Úc cần rút ra bài học từ sự sụp đổ kinh tế của Argentina

Giúp NTDVN sửa lỗi

Úc có thể rút ra nhiều bài học hữu ích từ sự sụp đổ của Argentina, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới vào đầu những năm 1900. Có lẽ đã tới lúc phải làm trong sạch nước Úc, làm sạch những mục nát ẩn giấu đằng sau một mặt tiền ấn tượng.

Một cuộc khảo sát của JP Morgan cho thấy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Úc “lạc quan một cách thận trọng về nền kinh tế”, trong khi gần một nửa dự đoán một cuộc suy thoái vào năm 2023. Nó cũng chỉ ra rằng giá năng lượng “tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp Úc”.

Tương tự, Ngân hàng Dự trữ Úc đã chỉ ra vào tháng 11/2022 rằng “triển vọng về sự chậm lại đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng lên… được thúc đẩy bởi lạm phát cao liên tục và lãi suất chính sách gia tăng, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và nhiều cơn gió ngược chiều khác nhau ảnh hưởng đến sự phục hồi của Trung Quốc".

Trong một thời kỳ kinh tế bất ổn này, Úc có thể học hỏi được nhiều điều từ những diễn biến lịch sử ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Argentina.

Argentina và Úc có diện tích đất canh tác và đồng cỏ tương đương nhau. Năm 1900, cả hai quốc gia đều có dân số xấp xỉ bốn triệu người. Kể từ đó, dân số Úc đã tăng khoảng 21 triệu người và dân số Argentina đã tăng 41 triệu người.

Argentina là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới vào đầu những năm 1900. Tên của quốc gia này bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là bạc, Argentum, và nó có một bến cảng tự nhiên tráng lệ ở cửa sông River Plate, cụm từ bắt nguồn từ Río de la Plata, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Dòng sông Bạc. River Plate là cửa sông của ba con sông lớn và là lối ra cho phần lớn các sản phẩm khoáng sản, nông nghiệp từ một vùng nội địa trù phú.

Úc cần rút ra bài học từ sự sụp đổ kinh tế của Argentina
Cảng Buenos Aires, trên sông Rio de la Plata (River Plate), vào ngày 05/08/2022. (Ảnh: Luis Robayo/AFP qua Getty Images)

Mở cửa thương mại của châu Âu

Trên khắp Thái Bình Dương, dân số châu Âu đã bùng nổ sau cuộc Cách mạng Công nghiệp được thúc đẩy bởi than. Trong bốn thế kỷ trước năm 1750, bệnh dịch hạch và nạn đói thường xuyên ghé thăm Vương quốc Anh và mức tăng dân số trung bình trong thời kỳ đó là khoảng 3% mỗi thế kỷ.

Từ năm 1750 đến năm 1850, dân số tăng 300%, không phải do tỷ lệ sinh tăng mà chủ yếu là do tuổi thọ tăng. Nhưng giá ngũ cốc sản xuất tại địa phương được bảo vệ bằng thuế quan đã đẩy giá bánh mì cao hơn ngân sách hộ gia đình trung bình, và người nghèo phải dùng đến khoai tây làm lương thực chính. Đến năm 1840, dân số tăng quá nhanh, sản xuất và phân phối lương thực không theo kịp tốc độ tăng dân số.

Vào những năm 1840, Vương quốc Anh có một Quốc hội gồm khoảng 650 thành viên và luật đã được thông qua để bảo vệ thương mại và giá cả của các sản phẩm thực phẩm được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, theo lời của tác giả Edgar Sanderson, vào năm 1840, “nạn đói hoành hành, và ở đâu người ta cũng bắt gặp những người đàn ông hốc hác, tiều tụy, phụ nữ héo hon và trẻ em gầy còm”.

Sau đó, vào năm 1845, khi vụ khoai tây của Ireland bị bệnh tàn rụi tàn phá, tình hình trở nên tuyệt vọng.

Đối phó với những hoàn cảnh kinh tế đầy thách thức này, một nhóm đàn ông mạnh mẽ đã thúc đẩy ý tưởng về thương mại tự do. Ý tưởng này loại bỏ sự kiểm soát của chính phủ đối với giá cả bằng cách giảm đáng kể thuế đánh vào thương mại. Họ đã thành lập Liên đoàn chống luật ngô.

Liên đoàn này đã thuyết phục chính phủ từ bỏ các biện pháp kiểm soát giá hiệu quả đối với lương thực chính - "ngô" khi đó được dùng để mô tả lúa mì, yến mạch, lúa mạch và lúa mạch đen - và ủng hộ thương mại tự do. Điều này liên quan đến việc bỏ thuế “bảo hộ” đối với hầu hết trong số 1.200 mặt hàng được liệt kê và cải cách Đạo luật Hàng hải để tạo điều kiện cho sự cạnh tranh giữa tàu nước ngoài và tàu buôn của Anh.

Sự sụp đổ của Argentina

Vào khoảng đầu thế kỷ này, vào đầu những năm 1900, thịt và ngũ cốc của Argentina sau đó đã được cung cấp cho châu Âu. Argentina cũng chỉ đứng sau Mỹ về số lượng người nhập cư từ châu Âu, và nền kinh tế thịnh vượng dẫn đến vị thế là quốc gia giàu thứ bảy trên thế giới vào năm 1908.

Công ty Anh, Swifts, đã xây dựng một lò mổ trên River Plate để phục vụ thương mại đang bùng nổ với châu Âu. Với việc phát minh ra hệ thống làm lạnh tàu biển vào năm 1876 và việc mở cửa Kênh đào Panama vào năm 1914, Úc có thể cạnh tranh và Swifts đã xây dựng một lò mổ giống hệt trên sông Brisbane tại Cannon Hill vào năm 1913.

Sau vài thập kỷ thịnh vượng đầu tiên của thế kỷ 20, Argentina hiện đã chìm trong khó khăn kinh tế, gần đây phải nhập khẩu thịt và ngũ cốc do các chương trình thuế.

Úc cần rút ra bài học từ sự sụp đổ kinh tế của Argentina
Một người biểu tình vẫy lá cờ có hình cố Tổng thống Argentina Juan Domingo Peron và phu nhân Eva Duarte ở Buenos Aires, Argentina, vào ngày 17/10/2020. (Ảnh: Alejandro Pagni/AFP qua Getty Images)

Chuyên gia dữ liệu lịch sử Aaron O'Neill đã lập luận rằng "việc bầu ra Tổng thống Juan Perón năm 1946 đã chứng tỏ là một điểm mấu chốt trong lịch sử của Argentina" và rằng các chính sách biệt lập và chi tiêu cấp tiến của ông đã góp phần gây ra lạm phát nghiêm trọng.

Nhiều bài tiểu luận học thuật đã được viết về sự sụp đổ kinh tế của Argentina, nhưng chắc chắn kết quả cuối cùng của các chính sách độc tài kiểu Peron của chính phủ lớn phối hợp với các công đoàn lớn và các tập đoàn lớn, chà đạp thô bạo lên các nhu cầu cơ bản của dân chúng, đã nói lên tất cả.

Úc sẽ theo chân Argentina?

Các chính sách tương tự hiện đang được thực hiện ở Úc trong nỗ lực nhằm đáp ứng các mục tiêu phát thải không thực tế được đặt ra bởi một tập hợp các quốc gia khác nhau đi theo những lời khuyên khoa học không đáng tin.

Các cáo buộc chống lại carbon dioxide phải được thử thách tại các tòa án trước khi nước Úc tiếp tục đi theo con đường của người Argentina dẫn đến hư không.

Tuy nhiên, các trường học ở Úc dạy về lịch sử theo chủ nghĩa xét lại, che dấu những xấu xa trong quá khứ để tẩy uế và phổ biến các mục tiêu chính trị có hại cho tiến bộ kinh tế và hạnh phúc của con người.

Tòa nhà lò mổ Cannon Hill của Swifts trên sông Brisbane là một phép ẩn dụ cho nền kinh tế Úc ngày nay.

Khi một kỹ sư trẻ được giao nhiệm vụ điều tra và đảm bảo sự ổn định về cấu trúc của công trình đầy ấn tượng này, anh ta phát hiện ra rằng mặt tiền của công trình che giấu một tòa nhà mục nát bị rỉ sét, chuột và gián phá hoại.

Chắc chắn, đã đến lúc phải làm trong sạch nước Úc, bắt đầu bằng việc cải cách cơ bản hệ thống thuế cổ xưa và có tính phá hoại. Các chính sách chi tiêu không kiểm soát và việc thực hiện các dự án hợp tác thân mật với chính phủ lớn thông đồng với các công đoàn lớn và doanh nghiệp lớn, không đem lại lợi ích cho Úc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó cho Phó hiệu trưởng và Trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được Thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Úc, châu Á, châu Âu, và Mỹ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” (“Sự Lựa chọn Kì dị”) và “The Coincidence” (“Sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên”).
Tác giả John McRobert là một kỹ sư xây dựng với hơn 60 năm kinh nghiệm trong thiết kế, xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng lớn, đồng thời nghiên cứu ảnh hưởng của các sự kiện tự nhiên cực đoan đối với các công trình nhân tạo. Ông thành lập Nhà xuất bản CopyRight vào năm 1987 để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tranh luận có hiểu biết, xuất bản hơn 200 cuốn sách, bao gồm các tập chuyên đề của các nhà địa chất và kỹ sư về các sự kiện địa chấn lớn trên Trái đất.



BÀI CHỌN LỌC

Úc cần rút ra bài học từ sự sụp đổ kinh tế của Argentina