Làm thế nào để không đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh nguyệt còn được mệnh danh là “người bạn tốt”, nhưng đối với nhiều phụ nữ, kinh nguyệt không phải là “người bạn tốt” mà là nỗi đau, nỗi khổ theo từng tháng. Cơn đau do kinh nguyệt mang tới như một cơn ác mộng. Vậy lẽ nào phụ nữ chỉ có thể chịu đựng, hoặc trông chờ vào thuốc giảm đau?

Dưới góc độ y học cổ truyền, trong thời kỳ kinh nguyệt, chỉ cần bạn chấp nhận sử dụng một số phương pháp để giúp thải máu kinh, đồng thời tránh một số loại thực phẩm, bạn sẽ cảm nhận được kinh nguyệt thực sự là một “người bạn tốt”.

Do đó, quá trình này không những diễn ra êm đềm, mà còn làm tăng thêm vẻ nữ tính cho phụ nữ.

Điều hòa cơ thể là cách cơ bản để giảm đau

Kinh nguyệt là chức năng sinh lý bình thường của phụ nữ. Khi không có hiện tượng thụ thai thì tự nhiên nội mạc tử cung sẽ xẹp xuống và bắt đầu tái tạo, khởi động một chu kỳ mới.

Nhưng tại sao lại bị đau bụng kinh? Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Hoa, đây thường là biểu hiện của khí trệ và huyết ứ.

Lý Ưng Đạt (Li Yingda), Giám đốc Phòng khám Y học Cổ truyền Từ Hàng cho biết, khi bị đau bụng kinh và xuất hiện các cục máu đông, phần lớn nguyên nhân là do ăn đồ lạnh hoặc cơ thể bị nhiễm lạnh.

Một số người uống thuốc giảm đau nhưng chỉ có tác dụng tạm thời, cũng có thể phải tăng liều lượng thuốc, thậm chí thuốc mất tác dụng.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, việc sử dụng các loại thuốc hoạt huyết, tiêu ứ trong 2 đến 3 tháng có thể cải thiện đáng kể chứng đau bụng kinh.

Ông Lý Ưng Đạt cho biết: “Đây là cách cơ bản để giảm đau”. Nói chung, khi chu kỳ kinh nguyệt suôn sẻ, thì việc mang thai cũng dễ dàng hơn.

Bà Diệp Nhu Đoan (Ye Ruiduan), Giám đốc Phòng khám Y học Cổ truyền Gia Phẩm, tin rằng: "Kinh nguyệt là món quà đặc biệt của Thượng đế ban tặng cho phụ nữ để sinh ra thế hệ sau".

Bà cho biết, những bệnh nhân bị đau bụng kinh ở phòng khám ngoại trú chỉ phát hiện họ không còn đau đớn nữa sau khi áp dụng một số phương pháp điều hòa; thậm chí các triệu chứng tiền kinh nguyệt và sau kinh nguyệt cũng được cải thiện.

Bốn Phương pháp giúp thải máu kinh và giảm đau bụng kinh

Đối với phụ nữ bị đau bụng kinh, 4 phương pháp dưới đây có thể giúp lưu thông khí huyết, có tác dụng giảm đau.

1. Chườm nóng vùng bụng dưới

Chườm nóng hoặc chườm ấm lên vùng dưới rốn có thể cải thiện tình trạng đau bụng kinh.

2. Xoa bóp huyệt

  • Huyệt Khí Hải: dưới rốn 1.5 tấc (2 ngón tay nằm ngang).
  • Huyệt Quan Nguyên: dưới rốn 3 thốn (4 ngón tay nằm ngang).
  • Huyệt Tử Cung: dưới rốn 4 thốn (5 ngón tay sát nhau), đo sang hai bên mỗi bên 3 thốn (4 ngón tay nằm ngang).
  • Huyệt Tam Âm Giao: nằm ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân đo lên 3 thốn (4 ngón tay nằm ngang).

Huyệt Khí Hải, huyệt Quan Nguyên và huyệt Tử Cung đều nằm dưới rốn, nếu dùng túi chườm nóng (hoặc ấm) để chườm đồng thời các huyệt này thì hiệu quả sẽ tốt hơn.

Để xoa bóp, bạn có thể thêm các loại tinh dầu có tính ấm như quế chi, ngải cứu, quế đơn, tiểu hồi hương để xoa bóp tại huyệt mạnh hơn.

Bà Diệp Nhu Đoan chỉ ra rằng, chườm nóng hoặc xoa bóp các huyệt này bằng tinh dầu có thể làm thông khí và làm ấm noãn trong tử cung, cải thiện tình trạng ứ trệ máu và thúc đẩy quá trình thải máu kinh.

Huyệt Tam Âm Giao là huyệt chính đầu tiên để điều trị đau bụng kinh, có thể châm cứu, xoa bóp hoặc chườm ấm.

3. Ngâm chân

Những người bị đau bụng kinh có thể ngâm chân, khi ngâm chân, nước nên phủ kín huyệt Tam Âm Giao.

Nên cho thêm quế chi, ngải cứu, quế đơn, tiểu hồi hương và các dược liệu khác vào trong nước ngâm chân. Bản thân các vị thuốc này đã có tác dụng làm ấm kinh lạc.

Nhưng quế khó ngâm hơn, bạn có thể nấu chín trước hoặc rắc bột quế trực tiếp. Các loại thảo mộc này có thể được sử dụng kết hợp linh hoạt.

4. Đi bộ nhanh

Khi có kinh, bạn có thể đi lại nhanh chóng nếu không đau đến mức không thể cử động. Đi bộ nhanh có thể kích hoạt các cơ vùng chậu, thúc đẩy lưu thông máu và giúp thải máu kinh.

Nếu trước đây bạn có triệu chứng đau bụng kinh, trước khi đến kỳ kinh nguyệt, bạn có thể tập các bài tập có tác dụng vận động xương chậu như chạy bộ, đạp xe sẽ giúp ích cho việc lưu thông máu kinh.

Bà Diệp Nhu Đoan cho biết thêm, khi có kinh nguyệt, bạn không nên kiễng chân, dựng ngược (kiểu trồng cây chuối), nâng cao chân hoặc đạp chân trên không; điều này giúp tránh máu kinh chảy ngược và tăng khả năng bị lạc nội mạc tử cung.

Các phương pháp tập luyện và chăm sóc sức khỏe trên có thể thực hiện trong thời gian bình thường, thực hiện trước kỳ kinh sẽ có lợi hơn.

Tránh thực phẩm lạnh và có tính axit trong thời kỳ tiền kinh nguyệt

Ngoài ra, phụ nữ đau bụng kinh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống. Cụ thể, trong thời kỳ kinh nguyệt và trước khi đến kỳ kinh nguyệt, bạn không nên ăn hai loại thực phẩm sau.

  • Đồ ăn lạnh: đồ uống lạnh và rau quả có tính mát như các loại quả dưa (dưa hấu…); các loại quả có múi (bưởi, cam) và các loại rau mướp (mướp đắng).
  • Thực phẩm có tính axit: chẳng hạn như nước mận chua, nước chanh mật ong, giấm trái cây và kẹo trái cây. Y học Trung Quốc cho rằng axit có tác dụng làm se, tăng khả năng chống lưu thông cho quá trình thải ra máu kinh.

Bà Diệp đưa ra lời khuyên rằng, những người bị đau bụng kinh thường nên ăn ít đồ lạnh và mát, nhất là khi hành kinh. Nếu phụ nữ tránh nước đá thì sẽ thấy mức độ đau bụng kinh được cải thiện đáng kể.

Ông Lý Ưng Đạt khuyến cáo những phụ nữ có cơ địa lạnh có thể ăn trứng rán dầu mè và uống trà gừng đường nâu để giảm đau bụng khi hành kinh.

Ngoài ra, phụ nữ thích ăn cà ri thì tốt nhất không nên ăn trong thời kỳ kinh nguyệt, vì một số loại gia vị trong cà ri có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu, có thể khiến máu kinh ra nhiều hơn.

Tuy nhiên, những người có thể trạng lạnh rất thích hợp ăn cà ri trước kỳ kinh nguyệt.

Mặc dù các phương pháp chăm sóc sức khỏe trên có thể giảm đau bụng kinh, nhưng nếu kinh nguyệt không đều hoặc có cảm giác khó chịu, bạn vẫn nên đi khám.

Bà Diệp lấy một số bệnh nhân mắc bệnh buồng trứng đa nang làm ví dụ, những bệnh nhân này hầu hết đều có chu kỳ kinh nguyệt không đều từ thời trung học, và nó thường lâu lâu mới xuất hiện một lần.

Nhưng nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là hiện tượng bình thường, nên chủ quan và không đi khám.

Kết quả là do tiết hormone bất thường, dẫn đến thừa androgen, ngoại hình trở nên nam tính và dễ béo phì, xuất hiện mụn trứng cá, lông tay, lông chân, thậm chí còn mọc râu. Có những bệnh nhân nặng đến mức giọng nói của họ trở nên giống nam giới.

Bà Diệp nói: “Nếu chúng ta biết cách chăm sóc tốt, kinh nguyệt sẽ không phải là xấu, có khi điều đó sẽ khiến phụ nữ cảm thấy thích thú hơn khi là con gái".

Chính vì phụ nữ có kinh nguyệt mới có thể sinh ra thế hệ sau và thể hiện sự nữ tính của mình, vì vậy phụ nữ nên chăm sóc chu đáo cho bản thân để có thể trải qua những ngày tháng đó một cách suôn sẻ.

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Làm thế nào để không đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt?