Bói trà: Tại sao trà có nguồn gốc châu Á nhưng bói trà lại khởi nguồn từ châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những khán giả yêu thích Harry Potter ắt hẳn sẽ nhớ cảnh phim Giáo sư Trelawney đọc bã trà trong cốc cậu bé phù thủy này và đưa ra những dự đoán chính xác.

Phương pháp bói toán hoặc dự đoán tương lai bằng cách đọc thông tin, biểu tượng từ bã trà, cặn cà phê hoặc vết rượu vang được gọi là tasseography (còn được gọi là tasseomancy, tassology, hoặc tasseology). Thuật ngữ này được ghép từ chữ “tasseo” - là từ tiếng Pháp mượn từ Ả-rập có nghĩa là “cái tách” - với các hậu tố tiếng Hy Lạp tương ứng như -graph (diễn tả), -mancy (bói), -logy (nghiên cứu về).

Tasseography chỉ là một trong vô vàn cách thức bói đồ vật trên khắp thế giới, tuy nhiên sự phổ biến, dễ kiếm của trà, cà phê, rượu vang đã khiến tasseography trở nên thông dụng và truyền tải nhiều điều thú vị.

Lịch sử

Bói cặn đồ uống ở các quốc gia Baltic và Slavic có liên quan chặt chẽ với người Di-gan, những người mà lối sống du mục của họ đã góp phần truyền bá bộ môn này, mặc dù nguồn gốc của nó vẫn là điều chưa được xác minh rõ.

Bói cặn đồ uống ở Tây Âu có lẽ đến từ các thầy bói thời Trung cổ - những người đã thực hành với sáp, chì và vật liệu nóng chảy khác.

Theo nhiều nguồn khác nhau, bói cà phê lần đầu xuất hiện là trong Cung điện Ottoman vào những năm 1500. Các phi tần nơi hậu cung Ottoman thường uống cà phê và bói cho nhau trong khi tán gẫu, buôn chuyện.

Phụ nữ Ottoman thưởng thức cà phê. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Bói trà

Có một điều thú vị là dù các nước châu Á có văn hóa trà và văn hóa bói toán lâu đời, nhưng bói trà lại được khởi xướng ở châu Âu. Lời giải thích đưa ra có thể là: châu Á, mà điển hình là Trung Quốc, ưa thích sử dụng vật nào có thể gieo quẻ, còn phương Tây nghiêng về xem xét hình dạng, biểu tượng.

Phụ nữ Ottoman thưởng thức cà phê. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Về cách xem bói, phần lớn người ta sử dụng lá trà sẫm màu với tách sáng màu. Vì chất lượng tốt và giao thương hầu như không gián đoạn, mà các loại trà nổi tiếng của Đài Loan như trà Bao chủng và trà Đông phương Mỹ nhân rất được ưa dùng để bói. Thầy bói thường yêu cầu khách xem uống tách trà nhưng chừa lại phần bã, sau đó họ lắc tách khoảng 3 lần rồi úp tách lên đĩa để trút hết nước đi, thầy bói sẽ đọc phần bã còn lại trong tách.

Tùy vào thầy bói và mô hình người đó sử dụng mà màu sắc, hình dạng bã trà sẽ được giải thích khác nhau. Ví dụ: một đường thẳng nói lên rằng khách xem là một người rất có kế hoạch hoặc tâm trí an hòa, hai đường thẳng song song cho biết hành trình sẽ an toàn, vòng tròn có dấu thập ở trong là điềm gở, cây cối là điềm thành công và sức khỏe. Hình dạng ở gần mép cốc thông báo về tương lai gần, còn gần đáy cốc thì thông báo về tương lai xa.

Ngoài ra người ta còn làm những bộ tách đĩa chuyên dụng để bói. Mặc dù nhiều người thích một chiếc tách trắng đơn giản để đọc bã trà, nhưng trước nhu cầu của thị trường, từ cuối thế kỷ 19 cho đến tận ngày nay, ở Anh và Mỹ người ta đã sản xuất những bộ tách đĩa được trang trí để bói bã trà. Nhiều thiết kế trong số này đã được cấp bằng sáng chế và đi kèm với hướng dẫn giải thích phương thức sử dụng của chúng. Một số được dùng làm quà tặng cho khách mua trà số lượng lớn.

Bộ tách, đĩa chuyên dụng bói trà. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Bói cà phê

Truyền thống bói cà phê thường sử dụng cách pha cà phê kiểu Ả-rập hoặc kiểu Thổ Nhĩ Kỳ - vì hai phương pháp này cho ra lớp cặn cà phê dày.

Bói cà phê. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Ngoài việc đọc một cách đơn giản trực tiếp, người ta cũng có thể thêm những biến thể. Có thầy bói yêu cầu đậy đĩa lên tách và lộn ngược lại. Theo truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ, những người bói cà phê thường giải thích tách được chia làm 2 nửa theo chiều ngang: các biểu tượng xuất hiện ở nửa dưới được hiểu là thông điệp liên quan đến quá khứ, các biểu tượng ở nửa trên là thông điệp liên quan đến tương lai. Về việc này, có thầy bói cho rằng tách cà phê có thể nói trúng quá khứ, nhưng không thể dự đoán các sự kiện sau 40 ngày trong tương lai.

Chiếc tách cũng có thể được chia theo chiều dọc để xác định câu trả lời "có" hoặc "không", cũng như kết quả “tích cực” hoặc “tiêu cực” của các sự kiện. Ví dụ: một số thầy bói có thể diễn giải các biểu tượng ở nửa trái là kết quả tiêu cực, trong khi các biểu tượng ở nửa phải là tích cực.

Ngoài tách thì đĩa cũng có thể tham gia vào việc xem bói. Ví như tách và đĩa bị dính chặt và khó tách chúng ra, thì người ta tin rằng không cần đọc chiếc tách đặc biệt này. Đây là trường hợp “dự đoán của nhà tiên tri”, theo đó người uống tách cà phê đó là người may mắn, không cần xem bói. Ngoài ra, nếu một mảng lớn bã cà phê rơi xuống đĩa khi tách cốc, điều này có nghĩa là chủ nhân của tách cà phê sẽ sớm thoát khỏi mọi rắc rối và buồn phiền, nhưng cũng có thầy bói cho rằng nếu cà phê nhỏ xuống đĩa khi tách được mở ra, thì chủ nhân sẽ sớm có chuyện buồn rơi nước mắt. Nói chung, tùy vào thầy bói và phương pháp bói, mà kết quả sẽ được diễn giải “tích cực” và “tiêu cực”.

Bói rượu vang

Thực tế, việc bói vết cặn rượu vang chỉ là một phần trong rất nhiều cách sử dụng rượu vang để bói ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Ở La Mã, việc xem bói được thực hiện bởi những nữ tư tế chuyên trách (bacchante), loại rượu dùng để bói là cũng là loại dùng để cúng tế thần linh. Cách bói rất đa dạng, người ta có thể bói qua vết ố rượu vang để lại trên giấy hoặc vải; qua vết cặn rượu ở cốc, ở bình, ở thùng chứa; qua màu sắc và mùi vị của rượu.

Người phụ nữ cúng tế rượu cho thần linh. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Vậy tasseography có chính xác không?

Các chuyên gia về Trung Quốc thường dùng thuật ngữ “bói lá trà” (“tea-leaf reading”) hoặc “Pekingology” để ám chỉ chính sách kinh tế chính trị của nước này rất khó đoán, khiến cho ai nghiên cứu cũng đau đầu mò mẫm. Có thể thấy trong tư tưởng của nhiều người hiện nay thì xem bói là một dạng đoán mò, mê tín dị đoan, nếu như nói trúng thì ắt hẳn là nhờ sử dụng kỹ năng quan sát hoặc xảo thuật tâm lý.

Cần thấy rằng loại phương pháp bói đồ vật, đọc biểu tượng rất dễ bị nhiễu động bởi tạp niệm cũng như môi trường. Điển hình như bói bài Tarot, khi một người mang theo mong muốn, dục vọng rất mạnh mẽ mà xem, lại gặp thầy bói trải bài không cao tay, thì các quân bài lật ra chỉ đơn thuần thể hiện mong muốn, dục vọng đó mà thôi. Nói chung những người am hiểu văn hóa và bói toán đều rút ra nhận định rằng: công cụ bói chưa bao giờ quan trọng hơn người xem bói, người bói giỏi không bao giờ trở thành nô lệ của công cụ xem bói.

Về cơ bản, đã là con người trong mối quan hệ tương tác với vạn vật, bản thân cũng là nguồn thu phát tín tức, thì ắt là có thể đọc được. Nhưng điều kiện tiên quyết là cần loại bỏ sự nhiễu động, tạp niệm xâm lấn, ở cả khách xem và thầy bói. Sở dĩ bói trà có thể khởi lên và lưu truyền được, là vì nó xây dựng trên nền tảng văn hóa pha trà, uống trà. Từ các bước chuẩn bị cho đến người tham gia và không gian thưởng thức vốn đã mang tính tao nhã, thanh tịnh, loại bỏ rất nhiều nhiễu động và tạp niệm không đáng có. Quả thực rất có đạo lý.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Bói trà: Tại sao trà có nguồn gốc châu Á nhưng bói trà lại khởi nguồn từ châu Âu