Nga tuyên bố vô hiệu hóa tên lửa ATACMS tầm xa nhắm vào Crimea

Giúp NTDVN sửa lỗi

Moscow khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đã thành công ngăn chặn một cuộc tấn công tên lửa tầm xa nhằm vào Bán đảo Crimea, trong đó có Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân Hoa Kỳ (ATACMS) do Mỹ sản xuất.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 30/4, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ "10 máy bay không người lái Ukraine, 6 tên lửa chiến thuật ATACMS và 2 quả bom dẫn đường Hammer do Pháp sản xuất". Tuy nhiên, thông cáo không nêu rõ địa điểm cụ thể của các cuộc tấn công cũng như mục tiêu dự định.

Ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết một số lượng tên lửa ATACMS tầm xa đã bị bắn hạ thành công trên bán đảo. Con số cụ thể không được tiết lộ.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, ông Aksyonov đã chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh về các đầu đạn chưa phát nổ được cho là tìm thấy tại hiện trường.

Hiện tại, The Epoch Times chưa thể xác minh độc lập các thông tin trên từ phía Nga.

Kyiv sau đó thừa nhận rằng quân đội nước này đã phóng ít nhất 8 tên lửa tầm xa nhằm vào hai căn cứ không quân Nga ở Crimea. Theo các quan chức Ukraine được Reuters dẫn lời, các tên lửa được phóng đi từ khu vực Kherson ở miền nam Ukraine.

Phát biểu với hãng tin RIA của Nga, ông Leonid Ivlev, nghị sĩ Nga và cựu Tư lệnh Không quân, cho biết các căn cứ ở Crimea bị hơn 12 tên lửa ATACMS tấn công. "Mục tiêu là các sân bay", ông Ivlev nói, đồng thời khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa Nga đã bắn hạ tất cả các tên lửa tấn công.

Năm 2014, Nga sáp nhập Bán đảo Crimea sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trên toàn bán đảo. Kể từ đó, Moscow coi bán đảo chiến lược này là lãnh thổ của Liên bang Nga.

Cùng với các đồng minh phương Tây, Kyiv đã bác bỏ việc sáp nhập là hành vi chiếm lãnh thổ phi pháp và tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để giành lại khu vực Biển Đen.

Các xạ thủ thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 43 của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã sử dụng pháo tự hành 155 mm 2S22 Bohdana để tấn công một căn cứ của Nga ở khu vực Kharkiv vào ngày 21/4/2024. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)
Các xạ thủ thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 43 của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã sử dụng pháo tự hành 155 mm 2S22 Bohdana để tấn công một căn cứ của Nga ở khu vực Kharkiv vào ngày 21/4/2024. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Nguy cơ leo thang xung đột

Việc cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa cho Ukraine (bao gồm Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân do Mỹ sản xuất) từ lâu đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các đồng minh của Kyiv.

Những người ủng hộ cho rằng việc sử dụng ATACMS một cách thận trọng sẽ giúp Ukraine tấn công các tuyến tiếp tế, căn cứ không quân và mạng lưới đường sắt của Nga nằm ngoài tầm với trước đây. Tuy nhiên, những người phản đối lo ngại rằng các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu của Nga, đặc biệt là những mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga, có thể leo thang xung đột thành một cuộc chiến tranh khu vực.

Về phần mình, Kyiv đã nhiều lần cam kết không sử dụng đạn dược tầm xa để tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới của mình. Bất chấp những lo ngại này, Nhà Trắng đã xác nhận vào năm ngoái rằng họ đã cung cấp cho Ukraine một loại ATACMS có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hơn 100 dặm (hơn 160 km).

Tháng 10 năm ngoái, lực lượng Ukraine lần đầu tiên sử dụng hệ thống tên lửa này, tấn công các căn cứ của Nga ở khu vực Kherson và Zaporizhzhia phía nam. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, các cuộc tấn công đã phá hủy máy bay, phương tiện quân sự, hai sân bay và một kho đạn của Nga.

“Bây giờ có thể tấn công các mục tiêu một cách hoàn hảo, với độ chính xác cao, không cho đối phương có cơ hội", một phát ngôn viên lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố vào thời điểm đó.

Moscow sau đó đã xác nhận các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nhưng tuyên bố rằng những đợt tấn công này không gây thiệt hại đáng kể.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc Ukraine sử dụng ATACMS do Mỹ cung cấp "không thể thay đổi đáng kể tình hình dọc theo tuyến giao tranh".

Quân nhân Ukraine tiếp nhận tên lửa Stinger FIM-92 do Mỹ sản xuất và các trang bị khác được vận chuyển từ Litva đến Sân bay Boryspil, Ukraine. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP qua Getty Images)
Quân nhân Ukraine tiếp nhận tên lửa Stinger FIM-92 do Mỹ sản xuất và các trang bị khác được vận chuyển từ Litva đến Sân bay Boryspil, Ukraine. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP qua Getty Images)

Mỹ bí mật vận chuyển tên lửa tầm xa tới Ukraine

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt gói viện trợ mới trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm nhiều loại đạn dược tầm xa.

Trong bài phát biểu được phát sóng, Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, cho biết các vũ khí tấn công được hứa hẹn sẽ bao gồm tên lửa ATACMS.

"Điều này được ghi rõ trong luật", ông nói với đài CBS News vào ngày 21/4.

Cùng ngày Tổng thống Biden đã phê duyệt gói viện trợ, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết tên lửa tầm xa đã được vận chuyển bí mật đến Ukraine.

Theo quan chức này, các tên lửa là một phần của gói viện trợ trị giá 300 triệu USD trước đó mà Tổng thống Biden đã phê duyệt vào ngày 12/3.

Một quan chức giấu tên cho biết Mỹ đã chuyển giao một số lượng tên lửa ATACMS cho Ukraine, tuy nhiên số lượng cụ thể không được tiết lộ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã xác nhận thông tin này, đồng thời khẳng định thêm sẽ có thêm viện trợ ATACMS được gửi đến Ukraine trong thời gian tới.

"Chúng tôi đã gửi một số tên lửa [tới Ukraine]. Và chúng tôi sẽ gửi thêm viện trợ với thẩm quyền và ngân sách bổ sung hiện có", cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên vào ngày 24/4.

Khi được hỏi về cam kết trước đó của Ukraine không tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới, ông Sullivan bày tỏ tin tưởng rằng Ukraine sẽ thực hiện cam kết này.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Nga tuyên bố vô hiệu hóa tên lửa ATACMS tầm xa nhắm vào Crimea