Những lý lẽ ngu ngốc tờ Washington Post dùng để nói tốt cho suy thoái kinh tế tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một bài viết nhằm giải thích tại sao suy thoái không hoàn toàn là tồi tệ, tác giả trên tờ The Washington Post đã nêu ra 7 điều lạc quan từ cuộc suy thoái. Bài viết thể hiện tư duy kinh tế bị bóp méo để phục vụ lợi ích chính trị mang tính đảng phái. Tòa Bạch Ốc sẽ có thể lưu lại bài viết này, nhằm sử dụng nó khi không còn có thể phủ nhận tình hình suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Suy thoái không hoàn toàn là tin xấu

Bạn biết suy thoái sẽ xảy ra tại Mỹ. Chính quyền Biden đã dành nhiều tháng để nói rằng sẽ không có suy thoái. Cuối cùng khi nó hiển thị trong dữ liệu kỹ thuật, họ nói rằng điều đó không đúng. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ thừa nhận rằng suy thoái đã tới, tại thời điểm đó, họ sẽ khẳng định đó là một điều tốt.

Đó chính xác là những gì chúng ta đã chứng kiến với lạm phát tại Mỹ.

Tờ The Washington Post luôn sẵn lòng hỗ trợ để chuẩn bị cho điều đó. Chúng ta hãy chuyển sự chú ý của đến một ví dụ điển hình về một bài viết mang tính bất chính của chuyên gia, do bà Michelle Singletary viết. Bài viết của bà ấy giải thích lý do tại sao “suy thoái [tại Mỹ] không phải hoàn toàn là tin xấu” vì "bảy điều lạc quan". Bài viết nói về những điều người dân Mỹ nên lạc quan trước cuộc suy thoái kinh tế tại Mỹ.

7 điều lạc quan

Số 1: “Giá nhà đất cuối cùng có thể giảm xuống mức hợp lý”.

Điều này thật thú vị vì tôi không nhớ có ai ăn mừng vụ khủng hoảng nhà ở tại Mỹ vào năm 2008. Tuy nhiên, nếu bây giờ nó là sự thật, thì trong quá khứ cũng thế. Giá thấp hơn luôn có lợi cho người mua. Bạn cũng có thể nói như vậy về cuộc Đại khủng hoảng. Mặt khác, giá sụt giảm có hại cho người bán.

Mọi giao dịch đều có người mua và người bán, do đó, luôn luôn có thể xác nhận thay đổi giá là tốt cho người này hay người kia.

Tuy nhiên, có một yếu tố phức tạp: Những ngôi nhà này được mua bằng nợ. Bạn vay so với mức định giá trước đó. Một vụ sụp đổ nhanh chóng chẳng hạn như những gì người Mỹ đang trải qua thể hiện ra rằng các ngôi nhà sẽ có giá thấp hơn giá ban đầu giao dịch, như thời điểm năm 2008. Điều đó có nghĩa là bạn có thể nên từ bỏ ngôi nhà hơn là trả một khoản thế chấp hàng tháng cho một ngôi nhà không có giá trị bằng giá bạn đã chấp nhận thanh toán khi bạn mua nó.

Sự khác biệt lớn giữa bây giờ và năm 2008 là mức lãi suất cao. Bất cứ thứ gì bạn mua trong tương lai, bất kể giá thế nào, sẽ mang theo chi phí lớn trong việc thanh toán thế chấp.

Những lý lẽ ngu ngốc tờ Washington Post dùng để nói tốt cho suy thoái kinh tế tại Mỹ
Quang cảnh những ngôi nhà trong một khu phố ở Los Angeles, California, Mỹ vào ngày 05/07/2022. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)

Trước khi xem qua phần còn lại, chúng ta hãy chuyển sang điều lạc quan số 6 vì điều này minh họa cho luận điểm ở đây.

“Chiếc xe cũ của bạn đáng giá hơn”, bà Singletary viết. “Nếu bạn đang muốn nâng cấp lên một chiếc ô tô mới hơn và ô tô của bạn đang ở trong tình trạng khá tốt, bạn sẽ nhận được nhiều hơn cho việc đánh đổi của mình".

Đúng vậy, nhưng ở đây bạn thấy được mánh lưới của tác giả. Nhà cửa xuống dốc và điều đó thật tốt; ô tô đang lên giá và điều đó tốt. Bà Singletary đã chuyển quan điểm của mình sang người bán từ người mua mà không giải thích lý do tại sao. Bạn có thể nói rằng giá xăng cao hơn là điều tuyệt vời cho những người sở hữu dầu mỏ. Hoặc rằng một thị trường chứng khoán sụp đổ là điều tuyệt vời vì khi đó bạn có thể mua được cổ phiếu với giá rẻ.

Toàn là những điều ngu ngốc.

Bà Singletary cũng bỏ qua vài thứ trong thị trường người bán: Nếu bạn bán chiếc xe của mình, bạn sẽ cần một chiếc khác. Nó sẽ đắt hơn. Bạn sẽ không được lợi trừ khi bạn quyết định đạp xe tới khắp mọi nơi và có lẽ đó là toàn bộ vấn đề.

Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì đối với điều lạc quan số 4 của bà ấy: “Mặc dù rất nhiều điều đang thay đổi, nhưng nếu bạn có kế hoạch đi du lịch nước ngoài, đồng USD của bạn có thể còn đi xa hơn nữa”. Điều đó đúng nhưng giá của các chuyến bay dễ dàng điều chỉnh để cân bằng sự gia tăng của giá trị đồng USD. Giá cho các chuyến bay nội địa không hoàn toàn tăng quá cao nhưng các chuyến bay quốc tế đang tăng cao hơn theo từng ngày.

Thêm vào đó, với tình hình khủng hoảng kinh tế như vậy, ai có tiền thêm để đi du lịch nước ngoài? Chỉ giới tinh hoa thôi, và đó là những người mà bài báo này nhằm tới. Nhưng tờ The Washington Post đã quen với việc này. Đó là toàn bộ lượng độc giả của họ. Đây đều chính là những người có thể “ở nhà và giữ an toàn” và ngồi nhận hàng tạp hóa của họ được giao bởi những người không đọc The Washington Post hoặc The New York Times.

Hãy quay trở lại danh sách tất cả những lý do bạn nên vui mừng về cuộc suy thoái.

Số 2: “Ít nhất một mặt tích cực của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất để chống lạm phát là các ngân hàng đang trả tiền cho người dân nhiều hơn để giữ tiền của họ. Liên minh tín dụng của tôi có một ưu đãi đặc biệt trong 20 tháng đối với một chứng chỉ sẽ trả cho tôi lợi tức phần trăm hàng năm là 3%".

Trời ơi. Ai đó cần giới thiệu cho người bạn này của chúng ta một thứ gọi là điều chỉnh theo lạm phát. Ở mức lạm phát 9%, lợi nhuận 3% có nghĩa là mất 6% giá trị của đồng USD, có nghĩa là bạn vẫn đang ở trong tình thế đỏ (lỗ). Tôi chỉ đơn giản là không thể tin rằng ai đó đã viết điều này.

Đó là một cuộc suy thoái lạm phát (lạm phát đình trệ), có nghĩa là lãi suất được trả phải cao hơn tỷ lệ lạm phát thì mới là một thỏa thuận thắng lợi.

Về cơ bản, hầu như không thể tìm thấy lợi tức cho tiền được giữ ở bất kỳ đâu trên thị trường. Làm thế nào điều đó là tốt? Nó không thể tốt. Đó là một thảm họa cho tất cả mọi người.

Số 3: “Trái phiếu tiết kiệm Series I được tạo ra như một rào cản chống lại lạm phát”, bà ấy viết. "Cho đến cuối tháng 10, trái phiếu đang trả 9,62%". Tuyệt vời, hãy gọi ngay cho nhà môi giới của bạn! Anh ta sẽ cho bạn biết mặt trái của mánh lưới đẹp đẽ này: trái phiếu hiện trả cho bạn lãi suất 0%. Vì vậy, chắc chắn, bạn có thể nhận được bảo vệ chống lại lạm phát nhưng lại không có lãi suất nào. Đây là tin tốt ư?

Số 5: “Tỷ lệ thất nghiệp [tại Mỹ] vẫn còn tương đối thấp. Những người có công việc và tiền dư dả có thể chi tiêu cho những thứ xa xỉ như đi nghỉ mát”. Có tới 8,5 triệu người không tham gia lực lượng lao động. Vì vậy, ý tưởng về tỷ lệ thất nghiệp là "thấp" hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Hàng triệu người mất tinh thần, phải dùng thuốc hỗ trợ tinh thần, không thể tìm được chỗ giữ trẻ, hoặc không thể tham gia thị trường lao động, điều này đang gây hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Những lý lẽ ngu ngốc tờ Washington Post dùng để nói tốt cho suy thoái kinh tế tại Mỹ
Thông báo 'Chúng tôi muốn bạn!' (để thuê nhân viên) tại một cửa hàng Ike's Love & Sandwiches vào ngày 26/07/2022 ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: Mario Tama / Getty Images)

Số 7: “Chính sách xóa nợ cho sinh viên (sắp được thực thi)”. Tôi không hiểu điều này có liên quan như thế nào đến suy thoái kinh tế. Trong mọi trường hợp, ông Biden không có trong tay hạt bụi thần tiên (thứ mang lại điều may mắn). Tất cả những gì ông ấy làm là chuyển gánh nặng thanh toán từ những người đứng ra vay nợ sang người đóng thuế và công chúng. Toàn bộ kế hoạch là một sự phẫn nộ, với một cái giá đắt.

Một bài viết mang tính chính trị

Và đó là tất cả các lý do tại sao tác giả này có thể lý giải tại sao suy thoái kinh tế này không quá tệ sau tất cả. Bạn hoàn toàn có thể mong đợi Tòa Bạch Ốc sẽ cắt và lưu bài viết đó, hoàn toàn sẵn sàng triển khai nó khi không thể phủ nhận rằng người Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái. Tòa Bạch Ốc sẽ sớm tổ chức ăn mừng giá nhà thấp hơn và quảng cáo danh mục đầu tư trái phiếu được điều chỉnh theo lạm phát.

Những lý lẽ ngu ngốc tờ Washington Post dùng để nói tốt cho suy thoái kinh tế tại Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước các thành viên báo chí trước khi lên chuyến Marine One khởi hành từ Nhà Trắng đến Maryland ngày 26/08/2022 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Alex Wong / Getty Images)

Những bài viết như thế làm tôi tức giận vì chúng rõ ràng mang tính chính trị. Nếu một đảng viên Cộng hòa hiện đang là Tổng thống, sẽ có những tiếng la hét về lạm phát và những đau khổ của người nghèo và tầng lớp trung lưu, chứ không phải việc ăn mừng giá nhà rẻ hơn và giá xe hơi cao hơn.

Tôi thấy phiền khi tư duy kinh tế được triển khai theo những cách thức bị bóp méo quá mức để phục vụ lợi ích chính trị đảng phái. Đôi khi, suy thoái là cần thiết để sửa chữa những sai sót của quá khứ. Nhưng lần suy thoái này hoàn toàn là do con người tạo ra — cũng như những điều kiện dẫn đến sự chắc chắn diễn ra của nó — và không phải là một tai nạn.

Có một cái gì đó rất xấu xa đang xảy ra. Một số người gọi đó là một cuộc phá dỡ có kiểm soát. Có lẽ vậy. Sự thật là điều kiện kinh tế của người Mỹ đang bị hủy hoại và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Đơn giản là không có cách trung thực nào để nói nó có lợi.

Dù sao thì họ cũng sẽ cố gắng nói tốt về việc đó vì tờ The Washington Post có lợi ích trong việc này, và họ sợ rằng người dân Mỹ sẽ vùng lên trong các cuộc bầu cử, loại bỏ những người bạn của tờ báo và bầu ra kẻ thù của nó, những người sau đó có thể ban hành những thay đổi để khiến tình hình như 3 năm qua trở nên không thể xảy ra trong tương lai.

Bất kể, không có gì có thể phủ định điều sau đây. Suy thoái là khoảng thời gian khủng khiếp. Suy thoái lạm phát còn tồi tệ hơn. Những người duy nhất được hưởng lợi là những người có phương tiện để tránh bị tổn hại. Có thể điều đó bao gồm một số giới tinh hoa báo chí nhưng đối với những người khác, điều này dẫn đến một cuộc cướp bóc đáng sợ đối với tầng lớp nghèo và trung lưu.

Chỉ có một lý do duy nhất khiến suy thoái có thể được coi là một điều tốt. Nó xóa bỏ lớp vỏ bọc lừa dối trong cơ cấu kinh tế để chuẩn bị con đường cho sự tăng trưởng vững chắc. Điều đó chỉ xảy ra nếu bạn có đủ điều kiện để phát triển trong tương lai.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Jeffrey A. Tucker - The Epoch Times

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo nổi tiếng, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Những lý lẽ ngu ngốc tờ Washington Post dùng để nói tốt cho suy thoái kinh tế tại Mỹ