Tín hiệu tích cực xoa dịu tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau một loạt thông tin tiêu cực và sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đang chìm trong tâm lý hoảng loạn. Phiên giao dịch 09/05 cũng là một phiên lao dốc mạnh với một kỷ lục về số mã giảm sàn. Liệu những tín hiệu tích cực từ cuối phiên 10/05 có dẫn đến lối thoát cho các nhà đầu tư?

Đợt lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 4

Sau các vụ khởi tố, bắt giữ doanh nhân và viên chức, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 có đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ đợt bùng nổ từ đầu tháng 04/2020. Có thời điểm, VN-Index xuống dưới mốc 1.300 điểm, mức thấp nhất sau hơn 1 năm.

Từ đỉnh ngày 04/04, đến ngày 25/04, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất gần 250 điểm.

Riêng ngày 25/04, thị trường chứng khoán đã mất hơn 68,31 điểm.

Hôm 24/04, truyền thông ước tính vốn hóa thị trường chứng khoán đã mất 34,6 tỷ USD sau hơn hai tuần giao dịch. Cụ thể, vốn hóa thị trường từ phiên 07/04 đến 22/04 giảm 794.033 tỷ đồng, tương ứng 34,6 tỷ USD (-9,92%) xuống 7,21 triệu tỷ VND.

Đến ngày 29/04, một bài viết của Reuters ước tính, vốn hóa thị trường đã bốc hơi 40 tỷ USD kể từ khi các vụ bắt giữ xảy ra.

Chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh vào phiên 09/05

Sau đợt phục hồi trước dịp nghỉ lễ 30/04, nhiều người kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng. Tuy vậy, phiên 06/05 và mới đây là phiên 09/05, Vn-Index mất gần 100 điểm, các nhà đầu tư lại trở lại với tâm lý bi quan và lo lắng.

Phiên 09/05 ghi nhận kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi 356 cổ phiếu giảm hết biên độ. Con số này vượt qua thời kỳ 2008, do quy mô thị trường hiện đã lớn hơn rất nhiều. Bất chấp các báo cáo phân tích liên tục nói rằng thị trường đang được định giá rẻ, cổ phiếu đầu cơ và cổ phiểu cơ bản đều bị bán tháo.

Kết thúc phiên giao dịch 09/05, VN-Index giảm mạnh 59,64 điểm, xuống còn 1.269,62 điểm; HNX-Index giảm 20,07 điểm, xuống còn 323,39 điểm. Thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 865 mã giảm và 118 mã tăng. Các cổ phiếu bluechip trong rổ VN30, sắc đỏ áp đảo hoàn toàn với 30 mã giảm, trong đó có đến 13 mã giảm sàn.

Khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 673 triệu đơn vị, với giá trị đạt 18,7 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 98 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt 2 ngàn tỷ đồng.

Lực bán mạnh áp đảo trên diện rộng, trong khi lực cầu đỡ giá lại mất hút khiến chỉ số VN-Index ngày càng diễn biến tiêu cực. Kết phiên, hàng loạt các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn như BID, VPB, TCB, GAS… giảm mạnh qua đó kéo chỉ số lùi sâu.

Chỉ số HNX-Index cũng lao dốc mạnh kèm theo nhiều mã kịch sàn như THD, IDC, HUT, CEO, MBS…

Đà bán tháo khiến cho nhiều cổ phiếu ở nhiều ngành giảm sàn la liệt: ngành khai khoáng với 16 mã giảm đỏ, 11 mã giảm sàn; ngành xây dựng có 26 mã giảm đỏ và 49 mã giảm sàn; chứng khoán có 2 mã giảm đỏ và 23 mã giảm sàn; dịch vụ lưu trú giải trí có 2 mã giảm đỏ và 6 mã sàn;…

Về giao dịch của khối ngoại, khối này mua ròng tổng cộng 574,9 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó VRE và HPG là hai mã được mua ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 15 tỷ đồng, trong đó PVS là mã được mua ròng nhiều nhất.

Ngay từ sáng, tâm lý bi quan đã lan rộng thị trường, VN-Index hạ xuống mốc 1.300 điểm. Diễn biến kinh hoàng trên thị trường khiến các nhà đầu tư lo sợ. Áp lực bán tháo tăng vọt như có một đợt giải chấp mới. Nhiều mã mất hàng chục phần trăm giá trị, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.

Sự hoảng loạn của nhà đầu tư nhỏ lẻ

Liên tiếp những thông tin tiêu cực đang đè nặng thị trường và các nhà đầu tư. Ngoài những vụ bắt bớ các nhân vật quan trọng của thị trường và cả các quan chức của thị trường chứng khoán, không thể không nói đến tác động của chiến tranh Nga - Ukraine, chính sách zero-Covid đầy nghiêm ngặt của Trung Quốc, những con số lạm phát và khó khăn của các nền kinh tế, việc tăng lãi suất của Fed cùng với những lo ngại về suy giảm kinh tế thế giới. Ngày 09/05, các chỉ số chứng khoán của thế giới cũng có một phiên giảm mạnh. Thị trường chứng khoán Việt Nam được cho sẽ đi xuống trong dài hạn, và chưa biết đâu là đáy. Những nhịp hồi có thể xuất hiện nhưng chỉ trong ngắn hạn.

Đối với hơn 2,5 triệu nhà đầu tư (đa số là các nhà đầu tư cá nhân mới) gia nhập thị trường chứng khoán từ tháng 04/2020 - thời điểm thị trường chạm đáy Covid, thì đây là lần đầu tiên được nếm trải cảm giác giảm sốc như trong tháng 4 vừa qua.

Cổ phiếu lao dốc không phanh, thậm chí là giảm hết biên độ liên tục nhiều ngày, có thể đã tước sạch những lời lãi trước đây kiếm được một cách dễ dãi. Cùng với cảm giác thất vọng và sợ hãi, hàng loạt nhà đầu tư đã lên tiếng kêu cứu trên các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán, yêu cầu sự giải cứu…

Tại thời điểm tháng 01/2022, dựa trên chỉ số VNSmallcap đại diện cho các cổ phiếu quy mô nhỏ thuộc sàn HoSE, thì tăng trưởng từ tháng 03/2020 đến đỉnh đầu tháng 01/2022 là hơn 4,1 lần hay 412%. Mức tăng trưởng này đã giúp nhiều nhà đầu tư "tay mơ" trở thành tỷ phú.

Lên nhanh và xuống cũng sốc tạo ra sự hoảng loạn, chỉ 1 tháng qua, chỉ số này sụt giảm khoảng 30% giá trị. Sơ bộ chỉ trong tháng 4, sàn HoSE có 208 cổ phiếu bốc hơi trên 30% giá trị (chênh lệch giá cao nhất, thấp nhất), sàn HNX khoảng 173 cổ phiếu giảm tương tự. Không những thế, mức sụt giảm còn phụ thuộc vào danh mục, mã cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư có thể đã thua lỗ gấp nhiều lần. Thí dụ với cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, mức lỗ từ đỉnh khoảng -76,1%, ROS là -79,5%, NBB -73,2%, VRC -70,8%, FTM -70,8%, LCM -70,3%...

Thiếu kinh nghiệm quản lý danh mục đầu tư có thể khiến các nhà đầu tư "tất tay" toàn bộ lời lãi từ chu kỳ tăng trưởng trước đó vào một hay vài cổ phiếu đầu cơ. Say men chiến thắng kéo dài, các nhà đầu tư có thể đã cầm sổ đỏ hay vay mượn margin gấp đôi để đánh quả lớn.

Sự vỡ mộng trong việc làm giàu nhanh từ chứng khoán có thể thấy được ở rất nhiều nơi. Đã có thời những người lái taxi, bán hàng ở chợ cũng mở bảng giá trên điện thoại để bàn tán về cổ phiếu, khoe những khoản lãi có được. Rất nhiều người đã tham gia vào thị trường, hưởng ứng mục tiêu 5% dân số tham gia thị trường chứng khoán của nhà nước.

Ngoài ra, nhằm tìm cách gỡ lại các khoản lỗ, nhiều nhà đầu tư tích cực tham gia vào thị trường phái sinh (thị trường hợp đồng tương lai). Tuy nhiên thị trường này có đòn bẩy cao, rủi ro cao hơn chứng khoán cơ sở. Việc tham gia mà không trang bị kiến thức với các nhà đầu tư mới là rất nguy hiểm. Theo cách nói của các nhà đầu tư, "còn thở còn gỡ", tuy nhiên có thể các nhà đầu tư sẽ gỡ đến tắc thở. Những người tham gia thị trường phái sinh đa phần mang tâm lý cờ bạc, dễ tất tay.

Trong bầu không khí hoảng loạn, một vụ tự tử diễn ra vào trưa ngày 09/05 đã được đồn đoán là do thua lỗ chứng khoán. Người đàn ông sinh năm 1983, đã có gia đình và có tiền sử điều trị bệnh lý, đã rơi từ tầng 26 chung cư Hei Tower ở số 1 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính và tử vong. Nạn nhân đã đến quán cà phê ở chung cư Hei Tower vào buổi sáng và ngồi uống nước đến gần trưa. Nạn nhân sau đó gọi mua 2 chai bia tiếp tục uống. Sau khi uống gần hết 1 chai, nạn nhân đi bộ lên tầng 26 và thực hiện hành vi tiêu cực. Dù bị cho là tin đồn thất thiệt, nhưng hành động của nạn nhân được đánh giá là rất giống với thói quen của một người chơi chứng khoán. Có thể sau khi ngồi uống cà phê và theo dõi thông tin chứng khoán, nạn nhân đã suy sụp.

Hy vọng của nhà đầu tư sau phiên 10/05

Với việc thị trường Mỹ rớt mạnh đêm qua và sáng nay hầu hết các thị trường trọng điểm châu Á hòa cùng sắc đỏ, thị trường chứng khoán Việt Nam sáng nay 10/05 cũng tiếp tục giảm mạnh.

Chứng khoán Việt Nam mở phiên đã rớt 28,88 điểm còn 1240,74 điểm. VN30 rớt thấp hơn với “chỉ” 17,52 điểm còn 1.296,52 điểm. Rổ VN30 có 28 mã chìm trong sắc đỏ, chỉ FPT và VNM giữ được sắc… vàng. Đa số các cổ phiếu đã bị giảm khá sâu, thị trường lo lắng chờ đợi dòng tiền bắt đáy. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 14,52 điểm, xuống còn 1.255,1 điểm. HNX-Index giảm 4,06 điểm, dừng chân ở mức 319,33 điểm.

Bắt đầu từ 13h48, VN30 bất ngờ đảo chiều chỉ trong 10 giây. Một loạt các lệnh mua liên tục kéo VN30 tăng 13 điểm tại thời điểm 14h.

Kết phiên VN-Index tăng 23,94 điểm tương đương với 1,89%. VN30 tăng 31,42 điểm tương đương 2,39%. HNX-Index tăng 6,63 điểm tương đương 2,05%.

Cũng không kém các đàn anh, UPCoM-Index tăng 2,56 điểm tương đương 2,65%. Thị trường đảo chiều mạnh mẽ từ 14h với 458 mã tăng (72 mã trần), 340 mã giảm (26 mã sàn). Chỉ riêng 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất VPB, BCM, BID, VHM, GAS, FPT, HPG, MBB, TPB, VJC đã đóng góp tới 10,7 điểm cho chỉ số chính.

Hầu hết các ngành đều tăng trừ sản xuất nhựa hóa chất và thiết bị điện giảm lần lượt 1,46 và 1,21%. Ngành khai khoáng và công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 6,3 và 4,01%. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có phiên mua ròng mạnh 561,39 tỷ.

Tổng giao dịch ba sàn ở mức hơn 19.900 tỷ với 780 triệu cổ phiếu trao tay. Trong đó sàn HOSE là 17.789 tỷ đồng với 665 triệu cổ phiếu trao tay. Riêng VN30 đã giao dịch 6.811,16 tỷ đồng chiếm 38% trong VN-Index. Một tỷ lệ khá cao chứng tỏ dòng tiền đang tìm về những cổ phiếu cơ bản tốt.

Kết quả phiên 10/05 có thể giúp giảm bớt tâm lý bi quan của nhà đầu tư, dù chỉ trong ngắn hạn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

 



BÀI CHỌN LỌC

Tín hiệu tích cực xoa dịu tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Việt Nam