Virus Corona Vũ Hán 'đánh sập' các dự án Vành đai và Con đường nặng trĩu nợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà phân tích ước tính “các khoản nợ ẩn giấu” mà các quốc gia đang phát triển nợ Trung Quốc có tổng trị giá là 380 tỷ USD trước khi xuất hiện cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu do virus Corona Vũ Hán. Montenegro, đã vay Trung Quốc 750 triệu USD để xây dựng đường cao tốc, nằm trong số những quốc gia đi vay, đang khốn đốn vì ​​giá cả hàng hóa lao dốc và tỷ giá tăng vọt...

Năm 2014, quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu, Montenegro đã nhìn thấy cơ hội phóng lên vũ đài thế giới khi nước này vay Trung Quốc được 750 triệu USD để xây dựng đường cao tốc nối biển Adriatic và Serbia. Đường cao tốc, được trợ vốn như là một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ thúc đẩy nền kinh tế và giúp mở đường cho quốc gia trẻ này hội nhập vào Liên minh Châu Âu (EU).

Sáu năm sau, với đại dịch virus Corona Vũ Hán đang hủy diệt sinh mạng và các nền kinh tế trên toàn thế giới, khoản nợ khổng lồ và “con đường cao tốc đến hư không” đang làm gia tăng lo ngại về dự án đường cao tốc Bar-Boljare dài 165 km và có nguy cơ ảnh hưởng tới “điểm số” của các dự án BRI khác trên khắp châu Á, châu Phi và Đông Âu.

Dự án này đã gia tăng nợ công của Montenegro lên 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngành công nghiệp du lịch - đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế - đang thoi thóp vì virus Corona Vũ Hán. Tháng 3 vừa qua, cơ quan xếp hạng Moody’s đã hạ triển vọng tín dụng của quốc gia này xuống dưới mức ổn định, khi nêu ra tình trạng dang dở của dự án đường cao tốc khủng này.

Để bảo vệ dự án “con cưng” của mình, Thủ tướng Dusko Markovi đã cho biết vào hồi tháng 3 tại thủ đô Podgorica rằng: “Đường cao tốc Bar-Boljare không chỉ là một xa lộ, nó còn là một con đường dẫn đến hệ thống giá trị phương Tây”. Một tuyên bố của chính phủ cho biết thêm: “Thủ tướng Markovi nhấn mạnh rằng không có cuộc thảo luận nào về việc phá sản hay ‘lệ thuộc vì nợ’, đây toàn là những suy đoán”.

Một cuộc khủng hoảng nợ mang đặc tính Trung Quốc

Các quốc gia có dự án BRI như Montenegro đã mắc nợ Bắc Kinh rất lớn và phải đối mặt với những khó khăn ngày càng gia tăng liên quan đến đại dịch khi giá cả hàng hóa lao dốc, thương mại chao đảo và tỷ giá hối đoái thay đổi.

“Một cuộc khủng hoảng nợ mang đặc tính Trung Quốc?” Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức đã cảnh báo trong một báo cáo năm ngoái khi nêu ra những rủi ro vỡ nợ ngày càng tăng.

Bên cạnh thách thức của việc quản lý số tiền nợ toàn cầu đang gia tăng là vấn đề thiếu minh bạch của Bắc Kinh.

“Chính phủ Trung Quốc coi các chi tiết của chương trình cho vay ở nước ngoài là bí mật quốc gia. Không ai thực sự biết các con số”, theo ông Brad Parks, giám đốc điều hành của AidData, một đơn vị thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, và là đồng tác giả của một nghiên cứu về các hoạt động cho vay của Trung Quốc được Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) phát hành vào tháng 3.

Các chuyên gia ước tính rằng “các khoản nợ ẩn giấu” mà các quốc gia đang phát triển vay Trung Quốc tổng cộng là 380 tỷ USD ngay trước cuộc khủng hoảng, nhiều hơn cả tổng nghĩa vụ nợ của họ với Câu lạc bộ Paris (một nhóm gồm 19 quốc gia chủ nợ giàu có), thậm chí còn nhiều hơn tổng nợ của họ với Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

“Rất khó để xác định một liên kết yếu trong chuỗi. Đó là tổng thể toàn bộ chuỗi”, ông Scott Morris, đồng tác giả của nghiên cứu có tiêu đề “Các điều khoản cho vay của Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới: Một sự so sánh có hệ thống giữa 157 quốc gia và 15 năm”, và là một thành viên của CGD, cho biết.

Các khoản vay của Trung Quốc đã giúp trợ vốn cho các dự án năng lượng, khai thác mỏ, thủy điện và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác ở hơn 100 nước đang phát triển theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (ước tính trị giá 8 nghìn tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống.

15 trong số 68 quốc gia tham gia BRI đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các hoạt động cho vay đơn lẻ của Trung Quốc lại khiến nhiều nước đang phát triển ngày càng dễ bị tổn thương trong môi trường hiện tại.

Viện Kiel nêu ra những điểm tương đồng kỳ lạ giữa BRI và cuộc khủng hoảng nợ năm 1970 đã tàn phá nhiều quốc gia dễ bị tổn thương tương tự ở Mỹ Latinh và châu Phi trong hơn một thập kỷ qua.

“Một điều đáng kinh ngạc là hầu hết tất cả các đặc điểm này đều phù hợp với sự bùng nổ cho vay ra nước ngoài vẫn đang gia tăng của Trung Quốc”, Viện Kiel chia sẻ khi nêu ra sự giám sát yếu kém và tính minh bạch hạn chế của Trung Quốc. “Hai sự bùng nổ cho vay này có thể nói là giống như ‘cặp song sinh’ vậy”.

Các nhà phân tích cho biết, trong số các quốc gia có nguy cơ cao không trả được nợ, có các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa là Angola, Ecuador, Nigeria và Venezuela; các nền kinh tế châu Á nhỏ hơn như Lào, Campuchia và Cộng hòa Kyrgyzstan; và các quốc gia ở châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh.

CGD nhận thấy rằng 15 trong số 68 quốc gia có dự án Vành đai và Con đường phải đối mặt với nguy cơ khốn đốn về khoản nợ lớn - về cơ bản là vỡ nợ hoặc không có khả năng để trả lại những gì họ nợ - trong đó có 8 nước khác đang có nguy cơ rất cao.

Trung Quốc có trữ lượng tiền tệ lớn và nền kinh tế của nước này dự kiến ​​sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ về quy mô tuyệt đối trong những năm tới. Nhưng bất kỳ sự vỡ nợ BRI nào cũng có thể xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục 6,2%, nợ xấu từ các công ty quốc doanh “xác sống” tăng cao và 460.000 công ty Trung Quốc đóng cửa vĩnh viễn.

Trung Quốc cho nước nghèo vay tiền để bành trướng đối ngoại

Dựa trên 2.453 khoản mà Trung Quốc cho 157 quốc gia vay, ông Parks và ông Morris nhận thấy 23% khoản vay chủ yếu dành cho các nước nghèo nhất theo các điều khoản ưu đãi, thậm chí với lãi suất bằng 0, về cơ bản trở thành một sự bành trướng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đó là các khoản vay cho Cameroon, Botswana, Lesotho và Sudan, các nước này đã được miễn nợ trong những năm gần đây.

Hầu hết các khoản vay này liên quan đến các dự án ràng buộc lãnh đạo quốc gia với Bắc Kinh, bao gồm các sân vận động, trung tâm hội nghị và các dự án phù phiếm ở quê hương của một vị lãnh đạo, ông Park cho biết. Trụ sở Liên minh Châu Phi trị giá 200 triệu USD ở Ethiopia cũng thuộc diện này. Trụ sở được xây dựng trong bối cảnh có những cáo buộc rằng các đội xây dựng Trung Quốc đã nhúng các thiết bị nghe lén vào “món quà của Trung Quốc tặng châu Phi”.

Trung Quốc đã giúp đỡ phát triển kinh tế châu Phi “một cách vị tha” trong khi các nước khác có chương trình nghị sự của riêng họ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết vào năm 2018 khi đáp lại các cáo buộc phi lý mà ông gọi là cái cớ để chia rẽ châu Phi và Trung Quốc.

“Khoản thanh toán mà Trung Quốc đang nhận được không phải là kinh tế hay thương mại, mà là chính trị”, ông Parks cho biết. “Nó giúp Trung Quốc được các nước này bỏ phiếu tán thành trong Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc”.

Nhưng khoảng 77% các khoản vay khác của Trung Quốc, đáng lo ngại hơn khi các nước đang phát triển sa lầy vào, hầu như là dành cho thương mại. Trung bình, các khoản vay này mang đến lãi suất cao hơn 2 điểm phần trăm, thời hạn khoản vay ngắn hơn với yêu cầu tài sản đảm bảo nhiều hơn so với các đối tác như IMF, Ngân hàng Thế giới hoặc Câu lạc bộ Paris.

Mặc dù 2 điểm phần trăm nghe có vẻ nhỏ, nhưng con số chênh lệch này sẽ khiến một quốc gia nghèo phải chi tới 56 triệu USD tiền phải trả trong vòng 17 năm trên một khoản vay trung bình 300 triệu USD.

Các nước nghèo buộc phải gia tăng nợ thương mại, lãi suất cao từ các ngân hàng thương mại cổ phần Trung Quốc

Các nhà phân tích cho biết trong những năm gần đây, các nước nghèo nhất đã có xu hướng vay thêm các khoản vay hầu như dành cho thương mại từ 4 ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc, cùng với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CBD) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (đang nắm giữ nợ của Montenegro). Các ngân hàng này rất không sẵn lòng để xóa nợ.

Trong những tuần gần đây, IMF, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về Châu Phi, và Chiến dịch Jubilee (một phong trào dân sự nhằm giảm nợ cho các quốc gia đang phát triển) đã thúc giục những nước cho vay giàu có tái cơ cấu và miễn những khoản tiền khổng lồ mà các quốc gia nghèo đã nợ; nhưng cho đến nay, có rất ít phản hồi từ Bắc Kinh hoặc các thủ đô khác.

Các nhà phân tích cho biết thêm: tính phức tạp của vấn đề nằm ở sự giấu giếm, thiếu kinh nghiệm xử lý nợ trong một cuộc khủng hoảng và khuynh hướng hành động một mình của Bắc Kinh, thể hiện ở việc họ đã nhiều lần từ chối lời mời tham gia Câu lạc bộ Paris 65 năm tuổi với một kho các bài học quý giá.

“Họ có một bộ quy tắc riêng của họ”, ông Morris nói. “Tuy nhiên, họ thiếu minh bạch nên rất khó để đánh giá các quy tắc đó”.

Theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Trung Quốc không sắp đặt để gài bẫy các nước BRI trong một “bẫy nợ” nhằm gia tăng kiểm soát chính trị như các nhà phê bình phương Tây cáo buộc.

Tuy nhiên tài sản đảm bảo khổng lồ mà Trung Quốc đòi hỏi đối với các khoản vay hầu như dành cho thương mại có thể cho ra một số kết quả tương tự, ông Parks và ông Morris nói. Một ví dụ minh chứng là khi Sri Lanka vỡ nợ và Trung Quốc giành được cảng ở Hambantota.

Các tài liệu cho vay của Trung Quốc thường xuyên ủy thác cho các nhà thầu cụ thể của Trung Quốc - bao gồm Huawei, ZTE, Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc và Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) - và việc nhập khẩu miễn thuế đối với thép, kính, nhôm và các vật liệu khác của Trung Quốc đang giúp Trung Quốc tiêu thụ một số sản phẩm nhà máy dư thừa của nước mình.

IMF, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác thường tránh cái gọi là cho vay vòng quanh này và nhấn mạnh vào việc đấu thầu cạnh tranh để ngăn chặn nạn tham nhũng và thói kéo người nhà vào làm.

“Chiếc bánh đã được nướng ngay từ đầu”, ông Parks nói.

Các nhà phân tích cho rằng dự án đường cao tốc Montenegro cũng đi theo mô hình kinh điển này. Nó do Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc nắm giữ, chỉ định CRBC là nhà thầu chỉ đạo.

Tài sản đảm bảo mà Trung Quốc thu giữ của các nước nghèo khi họ vỡ nợ chính là lãnh thổ, tài nguyên

Tài sản đảm bảo - khi khoản vay vỡ nợ - bao gồm các mỏ than, cảng và đường sắt, theo ông Dejan Milovac, giám đốc điều tra của nhóm dân sự Mạng lưới Khẳng định Khu vực Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Podgorica. “Đây có lẽ là tất cả tài sản của Montenegro”, ông nói thêm.

Khoản vay chỉ bao gồm 41 km đầu tiên của đường cao tốc, bây giờ đang chậm tiến độ, vì 124 km còn lại dự kiến giá sẽ lên tới hơn 1 tỷ USD. Trước khi Trung Quốc đến, hai tập đoàn quốc tế đã từ chối kế hoạch này sau khi các nghiên cứu khả thi cho thấy cần có ít nhất 22.000 phương tiện giao thông sử dụng hàng ngày để hòa vốn, trong khi lưu lượng thực tế hiện nay chỉ là 6.000.

“Chính phủ đưa ra các ưu đãi, bao gồm cả lương và vật liệu được miễn thuế mà không có quốc gia nào trong khu vực sẵn sàng cung cấp cho Trung Quốc”, ông Jovana Marovic, giám đốc điều hành của Politikon Network, một nhóm dân sự của Montenegro, cho biết.

Hồi tháng 9, IMF đã đề nghị rằng Montenegro nên ngừng xây dựng, ít nhất là cho đến khi nền kinh tế được cải thiện. Khoản vay với lãi suất 2% được định giá bằng USD với tỷ giá hối đoái gần đây làm tăng chi phí trả nợ lên tới 18%.

Tiền của Trung Quốc đi đến đâu, chính phủ nước nghèo tham nhũng trầm trọng đến đó

Một mối quan tâm nữa là tham nhũng. Các giao dịch giữa Trung Quốc và đảng cầm quyền Montenegro được giữ bí mật, mở đường cho các thỏa thuận hợp đồng thầu phụ đáng ngờ với những người bạn thân của đảng cầm quyền, ông Milovac nói và cho biết thêm: “Nó giống như một thiên đường cho các nhà báo điều tra”.

Các đại sứ quán của Montenegro và Trung Quốc tại Washington đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Cơ quan giám sát Minh bạch Quốc tế xếp Montenegro ở mức 45/100, với mức 100 được xem là hoàn toàn trong sạch, dựa trên chỉ số phát hiện tham nhũng gần đây nhất của họ vào năm 2019, cùng năm một video đã xuất hiện chỉ ra rằng một chính trị gia của đảng cầm quyền đang nhận một phong bì trị giá 100.000 euro (110.000 USD) làm chi phí bầu cử. Đảng này đã nắm quyền từ khi Nam Tư tan rã năm 1989.

“Tham nhũng rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực và vẫn luôn là một vấn đề đáng quan tâm”, Ủy ban Châu Âu cho biết trong một báo cáo quốc gia năm 2019 khi nêu ra rằng các thỏa thuận cơ sở hạ tầng là đặc biệt dễ bị tổn thương.

Khoảng 80% của 41 km đầu tiên của đường cao tốc Montenegro là những cây cầu và đường hầm thông qua một số địa hình gồ ghề, làm cho đoạn đường này thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất ở châu Âu.

Dự án này đã làm người dân chia thành hai phe: một phe chào đón cơ sở hạ tầng này (đường cao tốc đầu tiên của đất nước), còn một phe thì thấy nó đắt một cách quá đáng so với nền kinh tế còn eo hẹp và chỉ có 600.000 dân, ông Jacob Mardell, một nhà nghiên cứu làm việc với Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức, người đã báo cáo từ đất nước Balkan, cho biết.

Ông Mardell và ông Milovac nói rằng hầu hết những người dân Montenegro phản đối dự án có xu hướng tức giận với chính phủ của họ hơn là tức giận Trung Quốc.

“Người Trung Quốc chỉ đang hành xử giống như họ vẫn thường hành xử thôi”, ông Milovac nói. “Trung Quốc ở đây để kiếm lợi. Chính phủ của chúng ta phải có nhiệm vụ bảo vệ chúng ta”.

Dự án này hấp dẫn Trung Quốc vì kỹ thuật đầy thách thức, một cơ hội để học hỏi các hoạt động kinh doanh ở vùng ngoại vi phía Tây Âu - và dự án này sẽ mang lại cho Bắc Kinh một vị trí đổ bộ nếu Montenegro cuối cùng gia nhập được EU, ông Mardell cho biết.

“Đây là cách tốt để gây ảnh hưởng trong thị trường EU, đây là mục đích cuối cùng của họ. Về lý thuyết, họ không có gì để mất, miễn là khoản vay được trả lại”, ông nói.

Thủy Tiên

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Virus Corona Vũ Hán 'đánh sập' các dự án Vành đai và Con đường nặng trĩu nợ