Trung Quốc xuất khẩu thiệt hại từ chính sách zero-Covid ra toàn thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các nhà phân tích, mặc dù bị chính quyền Trung Quốc phủ nhận, nhưng chính sách phong tỏa hà khắc “zero-COVID” đang làm gia tăng chi phí sản xuất của Trung Quốc cũng như chi phí sản xuất toàn cầu và khiến lạm phát tăng cao.

Trung Quốc làm tình hình lạm phát trên toàn thế giới thêm trầm trọng

Trong tháng Ba, ba chỉ số chính trong Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Trung Quốc đều nằm dưới mức chuẩn.

Tuy nhiên, trong khi sản xuất và nhu cầu của thị trường đều cùng lúc giảm, thì chỉ số giá tiếp tục tăng. Trong đó, chỉ số giá mua và chỉ số giá xuất xưởng của các nguyên liệu chính tăng lần lượt là 6,1% và 2,6%.

Là công xưởng của thế giới, chỉ số giá xuất xưởng của Trung Quốc tăng cao sẽ đẩy chi phí sản xuất toàn cầu lên cao và làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát trên toàn thế giới.

Trung Quốc là một trong những trung tâm sản xuất lớn của thế giới và là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nước này đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu trong 12 năm liên tiếp, với việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu sản phẩm đã qua quá trình sản xuất.

Gần đây, các yếu tố như sự không ổn định trong sản xuất do chính sách zero-COVID của Trung Quốc đang làm tăng chi phí sản xuất của Trung Quốc. Điều này đang kết hợp với sự tăng giá của nguyên liệu thô trên toàn thế giới làm giá cả tăng vọt lan rộng khắp thế giới thông qua các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Phong tỏa zero-Covid làm gia tăng chi phí sản xuất

Nhà phân tích tài chính Katherine Jiang tới từ Hong Kong nói với The Epoch Times rằng chính sách zero-COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đồng thời việc cắt giảm sản xuất và đóng cửa của các doanh nghiệp cũng làm giảm nguồn cung, gây áp lực tăng giá. Bà Jiang nói, điều này sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu.

Phong tỏa COVID của Trung Quốc có thể được chia thành hai loại: phong tỏa hoàn toàn và phong tỏa một phần. Từ quý 2 năm 2020 đến hết tháng 01/2022, 16 thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa hoàn toàn và 18 thành phố thực hiện phong tỏa một phần.

Ông Song Zheng, giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, đã công bố một bài báo vào ngày 30/03, trong đó ông sử dụng dữ liệu được cập nhập hàng tháng về giao thông giữa các thành phố của xe tải để tìm ra tác động của việc phong tỏa đối với thu nhập thực tế ở đô thị, cũng như tác động của hiệu ứng lan tỏa. Hiệu ứng lan tỏa chỉ ra rằng khi một tổ chức hoạt động, nó sẽ không chỉ tạo ra hiệu quả mong đợi mà còn tác động đến những người hoặc môi trường xã hội bên ngoài tổ chức.

Nghiên cứu trong bài báo của ông Song cho thấy rằng việc phong tỏa hoàn toàn sẽ làm tăng chi phí công nghiệp và thương mại giữa các thành phố và trong thành phố lần lượt là 67% và 144%. Việc phong tỏa một phần có tác động nhỏ hơn; và quy mô thành phố càng lớn thì tác động đến nền kinh tế càng lớn.

Trung Quốc xuất khẩu thiệt hại từ chính sách zero-Covid ra toàn thế giới
Một khu dân cư trong đợt phong tỏa COVID-19 ở quận Tĩnh An, Thượng Hải hôm 08/04/2022. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Theo thông báo của Cục Vận tải Đường bộ Thượng Hải, hôm 29/03, các phương tiện vận chuyển container vào cảng Thượng Hải phải có giấy phép phòng chống đại dịch điện tử do Công ty TNHH Cảng Quốc tế Thượng Hải (SIPG) cấp, chứng minh tài xế xe container có xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ và xét nghiệm kháng nguyên âm tính trong vòng 24 giờ.

Trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa, các xe tải chở hàng container bị kẹt trong tình trạng “bán tê liệt” và rất khó để các phương tiện đi vào Thượng Hải. Ngay cả khi các phương tiện vào được thì cũng khó để có thể ra khỏi Thượng Hải.

Phân tích của bài báo chỉ giới hạn ở những tác động ngắn hạn của việc phong tỏa và không đề cập đến tác động từ kỳ vọng, sự tiết kiệm và các quyết định đầu tư dài hạn.

Phân tích nghiên cứu của ông Song, bà Katherine Jiang cho rằng đối với một số ngành thâm dụng vốn, sản xuất bị hạn chế đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất cao hơn. Nguyên nhân đầu tiên là do chi phí cố định trung bình đã tăng lên. Hơn nữa, một số ngành như ngành thép có nhiều mắt xích sản xuất và các quy trình rườm rà; họ không thể dễ dàng ngừng sản xuất, và chi phí bắt đầu lại sản xuất sau khi tạm ngừng là rất cao.

19 lò cao ở Trung Quốc đã ngừng hoạt động kể từ ngày 24/03 do đại dịch, đồng nghĩa với việc các nhà máy thép phải gánh chịu nhiều khoản chi phí gia tăng.

Khi Tesla thành lập nhà máy ở Thượng Hải, giá xe bán lẻ của họ ở Trung Quốc được xác định dựa trên chi phí sản xuất và thị trường. Người phát ngôn của Tesla Trung Quốc nói với kênh truyền thông Trung Quốc Daily Economic News hôm 17/03 rằng họ sẽ tích cực tiến hành việc thử nghiệm axit nucleic và các yêu cầu phòng chống đại dịch khác của chính quyền Trung Quốc, đồng thời nỗ lực hết sức để đảm bảo duy trì sản xuất.

Trong khi đó, giá bán lẻ của các mẫu xe nội địa của Tesla đã được điều chỉnh tăng trong 3 lần giữa khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 17/03, mỗi lần tăng ít nhất 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,600 USD).

Nhà máy ở Thượng Hải của Tesla đã bị đóng cửa lần đầu tiên hôm 16 và 17/03 khi khu dân cư gần nhà máy đã trải qua 48 giờ xét nghiệm axit nucleic. Hôm 28/03, Thượng Hải bắt đầu một loạt các cuộc phong tỏa, tất cả các doanh nghiệp đều bị đóng cửa và các nhà máy tạm ngừng sản xuất. Vì vậy, nhà máy ở Thượng Hải của Tesla đã phải ngừng sản xuất một lần nữa. Ngày trở lại hoạt động sau đó bị hoãn lại từ hôm 01/04 đến 04/04, khiến đợt ngừng hoạt động thứ hai kéo dài tổng cộng 7 ngày. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc giao hàng trong quý 2 của Tesla.

Chính quyền Trung Quốc hạ thấp thiệt hại từ phong tỏa zero-Covid

Về mặt chính thức, ĐCSTQ phủ nhận rằng việc phong tỏa zero-COVID đã tạo ra thiệt hại rất lớn, gọi đó là "cuộc tấn công xuyên tạc" của phương tiện truyền thông phương Tây. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã thừa nhận hôm 25/03 rằng chính sách zero-COVID "thực sự gây tổn hại đáng kể”.

Theo phân tích và dự báo quý I năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc (CMF) thì Trung Quốc, với tư cách là một trong những trung tâm sản xuất của thế giới, có khả năng truyền áp lực lạm phát gia tăng từ các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô, thông qua xuất khẩu các sản phẩm đã qua quá trình sản xuất, sang các nước phát triển là các trung tâm tiêu thụ của thế giới.

Trung Quốc có khối lượng giao dịch thương mại cao nhất trong số hơn 120 quốc gia và khu vực trên thế giới. Trong khi Trung Quốc đang lan truyền sự gia tăng của giá nguyên liệu thô thông qua thương mại, thì nước này cũng đang lan truyền các tổn thất từ chính sách zero-COVID.

Ngoài thiệt hại về kinh tế do phong tỏa, việc xét nghiệm hàng loạt lặp đi lặp lại đối với các nhóm dân số lớn cũng là một công việc tốn kém. Hôm 04/04, Thượng Hải đã tiến hành một cuộc xét nghiệm axit nucleic trên toàn thành phố trong một ngày đối với toàn bộ dân số khoảng 25 triệu người. Dựa trên chi phí 10 nhân dân tệ cho mỗi lần xét nghiệm đối với mỗi người, ước tính chi phí mà chính quyền phải gánh chịu là khoảng 250 triệu nhân dân tệ (40 triệu USD). Trước cuộc xét nghiệm cư dân toàn thành phố của Thượng Hải, một số đợt xét nghiệm khác đã được thực hiện ở các khu vực khác nhau.

Theo Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) do Cục Thống kê Quốc gia công bố vào tháng Ba, chỉ số PMI sản xuất, Chỉ số Hoạt động Kinh doanh Phi Sản xuất và Chỉ số Sản lượng PMI tổng hợp lần lượt là 49,5%, 48,4% và 48,8%, giảm lần lượt 0,7, 3,2 và 2,4% so với tháng Hai, cho thấy mức độ thịnh vượng chung của nền kinh tế Trung Quốc đang giảm.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc xuất khẩu thiệt hại từ chính sách zero-Covid ra toàn thế giới