Tại sao sau một thời gian dài trấn áp, Bắc Kinh lại liên tục nhượng bộ Tesla?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông chủ của Tesla, tỷ phú Elon Musk, đã bất ngờ có chuyến thăm tới Trung Quốc vào ngày 28/4 và gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào cùng ngày. Ngay tối hôm đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã ra thông báo cho biết các mẫu xe sản xuất tại Thượng Hải của Tesla đã phù hợp với các quy định về bảo mật dữ liệu; đồng thời, truyền thông nước ngoài đưa tin Tesla đã nhận được sự chấp thuận của Bắc Kinh để ra mắt công nghệ FSD (lái xe tự động) tại Trung Quốc.

Về vấn đề này, có chuyên gia phân tích chỉ ra rằng trước đây chính quyền Trung Quốc liên tục bức ép Tesla nhưng bây giờ họ lại đột nhiên nhượng bộ, mục đích là để Tesla giúp Trung Quốc nâng cao toàn diện năng lực của nước này trong lĩnh vực mạng thông minh, v.v.

Vào tối ngày ông Musk đến Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố Tesla đã vượt qua cuộc đánh giá về bảo mật dữ liệu

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa rời Trung Quốc vào thứ Sáu tuần trước (ngày 26/4), hai ngày sau đó (ngày 28/4), ông Elon Musk đã đến nước này bằng máy bay riêng và ở lại trong chưa đầy 24 tiếng.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Musk rất đột ngột, không có thông báo trước ra bên ngoài và trước đó ông này vừa hủy chuyến đi tới Ấn Độ hôm 22/4.

Một điều nữa thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài là lần này ông Musk không đến Thượng Hải như thường lệ mà đến Bắc Kinh và gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Trung Nam Hải ngay trong ngày.

CEO Tesla Elon Musk đang bước xuống xe trung chuyển và chuẩn bị lên máy bay riêng tại sân bay ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 29/4/2024. (GREG BAKER/AFP via Getty Images)

Theo Tân Hoa Xã, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lý Cường đã gọi Tesla là “một kiểu mẫu thành công về hợp tác kinh tế và thương mại Trung - Mỹ” và còn nhấn mạnh rằng thị trường Trung Quốc “luôn mở cửa cho các doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài”, "doanh nghiệp các nước yên tâm đầu tư vào Trung Quốc".

Cùng lúc đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã đưa ra thông báo vào tối ngày 28/4 rằng, 76 mẫu xe của 6 doanh nghiệp gồm Tesla, BYD, Li Auto, Lotus, Hozon Auto và Nio đã vượt qua vòng đánh giá về bảo mật thông tin theo các quy định như “Một số quy định về quản lý bảo mật dữ liệu ô tô” và “Công nghệ bảo mật thông tin – Yêu cầu bảo mật về xử lý dữ liệu phương tiện cơ giới".

Nội dung bài kiểm tra này gồm 4 mục: ẩn danh thông tin các khuôn mặt thu thập được bên ngoài xe, mặc định không thu thập dữ liệu buồng lái, xử lý dữ liệu buồng lái trong xe và xử lý thông báo hiển thị về thông tin cá nhân.

Điều đáng chú ý là, trong số những doanh nghiệp kể trên, Tesla là công ty nước ngoài duy nhất. Những mẫu xe Tesla vượt qua cuộc kiểm tra lần này đều đến từ nhà máy sản xuất ô tô Gigafactory của Tesla tại Thượng Hải.

Tesla đã thông qua các tiêu chuẩn và yêu cầu về bảo mật dữ liệu phương tiện của Trung Quốc, điều này có lợi cho hãng trong việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm ở các cấp chính quyền Trung Quốc.

Trước đó, Tesla đã bị trấn áp toàn diện ở Trung Quốc từ năm ngoái với lý do “lo ngại về an ninh”. Ví như, xe của Tesla bị hạn chế lại gần các khu vực quân sự; ngày càng nhiều cơ quan trực thuộc nhà nước Trung Quốc và cơ quan chính quyền địa phương, cũng như các đơn vị điều hành đường cao tốc và thậm chí cả các trung tâm văn hóa và hội nghị cấm xe Tesla đi vào.

Trên mạng xã hội Weibo, một số người lái xe Tesla cũng đã chia sẻ thông báo cấm xe Tesla do nhiều cơ quan địa phương ở các tỉnh Giang Tô, Hồ Nam, Chiết Giang và Hồ Bắc ban bố.

Mọi người đi ngang qua showroom Tesla tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh vào ngày 31/5/2023. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

Bình luận: Bắc Kinh có tính toán khi cho phép Tesla triển khai công nghệ tự lái FSD

Trong chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 24 tiếng vừa rồi của ông Musk, chính quyền Trung Quốc đã có thêm một nhượng bộ nữa đối với Tesla. Theo The Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) và các phương tiện truyền thông khác, nguồn tin cho biết các quan chức Trung Quốc đã nói với Tesla rằng họ đã có sự chấp thuận sơ bộ cho việc triển khai FSD tại Trung Quốc.

Nhiều phương tiện truyền thông khác cũng cho biết, Tesla đang hợp tác với gã khổng lồ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc để triển khai việc đo vẽ bản đồ đường đi và điều hướng ở Trung Quốc. Theo thỏa thuận, Baidu sẽ cho phép Tesla sử dụng hệ thống điều hướng theo làn xe của mình.

Mới thứ Sáu tuần trước (ngày 26/4), ông Đào Đào (Tao Tao), Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại tại Trung Quốc của Tesla, đã bình luận trên tài khoản mạng xã hội của tờ Nhân dân Nhật báo - một cơ quan tuyên truyền khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc - rằng công nghệ lái xe tự động FSD sẽ trở thành động cơ tăng trưởng mới trong ngành xe điện.

Nhà bình luận thời sự người Hoa, ông Tần Bằng (Qin Peng), cho biết từ góc độ doanh thu và cạnh tranh gần đây rằng, việc cho phép FSD triển khai ở Trung Quốc có thể mang lại lợi thế cho Tesla khi đối đầu với các đối thủ Trung Quốc. Nhưng vấn đề kéo theo là, ông Musk cũng hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ chấp thuận việc xuất dữ liệu trước đây của khách hàng Tesla tại Trung Quốc - hiện đang được lưu trữ ở Trung Quốc - sang Hoa Kỳ để huấn luyện hệ thống tự lái này.

Ông Tần nói: "Chúng tôi vẫn chưa thấy khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ phê chuẩn việc này. Tôi cũng vô cùng nghi ngờ, Bắc Kinh sẽ không chấp thuận việc đưa những dữ liệu này về Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu việc huấn luyện được tiến hành ở Trung Quốc, ông Musk cũng khó có thể thuyết phục chính phủ Mỹ cho phép mang thiết bị AI tiên tiến nhất sang Trung Quốc. Đây là một vấn đề khó cả đôi đường đối với Tesla”.

Tạp chí Kinh tế Hong Kong (Hong Kong Economic Journal) gần đây đã đăng một bài báo có chữ ký của tác giả Cao Thiên Hựu (Gao Tianyou). Trong đó chỉ ra rằng, công nghệ lái xe tự động này liên quan đến thông tin đường bộ quốc gia, video tại chỗ, dữ liệu giao thông và thậm chí cả quyền riêng tư của hành khách, hơn nữa còn liên quan đến an ninh quốc gia. Do đó, nếu chính quyền Bắc Kinh thực sự cho phép một công ty Mỹ bước vào lĩnh vực nhạy cảm này thì chắc hẳn Bắc Kinh phải có sự tính toán ở đằng sau.

Trên mạng Internet ở nước ngoài, nhiều người lo lắng rằng ông Musk sẽ phải trả giá đắt hơn khi triển khai FSD ở Trung Quốc, chẳng hạn như công nghệ cốt lõi sẽ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đánh cắp.

Xe điện là một trong “ba lĩnh vực mới” được ĐCSTQ thúc đẩy mạnh. Sự trỗi dậy nhanh chóng của các nhà sản xuất xe năng lượng mới trong nước Trung Quốc được cho là nhờ có chính sách mở của Tesla. Tesla đã cho phép tất cả mọi người sử dụng bằng sáng chế công nghệ xe điện của hãng này, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD đã sử dụng hơn 100 công nghệ của Tesla.

Trong kho bằng sáng chế của Tesla, có 213 bằng sáng chế liên quan đến phát minh kỹ thuật, bao gồm pin, động cơ, điều khiển điện tử, sản xuất phương tiện, tương tác giữa con người với máy tính, trụ sạc, v.v.

Một chiếc ô tô Tesla đang sạc tại trạm sạc bên ngoài cửa hàng Tesla ở Bắc Kinh vào ngày 29/4/2022. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

4 lý do Bắc Kinh bất ngờ nhượng bộ Tesla

Việc ĐCSTQ trấn áp Tesla trong một thời gian dài nhưng hiện giờ lại bất ngờ nhượng bộ đang gây sự chú ý từ mọi tầng lớp xã hội.

Ông Tần Bằng cho rằng, ĐCSTQ có những tính toán rất rõ ràng:

  • Thứ nhất, họ muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc rất cởi mở với thế giới bên ngoài, qua đó thu hút thêm đầu tư nước ngoài;
  • Thứ hai, để thu hút các công ty đa quốc gia như Tesla gia nhập thị trường Trung Quốc và giao nộp các công nghệ cốt lõi của họ cũng như chia sẻ nhiều dữ liệu có giá trị hơn;
  • Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế căng thẳng hiện nay, việc Bắc Kinh dành ưu đãi cho Tesla sẽ là một đòn phản công chính trị vào cuộc chiến thương mại đang diễn ra do Mỹ và châu Âu phát động;
  • Thứ tư, ĐCSTQ có tính toán lâu dài, muốn nhân đây cải thiện toàn diện ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới của Trung Quốc và xây dựng khả năng cạnh tranh quốc tế.

Ông Tần Bằng nói: “Đối với ĐCSTQ, họ chắc chắn hy vọng có được nhiều công nghệ của Tesla hơn nữa, bởi vì ông Musk đã làm chủ được những công nghệ tiên tiến nhất như hệ thống vệ tinh Starlink, tên lửa hạng siêu nặng và công nghệ tàu vũ trụ, v.v.”.

Những chiếc xe Tesla Model 3 được nhìn thấy trong showroom Tesla tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh vào ngày 29/4/2022. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

Tình huống của Tesla tại Trung Quốc

Vào tháng 7/2018, để thu hút Tesla, Thượng Hải đã bán 860.000 mét vuông đất cho hãng với giá chỉ bằng 10% giá thị trường để xây dựng nhà máy sản xuất. Ngoài ra, Thượng Hải còn cung cấp khoản vay 18,5 tỷ nhân dân tệ với lãi suất 3,9%, mức lãi thấp nhất thị trường trong nước Trung Quốc vào thời điểm đó, để đảm bảo việc xây dựng nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào sản xuất từ năm 2019.

Chính quyền Trung Quốc đã dành cho Tesla những chính sách cực kỳ ưu đãi để bắt đầu sản xuất tại nước này, với mục đích thúc đẩy chuỗi công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn của xe điện.

Trong những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của các hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc như Li Auto, Nio, Xpeng, hãng xe điện lớn nhất nước này - BYD - cũng đã trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu với Tesla. BYD gần đây đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện bán chạy nhất thế giới, phần lớn là nhờ vào các mẫu xe có giá rẻ hơn.

Trợ cấp của chính quyền Trung Quốc cho xe năng lượng mới đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất ở nước này. Nhiều thương hiệu ô tô điện Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến giá cả và dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt. Hôm 23/4, Trung tâm Giám sát Giá cả của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu giám sát về 10 loại xe năng lượng mới đang bị giảm giá mạnh. Giảm mạnh nhất là xe BYD Song Plus EV (DM-i 110KM Flagship), từ mức giá 154,8 nghìn nhân dân tệ (khoảng 543 triệu VND) vào đầu năm này xuống còn 139,8 nghìn nhân dân tệ (khoảng 490 triệu VND), giảm 9,69%.

Dưới tác động của vòng xoáy cạnh tranh giá thấp trong ngành xe năng lượng mới ở Trung Quốc, doanh số của Tesla cũng bị giảm qua từng năm.

Theo dữ liệu bán hàng của Tesla trong quý I năm 2024, công ty này đã giao tổng cộng 386.800 xe trên toàn cầu trong kỳ báo cáo vừa qua, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 20,2% so với quý IV năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong 5 quý vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên doanh số hàng quý của Tesla giảm xuống dưới mốc 400.000 xe kể từ quý III năm 2022.

Giá cổ phiếu của Tesla đã giảm xuống dưới 140 USD vào tuần trước so với mức đỉnh hơn 400 USD của năm 2021, giá trị vốn hóa thị trường của công ty này cũng đã bốc hơi hơn 800 tỷ USD.

Bắt đầu từ ngày 21/4 năm nay, tất cả các mẫu xe dòng Model 3, Y, S và X của Tesla tại Trung Quốc đều được giảm giá.

Ngoài ra, Tesla hôm 5/4 còn công bố sẽ sa thải 14.000 nhân viên trên toàn cầu, chiếm hơn 10% tổng số nhân viên của hãng. Một nguồn tin ở Trung Quốc nói với trang tin Tech Ifeng rằng tỷ lệ sa thải của Tesla ở Trung Quốc lần này là 30% đến 40% ở một số bộ phận và 50% ở một số bộ phận khác.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao sau một thời gian dài trấn áp, Bắc Kinh lại liên tục nhượng bộ Tesla?