Vì sao cựu Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng bị bắt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tìm hiểu về lý lịch và tiểu sử của cựu Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng, nguyên nhân và thông tin chi tiết về việc ông bị bắt.

Chiều 4/1, Bộ Công an Việt Nam cho biết ông Vượng bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam hai ngày trước để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Hoàng Quốc Vượng bị bắt chỉ vài ngày khi vừa nghỉ hưu

Tháng 11/2020, ông Vượng được điều động, bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nghỉ hưu hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1/1/2024. Như vậy, ông Hoàng Quốc Vượng bị bắt chỉ sau thời gian ngắn nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ.

Trong thời gian làm Thứ trưởng Công Thương từ năm 2015 đến 2020, ông Hoàng Quốc Vượng được giao chỉ đạo công tác trong lĩnh vực điện lực, năng lượng tái tạo, môi trường và phát triển bền vững, an toàn, công nghệ thông tin, phát triển thị trường.

Hồi tháng 7/2023, một cựu quan chức trong ngành y tế tiết lộ với Việt Nam Thời báo về việc ông Vượng bị cấm xuất cảnh.

Việc vướng vòng lao lý của ông Hoàng Quốc Vượng đã được dự đoán trước đó. Tại thông báo phiên họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cuối tháng 12/2023, ông Hoàng Quốc Vượng cùng một số lãnh đạo, cán bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 được xác định có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió, thực hiện Quy hoạch VII và VII điều chỉnh.

Liên quan vụ án tại vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, hồi tháng 11, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố 6 người. Trong số này có ông Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty mua bán điện cùng ba cấp dưới, Trần Quốc Hùng và Trịnh Văn Đoàn, phó phòng và chuyên viên phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng là ai?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng được điều động sang làm Chủ tịch PVN năm 2020. Ảnh: MOIT.

Tiểu sử ông Hoàng Quốc Vượng

Trong quá trình công tác, ông Vượng thành đạt khi còn khá trẻ và thăng tiến nhanh trong lĩnh vực công thương. Điều đặc biệt nhất trong lý lịch công tác của ông Vượng là có 2 lần ngồi ghế thứ trưởng và từng làm chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty lớn hàng đầu Việt Nam như EVN, Vinataba...

  • Ông Hoàng Quốc Vượng sinh năm 1963, tốt nghiệp Trường mỏ MGRI tại Moscow, Nga.
  • Từ tháng 6/2008, Hoàng Quốc Vượng là Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.
  • Tháng 8/2010, ông Vượng được điều động và bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, thay cho ông Bùi Xuân Khu nghỉ hưu theo chế độ.
  • Đến tháng 9/2012 ông Hoàng Quốc Vượng tiếp tục được điều động giữ chức Chủ tịch HĐTV, Bí thư đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
  • Đến tháng 1/2015, ông Hoàng Quốc Vượng thôi giữ chức Chủ tịch EVN, quay trở lại Bộ Công Thương ở vị trí Thứ trưởng và phụ trách một số lĩnh vực như điện lực, năng lượng tái tạo, môi trường và phát triển bền vững.
  • Tháng 7/2020, ông Vượng được bầu làm Bí thư đảng ủy Bộ Công Thương.
  • Đến tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thay cho người tiền nhiệm là ông Trần Sỹ Thanh được điều về làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
  • Đến ngày 1/1/2024, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định cho nghỉ hưu theo chế độ.

Trong thời kỳ đảm nhiệm vị trí thứ trưởng Bộ Công Thương từ 2015 đến 2020, ông Vượng được giao chỉ đạo công tác trong lĩnh vực điện lực, năng lượng tái tạo, môi trường và phát triển bền vững, an toàn, công nghệ thông tin, phát triển thị trường...

Đây cũng là thời kỳ ngành điện, năng lượng phát triển mạnh các nguồn điện tái tạo, điện gió, mặt trời trên khắp cả nước, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam.

Đã bắt 4 người của Tổng công ty Điện lực (EVN)

Liên quan đến vụ án khiến ông Hoàng Quốc Vượng bị khởi tố, bị bắt tạm giam, trước đó, hồi tháng 11/2023, Bộ Công an đã khởi tố 6 người để điều tra tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong số này có 2 người thuộc Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương bị bắt gồm:

  • Trần Quốc Hùng - phó trưởng phòng cấp phép và quan hệ công chúng Cục Điều tiết điện lực;
  • Trịnh Văn Đoàn - chuyên viên phòng cấp phép và quan hệ công chúng Cục Điều tiết điện lực.

Có 4 người bị bắt là cán bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm:

  • Nguyễn Danh Sơn - giám đốc Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
  • Nguyễn Hữu Khải - trưởng phòng kinh doanh mua điện Công ty Mua bán điện;
  • Đỗ Ngọc Tuyền - chuyên viên của phòng này;
  • Trương Hoàng Dũng - chuyên viên phòng kỹ thuật và công nghệ thông tin Công ty Mua bán điện.

Ông Hoàng Quốc Vượng quê ở đâu?

Theo CafeF, ông Vượng sinh năm 1963, nguyên quán Nam Định.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trong một cuộc họp năm 2019, có bị bắt giữ? cấm xuất cảnh?
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trong một cuộc họp năm 2019. (Ảnh: Bộ Công thương MOIT.gov.vn)

Ông Trần Tuấn Anh đang bị xem xét trách nhiệm

Trong thông cáo báo chí ngày 20/12/2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét phần trách nhiệm công vụ lúc ông Trần Tuấn Anh là Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Thông cáo viết:

"Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ; Trần Hữu Linh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Trần Duy Đông, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; Phương Hoàng Kim, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Đặng Huy Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng; Lý Quốc Hùng, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ; Võ Văn Quyền, nguyên Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương."

Liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm trên còn có trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Dương Quang Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Trần Đình Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Nguyễn Danh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giám đốc Công ty Mua bán điện.

Dương Minh

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Vì sao cựu Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng bị bắt?