Tại sao ung thư tuyến tụy là loại ung thư nguy hiểm nhất? Làm thế nào để phòng ngừa căn bệnh này?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy. Đây là loại ung thư nguy hiểm nhất, với tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ ở mức khoảng 7%. Các triệu chứng của ung thư tuyến tụy thường chỉ biểu hiện rõ sau khi ung thư đã di căn sang các cơ quan khác. Do đó, khoảng 80% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Tuyến tụy là một cơ quan dài và dẹt nằm ở phần sau của ổ bụng. Tụy là một phần của hệ tiêu hóa và hệ nội tiết trong cơ thể chúng ta. Hai chức năng chính của tuyến tụy là sản xuất các enzym giúp tiêu hóa thức ăn và bài tiết hormone insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy. Đây là loại ung thư nguy hiểm nhất, với tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ ở mức khoảng 7%. Hiện nay, ung thư tuyến tụy là nguyên nhân tử vong do ung thư đứng thứ tư ở Hoa Kỳ. Theo bác sĩ chuyên khoa ung thư Brian Geister, ung thư tuyến tụy sẽ trở thành nguyên nhân tử vong do ung thư hàng đầu ở Mỹ vào năm 2030.

Theo ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, vào năm 2022, có khoảng 62.210 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy và khoảng 49.830 người chết vì căn bệnh này.

Tại sao ung thư tuyến tụy rất nguy hiểm?

Theo phó giáo sư, bác sĩ Rachna T Shroff, trưởng khoa ung thư tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Đại học Arizona, có nhiều lý do khiến ung thư tuyến tụy được xem là căn bệnh chết người. Đầu tiên, vì ung thư tuyến tụy không có các triệu chứng cụ thể, nên loại ung thư này hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, giai đoạn dễ điều trị nhất.

Các triệu chứng của ung thư tuyến tụy thường chỉ biểu hiện rõ sau khi ung thư đã di căn sang các cơ quan khác. Do đó, khoảng 80% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn. Bác sĩ Rachna T Shroff giải thích thêm rằng “giai đoạn muộn” có nghĩa là ung thư đã tiến triển ở vị trí cục bộ và không thể phẫu thuật cắt bỏ hoặc tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan khác. Xu hướng di căn sang các cơ quan khác là lý do thứ hai khiến ung thư tuyến tụy trở thành một căn bệnh chết người.

Nguyên nhân chính của ung thư tuyến tụy

Nguyên nhân chính của ung thư tuyến tụy là hiện tượng đột biến DNA do các yếu tố di truyền, và các yếu tố lối sống như uống rượu và hút thuốc lá hoặc có thể do các đột biến ngẫu nhiên.

Đột biến di truyền: Trong trường hợp này, những người mang gen đột biến sẽ nhận một bản sao gen đột biến từ cha hoặc mẹ của họ. Người mang gen đột biến sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn so với những người không mang gen này. Tuy nhiên, không phải ai mang gen đột biến cũng sẽ bị ung thư. Trong quá trình sống, phần gen “tốt” của một tế bào tuyến tụy nào đó có thể bị tổn thương, khi đó tế bào này sẽ có hai gen bất thường, dẫn đến sự phát triển bất thường của tế bào và hình thành ung thư tuyến tụy.

Yếu tố lối sống: Hút thuốc lá và uống rượu có thể là những nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tụy. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh này cao từ hai đến ba lần so với những người không hút. Ngoài ra, uống nhiều rượu và uống trong thời gian dài có thể khiến tình trạng viêm tụy lặp lại nhiều lần, và có thể dẫn đến ung thư tuyến tụy.

Đột biến ngẫu nhiên: Khi một tế bào trong cơ thể tiến hành phân chia, tế bào sẽ sao chép toàn bộ DNA để truyền lại cho các tế bào con. Cơ thể chúng ta liên tục sao chép DNA và tạo ra các tế bào mới. Tuy nhiên, có thể có lỗi trong quá trình sao chép DNA. Và nếu một trong những lỗi sai này làm đột biến một gen quan trọng liên quan đến ung thư tế bào tuyến tụy, thì kết quả là các tế bào ung thư sẽ được hình thành.

Nhiều trường hợp mắc ung thư tuyến tụy là do ngẫu nhiên, mặc dù có nhiều gen đóng vai trò trong quá trình phát triển của tế bào ung thư. Các gen chính có liên quan đến ung thư tuyến tụy bao gồm KRAS, P53, P16 và SMAD4.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của ung thư tuyến tụy

Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt đó là việc phát hiện sớm ung thư tuyến tụy ở giai đoạn đầu. Không có những dấu hiệu rõ ràng để nhận biết ung thư tuyến tụy và các triệu chứng của loại ung thư này cũng không đặc hiệu và tương tự như các loại ung thư khác.

Các triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến tụy bao gồm:

  • Vàng da nhưng không đau: Vàng da và vàng mắt có thể xảy ra khi khối u ở đầu tụy chèn vào ống mật.
  • Đau bụng lan ra sau lưng
  • Ăn không ngon
  • Giảm cân không rõ lý do
  • Phân nhạt màu
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Ngứa da
  • Đái tháo đường mới được chẩn đoán hoặc bệnh đái tháo đường khó kiểm soát được đường máu
  • Huyết khối tĩnh mạch
  • Mệt mỏi

Theo bác sĩ Shroff, các triệu chứng của ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào vị trí nguyên phát của khối u trong tụy. Ví dụ, nếu khối u nằm ở phần đầu hoặc cổ của tuyến tụy, bệnh nhân có thể bị sụt cân, vàng da hoặc viêm đường mật. Vì ống mật chung đi ngang qua phần đầu tụy nên ở những bệnh nhân có khối u ở phần đầu tụy, một trong những biểu hiện đầu tiên là chèn ép và tắc ống mật chung. Đây là lý do tại sao các khối u ở vùng đầu tụy dễ gây vàng da hơn.

Nếu khối u ở phần thân tụy, bệnh nhân có thể bị đau thượng vị hoặc đau lưng. Đặc điểm cơn đau có liên quan đến cấu tạo giải phẫu của khu vực này. Vì có rất nhiều thần kinh và mạch máu trong khu vực này, bao gồm cả đám rối thân tạng, do đó, vị trí của khối u sẽ quyết định dây thần kinh bị kích hoạt và điều này cũng ảnh hưởng đến vị trí của cơn đau. Ngoài triệu chứng đau lưng thường gặp khi khối u nằm ở phần đuôi tụy, bệnh nhân có thể có triệu chứng của các cơ quan khác khi tế bào ung thư của tụy đã di căn.

Chúng ta biết rằng, các triệu chứng như sụt cân, đau bụng, ngứa da, mệt mỏi có thể do nhiều bệnh khác gây ra. Vì vậy, thông thường khi các bác sĩ nghĩ đến việc chụp CT hoặc thực hiện các xét nghiệm khác để phát hiện ung thư tuyến tụy, thì bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn của bệnh.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tụy

Thật không may, hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tụy đều không thể phòng ngừa được và nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy trung bình trong đời của mỗi người là khoảng 1/64. Tuy nhiên, chúng ta có thể cố gắng hạn chế những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.

Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được gồm có:

  • Hút thuốc lá: Khoảng 25% các trường hợp ung thư tuyến tụy có nguyên nhân là do hút thuốc lá. Hút xì gà và thậm chí sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
  • Béo phì: Những người béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn 20% so với những người có cân nặng bình thường. Và nguy cơ của những người có cân nặng bình thường nhưng có vòng eo lớn cũng cao hơn.
  • Uống nhiều rượu: Uống nhiều rượu có thể gây ra tình trạng viêm tụy mạn tính, đây có thể là dấu hiệu báo trước của ung thư tuyến tụy.
  • Chế độ ăn: Một số loại thực phẩm chứa vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy.
  • Hóa chất: Tiếp xúc với hóa chất như thuốc trừ sâu và hóa dầu có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.

Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được bao gồm:

  • Tuổi tác: Người càng lớn tuổi, nguy cơ ung thư tuyến tụy càng cao. Có 90% bệnh nhân ung thư tuyến tụy trên 55 tuổi và 70% bệnh nhân trên 65 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới mắc ung thư tuyến tụy nhiều hơn so với nữ giới.
  • Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy nhiều hơn so với người da trắng, người gốc Tây Ban Nha hoặc người châu Á.
  • Tiền sử gia đình: Những người có đột biến gen di truyền có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn. Cụ thể, những người có từ hai người thân trực hệ (cha mẹ, anh chị em ruột, con cái) trở lên hoặc có ít nhất ba thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn.

Mối liên quan giữa ung thư tuyến tụy và các bệnh lý khác

Nhiều nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là thời gian mắc bệnh dài, có nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn. Các thử nghiệm lâm sàng đã phát hiện rằng những người mới mắc đái tháo đường, đặc biệt là những người già đột ngột phát hiện bệnh đái tháo đường, rất có thể bị ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường vẫn phổ biến hơn nhiều so với ung thư tuyến tụy và không phải tất cả những người mắc bệnh đái tháo đường đều sẽ bị ung thư tuyến tụy.

Ngoài ra, một số hội chứng di truyền có thể gây ra ung thư tuyến tụy, chẳng hạn như hội chứng ung thư vú và ung thư buồng trứng di truyền. Hội chứng này là do đột biến gen BRCA gây ra.

Mối liên hệ giữa đột biến BRCA và ung thư tuyến tụy đã được chứng minh. Đột biến BRCA làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc ung thư tụy. Tuy nhiên, ung thư vú (liên quan đến đột biến BRCA) cũng phổ biến hơn nhiều so với ung thư tuyến tụy.

Theo một nghiên cứu, những người có tiền sử viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn.

Các phương pháp điều trị hiện có của ung thư tuyến tụy

Hiện tại, các phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy có thể là bất kỳ sự kết hợp nào của năm loại điều trị tiêu chuẩn, bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

  • Phẫu thuật: để cắt bỏ khối u tụy.
  • Xạ trị: sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển.
  • Hóa trị: sử dụng các loại thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và đây là một trong những phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy được sử dụng phổ biến nhất.
  • Hóa xạ trị: đây là phương pháp kết hợp giữa hóa trị và xạ trị
  • Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích: sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể, đồng thời cố gắng giảm thiểu tác động đến các tế bào bình thường.

Tuy nhiên, ung thư tuyến tụy có khả năng kháng hóa trị cao hơn nhiều so với các loại ung thư khác. Vì vậy, bệnh nhân ung thư tuyến tụy sẽ có ít lựa chọn điều trị hơn so với các bệnh nhân ung thư khác.

Theo bác sĩ Shroff, phương pháp điều trị chính cho các bệnh nhân ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối vẫn là hóa trị liệu, chẳng hạn như phác đồ FOLFIRINOX, một phác đồ hóa trị liệu sử dụng bốn loại thuốc gồm có axit folinic, fluorouracil, irinotecan và oxaliplatin. Một số nghiên cứu đã chứng minh một phác đồ hóa trị liệu thường dùng khác sử dụng thuốc gemcitabine cùng với nab-paclitaxeltăng có thể làm tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư tụy.

Bác sĩ Shroff nói rằng những nhóm bệnh nhân khác nhau sẽ có các lựa chọn điều trị khác nhau. Ví dụ, đối với những bệnh nhân ung thư tuyến tụy liên quan đến đột biến BRCA, nếu sau khi được điều trị khởi đầu bằng một số phác đồ hóa trị liệu có sử dụng oxaliplatin hoặc cisplatin, và bệnh nhân có đáp ứng, thì có thể sử dụng liệu pháp điều trị nhắm trúng đích bằng thuốc ức chế PARP. Thuốc ức chế PARP là một nhóm các chất ức chế enzyme poly ADP ribose polymerase. Loại thuốc này đã được FDA chấp thuận để điều trị nhiều loại ung thư có liên quan đến đột biến BRCA, bao gồm cả ung thư tuyến tụy. Loại thuốc này sẽ là liệu pháp điều trị duy trì bằng đường uống cho các bệnh nhân đã được hóa trị.

Ngoài ra còn có một tỷ lệ nhỏ các bệnh nhân sẽ được xác định là mắc bệnh ung thư mất ổn định vi vệ tinh cao thông qua giải mã trình tự gen hoặc xét nghiệm các marker sinh học. Những bệnh nhân này có thể đủ điều kiện để sử dụng liệu pháp miễn dịch.

Theo Viện Nghiên cứu Ung thư, phương pháp duy nhất có khả năng chữa khỏi ung thư tuyến tụy là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến tụy. Tuy nhiên, có ít hơn 20 phần trăm bệnh nhân có đủ điều kiện để phẫu thuật và nhiều người sẽ tái phát sau phẫu thuật vì các tế bào ung thư đã di căn trước khi phẫu thuật. Hơn nữa, mặc dù có thể sống mà không có tuyến tụy, nhưng những bệnh nhân này sẽ bị đái tháo đường và cần dùng insulin thường xuyên để duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường và bổ sung enzyme để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn trong suốt quãng đời còn lại.

Sử dụng liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư tuyến tụy

Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống kể trên, liệu pháp miễn dịch được hứa hẹn sẽ là một phương pháp điều trị ung thư tụy ít gây độc hơn. Hệ miễn dịch của chúng ta bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các vật lạ, bao gồm cả vi khuẩn, virus và các chất độc. Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại có thể đánh lừa hệ miễn dịch bằng cách sử dụng những thay đổi di truyền để ngăn các tế bào miễn dịch nhận diện được chúng. Khi đã trốn tránh được hệ thống miễn dịch, các tế bào ung thư sẽ có thể di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Liệu pháp miễn dịch sẽ sử dụng các loại thuốc để tăng cường hệ miễn dịch của chúng ta, giúp hệ thống này tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên theo bác sĩ Shroff, thật không may liệu pháp miễn dịch hiện tại chỉ có vai trò đối với một nhóm nhỏ, khoảng 3% các trường hợp ung thư tụy. Đó là những bệnh nhân có tải trọng đột biến u cao (TMB-H= tumor mutation burden- high).

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng liệu pháp miễn dịch sẽ là phương pháp điều trị tương lai cho các bệnh nhân ung thư tuyến tụy. Ví dụ, Bệnh viện Johns Hopkins đang thử nghiệm các liệu pháp miễn dịch được phát triển gần đây trong các thử nghiệm lâm sàng.

Ngoài ra còn có các nghiên cứu lâm sàng kết hợp thuốc ức chế PARP với thuốc ức chế các điểm checkpoint. Vì enzym PARP giúp sửa chữa các tế bào bị tổn thương, nên khi thuốc ức chế PARP ức chế enzyme này sẽ khiến các tế bào ung thư khó tự sửa chữa hơn.

Vào đầu năm 2022, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cấp quốc gia do Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania thực hiện, được tài trợ bởi Viện Liệu pháp miễn dịch ung thư Parker cho thấy sự kết hợp giữa điều trị hóa trị liệu và liệu pháp miễn dịch có thể phục hồi khả năng chống ung thư của hệ miễn dịch đối với các tế bào ung thư của tụy. Kết quả của thử nghiệm này đã được công bố trên tạp chí Nature Medicine.

Trong một thử nghiệm quy mô nhỏ với 34 đối tượng là các bệnh nhân ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối, các nhà nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên những bệnh nhân này để sử dụng liệu pháp miễn dịch nivolumab cùng với hai loại thuốc hóa trị là nab-paclitaxel và gemcitabine. Tỷ lệ sống sót sau một năm của nhóm bệnh nhân nghiên cứu được cải thiện lên mức 57,7% so với mức trung bình 35% nếu chỉ sử dụng hóa trị liệu.

Một thử nghiệm lâm sàng nhỏ do nhóm của tiến sĩ Robert Vonderheide, giám đốc Trung tâm Ung thư Abramson tại Đại học Pennsylvania thực hiện vào năm 2021 cho thấy rằng hóa trị liệu có thể phá vỡ khả năng kháng liệu pháp miễn dịch của khối u tụy, do đó việc kết hợp của hai phương pháp điều trị này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Nhóm của Tiến sĩ Vonderheide hiện đang lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm này trên quy mô lớn hơn.

Theo bác sĩ Shroff, có rất nhiều nghiên cứu đang được tiến hành nhằm tìm ra cách để một khối u “lạnh” ( khối u thường không nhạy cảm với liệu pháp miễn dịch) có thể đáp ứng với liệu pháp miễn dịch tốt hơn. Một số dữ liệu cho thấy rằng liệu pháp miễn dịch kết hợp có thể làm cho môi trường vi mô miễn dịch phản ứng tốt hơn một chút so với liệu pháp miễn dịch truyền thống, ví dụ như thuốc ức chế các điểm checkpoint. Tất cả các phương pháp này hiện vẫn đang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, còn có Liệu pháp tế bào thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR) T cho phép các tế bào T xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư cụ thể. Mặc dù không có “đích” điều trị rõ ràng ở hầu hết các bệnh nhân ung thư tuyến tụy, nhưng các chuyên gia đang dần xác định một số “đích” điều trị tiềm năng và phát triển các liệu pháp tế bào xung nhắm vào chúng.

Bệnh nhân ung thư tuyến tụy có thể kéo dài thời gian sống không?

Mặc dù bệnh ung thư tụy có tỷ lệ sống sót thấp, nhưng vẫn có những bệnh nhân có thể sống trong thời gian dài hoặc thậm chí có thể hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ Shroff cảm thấy rất vui khi có thể nhìn thấy những bệnh nhân của mình có thể sống sót lâu dài và có một cuộc sống tốt nhất, đạt được các cột mốc quan trọng. Một số bệnh nhân của cô được thực hiện triệt căn nhiều năm, thậm chí có bệnh nhân lên đến 10 năm.

Chẳng hạn, một người đàn ông được chẩn đoán mắc ung thư tụy cách đây khoảng bảy năm, anh đã được điều trị phẫu thuật và hóa trị. Sau đó bệnh nhân này vẫn có thể chứng kiến các con của anh trưởng thành. Một bệnh nhân khác được điều trị bằng hóa trị và nab-paclitaxel trong khoảng thời gian gần 4 năm, vẫn thường xuyên đi du lịch và leo núi cùng vợ cũng như dành thời gian cho các con. Vào năm 2011, bệnh nhân này đã tổ chức đám cưới cho con gái mình. Đối với bác sĩ Shroff, mục tiêu điều trị ung thư không chỉ là kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân mà còn phải mang lại cho họ chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Theo ý kiến của bác sĩ Shroff, ung thư có xu hướng trở thành một “lời cảnh tỉnh” cho nhiều bệnh nhân. Do đó, họ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để chống lại bệnh tật và cảm thấy tốt hơn, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn. Một số bệnh nhân viết ra một danh sách những việc mà họ thực sự muốn làm, gặp những người họ muốn gặp và đến thăm những nơi mà họ muốn đến. Rất nhiều bệnh nhân của bác sĩ Shroff đã sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cũng như sắp xếp lại cuộc sống của họ để đảm bảo rằng họ đang sống mỗi ngày một cách trọn vẹn nhất, đồng thời tận hưởng và trân trọng từng khoảnh khắc mà họ có. Đó cũng là lời nhắc nhở dành cho bác sĩ Shroff: đừng bao giờ xem thường bất cứ điều gì.

Những cách để giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy

Thật không may, hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tụy không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc căn bệnh này bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ nói trên.

Theo bác sĩ Shroff, những yếu tố ở trong tầm kiểm soát của chúng ta đều liên quan đến lối sống. Ví dụ, để giảm nguy cơ ung thư, mọi người nên bỏ hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý, duy trì chế độ ăn nhiều trái cây, rau, thịt nạc để tránh bệnh đái tháo đường và hạn chế uống rượu.

Ngoài ra, có khoảng 3% đến 5% trường hợp ung thư tụy là do đột biến di truyền hoặc do đột biến tế bào dòng mầm gây ra. Nếu một người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, thì người đó nên thực hiện xét nghiệm di truyền và sàng lọc ung thư.

Các chuyên gia đã tập trung vào việc tìm ra phương pháp chẩn đoán sớm và hoặc các phương thức để sàng lọc ung thư tuyến tụy. Hiện tại, không có xét nghiệm đơn giản nào để chẩn đoán và tầm soát ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, vẫn có những nghiên cứu đang thực hiện tại Johns Hopkins nhằm phát triển một xét nghiệm để chẩn đoán và tầm soát ung thư tuyến tụy bằng máu, nước tiểu và phân.

Theo bác sĩ Shroff, cho đến nay các nghiên cứu đánh giá phương pháp sàng lọc bằng cách chụp X quang hoặc nội soi đều không chứng minh được lợi ích đáng kể cho bệnh nhân, ngoại trừ ở những bệnh nhân có nguy cơ đột biến tế bào dòng mầm hoặc đột biến di truyền cao. Ngoài ra còn có kỹ thuật sinh thiết lỏng.

Sinh thiết lỏng là một xét nghiệm được thực hiện để phát hiện ung thư bằng cách thu thập và phân tích các marker sinh học từ các tế bào ung thư trong máu ngoại vi. Chúng ta có thể chẩn đoán sớm ung thư bằng việc lấy máu để xác định DNA khối u hoặc DNA tự do lưu thông trong máu.

Tương tự các bệnh ung thư khác, việc phát hiện sớm ung thư tuyến tụy sẽ mang lại kết quả lâu dài tốt hơn cho bệnh nhân. Để phát hiện ung thư tuyến tụy, có thể sử dụng các xét nghiệm và quy trình sau đây:

  • Khám và khai thác tiền sử sức khỏe
  • Chụp CT (CAT scan): Còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính, kỹ thuật này cung cấp một loạt các hình ảnh chi tiết về tuyến tụy.
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): kỹ thuật này cũng cung cấp một loạt các hình ảnh chi tiết về tuyến tụy bằng cách sử dụng nam châm và sóng vô tuyến.
  • Kiểm tra sinh hóa máu: Kiểm tra mẫu máu để đo nồng độ của một số chất nhất định hoặc sự xuất hiện bất thường của một số chất cụ thể có thể là dấu hiệu của bệnh.
  • Xét nghiệm marker ung thư: Tương tự như kiểm tra sinh hóa máu, xét nghiệm này sẽ kiểm tra mẫu máu, nước tiểu hoặc mô để đo nồng độ của một số chất nhất định, được gọi là marker ung thư.
  • Chụp PET (chụp cắt lớp phát xạ positron): Kỹ thuật này được sử dụng để tìm các tế bào của khối u ác tính trong tuyến tụy.
  • Siêu âm: Đây là kỹ thuật sử dụng sóng âm để đánh giá các cấu trúc trong cơ thể.
  • Siêu âm nội soi (EUS): Trong kỹ thuật này, một ống nội soi sẽ được đưa vào cơ thể sử sóng âm năng lượng cao để tạo ra echo, từ đó sẽ tạo thành hình ảnh của các mô tuyến tụy.
  • Soi ổ bụng: Đây là một thủ thuật để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh lý tuyến tụy, bằng cách rạch một vết nhỏ trên thành bụng và đưa một ống nội soi qua các vết cắt để quan sát và chụp ảnh của tuyến tụy.
  • Sinh thiết: Việc kiểm tra các tế bào hoặc mô được cắt ra dưới kính hiển vi có thể giúp tìm được các tế bào ung thư tuyến tụy.

Vì ung thư tuyến tụy có thể làm cản trở quá trình sản xuất các enzym và hormone của tụy, nên quá trình tiêu hóa thức ăn và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm và thói quen ăn uống có thể giúp bệnh nhân chống lại ung thư tuyến tụy:

  • Ăn sáu đến tám bữa ăn nhỏ mỗi ngày với khoảng cách đều đặn và cần đối các thành phần của các bữa ăn có thể cải thiện mức năng lượng của bệnh nhân.
  • Uống đủ nước trong ngày: Nên uống đủ 2,5l nước mỗi ngày.
  • Tránh ăn đường, carbohydrate và chất béo trong bữa ăn để giúp giữ ổn định lượng đường trong máu và giảm gánh nặng cho tuyến tụy.
  • Ăn các loại thực phẩm giàu chất đạm trong mỗi bữa ăn: Thực phẩm giàu chất đạm bao gồm thịt nạc (thịt gia cầm và cá), đậu phụ, đậu, trứng và bơ hạt.
  • Ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa.
  • Ăn ít nhất năm phần trái cây và rau quả mỗi ngày, vì những loại thực phẩm này có nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp chống lại ung thư tuyến tụy.

(Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe có có uy tín nhất của Trung Quốc ở hải ngoại. Từ Thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, từ 9:00 sáng đến 10:00 sáng EST trên TV và trên internet, chương trình đưa các tin mới nhất về cách phòng ngừa, điều trị, các nghiên cứu khoa học và chính sách về coronavirus, cũng như các bệnh ung thư, bệnh lý mạn tính, sức khỏe tinh thần và cảm xúc , miễn dịch, bảo hiểm y tế và các khía cạnh khác để cung cấp cho mọi người sự chăm sóc và giúp đỡ ân cần và đáng tin cập. Xem trực tuyến tại: EpochTimes.com/Health TV: NTDTV.com/live)

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Song Hoài biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao ung thư tuyến tụy là loại ung thư nguy hiểm nhất? Làm thế nào để phòng ngừa căn bệnh này?