Trung Quốc thành công trong việc robot hoá chim bồ câu - có thể ứng dụng trong quân sự

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã đạt bước đột phá trong việc robot hoá chim bồ câu - thực hiện chuyến bay kéo dài hai giờ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng năng lượng mặt trời gắn trên lưng chim bồ câu - để cung cấp năng lượng cho thiết bị điều khiển trên đầu của nó.

Các nhà khoa học, dẫn đầu bởi giáo sư Huai Ruituo tại Đại học Khoa học và Công nghệ Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc cho biết, họ đã sử dụng thiết bị điều khiển não chạy bằng năng lượng mặt trời để điều khiển một số chim bồ câu bay trong gần hai giờ vào một ngày nắng đẹp.

Trung Quốc thử nghiệm thành công robot hoá chim bồ câu

Theo một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Kỹ thuật Y sinh được bình duyệt của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã đặt một tấm pin mặt trời - có kích thước bằng một nửa màn hình điện thoại thông minh - lên lưng một con chim bồ câu.

Tấm pin được nối với một pin lithium nhỏ để cấp nguồn cho thiết bị điều khiển não trên đầu của chú chim. Thiết bị tạo ra các tín hiệu kích thích thần kinh trong não của chim; và được kết nối với cơ sở điều khiển của con người.

Thử nghiệm của nhóm với năm con chim bồ câu cho thấy những con chim có thể tuân theo các mệnh lệnh đơn giản - chẳng hạn như quay sang phải hoặc trái - với độ chính xác 80-90%. Các nhà nghiên cứu cho biết những con chim đôi khi vẫn không có phản ứng vì mệt mỏi hoặc bị phân tâm mạnh.

Huai cho biết hiệu suất của thiết bị điều khiển có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giảm gánh nặng thu thập và tính toán dữ liệu.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng trong các thí nghiệm trước đó, chim bồ câu robot chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ trong khoảng 45 phút - thời lượng tương tự như một máy bay không người lái thương mại thông thường - vì kích thước pin hạn chế mà chim có thể mang theo.

Với thiết bị mới, "robot động vật có thể được điều khiển để hướng tới khu vực có ánh nắng mặt trời, nếu năng lượng còn lại ở mức thấp", Huai và các đồng nghiệp của cô viết trong bài báo.

Chú chim trong thí nghiệm robot hoá chim bồ câu, được gắn tấm pin năng lượng trên lưng và thiết bị điều khiển não trên đầu.
Chú chim trong thí nghiệm robot hoá chim bồ câu, được gắn tấm pin năng lượng trên lưng và thiết bị điều khiển não trên đầu. (Ảnh: Tạp chí Kỹ thuật Y sinh Trung Quốc)

Thử nghiệm robot hoá động vật trên thế giới

Một số quốc gia trên khắp thế giới cũng đã tham gia lĩnh vực này, họ nghiên cứu sử dụng công nghệ tương tự đối với một số loài động vật, như bọ cánh cứng, ong, tắc kè, chuột và cá mập.

Một nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh đang nghiên cứu việc sử dụng robot ở động vật cho biết công nghệ này - thường yêu cầu phẫu thuật cấy ghép dây vào não động vật - có tiềm năng sử dụng trong một số ứng dụng quân sự. Các loài động vật được điều khiển não thường mang theo các công cụ thu thập thông tin tình báo hoặc vũ khí trong các tình huống nguy hiểm như hoạt động chống khủng bố hoặc nhiệm vụ chiến đấu.

Vào năm 2006, Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DAPRA) đã công bố kế hoạch chế tạo thiết bị điều khiển sóng não với cá mập xanh, nhằm sử dụng cho việc tuần tra và bảo vệ các căn cứ hải quân. Gần đây nhất, DARPA được cho là đang nghiên cứu việc biến côn trùng thành công cụ phát hiện bom, thông qua việc cấy một vi mạch vào chúng khi vẫn ở giai đoạn kén.

Cách đây không lâu, các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo thành công một bộ điều khiển gián, để sử dụng cho việc tìm kiếm những nạn nhân mắc kẹt vì động đất hoặc thu thập dữ liệu trong các khu vực có nồng độ phóng xạ cao.

Hạn chế về nguồn cấp năng lượng là một thách thức

Các hành vi của động vật thường được điều khiển thông qua các tín hiệu thần kinh do các nhà nghiên cứu tạo ra để kích hoạt các cảm giác khó chịu như đau hoặc sợ hãi, thúc đẩy một hành động tức thì như quay sang phải hoặc trái.

Để hoạt động bình thường, bộ tạo tín hiệu, chip máy tính và các thành phần giao tiếp cho thiết bị điều khiển não bộ cần được cung cấp năng lượng ổn định, liên tục.

Vượt qua những khó khăn về nguồn cung cấp năng lượng hạn chế là một thách thức lớn khiến công nghệ này không thể áp dụng vào các tình huống thực tế, chẳng hạn như tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trong các thảm họa và các hoạt động quân sự.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết nghiên cứu của họ cho thấy hệ thống này có thể tăng thời gian cung cấp điện hiệu quả lên gần 40%, ngay cả trong những ngày nhiều mây.

Các giải pháp cung cấp năng lương khác

Theo các nhà nghiên cứu, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và DARPA đã nghiên cứu một số phương pháp cung cấp năng lượng, bao gồm sử dụng lượng đường trong máu của động vật hoặc chuyển động cơ của chúng để tạo ra điện, cũng như truyền tải điện không dây.

Nhưng các hệ thống này khá phức tạp, trong khi một tấm pin mặt trời cung cấp một giải pháp kỹ thuật đơn giản. Nhưng có vấn đề ở chỗ là nó làm tăng thêm trọng lượng và giảm khả năng di chuyển của động vật.

Trong thế giới hỗn loạn, đa cực và nhiều thảm họa như hiện nay, việc nghiên cứu robot hoá chim bồ câu và các động vật khác để ứng dụng trong cứu hộ cứu nạn và quân sự là một nhu cầu có thực.

Theo SCMP/Vietnamnet

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thành công trong việc robot hoá chim bồ câu - có thể ứng dụng trong quân sự