Ăn gừng lúc nào là tốt nhất? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ăn gừng mà không gọt vỏ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gừng không chỉ là một gia vị phổ biến trong ẩm thực mà còn là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi tiêu thụ loại củ này, chúng ta nên tránh một vài yếu tố.

Bài viết này sẽ đề cập đến những cách ăn gừng an toàn nhất, hiệu quả nhất để tăng cường tác dụng của nó đối với sức khỏe.

Lợi ích sức khỏe của gừng

Các thành phần sinh hóa của gừng rất phong phú, các thành phần chính bao gồm dầu dễ bay hơi, curcumin, zingiberol, gingerol, tinh bột và các loại khác. Những thành phần này mang lại nhiều lợi ích cho gừng.

  • Thúc đẩy tiêu hóa: Gừng có chứa các thành phần như gingerol và zingiberol, có thể thúc đẩy nhu động ruột và tăng tiết dịch tiêu hóa, giúp giảm bớt sự khó chịu ở đường tiêu hóa.
  • Giảm viêm: Chất curcumin trong gừng có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và chống khối u, có thể làm giảm cảm giác khó chịu do viêm.
  • Giảm buồn nôn và nôn: Tinh dầu dễ bay hơi trong gừng có thể làm giảm buồn nôn và nôn, đặc biệt là buồn nôn và nôn do mang thai và hóa trị.
  • Hạ đường huyết và cholesterol: Curcumin và các thành phần khác trong gừng có thể hạ đường huyết và cholesterol, giúp ngăn ngừa các bệnh như tiểu đường, tim mạch.
  • Là một loại thuốc giảm đau và chống co thắt: Gingerol và zingiberol trong gừng có thể làm giảm đau, chuột rút, co thắt và đau cơ.

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng hầu hết các loại thực phẩm tự nhiên có thể phân loại thành hai dạng: “lạnh” hoặc “nóng”. Cũng có thể chia chúng thành thức ăn với các tính chất như lạnh, nóng, ấm và trung tính. Tiêu thụ thức ăn lạnh sẽ làm mát cơ thể, trong khi thức ăn nóng có tác dụng làm ấm. Với suy nghĩ này, chúng ta có thể điều chỉnh tình trạng của cơ thể thông qua sự cân bằng hợp lý giữa lượng thức ăn nóng và lạnh. Ví dụ, năng lượng của gừng cay và ấm, vì vậy nó là một loại thực phẩm nóng. Trong thực hành lâm sàng của y học cổ truyền, gừng được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, đau khớp do lạnh, sốt, ho, cảm lạnh và các triệu chứng khác.

Trong thực hành lâm sàng của y học cổ truyền, gừng được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, đau khớp do lạnh, sốt, ho, cảm lạnh và các triệu chứng khác.
Trong thực hành lâm sàng của y học cổ truyền, gừng được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, đau khớp do lạnh, sốt, ho, cảm lạnh và các triệu chứng khác. (Pexels)

Thời điểm tốt nhất để ăn gừng

Mặc dù gừng có nhiều tác dụng tốt nhưng không phải ai cũng thích hợp để sử dụng. Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý thời điểm thích hợp để ăn gừng.

Một số người cho rằng buổi sáng là thời điểm tốt nhất để ăn gừng và nên tránh vào buổi tối. Các thành phần trong gừng có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, có lợi cho việc thúc đẩy nhu động ruột và bài tiết dịch tiêu hóa. Vào buổi sáng, quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra mạnh mẽ, ăn gừng có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, giúp tinh thần sảng khoái, có tác dụng bồi bổ sức khỏe.

Ăn gừng vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhưng nó không tệ như cách mà cư dân mạng trên internet lan truyền, rằng “ăn gừng vào ban đêm chẳng khác nào ăn asen trioxide”. (Một chất cực độc!)

Ăn gừng buổi tối không thích hợp cho người thận âm hư hỏa vượng. Y học cổ truyền tin rằng thận là trung tâm của âm dương trong cơ thể con người và là “bẩm sinh”, hay nền tảng của sự sống.

Thận âm là nguồn gốc của dịch âm trong cơ thể, làm ẩm và nuôi dưỡng tất cả các cơ quan và mô. Thận âm hư sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau lưng, kinh nguyệt không đều, vô sinh, gầy yếu. Nếu không có vấn đề về thận âm suy, có thể ăn gừng ở mức vừa phải vào buổi tối mà không quá lo về tác dụng phụ.

Vậy có nên ăn gừng vào buổi trưa hay không? Chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy thời điểm này là không được ăn. Tôi (tác giả gốc bài viết - PV) không nghĩ rằng ăn gừng sẽ làm hại phổi hay ảnh hưởng đến chức năng tim.

Mặc dù gừng có tính ấm nhưng tác dụng nhẹ và không làm cơ thể quá nóng. Do đó, dù là sáng, trưa hay tối, hầu hết mọi người đều có thể ăn gừng một cách an toàn với lượng vừa phải.

Ăn gừng buổi tối không thích hợp cho người thận âm hư hỏa vượng.
Ăn gừng buổi tối không thích hợp cho người thận âm hư hỏa vượng. (Pexels)

Ai cần chú ý khi ăn gừng?

Mặc dù gừng có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên dùng. Những người có các điều kiện sau đây nên tiêu thụ ít hơn hoặc tránh hoàn toàn:

  • Chức năng đường tiêu hóa yếu: Những người này ăn quá nhiều gừng có thể gây ra các vấn đề như tiêu chảy và khó chịu đường tiêu hóa.
  • Dễ bị dị ứng: Một số người dễ bị dị ứng với thực phẩm có chứa gừng. Nếu bạn thấy da mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa hoặc các triệu chứng khác sau khi ăn gừng, hãy ngừng lại.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Ăn quá nhiều gừng có thể gây ra tác dụng phụ đối với thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.

Có nên gọt vỏ gừng không?

Một câu hỏi khác thường được đặt ra là: “Gừng có nên gọt vỏ không?”. Y học cổ truyền tin rằng các bộ phận khác nhau của cây đều có đặc tính, hương vị và tác dụng khác nhau, thịt và vỏ gừng là những ví dụ điển hình.

Vỏ gừng chứa nhiều cellulose và khoáng chất nhưng cũng có chất curcumin, dầu gừng và gingerol. Nhưng sử dụng quá nhiều có thể dẫn đến một số tác dụng phụ. Trong số các thành phần này, gingerol là chất độc nhất và tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra các triệu chứng như khó chịu đường tiêu hóa, khó thở và dị ứng.

Từ góc độ năng lượng trong y học cổ truyền, thịt gừng có vị cay và ấm, ra mồ hôi và xua tan cảm lạnh. Nhưng ngược lại, vỏ của nó có tính cay, tính mát và có tác dụng hạ mồ hôi, giải nhiệt. Do đó, tùy từng trường hợp để biết liệu chúng ta nên gọt vỏ gừng hay không. Ví dụ, gọt vỏ gừng vào mùa đông sẽ tốt hơn nhiều so với gọt vỏ gừng vào mùa hè.

Một ví dụ khác là khi bạn bị cảm lạnh hoặc sốt. Uống canh gừng có thể giúp bài tiết chất độc ra ngoài qua mồ hôi. Trong trường hợp này, loại bỏ vỏ gừng và chỉ sử dụng phần thịt bên trong có thể giúp xua tan cảm lạnh và khiến bạn đổ mồ hôi.

Nếu uống trà gừng và táo tàu đỏ như một thức uống bồi bổ sức khỏe thì không cần gọt vỏ gừng vì thức uống này có tác dụng làm ấm cơ thể, xua cảm lạnh và tăng cường thể lực. Vỏ gừng không chỉ giúp bồi bổ cơ thể mà còn thanh nhiệt.

Khi sử dụng gừng trong pha chế đồ uống hoặc nấu ăn, giữ nguyên vỏ gừng cũng có thể làm tăng thêm hương vị. Gọt vỏ hay không là tùy thuộc vào sở thích cá nhân. Tuy nhiên, những người dị ứng với vỏ gừng nên loại bỏ để đảm bảo an toàn.

Theo Tiến Sĩ Jingduan Yang từ The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

TS.BS Jingduan Yang là một bác sĩ tâm thần chuyên về y học tổng hợp và y học cổ truyền Trung Hoa cho các bệnh mãn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Integrative Psychiatry", "Medicine Matters" và "Integrative Therapies for Cancer". Đồng tác giả "Facing East: Ancient Secrets for Beauty+Health for Modern Age" của HarperCollins và "Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine" của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Phương Bắc (Middletown, New York) kể từ tháng 7 năm 2022.



BÀI CHỌN LỌC

Ăn gừng lúc nào là tốt nhất? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ăn gừng mà không gọt vỏ?