Thành phố linh dị nhất Trung Quốc: Tại sao Nam Kinh thành kinh đô của 6 triều đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành phố Nam Kinh hiện nay là một trong 4 thành phố lớn của Trung Quốc, nơi đây đã từng là kinh đô của ít nhiều triều đại. Người Nam Kinh vẫn thường chứng kiến những sự kiện linh dị xảy ra, thậm chí truyền thông còn đưa tin. Những sự việc kỳ lạ này có liên quan gì đến phong thủy và lịch sử Nam Kinh không? Bài viết này sẽ cố gắng tìm ra câu trả lời.

Một ngày tháng 11 năm 2007, anh Kim, cư dân thành phố Nam Kinh tan tầm lái xe về nhà. Con đường nhỏ này, mấy năm nay, ngày ngày anh Kim đều đi đi về về, quá đỗi thân thuộc rồi. Nói theo cách của anh là ‘nhắm mắt cũng có thể lái xe về nhà được’. Anh Kim thong thả lái xe, xe anh theo sát sau một chiếc taxi. Ngày hôm đó, xe cộ rất ít, và trên đường đi luôn gặp đèn xanh.

Chiếc taxi qua một ngã tư liền đi vào làn xe thô sơ, anh Kim cũng đi sát theo sau. Vì ngày hôm đó sửa chữa đường tàu điện ngầm, nên đoạn đường này cho phép ô tô đi vào làn xe thô sơ. Nhưng bất ngờ là, đúng lúc này xảy ra một sự kiện. Khi đó trên đường không có chiếc xe đạp nào, anh Kim lái xe được khoảng 40, 50 mét, anh thấy phía trước có một ngã ba, chiếc taxi vèo một cái vút qua.

Anh Kim nhìn kỹ, đây là một ngã 3 nhỏ, và đang đèn xanh, anh liền yên tâm lái xe theo chiếc taxi. Đúng lúc đó, anh nghe thấy một tiếng kêu kinh hãi, sau đó là nghe thấy tiếng va 2 chạm lớn “Rầm! Rầm!”, chiếc xe của anh chấn động. Anh Kim cảm thấy chiếc kính anh đang đeo văng ra, sau đó mắt anh tối sầm, mặt tê dại.

Cũng may, anh Kim xuất thân từ quân ngũ, nên lập tức trấn tĩnh lại. Trước tiên anh vội vàng tìm cặp kính, đeo lên, kéo cửa xe xuống mới nhìn rõ, mũi xe của chiếc xe con Hồng Kỳ ở phía trước đã bị đâm méo mó, và hai cánh cửa một chiếc xe BMW cũng bị đâm nát. Điều này có nghĩa là 3 chiếc xe đã đâm vào nhau.

Anh Kim vô cùng ngạc nhiên, ngã 3 như thế này, tại sao mọi người lại đâm vào nhau được? Anh nhìn về phía bên phải, bỗng ngây người, trước mắt có phải là ngã 3 đâu, rõ ràng là một ngã tư rộng lớn.

Công ty bảo hiểm thấy tình huống này, nhất quyết cho rằng anh đã uống rượu say khi lái xe. Thế nhưng kết quả xét nghiệm máu chứng minh rằng, anh Kim khi đó không hề uống một hớp rượu nào.

Càng kỳ lạ hơn là, tài xế chiếc xe BMW cũng giống như anh Kim, anh ta nói rằng trước khi sự cố xảy ra, anh hoàn toàn mất phản ứng, và cũng không nhớ gì, không biết xung quanh lúc đó như thế nào, anh ta chỉ đi theo chiếc xe Hồng Kỳ, chỉ cần đạp phanh là chắc chắn sẽ không thể nào đâm xe được.

Lúc này, người đi đường vây quanh xem liền nói: “Đây là cổng phía Tây của Cố cung triều Minh, thường xuyên xảy ra trường hợp người giao thông mơ mơ màng màng”.

Đây có phải là tin đồn không? Hoàn toàn không. Năm 2007, một tờ báo của Nam Kinh có đăng một bài báo về bản tin xã hội thực sự xảy ra, những sự tình kỳ lại ở Cố cung triều Minh đã không phải chỉ là một vài chuyện. Câu chuyện nói trên chỉ là một phần của tảng băng. Do đó người dân địa phương gọi vui khu vực đó là “Bermuda của Nam Kinh”.

明故宫·南京·航拍.jpg
Cố cung triều Minh - nơi mệnh danh là Bermuda của Nam Kinh. (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Thực ra, ngoài Cố cung triều Minh, Nam Kinh còn có nhiều địa điểm linh dị khác. Nếu vào đêm hè gió mát, nếu bạn ngồi dưới chân tường thành cổ của triều Minh, trò chuyện với một cụ già Nam Kinh, ông lão nhất định sẽ kể cho bạn một đống chuyện linh dị với những tình tiết phong phú, khiến bạn lạnh từ đầu đến chân.

Nam Kinh là cố đô của 6 triều đại, sao lại có những chuyện kỳ lạ này? Để tìm hiểu việc này thì trước hết cần phải tìm hiểu về phong thủy Nam Kinh.

Phong thủy Nam Kinh

Giang Nam giai lệ địa
Kim Lăng đế vương châu
Uy di đới lục thủy
Điều đệ khởi chu lâu

Tạm dịch:

Giang Nam vùng đất xinh tươi
Kim Lăng vương đế bao đời định đô
Sông xanh uốn lượn như tơ
Xa xa thấp thoáng mờ mờ lầu son

Nam Kinh xưa được gọi là Kim Lăng, xứng danh nơi địa linh nhân kiệt, phồn hoa hội tụ, là kinh đô cổ 6 triều đại, cái tên này cũng không phải tùy ý đặt tên. 6 triều đại là chỉ Đông Ngô thời Tam Quốc, Đông Tấn sau này, và các triều Tống, Tề, Lương, Trần thời Nam Bắc triều.

Thực ra còn có các triều đại khác định đô ở đây. Sau triều Tùy còn có triều Nam Đường thời Ngũ đại Thập quốc, thời kỳ đầu triều Minh, và Thái Bình Thiên Quốc thời cận đại, và chính phủ Quốc dân Nam Kinh của Trung Hoa Dân Quốc cũng định đô nơi này.

Ngày nay có Bắc, Thượng, Quảng, Thâm (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến).

Ngày xưa có Trường, Lạc, Kim, Yên (Trường An, Lạc Dương, Kim Lăng - tức Nam Kinh, Yên Kinh - tức Bắc Kinh). Đây là 4 đại đô thị lớn trong lịch sử Trung Quốc, còn được gọi là Tứ Đại Danh Đô.

Có nhiều triều đại như thế này đã chọn Nam Kinh định đô, thì nhất định phải có những điều kiện rất tốt. Ngoài việc các khu vực xung quanh Nam Kinh phải có giao thông thuận tiện, sản vật phong phú, có thể cung cấp cho lượng dân số lớn ra, nó ắt phải là cái gọi là “Hình thắng chi địa”. Nghĩa là nó ắt phải có núi non bao bọc, sông nước vây quanh, là vùng đất tụ khí tàng phong, còn phải là vùng đất có tập kết long mạch. Việc lựa chọn kinh đô các vương triều xưa đều rất coi trọng về mặt phong thủy.

Chúng ta hãy quay lại năm 208, tức năm Kiến An thứ 13 thời Đông Hán, Tào Tháo thống nhất phương Bắc, dẫn đại quân hiệu xưng là 80 vạn quân thủy lục, muốn nhất cử san phẳng Lưu Bị và Đông Ngô, nhất thống Hoa Hạ.

Gia Cát Lượng, người vừa mới ra khỏi lều tranh, đi sứ đến Đông Ngô, thay mặt Lưu Bị thuyết phục Tôn Quyền lập liên minh Tôn Lưu, cùng chống lại Tào Tháo.

Đô thành của Đông Ngô khi đó là Kinh Khẩu. Nam Kinh khi đó có tên là Mạt Lăng. Khi Gia Cát Lượng đi qua Mạt lăng thì cảm thán rằng: “Một nơi chung phụ long bàn, thạch thành hổ cứ, quả là vùng đất định đô của đế vương”.

Gia Cát Lượng nói câu này có ý nghĩa gì. Sau này cuốn sách “Lục triều sự tích” đã cho câu trả lời. Ý nghĩa là: Núi Chung Sơn ở phía đông Nam Kinh giống như một con rồng xanh, núi Thanh Lương ở phía tây giống như một con hổ trắng, hình thành thế “long bàn hổ cứ”, trường khí lớn mạnh. Đây chính là nơi lý tưởng xây dựng kinh đô đế vương.

Ngoài núi Chung Sơn và núi Thanh Lương, tại địa điểm là hoàng cung của Nam triều - Cung thành cũ của Nam Kinh, phía nam là vùng đất bằng phẳng rộng lớn, phong thủy gọi là “chu tước minh đường”, phía bắc là núi Kê Lung và hồ Huyền Vũ, hợp thành tạo hình “Huyền Vũ” - Thần thú quy xà hợp thể.

Hoàng cung Kim Lăng của Nam triều tọa lạc giữa tứ đại Thần thú Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ, khí đế vương như thấp thoáng hiển hiện.

Hoàng cung Kim Lăng của Nam triều tọa lạc giữa tứ đại Thần thú Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. (Chụp video)

Người xưa nói: Không sợ Thanh Long cao vạn trượng, chỉ sợ Bạch Hổ ngẩng đầu trông. Việc lựa chọn nhà ở và thành phố, thông thường là vật địa tiêu ở phía đông phải cao hơn phía tây thì mới là cát tường, nếu trái lại, phía tây cao, phía đông thấp, thì bị gọi là Bạch Hổ xung sát, đây là bố cục phong thủy không lành.

Phía đông của Nam Kinh là núi Chung Sơn, đỉnh chính cao 400 m, phía tây là núi Thanh Lương khá thấp, chỉ cao trên 100 m. Thanh Long áp Bạch Hổ, tượng trưng cho chủ minh thần hiền, tạo thành phong thủy thuận vị. Thế là Kim Lăng, vùng đất bảo địa này, Thanh Long uốn lượn, Bạch Hổ phục thấp, Huyền Vũ cúi đầu, Chu tước nhảy múa. Những Thần thú 4 phương vị tạo thành sự hòa hợp, do đó mới khiến vị kỳ tài Gia Cát Lượng tấm tắc khen ngợi, quả đúng là vùng đất tốt.

Công viên núi Thanh Lương của Nam Kinh ngày nay có dốc Trú Mã, tương truyền năm xưa Gia Cát Lượng đã dừng chân, chỉ ra núi sông - vương khí của Kim Lăng.

Ngoài việc 4 Thần thú Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ bảo vệ ra, thì khi chọn địa điểm định đô, quan trọng nhất là long mạch. Thông thường cho rằng Trường Giang phía bắc Nam Kinh là thủy long, cũng là bắc long, phía nam là một loạt núi như Thang Sơn, Phương Sơn, Ngưu Đầu Sơn.

Theo bố cục của địa lý Trung Quốc, một loạt dãy núi khởi nguồn từ Vân Quý, xuyên suốt Hoa Nam chạy dài đến Giang Tô, được gọi là nam long. Mấy quả núi phía nam Nam Kinh nằm ở vị trí đầu rồng của nam long. Vị trí gọi là huyệt kết long mạch nam long chính là ở núi Chung Sơn phía đông Nam Kinh.

Long huyệt nằm ở đó có 2 tầng ý nghĩa. Một là gần giống với huyệt vị của Đông y, nó là nơi hội tụ sinh khí và năng lượng, tức là nơi hội tụ linh khí. Cứ trú ở nơi này sẽ đem lại sự thịnh vượng dài lâu. Một ý nghĩa nữa là sào huyệt, là nơi long bàn hổ cứ cư trú.

Sở dĩ rồng được gọi là linh thú bởi vì nó đằng vân biến hóa, có thể lớn có thể nhỏ. Lúc biến lớn, nó có thể thân dài vạn trượng, bay trong hư không vũ trụ. Lúc nó biến nhỏ, có thể ở nơi bằng lòng bàn tay, kết huyệt làm tổ. Nếu rồng ở một nơi nào đó, thì đương nhiên sẽ đem lại phúc khí. Nếu rồng chỉ đi qua một nơi nào đó, thì vận may sẽ mất đi trong chớp mắt. Do đó long huyệt ở nơi nào thì rất quan trọng.

Do đó, Nam Kinh phía bắc giáp Trường Giang, 3 mặt còn lại là núi vây quanh, nằm giữa vòng ôm của thủy long và hạn long, quả đúng là nơi tàng phong tụ khí.

Vấn đề đặt ra là, nếu Gia Cát Lượng nhìn ra phong thủy tốt, và ca ngợi nó như thế, tại sao các vương triều định đô ở Nam Kinh trong lịch sử đều không lâu dài? Vương triều lâu nhất là 102 năm, ngắn nhất là Thái Bình Thiên Quốc, chỉ có 11 năm. Chính quyền Quốc Dân Nam Kinh của Trung Hoa Dân Quốc tuy có 2 chữ Nam Kinh, nhưng năm 1937, do kháng chiến, chính phủ trung ương đã rời về Trùng Khánh, tháng 5 năm 1946 mới trở về Nam Kinh. Do đó họ ở Nam Kinh tổng cộng cũng chỉ 13 năm, cũng xấp xỉ như Thái Bình Thiên Quốc.

Như vậy đã xuất hiện vấn đề gì khiến Nam Kinh, nơi phong thủy tốt như vậy cũng không bảo vệ được cơ nghiệp các vương triều. Việc này cần phải xem xét về mấy lần biến đổi phong thủy của Nam Kinh.

Sự thay đổi phong thủy Nam Kinh

Lần thay đổi đầu tiên xảy ra vào thời kỳ trước Chiến Quốc. Một ngày năm 333 TCN, vị hùng chủ một đời của nước Sở là Sở Uy Vương đi tuần, đến núi Sư Tử gần Nam Kinh để du ngoạn. Khi đó vẫn chưa có thành Nam Kinh, chỉ có một thôn trang.

Hôm đó gió mát trong lành, Sở Uy Vương leo lên đỉnh núi ngắm nhìn phong cảnh thỏa thích. Đang lúc vui thích, thì thầy phong thủy ở bên ông bỗng chau mày. Thầy phong thủy đến trước Sở Uy Vương, vái lạy rồi nói: “Bẩm đại vương, non nước nơi này vương khí quá thịnh, e sẽ bất lợi cho Đại Sở chúng ta”.

Sở Uy Vương nghe xong, hứng thú du sơn ngoạn thủy bỗng biến mất, lập tức tỏ ra căng thẳng. Tại sao vậy?

Khi đó kinh đô nước Sở ở Dĩnh Đô, tức vùng Kinh Châu, Hồ Bắc ngày nay. Nam Kinh được coi là vùng biên thùy của Sở, vẫn chưa giữ được ổn định. Vùng đất này lại gần với nước Ngô thời Xuân Thu. Mà nước Ngô là kẻ thù truyền kiếp của nước Sở. Tuy thời Sở Uy Vương thì nước Ngô đã bị diệt vong hơn 100 năm rồi, nhưng trong xã hội, phong khí Ngô Sở đối địch vẫn còn. Nơi này nếu tương lai sinh ra chân long thiên tử, thì chắc chắn sẽ phải lại Đại Sở của ta. Vậy làm thế nào?

Thầy phong thủy đề nghị chôn một tượng người bằng vàng nhỏ dưới đất, giống như búp bê vu cổ. Việc này thời cổ đại gọi là thuật áp thắng, dùng để trấn áp vương khí địa phương. Vùng đất ấy có chôn tượng người bằng vàng nên có tên là Kim Lăng.

Sở Uy Vương khi đó cho dù có tham vọng lớn phá hủy vương khí Kim Lăng, thì cũng lực bất tòng tâm, bởi quốc lực nước Sở lúc đó khá hạn chế. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, sức mạnh thi hành đã mạnh lên nhiều.

Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đi tuần đến vùng Kim Lăng, các thuật sĩ tùy tùng đã đi xem xét xung quanh vùng, và đã nhìn ra vấn đề, và đã bẩm báo với Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng nghe xong thì kinh ngạc kêu lên: “Đất này khí thế to lớn, thì ra là có long mạch”.

Bởi vì Tần Thủy Hoàng rất tin vào phương thuật, nên đi tuần luôn có phương sĩ ở bên. Một trong những mục tiêu đi tuần của ông là khảo sát long mạch của 6 nước bị Tần thống nhất, hễ phát hiện ra liền phá hoại, để chặt đứt khả năng 6 nước khôi phục lại.

Tần Thủy Hoàng trục tiếp điều động quân đội phá phong thủy Kim Lăng. (Tranh Winnie Wang)

Hiện nay phát hiện ra long mạch ở địa giới tiếp giáp giữa Ngô và Sở này, đương nhiên Tần Thủy Hoàng không thể mặc kệ nó mà không xử lý. Tần Thủy Hoàng quả là xứng danh đệ nhất đế, ra tay là khác người thường. Chôn tượng người bằng vàng chỉ là trò trẻ con, Tần Thủy Hoàng đã trực tiếp thay đổi diện mạo địa hình. Thế là ông điều động quân đội đào đứt các núi Phương Sơn, Sư Tử Sơn và Mã Yên Sơn.

Khi đó, ở gần Nam Kinh có một con sông có tên là Long Tàng Phố, bởi vì ngụ ý có rồng ẩn tàng ở đó. Tần Thủy Hoàng cũng cảm thấy không lành, ông hạ lệnh đào đất thay đổi hướng dòng sông, để nó chảy sang hướng bắc, xuyên qua Nam Kinh. Vì con sông này là do Tần Thủy Hoàng cải tạo, nên được gọi là sông Tần Hoài.

Tần Thủy Hoàng phá núi đào sông, lại khiến con sông chảy xuyên qua, mục đích của Tần Thủy Hoàng là khiến vương khí của mảnh đất này tản mất. Vẫn chưa hết, Tần Thủy Hoàng nảy ra ý tưởng, thấy cái tên Kim Lăng này quá sáng láng, nên đã đổi tên là Mạt Lăng, ý nghĩa là bãi đất cỏ cho ngựa ăn. Ngay cả chiêu ô danh hóa này, Tần Thủy Hoàng cũng nghĩ ra được, sau này nếu có đối thủ muốn định đô ở đây, có thể thấy cái tên xấu xí này mà do dự, quả là không hổ danh thiên cổ nhất đế, lắm mưu nhiều kế.

Nhưng sau này Tôn Quyền tỏ ra không phục: “Ông biết ô danh hóa, ta không biết đổi lại sao?”. Năm Kiến An thứ 17 đời Đông Hán, Tôn Quyền đã đổi tên Mạt Lăng thành Kiến Nghiệp, với ý nghĩa là kiến công lập nghiệp.

Sở Uy Vương và Tần Thủy Hoàng là 2 người phá hoại phong thủy Kim Lăng nổi tiếng nhất. Nhưng cho dùng không có 2 lần phá hoại này, thì phong thủy Kim Lăng tuy đẹp nhưng vẫn có chỗ khiếm khuyết.

Khiếm khuyết của phong thủy Nam Kinh

Vấn đề chủ yếu này hai long mạch thủy hạn không cân bằng. Trường Giang ở phía bắc là thủy long quá mạnh, lưu lượng nước quá lớn, còn dãy núi ở 3 mặt còn lại của Nam Kinh lại quá thấp, khí thế quá yếu. Thủy long quá cường thịnh, sẽ nhanh chóng cuốn đi những khí kết tụ. Do đó trường khí ở đây không cân bằng, không thể lâu dài.

Thời cận đại, trên Trường Giang xây dựng nhiều cây cầu lớn vượt sông. Các nhà phong thủy giải thích rằng, như thế này có thể ngăn cản thủy long, giảm bớt lưu lượng nước, có lợi cho phong thủy Nam Kinh. Nhưng vào thời tiền công nghiệp hóa, thì không đủ khả năng xây dựng những cây cầu lớn.

Ngoài Sở Uy Vương và Tần Thủy Hoàng cải tạo phong thủy Nam Kinh ra, trong lịch sử còn có mấy lần cải tạo quan trọng nữa nhưng lại không nổi tiếng. Một lần vào năm 589, Tùy Văn Đế Dương Kiên sau khi tiêu diệt Nam Trần đã hạ chiếu san phẳng Kim Lăng, toàn bộ tòa thành bị phá hủy, biến thành đồng ruộng. Trên mảnh đất đã từng là đô thị phồn hoa, sau đó được trồng cải trắng.

Một lần nữa là vào thời kỳ đầu triều Minh, Lưu Bá Ôn kiến nghị với Chu Nguyên Chương chuyển hoàng thành nhà Minh, sau này là Cố cung nhà Minh, đến một nhánh của núi Chung Sơn, rời khỏi nơi là hoàng thành của Nam Triều trước đó. Ngoài ra, còn lấp hồ Yến Tước.

Hồ Huyền Vũ và núi Tử Kim Nam Kinh. (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 4.5)

Lần cải tạo này, có cái là phá hoại phong thủy Nam Kinh, có cái lại là tu bổ phong thủy. Sau nhiều lần cải tạo phong thủy, Nam Kinh tuy về kinh tế văn hóa vẫn luôn phát triển, là nơi phồn hoa bạc vàng, cũng là nơi nhân tài hội tụ, nhưng nó cũng là nơi bi kịch, họa đao binh, chiến tranh liên tiếp xuất hiện xen kẽ với phồn hoa.

Bi kịch Nam Kinh

Tháng 7 năm 1864, em trai Tăng Quốc Phiên là Tăng Quốc Thuyên dẫn Tương quân (quân đội Hồ Nam) bao vây tấn công trong thời gian dài, cuối cùng đã công phá tường thành Nam Kinh. Khi đó Nam Kinh là thủ đô của Thái Bình Thiên Quốc, được đổi tên là Thiên Kinh. Tương quân ào ào như ong vỡ tổ, chia quân làm mấy lộ, một lộ xông thẳng đến Thiên Vương phủ ở trung tâm thành Thiên Kinh. Mấy lộ khác nhanh chóng cướp đoạt các cổng thành. Sau đó Tương quân thảm sát thành Thiên Kinh, tiếng gào thét khóc lóc vang khắp thành.

Nam Kinh nhanh chóng trở thành địa ngục trần gian. Già trẻ trai gái chết ngổn ngang đường phố, không ai thoát khỏi cuộc tàn sát thú tính của Tương quân. Những người duy nhất thoát khỏi tàn sát là những cô gái trẻ, nhưng họ phải đối diện với vận mệnh càng thê thảm hơn.

Tương quân không chỉ giết người, còn đi từng nhà cướp bóc, sau đó phóng hỏa đốt toàn bộ đô thị.

Trong cuộc thảm sát này, rốt cuộc có bao nhiêu người mất mạng? Hiện nay không thể nào khảo chứng được nữa. Ước tính đại thể khoảng 300.000 người. Tuy nhiên, từ một con số khác có thể nhìn ra phần nào. Thời kỳ cường thịnh của Thái Bình Thiên Quốc, Nam Kinh có khoảng 1 triệu người. Đến năm 1875 khi hoàng đế Quang Tự lên ngôi, dân số Nam Kinh chưa đến 500.000 người. Sau cuộc thảm sát, trong thành không còn nổi một cái cây nguyên vẹn. Tương quân thảm sát Nam Kinh xảy ra cách ngày nay không lâu, chỉ hơn 100 năm trước, nhưng nó lại là bi kịch trong lịch sử cận đại mà mọi người biết rất ít.

Thảm sát Nam Kinh trong lịch sử ghi chép có 5 lần, lần xa hơn là loạn Hầu Cảnh năm cuối triều Nam Lương thời Nam Bắc triều. Gần đây 2 lần là đại thảm sát khi Tương quân tấn công Nam Kinh, và năm 1937, đại thảm sát khi quân Nhật tấn công Nam Kinh.

Trong lịch sử, nơi nhiều lần xảy ra đao binh thì sẽ kết tụ oán khí, oan hồn lơ lửng không dễ tiêu tán, do đó dễ xảy ra những hiện tượng linh dị như ở đầu bài viết. Địa điểm linh dị nổi tiếng nhất Nam Kinh là gần Cố cung triều Minh, đường Long Bột Tử - con đường dẫn đến Minh Hiếu Lăng và Trung Sơn Lăng, cũng là chiến trường cổ xưa. Ngoài ra còn có những nơi như Phu Tử Miếu, Vũ Hoa Đài v.v.

Trung Hòa
Theo Wenzhao



BÀI CHỌN LỌC

Thành phố linh dị nhất Trung Quốc: Tại sao Nam Kinh thành kinh đô của 6 triều đại