Vì sao ông Nguyễn Công Khế bị bắt? Tiểu sử cựu TBT báo Thanh Niên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguyễn Công Khế là một nhà báo và cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Ông sinh năm 1954 tại Quảng Nam, Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Khế đã đồng sáng lập báo Thanh Niên và là Tổng Biên tập của báo từ năm 1988 đến năm 2008.

Vì sao ông Nguyễn Công Khế bị bắt

Tuy nhiên, vào ngày 16/1/2024, ông Nguyễn Công Khế đã bị cơ quan An ninh điều tra Công an TP. HCM khởi tố và bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí". Cùng với ông Khế, ông Nguyễn Quang Thông, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, cũng bị bắt cùng với tội danh tương tự.

Trước đó, báo Đất Việt cho biết, ông Nguyễn Công Khế bị Cục An ninh điều tra, Bộ Công An, triệu tập cả tuần nay để điều tra vụ bán trụ sở báo Thanh Niên cho tập đoàn Novaland.

Bài báo cho biết, vụ việc liên quan đến Nguyễn Công Khế và Novaland xoay quanh việc mua lại một mảnh đất tại Bến Vân Đồn, TP. HCM. Ban đầu, mảnh đất này dự định được sử dụng để xây dựng căn hộ cao cấp cho thuê. Tuy nhiên, vì Thanh Niên không có chức năng phát triển và cho thuê bất động sản, ông Nguyễn Công Khế đã thành lập một công ty bất động sản mang tên Bất Động Sản Báo Thanh Niên để mua lại mảnh đất này.

Báo Công an nhân dân viết:

"Mặc dù đã cổ phần hóa doanh nghiệp đầu tư dự án để thu hút vốn đầu tư, nhưng sau đó Công ty CP BĐS Thanh Niên đã không triển khai dự án này mà chuyển nhượng lòng vòng cho một số nhà đầu tư trực tiếp làm dự án này.

Dự án sau đó được đổi tên thành RiverGate với 2 tòa nhà cao tầng, trong đó tháp A có cao 27 tầng và tháp B có chiều cao 33 tầng. Do có vị trí đắc địa, chỉ cách quận 1 vài chục mét nên giá bán căn hộ tại dự án này khá cao. Thời điểm đưa ra chào bán vào năm 2017-2018, căn hộ 2 phòng ngủ diện tích hơn 50 m2 đã có giá trên 4 tỷ đồng".

Nội tình vụ án bến Vân Đồn cùng Nguyễn Công Khế và báo Thanh Niên

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm trong ban Thư ký của báo Thanh Niên, chia sẻ nội tình vụ án bến Vân Đồn như sau:

"Đó là khu đất của nhà máy thuốc lá phải dời đi trả lại cho nhà nước. Vợ ông Khế làm việc tại nhà máy thuốc lá này nên biết chuyện mách với ông Khế rằng nhà nước sẽ bán lại khu đất, ưu tiên cho các cơ quan nhà nước có nhu cầu mua theo giá chỉ định mà không qua đấu thầu.

Ông Khế lúc đó là tổng biên tập đã thông báo cho toàn cơ quan biết sẽ làm thủ tục với bộ tài chính mua lại khu đất đó để xây dựng toà soạn báo TN mới. Tuy nhiên giá mua bao nhiêu và nguồn tiền lấy từ đâu để mua thì không nghe thông báo công khai nên tui cũng như mọi nhân viên trong báo không biết được.

Dưới tài ngoại giao của ông Khế, mọi việc diễn ra suôn sẻ, khoảng một năm sau thì báo TN nhận được khu đất. Khi dời đi, nhà máy thuốc lá để lại một toà nhà cao 3 tầng với nhiều phòng ốc rộng rãi. Lúc đó toà soạn 248 Cống Quỳnh của báo TN trở nên quá chật nên một số bộ phận dời qua làm việc bên đó, đi đầu tiên và chiếm nhiều phòng ở đó là bộ phận Thanh Niên Online của tui.

Làm việc được hơn một năm thì có lệnh các bộ phận dời hết về lại toà soạn cũ để bàn giao cơ sở lại cho ban dự án xây dựng toà soạn mới. Lúc đó tui nghe thông báo rằng báo TN sẽ hợp tác với doanh nghiệp (nào đó mà tui không biết) xây dựng một toà cao ốc văn phòng và nhà ở cao vài chục tầng. Báo sẽ lấy vài tầng làm toà soạn, còn lại cho thuê.

Công việc còn đang dở dang thì bất ngờ, ông Khế bị kỷ luật mất chức TBT và chuyển qua làm chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn truyền thông Thanh Niên. Vụ kỷ luật này là do sai phạm liên quan đến vụ án PMU 18 mà báo TN lúc đó hăng hái đăng bài, không liên quan gì đến khu đất. Ông Nguyễn Quang Thông đang là phó TBT được cử lên làm TBT. Ông Thông thay ông Khế tiếp tục chỉ huy triển khai dự án. Đó là trên danh nghĩa, nhưng thực tế ông Khế đứng bên điều hành hết mọi việc. Điều đó cũng hợp lý vì ông Thông mới lên chưa nắm gì, còn ông Khế đã nắm rõ từ trước. Và chỉ có ông Khế mới đủ tầm để ngoại giao xoay sở thúc đẩy dự án tiến triển.

Diễn biến tiếp theo hầu như ban biên tập không thông báo ra toàn cơ quan nên những người chỉ làm chuyên môn như tui không hề biết dự án tiến hành như thế nào. Tui biết báo TN và cả tập đoàn truyền thông Thanh Niên không thể có đủ vài trăm tỉ để mua khu đất chứ đừng nói làm cả một dự án to lớn. Một thời gian sau thì tui tình cờ biết được báo TN đã vay của ông Vượng một số tiền khá lớn để mua khu đất.

Tui biết được là có một cuộc họp toàn ban biên tập gồm TBT, các phó TBT và các uỷ viên ban biên tập ký giấy bán lại 25% cổ phần của dự án để lấy tiền trả nợ cho ông Vượng. Bán cho ai thì cũng chỉ ban biên tập biết. Một vài uỷ viên ban biên tập sau khi dự họp ra ngoài nói chuyện tui nghe được. Mới đây toàn bộ những người có ký vào giấy bán đó đều bị cơ quan điều tra mời lên làm việc.

Như vậy là còn 75% cổ phần của dự án to lớn ấy thuộc về ai? Đại gia nào đã tham gia góp vốn và tham gia như thế nào, có hợp pháp hay bất hợp pháp? Và ai cho phép doanh nghiệp bên ngoài tham gia vào khi khu đất đó chỉ được bán cho báo TN xây toà soạn. Tui biết chắc rằng báo TN và tập đoàn truyền thông TN lúc đó và ngay cả bây giờ không thể nào có đủ tiền để xây dựng một dự án lớn cả ngàn tỉ như vậy. Do đó phải bán lại cho đại gia nào đó là điều tất yếu. Nhưng đại gia nào nhảy vào vẫn là bí mật đối với tui cho đến khi tui về hưu vào năm 2012.

Cũng từ đó, tui không còn để ý gì đến dự án đó nữa. Rồi một lần tui đi ngang qua khu đất, thấy lù lù nổi lên một toà cao ốc cao to, hoành tráng ghi tên là Novaland. Vậy chắc chắn 75% đó đã thuộc về Novaland và có thể thuộc một số doanh nghiệp khác mà chỉ ban biên tập báo TN mới biết được.

Sai phạm thấy rõ của hai ông Khế và Thông là mua đất theo giá chỉ định để xây toà soạn nhưng đã chuyển đổi mục đích và bán cho tư nhân theo giá thị trường để hưởng chênh lệch cao. Ai đã cấp phép để xây dựng một toà cao ốc to như vậy? Một vấn đề nữa là tiền chênh lệch đó đưa đi đâu? Vấn đề này thì ban biên tập cũ và mới biết, cơ quan cấp trên của báo là trung ương đoàn biết. Có lẽ vấn đề này liên quan đến nội dung khởi tố vụ án là hai ông đã “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Chi tiết bài chia sẻ của ông Huỳnh Ngọc Chênh có tại đây:

Tiểu sử Nguyễn Công Khế

Nguyễn Công Khế là một nhà báo, đồng sáng lập báo Thanh Niên và từng là Tổng Biên tập của báo này từ năm 1988 đến năm 2008. Ông sinh năm 1954 tại Quảng Nam và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên . Ông cũng từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam và đã được trao huy chương vì sự nghiệp báo chí.

Trước năm 1975, ông hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh chống chính quyền miền Nam (cũ) tại Đà Nẵng và Sài Gòn. Sau đó, ông công tác tại Thành đoàn TP. HCM và sau đó chuyển sang làm việc tại báo Phụ nữ Việt Nam. Năm 1986, ông cùng Huỳnh Tấn Mẫm sáng lập báo Thanh Niên và giữ vai trò phó Tổng biên tập. Từ năm 1988 đến 2008, ông làm Tổng biên tập báo Thanh Niên và được coi là tổng biên tập thâm niên nhất trong làng báo Việt Nam.

Ngoài công tác báo chí, ông Nguyễn Công Khế còn là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Ông cũng là Trưởng ban Giám khảo của nhiều cuộc thi như Siêu mẫu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 và là thành viên Ban Giám khảo của các cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2007, Hoa hậu Hoàn vũ 2008 và Hoa hậu Trái Đất 2011.

Nguyễn Công Khế đã tham gia làm giám khảo tới 9 lần, từ cuộc thi có Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa đăng quang cho tới cuộc thi mà Hoa hậu Mai Phương Thúy đăng quang.

Nguyễn Công Khế là ai? Vợ Nguyễn Công Khế, MC Quỳnh Hương
Ảnh: Facebook Nguyễn Công Khế

Sai phạm của ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông

Truyền thông trong nước đưa tin, ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông đã phạm sai phạm trong quá trình triển khai Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. HCM. Cả hai người này đã bị khởi tố và bắt tạm giam với tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Dựa vào kết quả điều tra, Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. HCM đã xác định rằng Nguyễn Công Khế (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên) và Nguyễn Quang Thông (nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên) đã có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai dự án tại khu đất trên. Cụ thể, các sai phạm là: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Trên Facebook cá nhân, vào ngày đầu năm 2024, ông Khế viết: "Năm mới 2024, chúc tất cả mọi người cùng các bằng hữu bình an vô sự".

Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. HCM tiến hành điều tra và mở rộng để làm rõ các sai phạm và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác có liên quan, cũng như thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Hiện trạng lô đất liên quan đến sai phạm

Trong cáo bạch của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova năm 2017 thể hiện, doanh nghiệp này đã mua lại dự án RiverGate tại số 151-155 Bến Vân Đồn, trước là khu đất của Dự án Cao ốc Văn phòng - Trung tâm thương mại và Căn hộ do CTCP Bất động sản Thanh Niên làm Chủ đầu tư. Từ đó, lô đất 151-155 Bến Vân Đồn cũng gắn với doanh nghiệp này.

Novaland đã xây dựng 2 tòa cao ốc tại lô đất trên. Dự án RiverGate Residence hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2017 bao gồm 2 tòa tháp, tọa lạc tại trung tâm quận 4, tiếp giáp quận 1. Từ tầng 1 đến tầng 3 dành cho mục đích thương mại dịch vụ, cho khách thuê làm văn phòng.

Lô đất liên quan đến sai phạm của ông Nguyễn Công Khế và Novaland

Tháng 5/2022, với vi phạm bán cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ RiverGate, chủ đầu tư không gửi thông tin để đăng công khai trên cổng thông tin của Sở Xây dựng, UBND TP. HCM quyết định xử phạt Công ty TNHH Nova Rivergate 280 triệu đồng.

Nguyễn Quang Thông là ai?

Nguyễn Quang Thông là một nhân vật có liên quan đến vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Dưới đây là thông tin chi tiết về Nguyễn Quang Thông:

Vị trí và công việc:

Ông Nguyễn Quang Thông từng là Tổng Biên tập Báo Thanh Niên trong 12 năm, từ năm 2009 đến 2021. Trước đó, ông Thông cũng đã giữ các vị trí khác trong báo Thanh Niên như phó tổng biên tập và tổng thư ký tòa soạn.

Nguyễn Minh Thông là ai? Vì sao bị bắt giữ, tiểu sử, lý lịch
Cựu TBT báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông bị bắt tạm giam. (Ảnh: Bộ Công an)

Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước:

Nguyễn Quang Thông bị khởi tố và bắt tạm giam liên quan đến việc triển khai Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP. HCM.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Thông đã ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên không qua đấu giá theo quy định, dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.

Báo Thanh Niên và "truyền thông bẩn"

Trong thời gian ông Nguyễn Quang Thông và Nguyễn Công Khế làm lãnh đạo báo Thanh Niên, dư luận cho rằng báo này đã liên quan đến một số vụ việc "truyền thông bẩn".

Hồi năm 2016, báo Thanh Niên đã đăng loạt 5 bài về chủ đề nước mắm sản xuất truyền thống ở Việt Nam nhiễm hóa chất, có asen, thạch tín. Sự việc này gây bức xúc cho nhiều người, nhà sản xuất nước mắm, người am hiểu về nước mắm truyền thống, nhiều nhân sĩ trí thức…; và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thậm chí một lãnh đạo ngành Truyền thông gọi đó là một sự kiện “truyền thông bất lương”, nhận tiền của doanh nghiệp.

Đến ngày 23/10, báo Thanh Niên đã phải đăng bản tin cáo lỗi. Tờ báo viết:

"Chúng tôi cũng gỡ bỏ 5 bài viết đã được đăng tải trên Báo Thanh Niên online (Gồm các bài: Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp, ngày 10-10-2016; Làm gì để nước mắm Việt vươn ra thế giới? Đi tìm nước mắm sạch, ngày 11-10-2016; Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín, ngày 12-10-2016; Tiêu chuẩn nào cho nước mắm Việt? ngày 13-10-2016; Lỗ hổng trong quy định về phụ gia thực phẩm, ngày 17-10-2016)".

Ngoài ra, năm 2019, báo Thanh Niên là một trong những tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ án "đổ bê tông Bình Dương" nhưng theo hướng thiếu khách quan. Trong khi kết quả điều tra chưa rõ ràng, còn nhiều nghi vấn, báo Thanh Niên đã viết các bài có chiều hướng gán ghép các nghi phạm với môn tu luyện Pháp Luân Công.

Việt Nam Xã hội

Vì sao ông Nguyễn Công Khế bị bắt? Tiểu sử cựu TBT báo Thanh Niên