5 tỷ USD) vào năm 2030.

Kinh tế Nhật hồi sinh sau 30 năm say ngủ
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trong cuộc họp báo vào đêm khuya tại Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 19/05/2023. (Ảnh: Nhật Bản Pool/JIJI Press/AFP qua Getty Images)

'Ngủ trong 30 năm'

Sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản đang khiến cả thế giới phải kinh ngạc, hồi sinh một quốc gia từng được ví von là “ngủ trong 30 năm”.

Bắt đầu từ năm 1986, các chính sách tiền tệ và lãi suất của Nhật Bản đã dẫn đến sự bùng nổ đầu cơ và mở rộng kinh tế nhanh chóng, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán và đất đai. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã tăng 197% trong 4 năm từ 13.083 vào cuối năm 1985. Khi đó, tổng giá đất của 23 quận ở Tokyo đủ để mua toàn bộ đất đai của Mỹ. Nhưng khi giá tài sản tăng không được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp, bong bóng đã vỡ khi các chỉ số kinh tế của Nhật Bản đạt đến mức chưa từng có.

Chỉ số Nikkei đạt mức cao nhất mọi thời đại là 38.916 vào cuối năm 1989 và đã giảm kể từ đó. Đến tháng 03/1992, chỉ số Nikkei nằm dưới 20.000; Vào tháng 08/1992, nó tiếp tục giảm xuống còn khoảng 14.000, xóa sổ rất nhiều tài sản trên giấy tờ chỉ trong một hoặc hai năm. Đến mức thấp nhất là 6.994,9 vào ngày 29/10/2008, nó đã giảm trong 20 năm và giảm hơn 82%. Sau đó, tình hình dịu đi một chút.

Năm 1990, chính phủ Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát tài chính đất đai và mua bán thế chấp. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sau đó đã áp dụng chính sách thắt chặt tài chính khiến bong bóng vỡ thêm. Với sự sụt giảm nhanh chóng của giá đất, các khoản vay được đảm bảo bằng đất dường như gặp rủi ro lớn. Vào thời điểm đó, các khoản nợ xấu tại các ngân hàng lớn của Nhật Bản bị phơi bày, giáng một đòn nặng nề vào lĩnh vực tài chính Nhật Bản. Tình hình là quá muộn để các khoản đầu tư có thể thoát ra khỏi cạm bẫy chung. Nhiều công ty đã phá sản và cùng với đó là cảnh thất nghiệp của người dân.

Vốn nằm trong đất đai và cổ phiếu thường rất lớn; thường là nhiều hơn số tiền mà một người có thể kiếm được trong đời, dẫn đến nhiều bi kịch gia đình ở Nhật Bản. Sự hoảng loạn dẫn đến thu hẹp tiêu dùng và đầu tư, gây thiệt hại cho nền kinh tế thực cũng như bong bóng. Nhật Bản sau đó bước vào một cuộc suy thoái kéo dài và sâu sắc.

Kinh tế Nhật hồi sinh sau 30 năm say ngủ
Một người qua đường nhìn vào bảng chỉ số giá cổ phiếu ở cửa sổ của trụ sở công ty an ninh ở trung tâm Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 17/08/2007. (Ảnh: Toshifumi Kitamura/AFP qua Getty Images)

Tác động của ông Warren Buffett

Nhà đầu tư người Mỹ Warren Buffett là một người sớm cho rằng chứng khoán Nhật Bản sẽ lên giá và tỷ phú này đã được mô tả là đã đóng góp vào sự phục hồi kinh tế Nhật Bản. Vào năm 2020, tập đoàn đầu tư của ông, Berkshire Hathaway, đã chi 6 tỷ USD cho 5 công ty Nhật Bản vào tháng 8 và bổ sung khoảng 2,4 tỷ USD vào cổ phiếu bổ sung vào tháng 11.

5 tập đoàn kinh doanh Nhật Bản mà Buffett đã mua là Marubeni, Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Itsuchu. Trong ba năm qua, giá cổ phiếu và lợi nhuận của các công ty đã có kết quả tốt, với Marubeni tăng gấp ba lần, Mitsui và Mitsubishi tăng hơn gấp đôi.

Lập trường lạc quan của ông đối với các công ty Nhật Bản được ghi nhận là đã khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản.

Ông Buffett đã đưa ra 3 luận điểm với Nikkei vào tháng 4 về lý do khiến ông lạc quan về chứng khoán Nhật Bản: Thứ nhất, để đa dạng hóa đầu tư quốc tế; Thứ hai, cổ phiếu của Nhật Bản bị định giá quá thấp; Thứ ba, ông ấy muốn đầu tư vào những công ty mà ông ấy có thể hiểu được vì ông ấy không chọn cổ phiếu, mà chọn mô hình kinh doanh và những người có năng lực.

Kinh tế Nhật hồi sinh sau 30 năm say ngủ
Ông Warren Buffett, Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, tham dự cuộc họp cổ đông thường niên năm 2019 tại Omaha, Nebraska, Mỹ, vào ngày 03/05/2019. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

Lập trường chống lại Bắc Kinh

Nhà nghiên cứu kinh tế Yuwen Ming tại Viện Tài chính và Thương mại Hong Kong tin rằng, lý do khiến Nhật Bản lại trỗi dậy là lập trường chống lại một Trung Quốc hiếu chiến.

Nhà nghiên cứu Yuwen nói với The Epoch Times vào ngày 24/05 rằng, kết quả hoạt động của cổ phiếu quốc phòng Nhật Bản gần đây rất sáng sủa. Cổ phiếu của Mitsubishi Heavy Industries, cổ phiếu quốc phòng lớn nhất tại Nhật Bản, đã tăng vọt về giá trị kể từ năm ngoái và 5 công ty mà Buffett đã chọn có liên quan tới các cổ phiếu quốc phòng .

Vào cuối năm 2022, nội các Nhật Bản đã thông qua ngân sách hàng năm kỷ lục, trong đó có khoản ngân sách quân sự tăng 20% lên 68 nghìn tỷ JPY (55 tỷ USD). Mục đích chính của việc Nhật Bản tăng ngân sách quân sự là để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng và một Triều Tiên khó lường.

Dưới thời Tổng thống Trump, trọng tâm chiến lược của Mỹ bắt đầu chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc kiềm chế sự hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dần trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia.

Ông Yuwen nói, do lập trường kiên quyết của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Nhật Bản đã trở thành một trục trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và nước này tham gia vào hầu hết các liên minh của Mỹ ở Châu Á.

Các liên minh của Nhật Bản với Mỹ bao gồm Chip 4, Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, và Hiệp định Đối tác Tiến bộ Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Nhật Bản dẫn dắt. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng dự kiến sẽ mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở châu Á vào năm tới tại Tokyo, Nhật Bản.

Ông Yuwen nói: “Mô hình thế giới hiện tại đang trải qua những thay đổi lớn, trong đó cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là tuyến chính".

Ông nói: “Mỹ lo lắng về ĐCSTQ hơn nhiều so với Nga".

“Khi mô hình thế giới thay đổi, tài sản toàn cầu cũng sẽ được cải tổ. Bằng cách đứng vững theo phe Mỹ và đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng, Nhật Bản không chỉ giành được sự ủng hộ của các cường quốc trên thế giới mà còn cả sự giàu có của mình”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Nhật Bản hồi sinh sau 30 năm say ngủ