Cựu nhà ngoại giao Trung Quốc: World Cup và vụ hỏa hoạn ở Tân Cương đã thức tỉnh người dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tối ngày 27/11, rất đông người dân đã tập trung tự phát trên đường Wulumuqi ở Thượng Hải để bày tỏ lòng thương tiếc tới các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương. Theo một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc, World Cup ở Qatar cũng khiến nhiều bạn trẻ nhìn ra sự thật, các nước trên thế giới không có những hạn chế như Trung Quốc - nơi đang nhốt nhân dân như nhà tù.

Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), một cựu quan chức ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nói với The Epoch Times hôm 28/11 rằng, nếu ông Tập Cận Bình không từ bỏ chính sách Zero Covid, nó có thể dẫn đến những thay đổi lớn và Trung Quốc đang trong một bước ngoặt lớn.

11 luật sư tuyên bố hỗ trợ miễn phí cho những người bị bắt

Sau vụ hỏa hoạn khiến 10 người tử vong ở thủ phủ của Tân Cương do hệ quả của chính sách Zero Covid, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Một số người đã hô vang những khẩu hiệu như "Đảng Cộng sản [Trung Quốc] hạ đài". Sau đó, chính quyền đã cử cảnh sát đặc nhiệm đến bắt người tại hiện trường.

Theo thông tin truyền ra từ Trung Quốc đại lục và đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội tại hải ngoại, người biểu tình tại các thành phố như Thượng Hải, Bắc Kinh, Trường Sa, v.v. đã bị cảnh sát bắt giữ.

Một tài khoản Twitter cho hay, "Tại ngã tư tượng đồng Niếp Nhĩ ở Thượng Hải, cảnh sát đã bắt người bừa bãi từ 10h đến 12h tối ngày 27/11". Tín hiệu điện thoại ở khu vực này đã bị chặn.

Trang tin tức Dân sinh Quan sát (CRLW) của người Hoa ở hải ngoại đưa tin hôm 28/11 rằng, vào tối ngày 27/11, công dân đầu tiên bị bắt trên đường Wulumuqi (âm pinyin của Urumqi) đoạn Trung lộ ở Thượng Hải tên là Hoàng Hạo (Huang Hao), hiện đang là nghiên cứu sinh năm nhất tại Đại học Thượng Hải chuyên ngành nghiên cứu văn hóa; Triệu Thần Dật (Zhao Chenyi) từ Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải hiện đang mất liên lạc sau khi đi đến đường Wulumuqi Trung lộ; còn ở Nam Kinh, một sinh viên Đại học Truyền thông Nam Kinh tên là Trần Gia Huy (Chen Jiahui) cũng bị cảnh sát bắt đi.

Vào sáng ngày 28/11, một sinh viên đã bị một số người đàn ông mặc đồ đen bắt đi ở lối vào Căng tin Ngũ Học của Đại học Bắc Kinh, khi đó các sinh viên đã hét lên "Không tự do, chi bằng chết".

Vào lúc 5 giờ chiều ngày 28/11, cô Đường Ngọc Xuân (Tang Yuchun) đã bị ba cảnh sát mặc thường phục của quận Thiên Tâm, thành phố Trường Sa tới nhà bắt đi trong khi không có giấy triệu tập. Trước đó cô đã cầm một tờ giấy trắng trên đường Hoàng Hưng, Trường Sa.

Liên quan đến các vụ bắt giữ hiện tại, 11 luật sư ở Trung Quốc bao gồm các ông Vương Thắng Sinh (Wang Shengsheng), Lô Tư Vị (Lu Siwei), v.v. tuyên bố rằng trong khả năng của mình, họ sẽ hỗ trợ pháp lý miễn phí cho những người bị mất liên lạc hoặc bị bắt.

Vụ hỏa hoạn ở Urumqi và World Cup đã thức tỉnh người dân Trung Quốc

Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Trần Dụng Lâm nói rằng, tình hình hiện tại có thể sẽ là một bước ngoặt, và chính sách Zero Covid đã gây ra tác hại nghiêm trọng cho hầu hết người dân Trung Quốc. Hầu như người dân các tỉnh thành đều phải chịu đựng bạo lực từ cảnh sát và “Đại Bái" (Big Whites - từ để chỉ lực lượng phòng chống dịch bệnh mặc đồ bảo hộ màu trắng), ngày càng có nhiều câu chuyện đẫm máu.

"Vụ hỏa hoạn ở Urumqi khiến nhiều người bàng hoàng. Đặc biệt là cư dân ở các thành phố lớn, họ cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự. Các lối thoát hiểm và toàn bộ con đường đều bị phong tỏa", ông Trần nói.

Ông chỉ ra rằng, “Cân nhắc đến sự an toàn của bản thân, họ đã không thể chịu đựng nổi nữa. Đặc biệt là sự ‘im lặng’ cứ diễn ra không ngừng, vì người khác dương tính mà bản thân phải bị cách ly, không những mất tự do mà còn kéo theo bao bi kịch gia đình”.

Ngoài ra, ông còn cho rằng World Cup ở Qatar cũng khiến nhiều bạn trẻ nhìn ra sự thật, các nước trên thế giới không có những hạn chế như Trung Quốc - nơi đang nhốt nhân dân như nhà tù.

Theo ông, tình hình hiện nay đã thôi thúc nhiều bạn trẻ bắt đầu suy nghĩ độc lập, nhất là khi liên quan đến lợi ích của bản thân, họ sẽ suy nghĩ nghiêm túc. Những người này trước đây đều bị tẩy não, nghe theo một cách mù quáng và bị những lời dối trá của ĐCSTQ lừa dối, ngay cả lối tư duy của họ cũng là theo cách mà ĐCSTQ “giáo dục”.

“Trước đây họ không biết nhiều về chân tướng, nhưng bây giờ một khi biết được sự thật, nhiều người đã thức tỉnh, đặc biệt là những người trẻ tuổi đã thức tỉnh ngay lập tức”, ông nói.

Người dân bắt đầu phản kháng, ĐCSTQ không thể chặn mọi thông tin

Ông Trần Dụng Lâm cho biết, hiện nay người dân toàn Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển, đang dũng cảm xuống đường biểu tình và đấu tranh cho tự do. Đặc biệt là phản đối xét nghiệm PCR, phản đối mã sức khỏe, phản đối việc cầm cố sự tự do của họ.

"Mục đích thực sự của cái gọi là Zero Covid của chính quyền Trung Quốc, đó là để duy trì ổn định và giám sát những người phản đối chính phủ, những người bất mãn bất cứ lúc nào. Trung Quốc là một xã hội rừng rậm, theo đuổi lợi ích là một động lực quan trọng và động lực của đồng tiền cũng khá lớn. Nhưng trong tình hình đại dịch, đại đa số mọi người đều được đãi ngộ như nhau", ông nói.

Ông cho rằng, phần lớn những người trẻ tuổi lớn lên trong những thập kỷ cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời lại không hiểu lịch sử tội ác của ĐCSTQ, thậm chí còn có những bình luận tích cực về chính quyền này mà không có năng lực suy nghĩ độc lập. Nhưng giờ đây, họ đã biết được rất nhiều thông tin từ Internet và ĐCSTQ không thể ngăn chặn hoàn toàn.

Ông nói: “Có nhiều kênh để tìm hiểu thông tin, có những vấn đề trong nước không giải quyết được, nước ngoài lại giải quyết được, điều này đã khơi dậy suy nghĩ của nhiều bạn trẻ”.

ĐCSTQ sẽ không thành công nếu đàn áp theo kiểu xã hội đen

Cựu nhà ngoại giao cho rằng, kể từ khi cải cách và mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển và ngày càng có nhiều người chịu nuốt giận vì đồng tiền, vì họ nghĩ rằng làm như vậy sẽ có thể tiếp tục tồn tại, so với thời Cách mạng Văn hóa thì vẫn còn tốt hơn nhiều.

Ông Trần nói: "Nếu ông ấy (Tập Cận Bình) thực sự đóng cửa (bế quan tỏa cảng), vậy thì tình hình sẽ lại biến thành một vấn đề khác. Trước khi đóng cửa, người Trung Quốc vẫn còn cơ hội. Dưới áp lực cao, mọi người đều đưa ra lựa chọn cho số phận của chính mình, ai cũng có quyền lựa chọn".

“Bước tiếp theo, tôi cảm thấy rằng nó (ĐCSTQ) có thể sẽ sử dụng các thủ đoạn xã hội đen như cách nó đàn áp Hong Kong để trấn áp các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Tuy nhiên, dân số của mỗi thành phố ở Trung Quốc tương đối lớn, và nền giáo dục mà người dân nhận được lại là tư duy bạo lực của ĐCSTQ, chính là kiểu giáo dục ăn miếng trả miếng, cho nên cảnh sát ĐCSTQ sẽ không thành công nếu dùng thủ đoạn xã hội đen”.

Theo quan điểm của ông Trần Dụng Lâm, Trung Quốc đại lục khác với Hong Kong, người Hong Kong ủng hộ biểu tình ôn hòa và bất bạo động, cũng chỉ có một số ít người có xung đột với cảnh sát và động thủ một chút. Nhưng Trung Quốc thì khác, nếu xảy ra xung đột bạo lực thì ai cũng có thể là Dương Giai (Yang Jia), ĐCSTQ không đối phó hết được.

Ông nói: "Chúng ta chờ xem Tập Cận Bình sẽ đưa ra lựa chọn nào. Nếu ông ấy không từ bỏ chính sách Zero Covid, thì thực sự có thể thúc đẩy một sự thay đổi lớn ở Trung Quốc. Hiện giờ nó thực sự là một bước ngoặt lớn vô cùng, là một cơ hội lịch sử".

Dương Giai là ai?

Dương Giai (Yang Jia), một công dân Bắc Kinh sinh năm 1980, đã bị xử tử vào năm 2008 vì dùng dao sát hại sáu sĩ quan cảnh sát Thượng Hải.

Theo thông tin công khai, Dương đã bị cảnh sát Thượng Hải bắt giữ và thẩm vấn vào tháng 10/2007 vì đi xe đạp không đăng ký. Theo lời khai sau đó của anh trước tòa, anh đã bị xúc phạm trong quá trình thẩm vấn và bị đánh đập sau khi được đưa trở lại đồn, để lại những vết bầm tím trên cánh tay và lưng. Sau đó, anh Dương kiện cảnh sát vì bị ngược đãi, nhưng không có kết quả.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Dương Giai đã đốt 8 quả bom xăng trước cổng một trụ sở cảnh sát ở ngoại ô Thượng Hải vào khoảng 9h40 sáng ngày 1/7/2008 – ngày kỷ niệm thành lập ĐCSTQ. Trong số các cảnh sát cố ngăn Dương lại, có 6 người đã tử vong và 4 người bị thương.

Dương Giai bị tuyên án tử hình trong một phiên phúc thẩm xét xử kín vào ngày 20/10/2008. Tòa kết luận rằng Dương có đầu óc tỉnh táo. Đã xảy ra một cuộc biểu tình công khai ủng hộ Dương bên ngoài tòa án Thượng Hải nơi tiến hành phiên tòa phúc thẩm, người biểu tình cũng bị bắt.

Trong Báo cáo Nhân quyền năm 2008 của Bộ Ngoại giao Hòa Kỳ có nhắc đến Dương Giai như sau: “Vào ngày 26/11, Dương Giai, người bị buộc tội giết sáu sĩ quan cảnh sát Thượng Hải vào ngày 1/7, đã bị xử tử theo quyết định giữ nguyên bản án của Tòa án cấp cao Thượng Hải. Vụ án của Dương có những bất thường nghiêm trọng tại phiên tòa, và tòa phúc thẩm đã tước đi cơ hội được giám định bệnh tâm thần của anh mặc dù luật sư mới của Dương đã yêu cầu điều đó”.

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cựu nhà ngoại giao Trung Quốc: World Cup và vụ hỏa hoạn ở Tân Cương đã thức tỉnh người dân