Reuters: Việt Nam có 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, thách thức vị thế của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việt Nam đang lên kế hoạch khởi động lại một mỏ đất hiếm do phương Tây hỗ trợ vào năm tới. Quy mô sản lượng của mỏ này gần tương đương mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới hiện nay. Kế hoạch này có thể giúp thiết lập chuỗi cung ứng đất hiếm ở các nước Đông Nam Á và làm giảm vị thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường nguyên liệu thô này.

Theo Reuters, động thái này sẽ là một bước hướng tới mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm của Việt Nam, bao gồm phát triển năng lực tinh chế quặng thành kim loại dùng trong nam châm cho xe điện, điện thoại thông minh và tua-bin gió.

Bà Tessa Kutscher, giám đốc điều hành của hãng Blackstone Minerals Ltd (Australia), cho biết, theo dự định, Việt Nam đầu tiên sẽ tổ chức mở thầu nhiều lô tại mỏ đất hiếm Đông Pao thuộc tỉnh Lai Châu từ nay đến cuối năm.

Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), nhà máy chiết tách đất hiếm chính và là đối tác của Blackstone trong dự án, cho biết thời gian đấu thầu có thể thay đổi, nhưng Việt Nam đã có kế hoạch khởi động lại mỏ Đông Pao vào năm tới.

Đề xuất khởi động lại mỏ đất hiếm này được đưa ra giữa lúc nhiều quốc gia lo ngại về khả năng bị gián đoạn nguồn cung.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, nhưng phần lớn chưa được khai thác, chủ yếu do nguồn cung giá thấp từ Trung Quốc, trong khi nước này lại gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực đất hiếm của Việt Nam.

Trong các cuộc phỏng vấn với Reuters, 12 giám đốc điều hành, nhà đầu tư, nhà phân tích và quan chức nước ngoài đã mô tả các kế hoạch dành cho Việt Nam, cho thấy họ đang chuyển từ thảo luận sang hành động để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng.

Một số người thừa nhận rằng có nhiều khó khăn trong việc hình thành một trung tâm đất hiếm, nhưng cho biết nước cờ này có thể khiến Việt Nam trở thành một đối tác khả thi, đồng thời xoa dịu những lo lắng về mặt chiến lược, ngay cả khi Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế.

Bà Tessa Kutscher cho biết khoản đầu tư của Blackstone vào dự án sẽ có trị giá khoảng 100 triệu USD nếu thắng thầu. Bà nói thêm rằng công ty đang nói chuyện với các khách hàng tiềm năng, bao gồm các nhà sản xuất ô tô điện VinFast và Rivian, về các hợp đồng khả thi với mức giá đủ để bảo vệ các nhà cung cấp khỏi biến động thị trường và đảm bảo cho người mua một chuỗi cung ứng an toàn.

Theo Reuters, các nhà đầu tư Nhật Bản như Toyota Tsusho và Sojitz mấy năm gần đây đã từ bỏ các dự án tại Đông Pao sau khi Trung Quốc tăng nguồn cung giá rẻ.

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm (Ảnh: Reuters)

Theo một đại diện từ Công ty Đất hiếm Lai châu - Vimico (Lavreco), mỏ Đông Pao đã không hoạt động trong ít nhất 7 năm. Nếu được khai thác hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành nhóm quốc gia sản xuất đất hiếm hàng đầu. Nhưng việc tinh chế đất hiếm rất phức tạp và Trung Quốc kiểm soát nhiều công nghệ tinh chế.

Ông Lưu Anh Tuấn thuộc VTRE cho biết công ty kỳ vọng giành được nhượng quyền cho phép họ khai thác khoảng 10.000 tấn oxit đất hiếm mỗi năm, tương đương gần 1/3 sản lượng dự kiến hàng năm của mỏ. Và việc sản xuất có thể bắt đầu vào khoảng cuối năm 2024.

Ngoài Đông Pao, Việt Nam có kế hoạch phát triển thêm các mỏ khác nữa. Tháng 7 vừa qua, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất tới 60.000 tấn oxit đất hiếm mỗi năm cho tới năm 2030. Trong khi đó, Trung Quốc đặt hạn ngạch sản lượng nội địa là 210.000 tấn vào năm ngoái.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, Mỹ đã đồng ý giúp Việt Nam lập bản đồ tài nguyên đất hiếm và thu hút đầu tư chất lượng hơn, một động thái có thể khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam Xã hội

Reuters: Việt Nam có 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, thách thức vị thế của Trung Quốc